Sự chuyển động của đô thị

Những đô thị bất lực

Thứ Sáu, 03/03/2017, 19:34
Khi TP HCM ra quân làm sạch đẹp lại quận 1, với ước vọng đó sẽ là một Singapore thu nhỏ trong lòng đô thị lớn, không ít người đã kỳ vọng vào một sách lược lâu dài, một sách lược xây dựng đô thị văn minh đúng nghĩa.

Những điểm sáng chứng minh sự vận chuyển trong đội ngũ quản lý đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều cần phải ghi nhận.


Nhưng lúc những chiếc barie ngăn người chạy xe gắn máy trên vỉa hè được dựng lên, đã có những ý kiến phản hồi cho rằng nó thiếu nhân văn khi không quan tâm tới những người bộ hành khiếm thị, người ngồi xe lăn hoặc đơn giản chỉ là lũ trẻ đi học, chơi đùa hồn nhiên vốn ít để ý đến những chướng ngại bất thường.

Phản hồi ấy không sai, nhưng nếu cứ luẩn quẩn mãi trong cái vòng đúng - đúng, sai - sai ấy thì có lẽ không bao giờ chúng ta có một đô thị văn minh đúng nghĩa cả. Cứ phải làm trước đi đã. Chưa chuẩn ở đâu thì chỉnh ở đó. 

Và hơn hết, những barie kia được lập ra để người dân tập dần một thói quen. Đó là đừng có leo xe lên vỉa hè mà chạy nữa.

Trước TP HCM không lâu, Hà Nội vận hành xe buýt nhanh BRT và sau một thời gian vận hành, buýt ấy vẫn chậm như thường. Cơ bản, cái làn ưu tiên cho buýt không thực sự dành cho buýt.

Nói theo kiểu người Bắc "Tôi đóng tiền đường rồi thì đó là đường của tôi, tôi thích là tôi chạy thôi", buýt nào chịu nổi với tư duy ấy? 

Minh họa: Hữu Khoa.

Để rồi gần đây, lại có ý kiến đưa ra là nên cấm taxi ở những tuyến đường có xe buýt nhanh. Cấm vậy có giải quyết được độ nhanh cho buýt hay không? Hay là lại dấy lên những tranh luận khác, những tranh luận không chỉ xoay quanh nhân văn mà còn xoay quanh cả luật pháp?

Thực tế, một đô thị văn minh phải chứa đựng những công dân văn minh trong đô thị đó. Nếu chúng ta dựng nên những thành phố huy hoàng, với điều kiện vật chất hạ tầng cực ưu việt nhưng sau đó điền vào cái khoảng trống ấy là những con người hổ lốn, mông muội, vô văn hóa và không có ý thức thượng tôn pháp luật, cái đô thị ấy sẽ không còn văn minh nữa. 

Cái siêu thị nó khác với cái chợ chồm hổm ở chỗ đó. Nó có quy tắc của nó mà người vào siêu thị phải chấp hành quy tắc ấy. Và khi không có ý thức chấp hành, chắc chắn anh sẽ không được phục vụ. Đơn giản, anh không đủ văn hóa để thuộc về nó, anh sẽ bị nó đào thải.

Nhưng các thành phố lớn của chúng ta có được sức mạnh đào thải như cái siêu thị không? Hoàn toàn không. Luật lệ, quy định đều có cả nhưng con người ta sẵn sàng đạp lên các luật lệ, quy định ấy để mà bản năng sống, bản năng hành xử, bản năng thái độ... 

Chẳng một ai thích thú gì khi giữa vỉa hè đẹp như thế lại dựng lên một loạt barie ziczac cả. Nhưng nếu không dựng chúng lên, vỉa hè sẽ không còn là vỉa hè nữa. Các công dân đô thị hôm nay đã cưỡng bức chính đô thị mà họ đang sống trong đấy bằng một thái độ sống mông muội vô cùng. Và đó cũng là điểm mà Chủ tịch nước mới đây phải nhắc tới: "Cần xây dựng thái độ thượng tôn pháp luật".

Chúng ta không thể đổ lỗi cho sự quá tải về dân số đã khiến TP HCM cũng như Hà Nội kẹt xe thường xuyên được. Mật độ dân số ở TP HCM thua xa Bangkok nhưng tại sao người Bangkok đối xử với kẹt xe khác với người Sài Gòn, Hà Nội? Dễ hiểu, họ chấp thuận đó là một khó khăn và có vội vàng đến mấy, họ cũng ráng chờ đợi, sự nhẫn nại của những người biết sợ luật. 

Còn ở Hà Nội và TP HCM thì sao? Chúng ta chen, chúng ta len lỏi, chúng ta bấm còi inh ỏi, chúng ta thể hiện mình là những kẻ kém văn hóa thực sự và kém một cách bền vững, theo kiểu cố thủ trong một thành lũy hành xử và cấm bất kỳ ai xâm phạm vào thành lũy hủ lậu ấy của chính mình.

Chính vì thế, các đô thị lớn ở Việt Nam cứ oằn mình lên mà chịu cơn hành hạ của thị dân mà nó dung dưỡng. Cơn oằn mình hứng chịu ấy đã lên đến ngưỡng, đã đến điểm tới hạn và cho thấy đô thị bất lực với chính những thị dân kém văn minh của mình. Nó không còn cưỡng lại được cơn bạo bệnh nữa rồi, cơn bạo bệnh mà căn nguyên là thứ virus lây lan nhanh hơn bất kỳ loại virus nào: Virus coi thường luật lệ.

Người châu Âu có một cái nhìn khá lý thú về sự sung túc. Họ cho rằng bạn có thể sung túc về tri thức, về của cải và về văn hóa và nó sẽ thể hiện ra bằng các hình thái rõ rệt. Nhưng riêng về vật chất và tri thức, bạn có thể đánh cắp nó từ người khác còn về văn hóa thì không thể nào. 

Cái nhìn này, xét về giác độ đời sống đô thị ở Việt Nam, chúng ta sẽ thấy phù hợp hoàn toàn. Chúng ta có thể có được sự giàu có vật chất bằng cách xây nên những đô thị nguy nga, chúng ta có thể có được sự giàu có tri thức bằng cách tạo ra những đô thị thông minh áp dụng các loại công nghệ tân tiến nhất thế giới nhưng chúng ta vĩnh viễn không có được những đô thị văn hóa nếu cư dân của nó tiếp tục hành xử hoang dã và cưỡng bức đô thị của mình đến tận cùng.

Và suy cho cùng, cái chúng ta cần bây giờ ở các đô thị kém văn hóa chính là luật pháp. Khi không thể năn nỉ, thuyết phục và giáo dục được nữa, chế tài nghiêm ngặt sẽ là điều cần phải làm để phản công ngược lại, đưa những con người hoang dã vào khung hành xử chung nhất, phù hợp nhất và có sự biết ơn nhất định đối với chính đô thị đã và đang dung dưỡng họ suốt thời gian dài. 
Hà Quang Minh
.
.