Những con vật mua vui

Tục chỉ hủ khi con người còn hủ

Thứ Hai, 24/07/2017, 08:19
Mùa hè năm 2000, một bộ phim của đạo diễn Ridley Scott được công chiếu, và gây tiếng vang rất lớn với 5 giải Oscar sau đó không lâu.

Sự việc trâu chọi húc chết chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (TP Hải Phòng) đã khiến nhiều người giật mình xét lại là nên giữ hay nên bỏ những lễ hội như thế này.

Đến tận bây giờ, bộ phim ấy vẫn còn được chiếu đi chiếu lại trên Star Movie, HBO và nó vẫn gây sức hút mạnh mẽ đối với người xem. Gladiator (Võ sĩ giác đấu) đã đưa Russel Crowe lên một nấc thang mới trong sự nghiệp.

Phải nói rằng những thước phim về hình ảnh của đấu trường Colosseum trong Gladiator đẹp đến choáng ngợp. Người xem đắm chìm trong sự hoành tráng của nó, ngưỡng mộ nó và tất cả gần như không ai nghĩ đến những dã man ẩn chứa đằng sau trò giác đấu kia là gì.

Colosseum trong phim và Colosseum ngoài đời thật luôn mang lại cảm giác như vậy cho khán giả cũng như cho những du khách đặt chân đến Roma cổ kính. Với họ, chỉ có vẻ đẹp, sự ngưỡng mộ dành cho lịch sử và không có bất kỳ mùi vị gì của máu, thứ chắc chắn đã thấm đẫm dưới nền đất của đấu trường. Trước vẻ đẹp hùng vĩ, con người ta quên nhanh đi sự dã man, một bản tính tập thể của giống loài.

Minh họa: Lê Phương.

Loài người, Tây hay Đông, Nam hay Bắc, từ cổ chí kim, đều có những trò "giác đấu" theo cách riêng của mỗi dân tộc, trò giác đấu mà ở dưới sân đấu có thể là hai con người đối diện nhau, đến chết; hoặc một vài con người đối đầu mãnh thú, tất nhiên cũng đến chết. 

Sự chết ở sau lưng một ai đó luôn kích thích con người ta một cách khủng khiếp dù thực sự, họ đang cổ vũ cho lòng quả cảm, sức mạnh và sự khôn ngoan để chống chọi lại với tự nhiên tàn bạo. Mặc cảm của một giống loài không có sức mạnh cơ bắp bậc nhất trong tự nhiên, nhưng lại có sự khôn ngoan vượt trội so với các giống loài khác, đã khiến cho con người thích thú với những trò tiêu khiển mà sự chết luôn rình rập.

Sẽ là kết cục nào nếu như không có vụ con trâu số 18 húc chết chủ ở Đồ Sơn, và thậm chí nó lên ngôi vô địch. Người ta sẽ lại khen ngợi một hội chọi trâu đẹp mắt, với đầy rẫy những bức ảnh chụp sống động của những tay máy luôn biết chọn góc chụp đắt nhất. Và "số 18", vâng, phải gọi là "số 18", sẽ được tôn vinh là "Ông trâu".

Nhưng sự việc đã xảy ra khác hẳn. Mất đi một mạng người, "số 18" đã một bước từ "ông" xuống thẳng "con". Trâu không biết nói, chỉ con người biết nói. Từ "ông" xuống "con", ấy là quyết định của chính con người.

Sau tai nạn mà "số 18" gây ra, tôi ngồi uống rượu với một tay nuôi gà chọi lừng danh Khánh Hòa. Người ấy nói một câu mà tôi phải giật mình kinh hãi: "Em tin là con trâu ấy bị tiêm thuốc kích thích. Kinh khủng lắm anh ơi. Em làm nghề gà em biết. Gà đá mà tiêm vài cc thôi, nó như con gà điên cuồng, khác hẳn với tập tính bình thường của giống gà đá. Thuốc ấy của Mỹ, giờ mua đầy. Con trâu kia cho một ống thôi thì nó thành quái vật". 

Câu chuyện ấy tưởng như là thuyết âm mưu và phỏng đoán của một người gọi là có am tường về thú chơi chọi gà. Vậy mà ngay ngày hôm sau, trên nhiều trang báo điện tử, nó đã trở thành nghi vấn chính thức cho "số 18".

