Những con vật mua vui

Nỗi buồn lễ hội

Thứ Tư, 19/07/2017, 08:58
Ở một đất nước mà theo thống kê là trung bình cứ 1 giờ có 1 lễ hội thì đáng ra phải là một đất nước nức tiếng thơm vì lễ hội. Song, đáng tiếc là thực tế không phải như vậy!

Sự việc trâu chọi húc chết chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (TP Hải Phòng) đã khiến nhiều người giật mình xét lại là nên giữ hay nên bỏ những lễ hội như thế này.

1. Không phải đợi đến khi xảy ra chuyện đau lòng con trâu chọi phản chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vừa qua thì người ta mới bắt đầu đặt vấn đề về việc giữ hay bỏ những lễ hội được cho là man rợ với động vật như thế. 

Thực tế, vấn đề đã được đặt ra từ khá lâu rồi, không riêng gì với chọi trâu ở Đồ Sơn mà còn với những lễ hội như chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), treo trâu cho đến chết ở lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái), hay lễ hội đập đầu trâu Phú Thọ,... Và hiện tại thì một số lễ hội này, hoặc là đã bắt đầu được dẹp bỏ, hoặc là tổ chức quy mô nhỏ, khu biệt lại, không thông tin trên truyền thông.

Đó rõ ràng là một quyết định, một nỗ lực đáng hoan nghênh, nó cần thiết để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, phản cảm để xây dựng một nét văn hóa lễ hội văn minh và nhân ái hơn.

Công bằng mà nói, các lễ hội đều có một đời sống riêng, một ý nghĩa riêng của nó bao đời nay, gắn liền với truyền thống văn hóa, tập tục ở mỗi làng xã, địa phương đó. Nhưng cũng có một thực tế là không có bất kỳ một giá trị nào bền vững với dòng chảy thời gian mà buộc phải thay đổi theo mối quan hệ của con người với các điều kiện sống thực tế.

Một ví dụ đơn giản là nếp sống trên nhà sàn ở vùng thượng du ngày xưa, đó là một lối kiến trúc hợp lý giúp con người tránh thú dữ. Nhưng bây giờ thú dữ không còn, sự hữu ích của nếp nhà sàn đã không còn tuyệt đối. Chưa kể là vật liệu làm nhà sàn - gỗ đã là của sang! Vì thế, sự tiếc nuối với nhà sàn, có chăng chỉ là của những con người thành thị, ở nhà lầu và đi du lịch cốt để xem người ta sống khác mình ra sao mà thôi!

Minh họa: Lê Phương.

Với các lễ hội có tính chất giết chóc động vật như đâm trâu, chém lợn,... không phải bây giờ người ta mới thấy phản cảm. Song, nếu như ngày xưa nó chỉ là một lễ hội, một phong tục diễn ra trong phạm vi một ngôi đình làng, phục vụ cho nét tín ngưỡng, tập tục của làng đó. Tất cả hình ảnh của lễ hội chỉ dừng lại ở phạm vi rất hẹp như thế.

Bây giờ thì khác, xã hội phát triển, truyền thông, Internet có thể cho cả thế giới biết được ở một ngõ ngách nào đó đã xảy ra chuyện gì. Và kể từ đó, những hình ảnh giết chóc, máu me phản cảm được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Và tất nhiên, người ta không thể nào thờ ơ với những hình ảnh, những tập tục ghê sợ như thế ở một thế giới văn minh, thế giới đang tiến tới việc đối xử bình đẳng với động vật.

Hình ảnh con lợn bị trói 4 chân và căng kéo ra 4 góc trên sân đình làng Ném Thượng để cho người ta chém vào cổ hay hình ảnh con trâu bị buộc vào cây cột giữa sân làng xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ, để 12 thanh niên thay nhau đập đầu trâu cho đến khi trâu ngã gục mới thôi,... 

Đó rõ ràng là những hủ tục và niềm tin ghê rợn, nó phản lại với những gì mà con cháu ngày nay được dạy dỗ về sự nhân ái. Vì thế, việc tiến tới xóa bỏ những lễ hội này, thiết nghĩ không nên dành nhiều sự tiếc nuối như thế!

2. Không riêng gì những lễ hội có giết chóc động vật, tính bạo lực cũng đang có xu hướng tràn lan trong một số lễ hội văn hóa hiện nay. Đó là những lễ hội cướp ấn, cướp phết, cướp hoa tre,... với ý nghĩa người cướp được sẽ gặp may mắn, sẽ thăng tiến trên con đường danh vọng. 

Những cảnh tranh cướp náo loạn, thậm chí là lao vào ẩu đả nhau đầy bạo lực đã không còn xa lạ trong những mùa lễ hội gần đây. Những hình ảnh này cho thấy, các lễ hội văn hóa đã bị biến tướng, trở thành một cuộc tranh cướp ước mơ.  

Bản chất lễ hội hoàn toàn không như vậy, vậy thì lỗi tại ai? Ở đây, lỗi trước tiên là người tổ chức lễ hội. Họ đã không giữ đúng tinh thần của lễ hội truyền thống, họ đã để màu sắc dị đoan, để những niềm tin hư ảo kích thích lòng tham của người tham gia lễ hội; để từ đó mọi cái xấu xí vượt lên trên cái gọi là nét đẹp văn hóa, tinh thần của lễ hội.

Ở các lễ hội đó, thay vì tung cầu, tung phết lên để tạo ra một trận tranh cướp đầy bạo lực, người ta đặt nó trong đình làng để mọi người lần lượt đến khấn cầu may; và thay vì tạo ra những cuộc tranh cướp cá nhân, tại sao người ta tổ chức thành các đội chơi cho dân làng, khách du lịch tranh tài...

Người tham gia lễ hội văn hóa lại biến những lễ hội này thành những cuộc tranh tranh cướp ước mơ thăng tiến. Đó là một điều thảm hại của văn hóa, tâm linh. Song, lỗi cũng không hoàn toàn ở họ, bởi có lẽ đa số họ không hề hiểu về ý nghĩa lịch sử của những lễ hội này.

Khi người tham gia lễ hội không có một khái niệm gì về ý nghĩa truyền thống văn hóa của lễ hội đó thì việc họ bị niềm tin dị đoan, bị lòng tham dẫn dắt, dẫn đến những cuộc tranh cướp bạo lực cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên.

Điều đó cũng có nghĩa là, một số nơi chỉ lo tổ chức lễ hội sao cho hoành tráng, thậm chí nhiều lễ hội ngày nay còn bị đem ra thương mại hóa; trong khi đó cái ý nghĩa, linh hồn cốt lõi của lễ hội thì bị lãng quên!

Ở một đất nước mà theo thống kê thì trung bình cứ 1 giờ có 1 lễ hội diễn ra thì đáng ra phải là một đất nước nức tiếng thơm vì lễ hội. Song, đáng tiếc là thực tế không phải như vậy, nếu không nói là ngược lại; hiện tại không chỉ có dân ta mà cả bạn bè thế giới đều lên tiếng.

Rõ ràng là đối với những lễ hội có quá nhiều hủ tục như đâm chém động vật giữa sân đình, hay những lễ hội biến tướng thành những cuộc tranh cướp, hỗn chiến vì ước mơ thăng tiến không có lý do gì tồn tại trong xã hội văn minh hiện tại. Nó cần phải được tiến tới xóa bỏ hoàn toàn ra khỏi đời sống văn hóa lễ hội và cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt của nhà quản lý văn hóa, lễ hội để trả lại cho những lễ hội đó nét đẹp vốn có của nó.

Hoàng Lãm
.
.