Sự chuyển động của đô thị

Cốt lõi thị dân

Thứ Tư, 01/03/2017, 09:28
Hình ảnh ông Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) Đoàn Ngọc Hải đi cùng các nhân viên công vụ với quyết tâm "Lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, cho mỹ quan đô thị", theo quan điểm cá nhân của tôi là tích cực.

Những điểm sáng chứng minh sự vận chuyển trong đội ngũ quản lý đô thị ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là điều cần phải ghi nhận.


Dĩ nhiên, với thời đại giám sát Facebook thì cũng có chuyện này hay chuyện kia. Nhưng nhìn chung, hình mẫu cán bộ lãnh đạo đến trực tiếp hiện trường chỉ đạo hơn một lần là đáng khích lệ.

1. Vỉa hè ở TP HCM (tôi không rành TP Hà Nội nên không dám lạm bàn) là một câu chuyện dài, thậm chí rất dài. Bất cứ ai mưu sinh trên vỉa hè đều có thể kể vach vách chỗ này chung bao nhiêu một tháng để khách được đỗ xe dưới lòng đường, chỗ kia chi bao nhiêu một tháng để có thêm bãi giữ xe cho khách trên vỉa hè.

Đó là chưa kể đến đội ngũ bán thuốc lá, bán cà phê cóc, bán đồ điểm tâm buổi sáng trên vỉa hè, những xe bán trái cây dạo, bán nước giải khát dạo... Có rất nhiều thứ đang tồn tại trên vỉa hè tại TP HCM, cũng như không thể phủ nhận có một đội ngũ mưu sinh từ vỉa hè TP HCM.

Tôi biết nhiều bậc làm cha làm mẹ, với quầy cà phê cóc trên vỉa hè đã lo cho hai con học đại học, rồi dựng vợ gả chồng, rồi cho con dâu thừa kế lại chỗ bán. Không chỉ là cà phê cóc, còn có nước mía, nước sâm, mấy cái bàn kê vội bán hủ tíu, bún bò.

Tuyên chiến với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chính là tuyên chiến với một nhóm lợi ích (mặc dù không nhiều quyền lực nhưng chắc chắn có sức tác động), đó cũng là tuyên chiến với một bộ phận người mưu sinh trên vỉa hè.

Mười mấy năm ngụ cư ở thành phố này, tôi đã chứng kiến không biết bao lần cán bộ lãnh đạo tuyên chiến với vỉa hè. Đâu rồi cũng lại vào đấy, đâu rồi cũng vẫn như cũ.

Minh họa: Hữu Khoa.

Anh bạn bên kênh truyền hình còn gửi cho tôi cái clip phỏng vấn người dân buôn bán trên vỉa hè, cô được phỏng vấn rất thật thà: "Thì họ đuổi mình lại chạy, họ đi thì mình buôn bán tiếp thôi". Rõ ràng, tuyên chiến với vỉa hè là giải pháp tạm thời khi mà lãnh đạo không giải quyết được vấn đề vĩ mô hơn, đó là người dân có thể mưu sinh trên chính mảnh đất quê hương thì chuyện nhập cư kèm theo các hệ lụy là chuyện bắt buộc các đô thị lớn phải gánh chịu.

2. Song song với cuộc chiến vỉa hè, là những cái barie được đặt trên các tuyến đường trung tâm quận 1, TP HCM.

Tất nhiên đặt barie rất phiền toái cho người đi bộ, cho những cậu bé cô bé tan trường đùa giỡn với nhau, cho người khiếm thị, cho người khuyết tật, cho du khách nước ngoài. Tôi tin là những cán bộ lãnh đạo quyết tâm đặt barie đã lường trước những vấn đề này, nhưng họ đang có mục đích cao hơn theo quan điểm của họ, đó chính là tuyên chiến với tình trạng điều khiển xe gắn máy leo lề để tránh tình trạng ách tắc giao thông.

Ý thức thị dân khi tham gia lưu thông là vấn đề hết sức nan giải, bao nhiêu đợt tuyên truyền vận động, bao nhiêu đợt xử lý mạnh tay, ra quân thí điểm rồi cũng lặp lại chuyện người điều khiển xe gắn máy vẫn cứ cho phương tiện leo lề.

Ngoài Hà Nội, nhìn tình trạng lấn làn xe buýt nhanh, từ công dân cho đến nhân viên điều khiển phương tiện biển số xanh đã suýt ngất. Thật tình không hiểu sao lại có thể hành xử như vậy được.

Nhưng đã xét thì phải xét căn nguyên, rõ ràng tình trạng giao thông tại các đô thị lớn đang quá tải nghiêm trọng và những giải pháp đưa ra phần nhiều chỉ có tính khảo nghiệm hoặc cấp thời. Cái thiếu nhất của các đô thị hiện nay chính là những chuyên gia quy hoạch đô thị, những người hiểu rõ đặc tính của đô thị, thói quen của đô thị, sự vận động của đô thị.

Còn bây giờ, những giải pháp đa phần mang tính chủ quan của cán bộ lãnh đạo nhiều hơn. Có lẽ, nên tính đến một cuộc khảo sát, một kiểu hiến kế dành cho thị dân trước những vấn đề mà đô thị gặp phải, chính quyền TP Hà Nội đã làm điều này.

3. Trong khi chờ đợi những giải pháp khoa học bền vững của những chuyên gia được đào tạo bài bản, có tầm nhìn và hiểu rõ đô thị thì có lẽ phải nghĩ đến việc xây dựng ý thức cho thị dân.

TP HCM trước đây đã từng rất thành công khi tuyên truyền về ý thức thị dân không dừng xe lấn vạch dành cho người đi bộ. Sau hàng loạt bài báo thì hiện tại đã không còn tình trạng đó, hoặc nếu có thì rất ít.

Không hiểu sao cuộc vận động này chỉ dừng lại ở thành công ấy, mặc dù đó là tiền đề cho nhiều cuộc vận động về sau.

Tuy nhiên, điều đã trôi qua thì không hối tiếc. Cá nhân tôi nghĩ rằng ở thời điểm này hoàn toàn có thể phát động những cuộc khơi gợi ý thức của thị dân, như không lấn làn xe khi lưu thông, không chạy trên vỉa hè, không xâm phạm phần đường dành cho xe buýt nhanh, không khạc nhổ...

Nếu khơi gợi được ý thức tự tôn trong mỗi cá nhân thị dân đang sinh sống tại các đô thị, ít hay nhiều cũng sẽ giảm thiểu được những điều không vừa tai vừa mắt. Quan trọng hơn, cốt lõi của đô thị vẫn là thị dân, nghìn nghìn giải pháp cưỡng bức vẫn không bằng ý thức được nâng cao.

Ấy là tôi nghĩ vậy.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.