Lập tức, có những quan điểm lại được đưa ra, yêu cầu loại bỏ lễ hội chọi trâu, một thứ hủ tục. Những quan điểm dạng này chúng ta nghe quá quen tai rồi, từ quá nhiều năm nay. Thì ra là thế, sau khi không nhìn thấy vẻ đẹp nào cả, mà chỉ nhận ra sự dã man, con người ta sẽ muốn loại bỏ ngay những sự kiện dạng ấy khỏi đời sống, với một nhận định duy nhất: hủ tục.

Phải thừa nhận, trong chuỗi lịch sử của dân tộc, có quá nhiều tập tục để lại đúng là rất hủ lậu và mông muội, mà chính chúng ta cảm thấy nghẹt thở khi cứ phải cố tồn tại cùng với chúng, chỉ vì chúng được khoác tấm áo rất ảo là "bảo tồn văn hóa". 

Nhưng có phải là tất cả các tập tục cha ông để lại đều là hủ tục từ bản chất hay không, hay chính vì chúng ta đã không cải cách và dung hòa cho chúng phù hợp với thời đại hơn? Và lễ hội chọi trâu là một điển hình ví dụ. Nó có thể dung hòa với xã hội hiện đại lắm chứ và nó cũng hoàn toàn có thể xảy ra trong điều kiện an toàn tuyệt đối đối với con người lắm chứ.

Ở Iberia, châu Âu, đấu bò tót là một môn thể thao truyền thống và đã nhiều năm nay, tính ra là khoảng 2 thập kỷ, những người hoạt động nhân đạo vẫn miệt mài lên án nó, yêu cầu phải xóa bỏ các cuộc đấu bò mà họ cho là tàn bạo với cả con vật lẫn con người. Nhưng mọi nỗ lực đều không mang lại kết quả. Trò đấu bò vẫn tồn tại. Bò vẫn bị giết và nhiều matador vẫn bị bò giết. 

Thậm chí, ngay cả lễ hội bò thả rông trên phố và thoải mái "lùa" đám người liều lĩnh thách thức nó năm nào cũng vẫn diễn ra ở Pamplona như một thách thức những chống đối của các tổ chức đấu tranh vì quyền động vật. Điều đó cho thấy con người ta có thể gần với dã man, mông muội và nói nặng lời là "mọi rợ" ở bất kỳ điều kiện nào, không cứ là chỉ ở những nước nghèo và lạc hậu.

Quay lại với Đồ Sơn và chọi trâu ở Việt Nam, nó có đáng bị coi là hủ tục không nếu như chúng ta nhận ra chính con người mới là những kẻ hủ lậu chứ không phải bản chất cái lễ hội kia đã là hủ lậu. Nếu không có cái tham, để sẵn sàng làm mọi cách nhằm con trâu chiến của mình phải đoạt giải, chắc chắn sẽ không có những cái họa kiểu "trâu điên, chó dại" mà điển hình là của "số 18". 

Nếu không có cái ẩu, để việc chọi trâu năm nào cũng diễn ra ở một đấu trường thô sơ còn hơn cả Colosseum, thứ được xây dựng từ những năm 80 trước Công nguyên, thì tai nạn chết người có thể diễn ra không, kể cả việc con trâu bị bỏ vào sới đấu là một con trâu điên thực sự?

Và chúng ta hãy nhìn vào hoàn cảnh xã hội Việt bây giờ để một lần thực sự nhận diện chính mình. Khi chúng ta bình thản đưa chiếc điện thoại lên ghi hình 2 đứa trẻ đánh nhau ngoài đường, coi như đó là một lần được giải trí với một "đấu trường tự phát"; khi chúng ta nuôi những con chó chiến bằng thịt sống cho chúng quen với sự hung dữ và sẵn sàng dắt nó ra đường mà không rọ mõm, bất chấp nó có thể khiến người khác bị nạn; khi chúng ta hồn nhiên chia sẻ những video các đám giang hồ đang lao vào nhau với phớ, đao và mã tấu..., chúng ta đã cất sự dã man của mình đi đâu?

Loài người vẫn thế thôi, vẫn ham cảm giác xem những gladiator xáp vào nhau trối chết. Trên sới đấu UFC hay thậm chí boxing, vẫn có những người chết mỗi năm và nó chỉ là minh chứng cho cái tàn bạo từ vô thức của giống loài. Nhưng có vẻ như nhiều nước thì đang đi xa hơn chúng ta rất nhiều bước, khi họ hiểu, và biết cách làm, để giảm thiểu những tai họa có thể xảy ra từ trò tiêu khiển của mình.

Còn chúng ta, người Việt, chúng ta đã và đang ngày lại ngày, biến các tập tục của mình trở nên hủ lậu, vì chính chúng ta cũng đang hủ bại dần.

Hà Quang Minh
.
.