Phẩm chất doanh nhân

Gian manh chi đạo

Thứ Ba, 28/11/2017, 08:22
Thật ra, sự gian manh không hẳn chỉ là câu chuyện đạo đức mà đó còn là một căn bệnh, một thứ ký sinh.

Câu chuyện gian dối của doanh nhân Khải Silk không phải là câu chuyện quá cá biệt ở chốn thương trường của nước mình. Đáng tiếc là những câu chuyện tương tự như vậy thường được xuề xòa cho qua. Và nếu doanh nhân ở một quốc gia không đủ tầm để trở thành lực lượng tiên phong kéo theo sự phát triển kinh tế xã hội, thì sẽ rất khó cho quốc gia đó trong quá trình tích tụ nội lực, uy tín…

Khi mà sức đề kháng của xã hội kém đi, khi mà các cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống giám sát hoạt động không hiệu quả thì căn bệnh ấy, loài ký sinh ấy sẽ tự do phát triển.

1. Nhiều năm trước, tôi từng nghe một nhà văn hóa nói rằng, sự gian manh của con người sẽ có lúc trở thành một lối sống phổ biến trong đời sống hiện đại. Ông gọi đó là “gian manh chi đạo”, đạo ở đây là con đường, là thói quen của số đông. 

Bây giờ, sự gian manh có là lối sống của số đông hay không thì không thể khẳng định được khi chưa có một cuộc khảo sát, đánh giá khoa học nào. Nhưng cũng có một thực tế là ngày nay người ta có thể nhìn thấy sự gian manh thể hiện ở bất cứ môi trường và con người nào. Từ việc cân gian của bà bán hàng ngoài chợ cóc, đến nhãn hàng hóa lập lờ, tráo trở của doanh nghiệp…

Thói gian manh của con người là một bản năng, và để đảm bảo lợi nhuận của bản thân, của doanh nghiệp, nhiều người sẵn sàng từ bỏ nhân cách của bản thân. Và tất nhiên là khi đó, lợi ích của khách hàng không hề có mặt trong tư duy của doanh nhân. Thậm chí, có những trường hợp còn thờ ơ, bất chấp với cả sức khỏe, tính mạng của đồng loại mình!

Minh họa: Lê Phương.

Vì đâu người ta lại tiêm thuốc an thần cho hàng ngàn con lợn trước khi mổ thịt? Vì sao người ta trồng hai luống rau, một để ăn riêng và một để bán? Duyên cớ nào người buôn bán lại vô tư nhúng trái cây vào hóa chất, vốn là thứ thuốc độc với con người? Câu trả lời vẫn là vì lợi nhuận của bản thân.

Thật không thể tưởng tượng được là trong bữa cơm hằng ngày của gia đình, chúng ta đã ăn phải bao nhiêu thứ chất độc mà không hề hay biết! Với nhiều người, vụ tiêm thuốc an thần vào lợn của lò mổ Xuyên Á có lẽ là điều khủng khiếp nhất. 

Và sự vô cảm như lên đến đỉnh điểm khi có chị tiểu thương nọ đã thẳng thắn thừa nhận rằng, do giá giết mổ tăng nên phải tiêm thuốc an thần để thịt tươi dễ bán, dễ có lời hơn!

Rồi đến mặt hàng mỹ phẩm, tơ lụa,… cũng đã được những doanh nhân vốn rất danh tiếng trên thương trường, buôn hàng giả. Ồn ào nhất có lẽ là vụ khăn lụa Khải Silk lại có mác nước ngoài. 

Doanh nhân Khải Silk đã ngay lập tức thừa nhận là đã bán khăn Trung Quốc với tỷ lệ lên đến 50% và kéo dài hàng chục năm nay rồi. Hẳn là với nhiều người, đó là một tin “sốc” thật sự. Và nhiều người đã tặc lưỡi nuối tiếc cho anh Khải, cho một thương hiệu lụa danh tiếng không chỉ trong nước.

Không biết vụ việc này có là dấu kết cho thương hiệu lụa Khải Silk hay không, nhưng rất có thể, vụ việc sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của tơ tằm Việt Nam trên thị trường thế giới. Đó mới là điều đáng để lưu tâm nhất. Thật không quá khi nói rằng, doanh nhân là một lực lượng đầu tàu của xã hội. 

