Xe máy và đô thị

Một vòng luẩn quẩn

Thứ Năm, 14/03/2019, 11:39
Lâu trước, Sở Giao thông vận tải Hà Nội từng đề xuất về việc hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. 

Sau thủ đô Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng vừa trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP HCM.


Đề xuất này lập tức trở thành đề tài bàn luận sôi nổi, nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận; trong đó, phần đông là phản ứng không đồng tình. Sau đó, đề xuất đi vào bế tắc cho đến bây giờ.

Và bây giờ đến TP HCM đề xuất hạn chế xe cá nhân vào thành phố, cụ thể là Sở Giao thông vận tải TP HCM đã trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP HCM. 

Nếu đề án được thông qua, TP HCM sẽ hạn chế và tiến tới cấm xe máy tại một số khu vực trung tâm (các quận 1, 3, 5, 10) vào giai đoạn 2025 - 2030.

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI - thuộc Bộ Giao thông vận tải) cũng nhanh chóng công bố một kết quả khảo sát về đề án này như sau: có 62,56% ý kiến cho rằng cần hạn chế  ôtô con, xe máy. 

Trong đó có 40,77% đồng ý hoàn toàn và 21,79% đồng ý có điều kiện khi vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại và 37,44% không đồng ý. Tổng số phiếu khảo sát là 35.000 phiếu trên nhiều địa bàn quận của thành phố.

Minh họa Ngô Xuân Khôi

Nhiều người thắc mắc rằng, gần 63% người dân thành phố trong khảo sát này đồng ý hạn chế xe cá nhân là những ai? Phía tiến hành khảo sát đã chọn người khảo sát như thế nào?

Có một điều phải thừa nhận rằng, giao thông thành phố đang quá tải, tình trạng ùn ứ trên nhiều tuyến đường của thành phố diễn ra hằng ngày, đặc biệt là giờ cao điểm. Thậm chí có lúc ra đường giờ nào cũng thấy “kẹt xe”. 

Với những ai tham gia giao thông trong nội thành giờ cao điểm sáng, chiều thì đó gần như là một cực hình, đi vài kilomet có khi mất đến hàng giờ. Chính vì vậy, việc thành phố có những đề xuất về việc làm sao giải phóng tình trạng giao thông trong thành phố là một điều nên làm, mà là làm cấp bách.

Song, phương án “cũ” là tăng cường giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân, nhất là cấm xe máy vào nội thành có thật sự là một giải pháp hiệu quả, thấu đáo hay không? Vì sao đề xuất tương tự trước đó của Hà Nội hay nơi khác đều vấp phải phản ứng từ dư luận và đi vào bế tắc? Và câu hỏi đã rất nhiều người hỏi và gây tranh luận dữ dội, đó là thật ra thì ôtô hay xe máy là nguyên nhân gây ùn tắt giao thông đô thị hiện nay?...

Có vẻ như, gần chục năm qua, sau đề xuất của Hà Nội thì các phương án giảm ùn tắc giao thông đô thị cứ trong một vòng luẩn quẩn của hạn chế xe cá nhân, nhất là xe máy. Việc người ta cứ đổ lỗi cho xe máy, hay thậm chí là bất cứ phương tiện nào đi nữa cũng đã và sẽ khiến cho các giải pháp giảm ùn tắc dậm chân tại chỗ. 

Vì thực ra, sự ùn ứ là do nhu cầu đi lại của người dân vượt quá sức tải của hạ tầng giao thông thành phố chứ không phải là do phương tiện giao thông gây ra, lại càng không phải là do xe máy.

Nhu cầu đi lại có xu hướng ngày càng tăng, nếu cấm phương tiện này thì phải có phương tiện khác thay thế cũng phải tăng lên. Vậy hạn chế phương tiện để giảm ùn tắc có phải là sự luẩn quẩn, là việc xác định nguyên nhân gây ùn tắc và đề ra giải pháp đã sai từ đầu hay không?! 

Trong khi đó, có những nguyên nhân căn cơ khác mà dám chắc rằng, bất cứ người dân nào sống và tham gia giao thông trong thành phố đều có thể nhìn thấy ngay. Nhưng không thấy ai nhắc đến những nguyên nhân đó trong đề án giảm ùn tắc mà thay vào đó là những giải pháp mang tính mệnh lệnh, cấm đoán.

Có phải vì giải pháp mệnh lệnh sẽ là đơn giản, dễ làm và ít tốn kém không? Dễ làm thì chắc chắn rồi, không có giải pháp nào đơn giản hơn là ra một văn bản hành chính, nhưng ít tốn kém thì có vẻ phải xem lại bởi đề án này của thành phố dự kiến ngốn tới gần 400 nghìn tỷ đồng.

Cấm xe cá nhân, đó là cách dễ làm mà đốt tiền khủng khiếp, trong khi rất dễ để thấy rằng, cách đó chỉ khiến cho tình trạng giao thông đô thị rơi từ tình trạng ùn ứ này sang bế tắc khác mà thôi. Do sự điều tiết nhu cầu cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện - vấn đề căn cơ của giao thông đô thị thì bị bỏ ngỏ.

Chúng ta dễ dàng thấy rằng, hạ tầng giao thông thành phố đã quá tải so với nhu cầu di chuyển của người dân. Những con đường quá nhỏ, có mặt cắt ngang dưới 5m vẫn còn quá nhiều nên dẫn đến tình trạng hai xe ôtô đi ngược chiều tránh nhau là… tắc! 

Hạ tầng hiện đã quá tải, trong khi đó thì thành phố đã lần lượt phá vỡ quy hoạch khi quá nuông chiều các doanh nghiệp mà tiếp tục cấp phép xây dựng thêm các tòa nhà chung cư cao tầng ở trung tâm thành phố. 

Mỗi năm, thành phố lại có thêm hàng chục tòa nhà, cao ốc, trung tâm thương mại với hàng vạn cư dân mọc lên. Ùn tắc giao thông từ đó ngày một nghiêm trọng hơn trong khi các giải pháp chỉ quanh quẩn chuyện cấm đoán xe cá nhân.

Ngoài ra, thành phố cũng quá chậm trễ trong việc di dời trụ sở của các cơ quan nhà nước, trường đại học, bệnh viện ra ngoại ô. Giờ tan tầm, dòng người quá đông đúc cùng lúc tỏa ra từ các con đường khiến giao thông dễ dàng ùn tắc cục bộ và sau đó là kéo dài…

Như vậy, có thể thấy rằng, thay vì cấm đoán người dân thì các cơ quan quản lý nhà nước nên triển khai các giải pháp một cách đồng bộ. Đó là di dời các trung tâm hành chính, các nhà máy, bệnh viện, trường học ra xa trung tâm; đồng thời xem xét dừng cấp phép xây dựng mới các khu nhà cao tầng trong trung tâm thành phố… từ đó giảm áp lực đối với giao thông nội thị.

Sự cấm đoán đối với sự đi lại của người dân bao giờ cũng là điều tối kị và bất đắc dĩ, những văn bản mang tính mệnh lệnh hành chính cũng sẽ không bao giờ có thể làm giảm đi tình trạng ùn tắc giao thông khi mà nhu cầu đi lại của người dân cứ tiếp tục gia tăng. Vì thế, giải pháp hiện tại của thành phố đưa ra rất có thể sẽ chỉ là cách tiêu tiền vô ích!

Hoàng Lãm
.
.