Sự chuyển động của đô thị

Cái barie và chuyện ý thức thị dân

Thứ Hai, 06/03/2017, 10:54
Câu chuyện đô thị ở TP HCM đang "nóng" khi quận 1 quyết tâm "đòi" lại bằng được vỉa hè cho người đi bộ. 

Những điểm sáng chứng minh sự vận chuyển trong đội ngũ quản lý đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều cần phải ghi nhận.

Đã có những cuộc ra quân quyết liệt của tổng lực nhiều lực lượng, thậm chí đích thân Phó Chủ tịch UBND quận 1 - ông Đoàn Ngọc Hải xuống đường trực tiếp chỉ đạo xử lý, tuyên truyền cho người dân hiểu về hành vi lấn chiếm vỉa hè...

Những bồn hoa, bậc thềm của trụ ATM xây lấn ra vỉa hè đã bị đập bỏ, những chiếc ôtô đỗ sai quy định lập tức bị cẩu đi và rất nhiều trường hợp chạy xe máy trên vỉa hè đã bị lập biên bản... 

Ông Đoàn Ngọc Hải tuyên bố với báo chí một cách rất dứt khoát: "Nếu không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng". Bao nhiêu đó cũng đủ để thấy lãnh đạo quận 1 đang quyết liệt lập lại trật tự đô thị, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè như thế nào.

Trước đó, UBND phường Bến Nghé, quận 1, cũng đã cho lắp đặt barie trên vỉa hè của một số tuyến đường để chặn xe máy. Tuy nhiên, những chiếc barie này nhanh chóng bị vô hiệu hóa sau đó, xe máy vẫn luồn lách qua nó để đi vào vỉa hè. Và giải pháp lắp barie này cũng vô tình gây cản trở người đi bộ trên vỉa hè - nơi vốn dành cho người đi bộ. Được biết, chủ trương này đã dừng lại.

Câu chuyện về sự bất lực của chiếc barie trên vỉa hè chỉ là một lát cắt nhỏ cho thấy mặt hạn chế về vấn đề ý thức của thị dân. Ở Hà Nội, nhiều người tham gia giao thông cứ lấn làn xe buýt nhanh BRT, khiến xe buýt nhanh có tốc độ không khác gì so với buýt thường. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Và để giải quyết tình trạng này, Hà Nội đã cho lắp giải phân cách cứng phân làn đường dành cho xe buýt nhanh. Song sau đó, nhiều xe máy vẫn đi ngược chiều vào trong làn đường này. Có vẻ như không gì có thể ngăn cản được sự đi lại làm sao cho tiện nhất của một số người. Và tất nhiên, trong những trường hợp này, ý thức tham gia giao thông là điều gì đó đã trở thành xa xỉ. 

Rồi đến chuyện phạt người tiểu bậy ngoài đường, đã có những người bị phạt với số tiền hàng triệu đồng, song tình trạng này vẫn diễn ra đâu đó nơi công cộng, những con đường đông đúc...

Những chuyện thiếu ý thức kể trên của một bộ phận thị dân sẽ khiến nhiều người khó chịu, thậm chí là bức xúc. Điển hình nhất là khi phải tham gia giao thông trong tình trạng ùn tắc, điều này hẳn ai sống trong TP Hà Nội hay TP HCM đều đã ít nhiều gặp phải. 

Đó là cảnh người ta chen lấn nhau, giành giật nhau từng chút để đi trước, tất nhiên điều đó làm cho tình trạng ùn tắc trở nên nghiêm trọng hơn. Ai cũng kêu ca về tình trạng kẹt xe thành phố giờ tan tầm, xong tham gia giao thông một cách có ý thức để giảm tình trạng này thì không phải ai cũng có.

Tương tự, mỗi khi trời mưa và đường ngập nước, khắp nơi trên mạng xã hội xuất hiện những than phiền, bực bội, thất vọng về thành phố. Thậm chí, có những gia đình đã chuyển đi nơi khác sống vì không chịu nổi cảnh cứ mưa lớn là ngập, tắc đường. 

