Sự kiện của năm

Năm đổi mới và thức tỉnh

Chủ Nhật, 11/02/2018, 08:26
Nếu phải trả lời câu hỏi “Đâu là ấn tượng kinh tế nổi bật của năm 2017?”, có lẽ không ít người sẽ cùng một chọn lựa nhanh: Những đại án kinh tế.

Như thường lệ, ở mỗi số báo An ninh Thế giới Giữa tháng - Cuối tháng Tết, chúng tôi đều chọn các sự kiện tích cực của năm để lạm bàn từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa xã hội.

2017, là một năm đặc biệt của quốc gia, một năm với hàng loạt những phát ngôn ấn tượng, hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ với mục đích cuối cùng là để phục vụ nhân dân tốt hơn, đưa đất nước chuyển mình phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Đảng kiên trì xây dựng và chỉnh đốn, loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất, không đủ phẩm chất năng lực, từng bước triệt tiêu tham nhũng, Chính phủ kiến tạo nhất quán lời nói đi kèm hành động, Quốc hội ngày càng phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện trước những vấn đề trọng điểm… Đã nảy sinh rất nhiều tín hiệu tốt cho một hy vọng vào tương lai.


Đúng là những đại án kinh tế được điều tra, phanh phui, xét xử ở năm 2017 đã làm chấn động dư luận một cách vô cùng mạnh mẽ, nhưng suy cho cùng, ở dịp Tết đến, xuân sang này, bình luận về những đại án kia dường như không phải là một lựa chọn hay ho cho lắm.

Vả lại, đại án kinh tế thì dù gì cũng là câu chuyện rộng hơn kinh tế đơn thuần. Nó là vấn đề của luật pháp, của xã hội, của đạo đức. Còn nếu chỉ nói về đơn thuần kinh tế không mà thôi, có những sự kiện khác đáng được coi là điểm nhấn hơn và thực tế đúng là như vậy.

Sẽ không mấy ai nhớ tới nhưng nếu nhắc lại, có lẽ chúng ta sẽ đồng thuận với nhau rằng sự kiện nhà nước thoái vốn thành công ở Tổng công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một chứng chỉ cho nỗ lực cải cách nền kinh tế.

Không chỉ có vậy, sự minh bạch trong quá trình chuyển đổi chủ sở hữu cổ phần mà nhà nước vốn nắm giữ cũng tạo dựng một niềm tin rất lớn trong công chúng. Và Sabeco sẽ chỉ là một ví dụ nhỏ thôi, cho cả một chuỗi những sự kiện nối tiếp nhau, theo cùng một mục đích, một chủ trương, một con đường.

Minh họa: Lê Phương.

Điểm đáng chú ý nhất trong năm 2017 vừa qua chính là tinh thần của các Nghị quyết Trung ương (Nghị quyết Trung ương 5 và 6) đã thể hiện rất rõ quyết tâm phát triển thành phần kinh tế tư nhân theo quan điểm nhà nước cần phải rút lui ở các lĩnh vực kinh tế mà tư nhân làm tốt hơn, những lĩnh vực mà pháp luật không ngăn cấm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải tạo dựng khung chính sách thông thoáng nhất để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân phát huy hết nội lực của mình. Và ngay sau khi nghị quyết được thông qua, hành động đã được nối tiếp để không ai phải chờ đợi thêm. SCIC đã công bố kế hoạch thoái vốn tại một loạt tập đoàn nhà nước tham gia mà trong đó, Sabeco, Habeco và Vinamilk chỉ là dẫn chứng nổi bật nhất mà thôi.

Phải nhìn nhận vào thực tế rằng, ở vào giai đoạn các nhà kinh tế lừng lẫy trên thế giới đang lo ngại về tương lai của kinh tế toàn cầu, về việc phải triệt tiêu chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) vì nó đã tới hạn trong chu kỳ phát triển và để bảo vệ cho chủ nghĩa toàn cầu hoá thì việc Việt Nam cởi bỏ những ràng buộc cuối cùng để thành phần kinh tế tư nhân được phát huy hết sức mạnh, từ đó trở thành nguồn lực chủ đạo của nền kinh tế rõ ràng là một quyết định sáng suốt và đúng lúc. Nếu chúng ta không thực thi cải cách ấy ngày hôm nay, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội và tiếp tục tụt hậu so với các quốc gia hùng mạnh thêm nhiều năm nữa.

Giai đoạn này, trên thế giới đang tái cơ cấu lại các nền kinh tế và việc Việt Nam trả lại thị trường cho thị trường quyết định, nhưng vẫn có sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ, chính là bước đi có thể đón được xu hướng cải cách của các vùng kinh tế “lão làng” trên thế giới.

Chính vì thế, nói chỉ đạo phát triển kinh tế của các Nghị quyết Trung ương 5 và 6 vừa qua là một quan điểm, động thái đổi mới, thức tỉnh mang tính lịch sử là không sai chút nào. Có thể hôm nay chúng ta chưa nhận thấy lợi ích của những hành động thay đổi, cải cách kể trên nhưng chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ phải công nhận giá trị của công cuộc đổi mới về tư duy trong năm 2017 vừa rồi là lớn như thế nào.

Và nếu nói về chi tiết, thành công trong việc thoái vốn khỏi những đơn vị điển hình như Sabeco trong năm 2017 chính là bài học kinh nghiệm cực quý giá cho nhiệm vụ tiếp tục thoái vốn khỏi các tập đoàn nhà nước khác mà SCIC đang đảm nhiệm.

Trên các tiêu chuẩn minh bạch, hiệu quả, đúng giá trị, đúng đối tượng, SCIC sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa nghiệp vụ bán cổ phần nhà nước của mình và từ đó, mang lại một nguồn vốn lớn cho ngân sách quốc gia, trong khi đó tạo ra một cơ hội đầu tư rất sáng giá cho những nhà đầu tư tư nhân, những người đang thực sự tin tưởng vào chính sách đổi mới cũng như tự tin rằng năng lực và kinh nghiệm của họ sẽ giúp cho các thương hiệu Việt phát triển hơn nữa.

Và nhắc đến thương hiệu, cũng chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong một phát biểu hồi đầu năm 2017, đã nhắc nhở rất cụ thể rằng “đã đến lúc thay vì nói người Việt dùng hàng Việt, ta cần phải tư duy theo kiểu hàng Việt chinh phục người Việt”.

Câu nói ấy hàm chứa cả một quan điểm làm kinh tế, với trọng tâm được đặt vào phía người tiêu dùng, vào thị trường, chấp nhận quyết định và chọn lựa của thị trường. Quan điểm đó là một tư duy mới và hoàn toàn phù hợp với đề bài mà Đảng đã đặt ra, về việc phát triển hết nội lực của thành phần kinh tế tư nhân.

Ghi nhận thành phần kinh tế tư nhân là chưa đủ. Thực hiện những động thái, chính sách để mở rộng hành lang, tạo cơ hội cho thành phần kinh tế tư nhân mới là điều cần thiết nhất. Và năm 2017 đã chứng kiến những hành động, những kiến tạo như thế. Vậy thì đó có đáng coi là điểm nhấn ấn tượng nhất ở lĩnh vực kinh tế hay không? Câu trả lời chắc chúng ta đều rõ. 

Năm 2017 vừa rồi xứng đáng được gọi là năm của đổi mới, cải cách, thức tỉnh và có thể sẽ đánh một dấu mốc lịch sử khi chúng ta nhìn lại nó từ tương lai.

Hà Quang Minh
.
.