Giá trị của hư vinh

Oai như củ khoai

Thứ Sáu, 16/08/2019, 15:49
Đầu tháng năm vừa rồi, giới làm báo nói riêng và dư luận nói chung đã được trận cười ra nước mắt với một vị tự xưng là “nhà báo quốc tế” và “tổng biên tập” của một tạp chí.

Đang có nhiều tranh luận xung quanh tên gọi của cuộc thi nhan sắc "Hoa hậu Thế giới Việt Nam", các chuyên gia ngôn ngữ thì cho rằng cụm từ tên gọi của cuộc thi này "không chỉ trái với logic kết hợp ngôn ngữ thông thường mà còn vô nghĩa" (Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), nhiều khán giả xem cuộc thi thì hoang mang vì sự tối nghĩa của danh xưng này.

Suy cho cùng thì gọi mãi sẽ thành quen, cái sai xài hoài cũng thành đúng, lộng giả riết thành chân. Nhưng đúng sai có lẽ không quan trọng bằng danh hiệu mà cá nhân đang muốn sở hữu vậy, mặc cho hư vinh thì làm gì có giá trị.


Câu chuyện liên quan đến “vị” kia không hẳn chỉ là chém gió cho sướng miệng mà rất có thể việc tự xưng danh như thế là để nhằm nhiều mục đích khác. Và theo dõi câu chuyện ấy, tự dưng tôi nhớ tới những ngày mới tốt nghiệp đại học, đi làm việc ở một công ty tư nhân nho nhỏ.

Ở vào những năm 1997-1998 ấy, một cậu sinh viên mới ra trường còn non nớt hẳn sẽ vô cùng choáng ngợp khi được gặp những thứ mới lạ. Và thứ mới lạ mà bác giám đốc mang ra khoe tôi là một cuốn sách bìa cứng, dày cộp, bằng tiếng Anh và có cái tên là Who’s who 1996 mà trong đó có hẳn một trang in ảnh và tiểu sử của bác.

Hà Quang Minh

Cậu trai non nớt (là tôi) đã choáng ngợp lắm, ngưỡng mộ lắm. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, khi đã chuyển sang làm cho một đơn vị khác, tôi mới phát hiện ra một điều rất đơn giản. 

Cuốn sách ấy là một dạng “trá hình” các ấn bản “Who’s who” nổi tiếng uy tín và lâu đời như Cambridge Who’s Who, Marquis Who’s who. Để xuất hiện trong cuốn sách đó, chỉ cần đóng phí và tự giới thiệu vài thông tin cơ bản là nghiễm nhiên ấn bản của năm sẽ có một suất cho bạn. Kèm theo đó, bạn được vài cuốn để “doạ thiên hạ”.

Cũng chỉ sau vụ “nhà báo quốc tế” kia chưa đầy tháng, dư luận lại được lao xao thêm một cú nữa khi bỗng dưng nhận ra có một ai đó được trao một cái danh hiệu “Nữ hoàng văn hoá tâm linh”.

“Nữ hoàng” ấy, cùng với những danh hiệu như “Bông hồng quyền lực” không khỏi khiến người ta ngã ngửa và thất kinh vì sự xuất hiện đầy ly kỳ của nó. Và chính cái hiệp hội trao tặng danh hiệu “kỳ hoa dị thảo” nọ cũng là đơn vị đã phong tặng cho một ca sỹ Việt Nam danh hiệu “Giáo sư âm nhạc”.

Mà nhân tiện nhắc tới ca sĩ này, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đều đã biết câu chuyện lừng danh rằng anh đã học đến 3 ngoại ngữ thông thạo trong suốt thời gian gặp vận hạn của đời mình. 

Và nếu mở YouTube để xem ca khúc mới nhất mà ca sĩ này mới trình diễn có tên là Something just like this (bản gốc của Chainsmokers & Coldplay), tôi đố bạn nhịn cười vì cách phát âm tiếng Anh của “Giáo sư âm nhạc” lẫy lừng ấy.

Cũng từ chuyện “giáo sư âm nhạc” này, bỗng dưng tôi nhớ lại một tấm danh thiếp mà tôi từng nhận được cách đây hơn chục năm. Chủ nhân của tấm danh thiếp ấy thực sự là một trí thức, một người có trình độ và sinh ra trong một gia đình cũng thuộc dòng dõi. Nhưng không hiểu ai thiết kế cho ông ta một cái danh thiếp mà nhìn vào nó tôi cứ hình dung ra một mẹt hàng xén đúng nghĩa.

Trên tấm bìa con con đó là 9 chức vụ ở các tổ chức, đơn vị khác nhau cùng với 2 danh xưng rất kêu. Bổ sung thêm là ngành nghề chuyên môn mà ông ấy đang nghiên cứu. Thực tế, tôi biết, 2 danh xưng của ông đều là hàng xịn cả. Thêm nữa, 9 chức vụ ở các đơn vị, tổ chức của ông cũng không có cái nào là hàng dỏm mang ra để doạ người.

