Giá trị của hư vinh

Cỏ dại đầy vườn hoa

Thứ Hai, 19/08/2019, 00:37
Cuộc thi “Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019” vừa kết thúc, một cuộc tranh luận đã bùng nỗ liên quan đến chuyện cái tên của cuộc thi. Đã là một cuộc thi hoa hậu của Việt Nam thì gắn với thế giới làm gì?!

Đang có nhiều tranh luận xung quanh tên gọi của cuộc thi nhan sắc "Hoa hậu Thế giới Việt Nam", các chuyên gia ngôn ngữ thì cho rằng cụm từ tên gọi của cuộc thi này "không chỉ trái với logic kết hợp ngôn ngữ thông thường mà còn vô nghĩa" (Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), nhiều khán giả xem cuộc thi thì hoang mang vì sự tối nghĩa của danh xưng này.

Suy cho cùng thì gọi mãi sẽ thành quen, cái sai xài hoài cũng thành đúng, lộng giả riết thành chân. Nhưng đúng sai có lẽ không quan trọng bằng danh hiệu mà cá nhân đang muốn sở hữu vậy, mặc cho hư vinh thì làm gì có giá trị.


Có thể hiểu ý của bên tổ chức ra cuộc thi này, cũng là đơn vị đang nắm bản quyền đưa người đẹp Việt đi thi vài cuộc thi thế giới, là nhằm chọn ra người đẹp nổi bật nhất để “mang chuông đi đánh xứ người”. Song, một cái tên nghe lọt tai, phù hợp mà họ cũng không nghĩ ra cho được thì quả là tệ!

Nhưng đây không phải là cái tên khó hiểu đầu tiên, trước đó cũng đã có tên gọi theo kiểu như vậy với “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”. Đây cũng là cuộc thi nhằm chọn riêng người đẹp Việt Nam đi thi Hoa hậu Hoàn vũ - một cuộc thi quốc tế.

Không biết sắp tới đây, với mỗi cuộc thi quốc tế đang diễn ra hiện nay như Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hòa bình thế giới,… thì chúng ta có lại phải tổ chức một cuộc thi riêng ở Việt Nam kiểu như “Hoa hậu Trái đất Việt Nam” nữa cho đủ bộ hay không?!

Đôi khi tự hỏi, sao người ta đam mê danh hiệu đến kinh khủng, từ người đẹp mê danh hiệu đến những doanh nhân mê trao danh hiệu qua việc vẽ ra những cuộc thi. Có nhà thiết kế có tiếng nọ mấy năm gần đây bắt đầu bắt tay vào cuộc chơi nhan sắc. Anh ta tổ chức ra hẳn một cuộc thi tầm quốc gia. 

Ở thời điểm khoảng 3-4 năm trước, ngành văn hóa nói siết chặt các cuộc thi nhan sắc mà ông này xin được giấy phép tổ chức cuộc thi quốc gia nên ai nấy đều ngỡ ngàng.

Cuộc thi được một mùa đầu tử tế, sang mùa thứ 2 bắt đầu xảy ra quá nhiều lùm xùm, nào là mua bán giải, là thí sinh đăng quang không xứng đáng, các thí sinh tố cáo nhau um xùm… Đến mức nhà quản lý đề nghị hủy kết quả cuộc thi, tước vương miện hoa hậu. Và có lẽ do tai tiếng quá, năm nay, thay vì tổ chức trong nước, nhà thiết kế này mang cuộc thi sang nước ngoài!

Còn nói người đẹp mê danh hiệu, đến mức bất chấp tất cả để có nó thì nhiều vô số. Người ta hẳn còn nhớ đến những trường hợp người đẹp phớt lờ lệnh cấm, phạt của nhà quản lý văn hóa để đi thi nước ngoài. Những cô gái sẵn sàng chịu chỉ trích của dư luận, chịu phạt để có được danh hiệu dù rằng những danh hiệu đó chắc chắn sẽ bị tước, nếu có chiến thắng trở về.