Song, thay vì chỉ biết ca thán, oán trách thì bản thân mỗi người cần có ý thức và những hành động cụ thể để góp phần giải quyết tình trạng đó. Như ở chuyện ngập nước, nếu như mọi người ý thức rằng việc xả rác bừa bãi ra đường sẽ khiến miệng cống thoát nước bị tắc nghẽn - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thành phố cứ mưa là ngập.

Song, người ta vẫn dễ dàng nhìn thấy rác vẫn đầy ngoài đường phố hằng ngày. Thậm chí ở Hà Nội, bắt đầu từ tháng 2-2017, những hành vi làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường công cộng sẽ bị phạt nặng. Song, rác vẫn đầy đường phố Hà Nội như chưa hề có lệnh cấm. Có những nơi, ngay dưới biển cấm đổ rác thải của UBND quận, lại là... một đống rác thải!

Nói đến thải rác, lại nhớ đến bức ảnh chụp ở trung tâm TP Đà Lạt sau khi dòng người du lịch dịp tết Đinh Dậu đã về, cảm giác thành phố như hoang tàn vì rác thải. Mà thật ra không chỉ có ở Đà Lạt, rất nhiều cảnh tương tự đã diễn ra ở các khu du lịch hay một chương trình giải trí ngoài trời nào đó. Nhìn bức ảnh hôm ấy ở Đà Lạt, hẳn người ta chỉ biết thở dài mà hỏi: Ý thức con người đã ở đâu?!

Ai cũng muốn mình sống trong một thành phố sạch đẹp, văn minh, điều đó chắc chắn rồi; song không phải ai cũng biết tự đặt ra câu hỏi ngược lại rằng, để thành phố sạch đẹp, văn minh, bản thân mình - những thị dân phải làm những gì, tránh làm những gì? 

Dẫu cơ sở hạ tầng của thành phố có phát triển đến mấy nhưng khi ý thức thị dân thiếu hụt, thành phố vẫn không thể trở thành một thành phố văn minh, sạch đẹp được. Văn minh sao được khi mà người ta vẫn vô tư leo lên vỉa hè như thể đó là làn đường xe chạy; sạch đẹp sao được khi những góc đường vẫn bốc mùi với rác thải và amoniac...

Thế nhưng, ngoài câu chuyện ý thức thị dân thì cũng cần nói thêm về vấn đề quy hoạch thành phố. Ví như chuyện tiểu bậy ngoài đường và chuyện thiếu nhà vệ sinh công cộng ở các thành phố lớn. 

Có câu chuyện thế này, nhiều người bán hàng rong ở Hà Nội mang theo một chai nước nhỏ, mỗi khi quá khát, họ chỉ nhấp mấy ngụm nhỏ chứ không dám uống nhiều. Lý do là vì họ rất khó để tìm nhà vệ sinh công cộng. Không riêng gì người bán hàng rong mà hầu hết đều tương tự.

Có nghĩa là, việc kêu gọi người dân ý thức qua việc xử phạt tiểu bậy là xác đáng, song để việc đó thiết thực hơn thì thành phố cần tạo điều kiện cho người dân thực hiện. Đó mới là cách giải quyết triệt để vấn đề nhất. 

Tương tự, đó là chuyện lưu thông trên vỉa hè. Làm barie, tăng cường xử phạt... cũng chưa phải là một giải pháp căn cơ khi mà đường thì lúc nào cũng kẹt vì mật độ lưu thông quá cao so với diện tích mặt đường; đó còn là việc quy hoạch chưa hợp lý, quỹ đất dành cho giao thông thấp, nhà cao tầng nhiều, phát triển phương tiện cá nhân nhanh hơn phát triển hạ tầng...

Tóm lại, để thành phố văn minh, sạch đẹp, là một "Singapore thu nhỏ" như điều mà quận 1, TP HCM, mong muốn thì cần nhiều giải pháp đồng bộ của chính quyền thành phố; trong đó, ngoài vấn đề quy hoạch đô thị thì ý thức thị dân là việc mà mỗi người dân thành phố có thể tự đặt ra và thực hiện nghiêm túc, nếu muốn thành phố mình sống là thành phố văn minh.

Hoàng Lãm
.
.