Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức"

Sòng phẳng với Chính phủ

Thứ Ba, 11/12/2018, 16:02
Tính từ tháng 4-2016, khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát biểu, hành động mà tôi tin rằng luôn nhất quán trong công cuộc xây dựng Chính phủ kiến tạo mà ông đã đề ra ngay từ khi tiếp nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ.

Tôi thật sự không giấu được sự hưng phấn khi biết về việc trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát ngôn, động thái hết sức quyết liệt, cứng rắn nhằm thúc đẩy sự chuyển động mạnh mẽ hướng tới thành tựu của Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng Chính phủ nói thẳng với lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): “Nếu để thiếu điện, một số đồng chí phải mất chức”.

Rất dứt khoát, rất ngắn gọn, rất súc tích mà vô cùng đầy đủ, đã đến lúc phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu, đã đến lúc phải ép buộc các mắt xích quan trọng trong nội các phải chuyển động cùng Thủ tướng Chính phủ. Chứ không thể nào việc gì cũng phải để Thủ tướng giải quyết.


Thế nhưng, điều đáng tiếc nhất là những cơ quan, bộ ngành dường như chỉ biết “xin Thủ tướng cho ý kiến” mà chưa thật sự xắn tay áo cùng Thủ tướng Chính phủ bước đi trên con đường kiến  tạo này.

Và đúng như câu nói mà Thủ tướng tâm đắc, “Nếu muốn đi xa, chúng ta phải cùng đi với nhau”.

1. Một nghịch lý hết sức khó hiểu vẫn đang tồn tại là cái gì cũng đến tay Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí, đến hai doanh nghiệp tranh cãi với nhau về hợp đồng thỏa thuận hợp tác cũng đến Thủ tướng Chính phủ; đến lãnh đạo tỉnh bị nhắn tin đe dọa, Thủ tướng Chính phủ cũng phải chỉ đạo… 

Việc đến tay Thủ tướng Chính phủ nhiều đến độ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng phải thốt lên:  “Không đẩy việc lên Chính phủ, Thủ tướng”. Nhưng rồi, đúng thật là chuyện gì cũng đến tay Thủ tướng.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chi tiết này rất xúc động: “Tôi đã viết rất nhiều thư cho các đồng chí có liên quan về việc chuẩn bị điện ngay từ đầu năm. Tập thư mà tôi viết còn rất nhiều về những chỉ đạo này”. Thủ tướng nhắc lại là vì xung quanh thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang kêu khó đòi cắt điện vào những tháng đầu năm 2019.

Làm sao một Tập đoàn là xương sống của sự phát triển quốc gia lại có thể tự biến mình thành gánh nặng cho người đứng đầu Chính phủ được.

Ngay từ đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã viết thư nhắc nhở, nghĩa là không chỉ chỉ đạo miệng, Thủ tướng còn chỉ đạo bằng thư theo kiểu tâm tình. Ấy vậy mà EVN vẫn mặc kệ, ai viết gì thì viết, ai chỉ đạo gì thì chỉ đạo, vẫn không có kế hoạch đảm bảo điện cho sản xuấn kinh doanh, cho nhân dân. Vẫn chọn cách dễ nhất để điều hành công tác là “than khó, than khổ”.

Than khó than khổ cái gì, có lãnh đạo EVN nào phải khó phải khổ không? Làm sao chấp nhận một chuyện vô lý đến như vậy tồn tại. Trong khi lẽ đơn thuần nhất, càng được Chính phủ ưu ái, EVN phải cùng Chính phủ trong việc phát triển kinh tế, chăm lo cho người dân. Đằng này hệt một ông tướng rạch giời rơi xuống ngự ngay trong gia đình, suốt ngày khóc than với đòi hỏi.

2. Lần này, thì Thủ tướng Chính phủ đã thật sự hết kiên nhẫn rồi. Và đúng là phải như vậy.

Ông nào cũng muốn giữ ghế, ông nào cũng muốn vị trí cao hơn, ông nào cũng muốn được tạo điều kiện cho làm cái này, tạo điều kiện cho làm cái kia. Có ông nào đòi là Chính phủ không tạo điều kiện. Tuy nhiên, Chính phủ tạo điều kiện để ông làm trước hết phải vì cái chung đã chứ, phải vì nhân dân mà phục vụ, mà gắng sức đã chứ.

Ông nào cũng ngồi xe công xài tiền ngân sách cả, rồi cứ trây ì ra đó không động não không tư duy, rồi cứ để mặc Thủ tướng Chính phủ muốn gắng sức ra sao thì gắng sức, muốn phụng hiến ra sao thì phụng hiến.

Làm sao lại có thể hành xử với Thủ tướng Chính phủ như vậy, làm sao có thể phó mặc mọi thứ cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết như vậy. 

Nên rõ ràng đây là thời điểm mà các tập đoàn, hay bộ ngành sòng phẳng với Thủ tướng Chính phủ, có tạo điều kiện thì phải có đi kèm xử phạt nếu hoạt động không hiệu quả, có cho chức vụ vị trí thì phải có cách chức buộc rời vị trí nếu không hoàn thành trách nhiệm. Rất rõ ràng, rất minh bạch, rất công khai, có thưởng có phạt đều nhau.

3. Không chỉ dừng lại ở chỉ đạo nức lòng nhân dân này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phụ trách, để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm hiện nay, trong đó có vấn đề khiếu kiện của người dân, tín dụng đen…

Nghĩa là, việc gì Thủ tướng Chính phủ cũng nắm được, nắm rõ là đằng khác. Nay nếu có ai không chịu chuyển động, thì đã đến lúc Thủ tướng ra mệnh lệnh thép để bắt buộc phải hành động.

Đã đến lúc không thể nào để mỗi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xây dựng một Chính phủ kiến tạo được, mà muốn đi xa phải đi cùng nhau. Ai không muốn đi thì tự mình trói chân mình vậy, khỏi phải kêu than hay kêu ca làm gì cho phí lời.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.