Liêm sỉ của quan nhân

Liêm sỉ và cái bia miệng

Thứ Ba, 20/09/2016, 10:52
Mấy ngày nay, theo dõi người ta cãi nhau, xoay quanh cái chuyện có nên cho học sinh học chữ Hán hay không mà thấy hoang mang quá.

Trong bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2016) có đoạn kết rất hay: "Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước". Cụm từ "có liêm sỉ" là nội hàm của chuyên đề này.


Phần hoang mang vì cái cực đoan của người Việt đúng là có thật, và nó lên thành cao trào quá. Phần hoang mang vì giữa những người mang danh trí thức lại gần như không tồn tại một tranh luận đúng nghĩa và tích cực. 

Như thế thì làm sao có thể tìm được giải pháp thiết thực đây, nhất là ở những vấn đề quan trọng như giáo dục, văn hóa và bồi dưỡng phẩm cách của nhiều thế hệ.

Đúng lúc ấy thì lại đọc được bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, với chủ đề rất thú vị và đầy tính thời sự. Bác Sang chọn đề tài "Phụng sự tổ quốc, có liêm sỉ và khát vọng cống hiến" quả thật phù hợp với những gì đang diễn ra ở Việt Nam hôm nay. 

Và trong đề tài ấy, hai tiếng "liêm sỉ" vang lên đủ để ta cảm thấy chuyện cãi nhau quanh việc học từ Hán, Hán - Việt cần phải kết thúc nếu tất cả cùng hiểu thế nào là liêm sỉ.

Minh họa: Hữu Khoa.

“Liêm sỉ” là một từ Hán - Việt, không thể nào bị bác bỏ và không có ai có thể chối cãi về nhận định đó cả. Bản thân “liêm sỉ”, nếu được chiết tự ra, ý nghĩa vi tế vô cùng. Chữ "liêm" có nhiều nghĩa, mà nghĩa chính của "liêm" trong "liêm sỉ" là thanh liêm, là biết xét đến việc nào đó.

Như vậy, "liêm sỉ" chính là có sự thanh liêm, biết xét soát đến cái sỉ nhục của mình để hành vi của mình nó phải công chính, phải đàng hoàng. Ngay cả từ "liêm" bản thân nó cũng mang ý nghĩa về một khoản thu nhập của người làm quan lại ngày xưa. 

Quan lại cơ bản có "bổng" và "liêm" mà trong đó, bổng là món lương cố định và liêm là món phụ cấp thêm để người làm quan tránh được chuyện ăn hối lộ. Bởi thế khoản ấy mới mang tên là "liêm", tức là nhà nước mong người làm quan nhận phần tiền đó để đổi lại cái lòng liêm khiết của mình trước việc công.

Bác Hồ xưa có dạy phải "chí công vô tư", tức là làm việc nước thì phải hướng đến cái công mà bỏ qua cái tư lợi đi. Đó cũng là cách để giữ cho toàn vẹn cái "sĩ diện" của người làm công chức, làm cán bộ. 

Và từ đây, chúng ta thấy rõ rằng để phụng sự Tổ quốc với liêm sỉ đúng nghĩa, như tâm nguyện của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người cán bộ bây giờ phải biết gạt cái riêng tư sang một bên, coi chuyện lồng cái riêng tư vào việc công nó là điều sỉ nhục kinh khủng.

Con người ta sinh ra vốn dĩ có cảm xúc, thế nên chào đời mới khóc, đi ngủ biết cười trộm. Lớn lên dần, cảm xúc nuôi dưỡng thành tình cảm, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân thuộc. Cái tình cảm đó khiến người ta không khỏi xúc động trước người thân của mình và chỉ có sắt đá mới có thể dẹp được cái xúc động ấy để hoàn toàn trong sáng, vô tư, khách quan mà thôi. 

Thế mới có chuyện, làm bác sỹ thì tuyệt đối không được, và không nên, phẫu thuật cho người ruột thịt của mình bởi có thể sự xúc động sẽ dễ làm hỏng việc. Nhưng ở ngành y là chốn động đến cửa tử, người ta dễ bề có thể gạt bỏ cái "tư" vì nghề. Còn ở các ngành khác, gạt sao nổi cái xúc động trước người thân đây?

