Xe máy và đô thị

Giải pháp cắt vụn

Thứ Ba, 12/03/2019, 16:23
Trong đó, mấu chốt của đề án là thúc đẩy vận tải hành khách công cộng, thu phí xe ô tô vào các tuyến đường trung tâm thành phố và tiến đến cấm xe máy vào nội đô vào năm 2030.

Sau thủ đô Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cũng vừa trình Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP HCM.


Câu chuyện xe cá nhân (ở đây tập trung vào xe máy) vẫn đang là câu chuyện chưa hồi kết.

TP HCM xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên, tuyến đường sắt đô thị này chưa hình thành (tạm không bàn đến những đội vốn mấy chục nghìn tỷ, không bàn đến những lùm xùm ở Ban Quản lý dự án từ lãnh đạo đột ngột đi Mỹ không xin phép cho đến giữa đường thay tướng thay thầy, nợ nhà thầu…), thì hàng loạt dự án bất động sản đã hình thành “kẹp kem” theo đường sắt đô thị.

Tuyến đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn cuối vào cửa ngõ TP HCM ai đó còn sáng tạo đến độ cắt bớt làn đường của cao tốc để cho xe gắn máy lưu thông. Cho xe gắn máy lưu thông hết sức dễ hiểu, vì sát đường cao tốc là quận 2, là quận 9 với những căn hộ liên kết, chung cư hạng sang mọc lên như nấm.

Xe máy, không hẳn là căn nguyên duy nhất khiến nội đô, hay rộng ra là đô thị ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.

1. TP HCM là thành phố luôn được xem là trung tâm kinh tế năng động nhất của đất nước nhưng đáng buồn là thị dân ở nơi này lại đang rất sợ hãi những cơn mưa. 

Những cơn mưa ở TP HCM luôn đặt thị dân vào tình trạng dở khóc dở cười khi tan giờ làm, khi đến cơ quan, khi đưa con đến trường học hay về nhà… Thật kỳ lạ là sau nhiều năm với hàng chục nghìn tỷ được giải ngân cho công tác chống ngập, mà ai cũng biết chống ngập tốt sẽ giảm thiểu ùn tắc giao thông, tuy nhiên càng ngày đường phố lại càng ngập.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Nếu như trước đây chỉ có những tuyến đường ngoài các quận trung tâm mới lâm vào tình cảnh đường phố thành sông, thành kênh, thành rạch sau mưa thì hiện tại bất cứ con đường nào cũng trở thành “nạn nhân dự bị” của một cơn mưa. Mưa to ngập sâu, mưa nhỏ ngập nông. Cao điểm triều cường thì dẫu có nắng hay mưa gì thì vẫn có nhiều tuyến đường ngập nặng, nhà dân cũng ngập nặng.

Có nhiều nguyên nhân khiến công tác chống ngập của TP HCM không hiệu quả dẫu đã tiêu tốn rất nhiều tiền ngân sách, sòng phẳng mà thừa nhận ngoài chuyện “thất thoát ngân sách cho cá nhân”  thì căn nguyên lớn nhất vẫn chính là tốc độ bê tông hóa đô thị của TP HCM được thực hiện quá nhanh, quá cẩu thả, quá ngẫu hứng và hoàn toàn không theo bất cứ một phương pháp khoa học nào.

Trải dài khắp các quận huyện tại TP HCM, chung cư vẫn được xem là miếng bánh màu mỡ nhất, ngon ngọt nhất mà ai cũng muốn ngoạm phần nhiều. Và gần như những điều chỉnh quy hoạch hạ tầng, chỉ phục vụ cho một mục đích duy nhất là nâng giá dự án bất động sản. Gọi chính xác hơn là tăng tiền trên mỗi mét vuông căn hộ chung cư.

2. Không kiểm soát được cơn bão chung cư, như một lẽ rất đỗi thường tình về mối quan hệ nhân quả, tình trạng kẹt xe sẽ ngày càng kẹt hơn, tình trạng ngập úng sẽ ngày càng ngập úng hơn. Và khi tình trạng ngập úng ngày càng nặng thì sẽ kéo theo tình trạng kẹt xe ngày càng trầm kha, hoàn toàn không thuyên giảm.

Một mình Sở Giao thông vận tải TP HCM là không đủ khả năng lẫn tiềm lực trong việc tìm ra giải pháp chống ùn tắc cho thành phố. Nhất là khi lãnh đạo Sở này xem việc nâng đường là biện pháp chống ngập hiệu quả.

Nguyên tắc, nhiều xe thì đường tắc, ai cũng biết điều này. Đơn giản, nhà đông thành viên thì sẽ chật chội. Và giải quyết theo kiểu thuận tiện nhất vẫn chính là, dẹp bớt xe sẽ có thêm không gian trên đường, đuổi thành viên ra khỏi nhà thì phần diện tích sử dụng cho những thành viên còn lại sẽ rộng rãi hơn.

Nhưng muốn làm được điều này phải chứng minh cho người dân thấy sự thuận tiện của phương tiện thay thế. Rõ ràng, TP. HCM chưa chứng minh được cho người dân thấy nếu bỏ xe gắn máy họ sẽ có một phương tiện vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại cá nhân.

3. Và muốn có sự thuận tiện này, cần những giải pháp đồng bộ. Cần phải có sự quy hoạch không phục vụ cho lợi ích nhóm, không phục vụ cho chủ đầu tư dự án bất động sản mà thực tâm phục vụ người dân. Cần phải có những phân bố hợp lý về vị trí của trung tâm hành chính, trung tâm thương mại… 

Không thể quy hoạch theo  kiểu của một số quận huyện đất đẹp dành cho dự án bất động sản, trung tâm hành chính cứ dời về nơi heo hút, điển hình như quận 2, TP HCM.

Phải có giải pháp giãn dân bằng cách xây dựng các đô thị vệ tinh, khi mà Đồng Nai và Bình Dương hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng cho vấn đề này.

Bất cứ đô thị nào trên thế giới cũng phải đối diện với sự ùn tắc, và sự ùn tắc luôn đi kèm theo nhiều thiệt hại về kinh tế, về môi trường đầu tư, về chỉ số sức khỏe, chỉ số hài lòng của thị dân… 

Nhưng bài toán giải quyết hạn chế sự ùn tắc ấy chưa bao giờ là dễ dàng. Nhất là trong bối cảnh, nhiều lãnh đạo của các đô thị vẫn chưa chấp nhận đây là phần việc của các chuyên gia được đào tạo đúng chuyên ngành bài bản và khoa học.

Điều đáng tiếc nhất của lãnh đạo đô thị là tin rằng vị trí đi kèm với khả năng trên thông thiên văn dưới tường địa lý. Mặc cho thực tế thì không phải vậy, ngay cả trồng cây xanh trong đô thị cũng cần phải học chuyên ngành chứ đừng nói là tiến đến giải pháp ngăn chặn ùn tắc giao thông.

Và vĩnh viễn sẽ chỉ là bàn cho vui nếu nhắc đến chống ùn tắc là lặp lại câu thần chú ai cũng biết: “Phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân”.

Có thần chú rồi nhưng ai sẽ niệm và niệm cho ai, bao giờ có câu trả lời này thì khi ấy mới có hy vọng. Chứ không phải chỉ là “trăm dâu đổ đầu xe cá nhân”.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.