Nhưng vì sao mà nhiều cô gái lại ham mê danh hiệu nhan sắc một cách bất chấp như vậy?!

Công bằng mà nói, với danh hiệu đàng hoàng, thi thố chính danh, được trao nghiêm túc thì đáng trân quý rồi. Nó là một kỷ niệm, một dấu ấn đẹp và cũng là một sự nhắc nhớ để người đạt danh hiệu sống xứng đáng hơn sau đó. 

Nhưng với những danh hiệu từ thi chui, từ những cuộc thi lăng nhăng mà có thì chỉ là hư danh không hơn không kém, nó chẳng mang lại điều gì ngoài sự kệch cỡm. Vậy mà có những cô gái, những đơn vị lại lấy điều đó lấy làm tự hào, thế mới lạ cho cái giới người đẹp lắm lệch lạc này!

Lại nói đến chuyện danh hiệu, không chỉ “Nữ hoàng văn hóa tâm linh” không thôi mà ta có thể dễ dàng tìm kiếm một loạt danh xưng nữ hoàng lạ lùng khác như: “Nữ hoàng sản xuất nội thất”, “Nữ hoàng ngoại giao”, “Nữ hoàng dệt may”, “Nữ hoàng thực phẩm”, “Nữ hoàng xây dựng”, “Nữ hoàng ẩm thực”… Kiểu mỗi lĩnh vực là có một nữ hoàng vậy!

Điều đáng nói là những chương trình, cuộc thi để cho ra đời những “Nữ hoàng” đó không hề thấy bị cơ quan quản lý văn hóa “hỏi thăm”. Ngay như chương trình “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”, đến khi báo chí, dư luận lên tiếng thì chương trình mới bị cấm tổ chức. Trước đó, chương trình được quảng bá rất rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đã tổ chức đến 2 mùa rồi!

Thậm chí, người ta còn tự phong và tự nhân danh hiệu một cách thoải mái với nhau mà không cần phải qua một cuộc thi nào!

Năm 2017, chính Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cũng khiến khán giả lẫn giới truyền thông không khỏi “chới với” khi trao cho một ca sĩ Việt Nam danh hiệu “Giáo sư âm nhạc”. Tất nhiên sau đó, danh xưng bị loại bỏ, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cũng bị khiển trách.

Trong giới showbiz, những danh xưng tự phong thì không kể nổi. Đến mức, thấy ai cũng là hoàng tử này, công chúa nọ, ai cũng có thể là ông/bà hoàng thế nọ thế kia. Đến như một người đẹp, mặc dù không có hoạt động nghệ thuật nổi bật gì ngoài những phát ngôn ngớ ngẩn và vài ba bộ ảnh đồ lót, cũng tự tin tự phong cho mình danh xưng “Nữ hoàng nội y”.

Rồi mặc nhiên sau đó, người đẹp này đường hoàng xuất hiện trên các mặt báo với danh xưng “Nữ hoàng nội y”. Gần đây, để cho đúng với chuẩn danh xưng này, tại lễ trao giải Liên hoan phim Cannes tại Paris (Pháp), cô đã khiến truyền thông trong nước lẫn thế giới phải “hoảng hốt” khi xuất hiện trên thảm đỏ với bộ trang phục mặc như không mặc.

Bỏ ngoài tai những bình luận chê bai, “ném đá” của dư luận, người đẹp này vẫn khẳng định cô xuất hiện theo đúng chuẩn “danh xưng” và không quan tâm mọi sự gièm pha về mình. Đến đây người ta chỉ còn biết bó tay!

Câu hỏi đặt ra là làm sao dẹp loạn danh xưng, danh hiệu kệch cỡm như hiện nay? Câu trả lời thuộc về trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa.

Người ta hay nói, muốn hạn chế cỏ dại phải trồng thật nhiều hoa, không biết nhà quản lý làm gì mà cỏ dại đầy vườn như thế!? 

Hoàng Lãm
.
.