Nhưng phải nói thật là cái khâu “quy hoạch danh thiếp” quả thực rất khủng khiếp. Tôi tự đặt ra câu hỏi, tại sao ông không in hẳn 9 danh thiếp mà mỗi loại thể hiện đúng 1 chức danh, vị trí cùng đơn vị mà ông đang làm việc, cộng tác.

Với mỗi loại danh thiếp như thế, tiếp xúc với đối tác ở cương vị nào, ông sẽ sử dụng đúng loại danh thiếp phù hợp. Đằng này, nhìn ông cứ như một “binh chủng hỗn hợp” có cả pháo binh, bộ binh, công binh, thông tin… “chiêng trống, thanh la, não bạt” lung tung xoè khiến người đối diện ông chỉ biết xây xẩm mặt mày vì không biết thực sự mình đang làm việc với một cá nhân hay một thầy bùa.

Tất cả những ví dụ trên đều chỉ là lý cớ để tôi muốn dẫn về một thói xấu nguy hiểm trong xã hội Việt hôm nay: thói háo danh. Chính trong cuốn Tâm lý người Việt nhìn từ nhiều góc độ, nhà nghiên cứu Cao Xuân Hạo đã từng chỉ ra rằng người Việt hay mắc bệnh háo danh và vĩ cuồng. Cái gì cũng muốn mình là nhất; sản phẩm nào của mình làm ra cũng phải là nhất; trước khi làm điều gì cũng muốn khoe danh múa tiếng.

Và sực nhớ đến câu chuyện về khu biệt thự triệu đô ở Hà Nội nước ngập thành sông sau mấy ngày mưa bão, ngập đến mức dân cư có người phải vác bao cát ra chặn cho nước không xuống hầm xe nhà mình mà tôi phì cười. 

Nếu đối chiếu cái cảnh ấy với những danh xưng và quảng bá mà chủ đầu tư đặt cho khu biệt thự của mình, hẳn chúng ta sẽ hiểu thế nào là cảm giác một tích tắc rớt từ trên ngọn cây xuống vũng sình lầy.

Chắc chưa ai quên, cách nay cũng chừng chục năm, trong một bài phỏng vấn, từng có một nhạc sỹ có tài phát biểu rằng: “Ở Việt Nam, nếu đánh guitar mà tôi nhận làm số 2 thì không ai dám làm số 1”. Cái tư tưởng vỗ ngực xưng danh hão huyền ấy thực sự ăn quá sâu, ăn thành tập quán mất rồi.

Ở cấp độ nào thì chắc chắn sẽ có những người xưng danh hiệu xứng tầm theo cấp độ đó. Thế nên mới có những cái gọi là “vua này”, “hoàng tử nọ” hay “nữ hoàng kia”. Và nếu không tin, bạn thử tra google nào là “vua bánh mì”, “vua xà phòng”, “vua nội thất”… kiểu gì cũng có kết quả.

Vua đã lắm thì hoàng tử tất nhiên cũng phải đầy rẫy. Nào là “hoàng tử sơn ca”, “hoàng tử bolero”, “hoàng tử nhạc pop”, “ông hoàng nhạc Việt”… Tất cả các ông hoàng bà chúa cứ thế mà xuất hiện như trăm hoa đua nở từ loại tự phong cho tới hiệp hội phong, từ loại báo chí gán cho cho tới loại “nhân dân bảo thế”.

Và cái nguy hiểm của thói háo danh ấy là nó không chỉ ám ảnh mỗi các cá nhân đơn thuần. Nó còn phát triển thành phong trào thôn thôn háo danh, làng làng háo danh, tỉnh thành cũng háo danh. Thấy tỉnh bạn có công trình to lớn, đồ sộ thì dứt khoát tỉnh mình cũng phải có.

Từ đó mới loạn câu chuyện tượng đài hùng vĩ, bánh chưng, tô hủ tíu vĩ đại… mà đáng buồn thay, nhiều cái danh cuối cùng không mang lại lợi ích gì và nó có gây sốc cho người nghe, người xem đi chăng nữa thì cũng chỉ là sốc tạm thời trong một khoảng thời gian vài ngày cho tới một hai tuần.

Thực tế, định danh là một nhu cầu rất con người. Nhưng lầm lẫn giữa định danh và nương nhờ vào danh để triệt tiêu sự tự ti trong con người mình thì vô cùng nguy hiểm. 

Mà xã hội bây giờ, đặc biệt là khi mạng xã hội kết nối con người tốt hơn, những hư danh hão huyền lại càng dễ được thiết lập hơn khi người ta hoàn toàn có thể mượn công cụ đó để tham gia vào tất cả các trào lưu đang được quan tâm bất chấp mình không hề có một hiểu biết tối thiểu về chuyên môn.

Tất cả, đều vì mục đích giải quyết khâu oai, ngõ hầu mượn cái oai ấy mà hù dọa những người cả tin, yếu bóng vía trong khi thực chất thì mình chỉ oai như củ khoai là cùng.

Hà Quang Minh
.
.