Xe máy và đô thị

Chúng ta đang quy hoạch trên chính tương lai của con em mình

Thứ Sáu, 22/03/2019, 08:39
Vẫn chuyện cấm xe máy lưu thông trong khu vực nội đô vào năm 2030, nhưng tôi muốn bàn đến câu chuyện quy hoạch đô thị nhiều hơn là chuyện xe máy. 

Sau thủ đô Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng vừa trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP HCM.


Vì suy cho cùng, nếu quy hoạch không khoa học thì vĩnh viễn chuyện cấm xe máy vẫn chỉ là cấm xe máy, còn chuyện ùn tắc lại là việc riêng của ùn tắc. Bắt đầu từ nền tảng của quy hoạch là đất đai.

Đất đai dĩ nhiên luôn là câu chuyện rất nóng của xã hội Việt Nam nhiều năm nay. Đơn giản, dính đến đất đai là dính đến tài sản với khả năng tranh chấp cao và hơn nữa, nó có thể còn gắn đến cả tham nhũng và lợi ích nhóm.

Nhưng trong sự kiện đất đai ồn ào nhất của năm 2018 vừa qua, tức là vụ Thủ Thiêm, điều đọng lại lớn nhất, được nhiều người nói đến nhất, chính là tấm bản đồ quy hoạch. Câu chuyện xoay quanh nó khởi đi từ việc bị xem là “thất lạc” cho tới những “chỉnh sửa gây tranh cãi” mà trong đó có cả những chỉnh sửa so với quyết định ban đầu của Thủ tướng chính phủ.

Tấm bản đồ quy hoạch kia, với những điều chỉnh mà đằng sau nó còn vô số chuyện hệ lụy tới tận sau này, đã chứng minh một điểm: công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch đô thị nói riêng ở Việt Nam là rất yếu kém.

Minh họa Ngô Xuân Khôi

Và nếu lục lại chuyện Thủ Thiêm, với những tranh cãi dữ dội trong dư luận về cái quy hoạch Nhà hát nhạc giao hưởng TP HCM, chúng ta còn thấy quy hoạch đang tùy tiện thế nào. Cái nhà hát đang còn trong suy nghĩ đó cũng đã bị dời đi di lại qua nhiều địa điểm, để rồi được ném vào Thủ Thiêm ở đúng thời điểm nhạy cảm nhất.

Nói về quy hoạch, thực sự chúng ta phải tự hỏi mình rằng “Các đô thị ở Việt Nam đã đủ vươn tầm đến tiêu chuẩn được gọi là đáng sống hay chưa?”.

Sự xuất hiện ồ ạt, ồ ạt đến mức vô tội vạ của những cao ốc, chung cư cao tầng phủ đầy các đô thị lớn đã khiến cân bằng đô thị bị mất, mỹ quan bị ảnh hưởng quá nhiều. Đơn cử, ở phường 19, quận Bình Thạnh, TP. HCM chẳng hạn. Khi một dự án chung cư cao cấp vừa được đưa vào sử dụng, nó đã kéo theo vấn nạn kẹt xe mỗi ngày ở góc đường Nguyễn Văn Lạc - Ngô Tất Tố.

Không kẹt xe làm sao được khi ngã ba đó là giao lộ giữa hai con đường nhỏ xíu mà chỉ cần hai ôtô bảy chỗ đi ngược chiều nhau thì lái xe cũng phải khép nép căn chỉnh và nay hai con đường kia phải gánh thêm một lượng xe hơi đông đảo của ngàn hộ cư dân giàu có mới dọn về phủ kín những block của khu chung cư cao cấp kia.

Sống trong một khu vực như thế, thử hỏi đời sống của ta có còn cao cấp không, kể cả là ta ngồi trên xe hơi máy lạnh, lọc không khí không phải chịu nắng, mưa, khói, bụi như những người bình dân trên những chiếc xe hai bánh nhích từng chút một mỗi sáng chiều?

