“Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức”

Định hướng bằng sự chuyên nghiệp

Thứ Năm, 13/12/2018, 15:16
Nói về nguy cơ thiếu điện ngay từ đầu năm 2019, EVN đổ lỗi tại thiếu than sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện, trong khi cao điểm mùa khô có thể thiếu nước phục vụ hệ thống thủy điện.

Tôi thật sự không giấu được sự hưng phấn khi biết về việc trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát ngôn, động thái hết sức quyết liệt, cứng rắn nhằm thúc đẩy sự chuyển động mạnh mẽ hướng tới thành tựu của Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng Chính phủ nói thẳng với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức”.

Rất dứt khoát, rất ngắn gọn, rất súc tích mà vô cùng đầy đủ, đã đến lúc phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu, đã đến lúc phải ép buộc các mắt xích quan trọng trong nội các phải chuyển động cùng Thủ tướng Chính phủ. Chứ không thể nào việc gì cũng phải để Thủ tướng giải quyết.


Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết chuyện thiếu than là không hề có.

Lãnh đạo TKV cho biết họ vẫn cung cấp đủ than theo hợp đồng, thậm chí là vượt số lượng, cho EVN. Và họ đánh giá vấn đề nằm ở chính các công ty thuộc EVN không chủ động ký kết hợp đồng mua bán dài hạn với TKV và do đó cũng ảnh hưởng đến chính kế hoạch khai thác của TKV.

Câu chuyện này thực sự lỗi do ai chúng ta khó có thể biết tường tận. Nhưng phát ngôn của Thủ tướng: "Nếu như mất điện, một số đồng chí phải mất chức" cho thấy một thực tế vô cùng rõ ràng rằng lãnh đạo các doanh nghiệp chiến lược của nhà nước không thể “mặc cả” với Chính phủ hoặc gây sức ép lên Chính phủ theo kiểu như EVN đang làm. 

Ở vị trí của mình, họ phải chịu trách nhiệm chính yếu, và nếu không hoàn thành trách nhiệm, họ sẽ bị cách chức. Thông điệp cương quyết ấy là vô cùng cần thiết và nó thể hiện khát vọng thay đổi cung cách làm việc bấy lâu nay.

Rất có thể, chuyện thiếu điện mà lãnh đạo EVN đưa ra là một kịch bản dự báo rủi ro và chính vì sợ khi rủi ro ấy xảy ra, họ sẽ là người phải chịu trách nhiệm chính và bị xử lý kỷ luật. Chính vì thế, họ “rào trước” với ý đồ trình bày khó khăn của mình hiện tại để lỡ có chuyện gì xảy ra thì cũng là do nguyên nhân khách quan. 

Đó là cách đối phó mang tính lấp liếm và rất mỉa mai cho họ là chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi rất nhiều thư cho EVN từ đầu năm đến nay để nhắc nhở về nhiệm vụ chiến lược của họ đối với nền kinh tế. Và một khi, cảnh báo trước đã có, không có gì có thể biện minh cho việc EVN than vãn về khả năng thiếu điện.

Câu chuyện của ngành điện lực trong cuộc họp Chính phủ vừa rồi để lại một điểm rất đáng suy ngẫm. Đó chính là tính chuyên nghiệp của các lãnh đạo các tập đoàn nhà nước. Xưa nay, chúng ta đã chứng kiến không ít lần các lãnh đạo những tập đoàn này được thuyên chuyển, thăng chức lên làm thứ trưởng, bộ trưởng, thậm chí còn có trường hợp vào đến Bộ Chính trị. 

Như vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là “Khi khả năng thăng quan tiến chức là sáng sủa, liệu rằng những lãnh đạo các tập đoàn nhà nước có toàn tâm vào mục tiêu phát triển kinh doanh sản xuất của tập đoàn hay không, hay họ sẽ chỉ tập trung vào cơ hội phát triển địa vị cho bản thân mình?”.

Chúng ta vẫn đang nói về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vậy thì lý do gì chúng ta không định hướng lại về tính chuyên nghiệp để các tập đoàn nhà nước cũng phải vận hành đúng theo nguyên tắc của kinh tế thị trường? 

Sẽ cho kết quả thế nào đây khi lãnh đạo một tập đoàn nhà nước lẽ ra cần phải hành động như một doanh nhân nhưng cuối cùng, trên thực tế, họ lại hành động như một chính trị gia tập sự? 

Rõ ràng, việc chuyên nghiệp hoá đội ngũ quản trị các tập đoàn nhà nước là rất cần thiết và cấp bách. Nếu không có bất kỳ cơ hội nào để thăng tiến trực tiếp từ vị trí một tổng giám đốc tập đoàn lên vị trí của một thứ, bộ trưởng thì rõ ràng, những người làm tổng giám đốc lúc đó sẽ phải toàn tâm toàn ý hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, khát vọng trở thành chính trị gia là khát vọng chính đáng của mỗi người nhưng nếu muốn thay đổi để từ một doanh nhân thành một chính khách, bắt buộc các lãnh đạo những tập đoàn nhà nước phải có một khoảng đệm giữa hai cương vị chứ không thể lấy thành tích làm kinh tế để làm thước đo cho việc thăng tiến chính trị. Tình trạng ấy sẽ chỉ càng tạo ra các báo cáo ảo để làm đẹp lý lịch trong khi thực trạng doanh nghiệp thì nát như tương.

Có lẽ, sau phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ cần mạnh tay hơn nữa. Đã đến lúc các lãnh đạo những đơn vị kinh tế quốc doanh phải hiểu họ chính là những CEO đi làm thuê cho nhà nước và cũng phải chịu trách nhiệm về KPI (thước đo đánh giá năng lực) và chỉ tiêu y như những CEO của các doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị. 

Chắc chắn, khi ấy sẽ rất nhiều người không dám ngồi vào ghế tổng giám đốc một tập đoàn nhà nước nếu ý thức được năng lực mình không đáp ứng được đòi hỏi bằng con số cụ thể từ Chính phủ. 

Và điều đó cũng cho phép Chính phủ tìm kiếm được những người tài thực sự, những doanh nhân chuyên nghiệp đúng nghĩa đã nhận vị trí là đảm bảo hoàn thành tốt trách nhiệm của mình bởi họ sẽ không bị chệch hướng mục tiêu vì một khát vọng chính trị viển vông nào đó.

Hà Quang Minh
.
.