Có khi, uy tín một sản phẩm không chỉ là uy tín của doanh nghiệp, của doanh nhân mà còn là uy tín một thương hiệu của đất nước. Cho nên, doanh nhân mà gian dối, doanh nhân mà lừa đảo thì hậu quả đôi khi rất nặng nề không chỉ với doanh nhân.

2. Trong kinh doanh, người ta thường nhắc đến đạo đức kinh doanh và phẩm chất doanh nhân. Hiểu nôm na, doanh nhân phải hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và khách hàng. Doanh nhân mà đặt lợi ích, lợi nhuận của mình lên hàng đầu, bất chấp với khách hàng, khi đó, doanh nhân đánh mất phẩm chất một doanh nhân.

Có người đã hỏi, đạo đức kinh doanh từ đâu mà có khi mà trong nền kinh tế thị trường thì lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu?! Đây là một câu hỏi khá thú vị. Có lẽ, đạo đức kinh doanh một phần từ phẩm chất của mỗi doanh nhân mà ra.

Cụ thể hơn, đó là trái tim của doanh nhân. Bởi suy cho cùng, nếu doanh nhân có một trái tim nồng nàn đối với sản phẩm của doanh nghiệp mình, đối với mỗi khách hàng sử dụng sản phẩm của mình thì tự động khi đó, anh ta sẽ đặt đạo đức trong kinh doanh lên trên hết.

Tôi có anh bạn đặc biệt yêu hoa kiểng và anh cũng đang là chủ cửa hàng. Trước khi bán cho khách, mỗi cây đều được anh chăm sóc tỉ mẩn. Anh chỉ giao cho khách những cây nào mà anh cảm thấy hài lòng và yên tâm nhất là về tay khách vẫn sẽ khỏe mạnh, tươi tốt. 

Anh có nói rằng, anh không nỡ bán cho khách những cây hoa mà ngay bản thân anh cũng chưa hài lòng, cây không khỏe mạnh. Đó cũng là câu chuyện nhỏ về đạo đức kinh doanh, về phẩm chất một doanh nhân?! 

Trở lại việc doanh nhân Khải Silk thừa nhận đã bán khăn Trung Quốc nhiều năm nay. Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao trong ngần ấy năm mà lực lượng quản lý thị trường vẫn không hề hay biết, xử lý? 

Cho nên, có người đã nghi vấn rằng phải chăng có ai đó đã “bảo kê” cho Khải Silk? Mà không riêng vụ bán khăn lụa đội lốt này, nhiều tiêu cực, lừa đảo khác trong kinh doanh vẫn không hề bị phát hiện dù đã diễn ra trong thời gian dài.

Rất mừng là vừa qua, khi vụ việc Khải Silk bị phanh phui thì Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo Bộ Công thương vào cuộc rất quyết liệt trong việc làm sáng tỏ vụ việc. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã khẳng định rằng: “Đây là hành vi không thể chấp nhận được. Thông tin này không tốt lắm, nhất là khi chúng ta đang có chủ trương khuyến khích phát triển doanh nghiệp và hàng hóa trong nước”. 

Ông cũng cho rằng vụ việc còn “làm giảm uy tín chất lượng của hàng hóa Việt Nam”.

Quyết tâm xử lý vụ việc này của Chính phủ và cơ quan chức năng đang được dư luận đồng tình ủng hộ, bởi dễ thấy rằng, nếu không làm tới cùng, không có những án phạt thích đáng thì từ đó sẽ tạo ra môi trường cho thói gian manh hoành hành. 

Bởi thật ra, sự gian manh không hẳn chỉ là câu chuyện đạo đức mà đó còn là một căn bệnh, một thứ ký sinh. Khi mà sức đề kháng của xã hội kém đi, khi mà các cơ quan thực thi pháp luật, hệ thống giám sát hoạt động không hiệu quả thì căn bệnh ấy, loài ký sinh ấy sẽ tự do phát triển. 

Hoàng Lãm
.
.