Thế nên, mới có chuyện một ông làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định mà kéo theo đó là những bổ nhiệm những vị trí "ngon lành" cho người nhà của mình. Nào là vợ ông Phó Bí thư thì được đặt vào ghế Phó Giám đốc Sở GD&ĐT. Nào là em ruột ông Phó Bí thư được chọn làm Phó Giám đốc Sở KH&CN. 

Những kiểu một người làm quan cả họ được nhờ ấy đầy rẫy trong xã hội hôm nay, đi tỉnh nào cũng gặp chứ không phải là chuyện cá biệt. Đơn giản, nó cũng đến từ cái "xúc động" với người thân của mình và một phần lớn khác là đến từ tham vọng củng cố đường dây quyền lực cho chính gia đình mình, đúng theo tinh thần "chị ngã, em nâng", để thực hiện kế hoạch lâu dài kiểu "anh về hưu thì chú sẽ thay anh gánh vác để nâng đỡ cả họ".

Về lý thì chẳng ai chứng minh được rằng những cách bổ nhiệm người thân như trên là do tham vọng củng cố quyền lực nhưng rõ ràng, ai cũng có quyền đặt ra nghi ngờ như thế. Thậm chí, các đợt bổ nhiệm bao giờ cũng được làm rất "đúng quy trình" để tránh người đời thắc mắc và dị nghị. Nhưng về tình, rõ ràng cái việc "một người làm quan cả họ được nhờ kia" luôn cho thấy nó vẫn có gì đó khuất tất, thiếu minh bạch. 

Đơn giản, chọn cán bộ quản lý nhà nước phải dựa trên năng lực và không phải chỉ những cá nhân cụ thể kia mới đảm lãnh được nhiệm vụ. Vậy thì việc không có một cuộc tuyển chọn công bằng, như đấu thầu minh bạch vậy, chắc chắn sẽ để lại những dị nghị, ngờ vực và thiếu tin tưởng của người dân. 

Và để chống lại những việc thiếu minh bạch như thế, có lẽ chỉ còn một cách, phải đánh thẳng vào lòng sỉ nhục của người làm cán bộ, để đánh thức điều cần đánh thức: sự liêm sỉ, điều mà nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh trong bài viết của mình.

Những người làm "quan" thời nay ai chẳng có "bổng" (lương cố định) và ai chẳng có "liêm" (phụ cấp trách nhiệm). Nhưng đừng vin vào chuyện cái khoản "liêm" nó ít ỏi quá, không mua nổi sự liêm chính của mỗi con người. 

Vin vào đó để làm sai, làm quấy, thậm chí làm càn, chính người làm lãnh đạo trong bộ máy nhà nước đã bán rẻ cái sự sỉ nhục của mình một cách quá dễ dàng và khi số người bán rẻ ấy ngày càng nhiều lên, như một cộng đồng, người ta sẽ dễ dãi hơn với bản thân mình, bởi lúc ấy không còn ai thấy "nhục" nữa nếu bị dân trách, dân chê, hay thậm chí là dân chửi.

Đánh thức liêm sỉ là việc rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm. Và muốn đánh thức liêm sỉ, chắc phải chỉ cho những người làm sai, làm càn kia biết thế nào là nỗi ô nhục của một người có vị trí nhưng làm không đúng trách nhiệm của mình.

Ngày xưa, hai cụ Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp, chỉ vì thất bại trong việc giảng hòa với Pháp, để mất 3 tỉnh miền Đông mà bia miệng đến bây giờ vẫn còn nhắc câu "Phan, Lâm mãi quốc triều đình khi dân" dù rằng lịch sử đã xét lại, chỉ rõ rằng hai cụ không phải những con người như thế. 

Đặc biệt là cụ Phan Thanh Giản, một người nổi tiếng thanh liêm nhưng chỉ vì cái ý ôn hòa không đúng lòng dân thôi đã đủ để cái liêm sỉ của cụ bị ảnh hưởng đến vậy. Bây giờ, rất cần những tiếng nói, những cái bia miệng đủ sức nặng để những người làm quan chức hiểu rằng "liêm sỉ" quý giá đến nhường nào và từ đó, trong hành vi của họ nhất nhất đều phải đưa liêm sỉ lên hàng đầu. 

Đơn giản, như trong việc của cụ Phan Thanh Giản thôi, dân thì có thể hồ đồ nhưng làm quan thì dứt khoát không thể hồ đồ được.

Hà Quang Minh
.
.