Và nếu chúng ta đi tới các khu cư dân mới ở các đô thị sầm uất của Việt Nam, chúng ta sẽ nhìn nhận ra sự chen chúc của các tòa nhà cũng chẳng khác gì sự chen chúc của những con người, những dòng xe trên đường phố bức bối mỗi ngày. Việc xây dựng các chung cư cao tầng là chuyện tất yếu, trước áp lực dân số như hiện nay. Song, việc xây dựng các chung cư cao tầng ấy ở đâu lại là một câu chuyện khác.

Vẫn biết người Việt vốn lười di chuyển quãng đường xa, ngại việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hệ thống giao thông công cộng cũng chưa thật tốt, nhưng để chiều cái lười biếng, cái tiện lợi nhỏ nhen ấy bằng cách chèn các tòa nhà cao tầng san sát vào các khu trung tâm, nội đô thực sự đã phá hủy hoàn toàn vẻ đẹp tự thân cũng như không gian của mỗi thành phố, nhất là những thành phố có lịch sử lâu dài. Không một quốc gia nào dồn các toà chung cư cao tầng vào nội đô hết cả.

Thay vào đó, họ triển khai nó ở một vành đai nhất định để đảm bảo sự cân bằng về không gian quy hoạch. Người Việt không phải không biết chuyện ấy, không muốn làm chuyện ấy. Nhưng người biết và có thể làm thì không có cương vị. Còn người được quyền làm, họ chỉ nghĩ đến sự tiện lợi nhỏ nhoi, tốc độ phát triển và thậm chí là cả tư lợi nữa.

Có một câu chuyện có thật, liên quan đến một người bạn của tôi, một nghệ sỹ khá có tên tuổi. Anh mua một căn hộ ở quận 7, TP HCM, với cam kết trong hợp đồng về góc nhìn cảnh quan không gian qua cửa sổ của căn hộ (view). Và đến một ngày, khi chuẩn bị nhận căn hộ, anh ta phát hiện rằng cái góc nhìn, tầm nhìn qua cửa sổ của mình đã bị bịt lại bởi một block mới được xây dựng lên. Rất may là anh ta còn một khoản chưa tất toán cho bên bán, và anh ta dọa đưa sự việc ra tòa với sự hậu thuẫn của một luật sư giỏi.

Kết quả, đơn vị bán nhà phải hoàn trả lại tiền và hợp đồng mua bán ấy bị hủy bỏ. Tất nhiên, căn hộ ấy chẳng ế. Sẽ có một khách khác vào mua, nhanh thôi, với nhu cầu về chỗ ở và đầu cơ chỗ ở đang cao như hiện nay. Nhưng nó để lại một câu chuyện nực cười về quy hoạch. Chính sự tham lam ở đây đã bóp chết quy hoạch chứ không phải là sự yếu kém năng lực nào cả. Khi tham, người thông minh cũng dễ trở thành kẻ mù quáng.

Và câu hỏi đặt ra là thực sự chúng ta có những kiến trúc sư trưởng cho mỗi đô thị hay không? Nếu có, họ được làm gì và họ đã làm được những gì? Còn công tác địa chính của địa phương thì thế nào? Dường như họ chỉ đang làm thao tác giấy tờ cho các hoạt động mua bán bất động sản mà thôi. Mà việc ấy, thực tế, chả dính gì đến quy hoạch cả.

Chốt lại, những gì không thể chữa được thì từ từ nghĩ cách chữa hoàn chỉnh nhất. Còn những gì chưa bị phá hỏng, đừng phá hỏng nữa. Chúng ta đang quy hoạch bừa bãi trên chính tương lai của con em chúng ta, những thế hệ sẽ lớn lên và tiếp tục câu hỏi: “Tại sao nơi tôi sống lại bức bối thế này ? Tại sao nơi tôi sống lại thiếu không gian xanh công cộng đến thế này ?”.

Chỉ mới câu hỏi đơn giản ấy thôi đã không có câu trả lời hợp lý và đủ đầy, huống hồ giải pháp để tránh chuyện ra đường là kẹt xe, ra đường là ùn tắc!

Hà Quang Minh
.
.