Trước biến động, tại sao phải...lập một hàng rào?

Thứ Hai, 17/08/2020, 08:52
Biến động tất yếu xảy ra trong một đời người cũng như trong số phận một đất nước, một dân tộc. Vấn đề do vậy không phải là chạy trốn biến động, mà là phải tìm những kỹ năng tốt nhất để đối diện và giải quyết biến động.


Theo Jared Diamond, giáo sư địa lý học người Mỹ, tác giả của hàng loạt cuốn sách về lịch sử văn minh nhân loại thì kỹ năng đầu tiên, quan trọng nhất là kỹ năng nhận diện biến động. Nếu không biết nhận diện, có thể bạn sẽ nhầm lẫn giữa một trạng thái biến động với trạng thái phi biến động. Và nhầm lẫn cơ bản này chắc chắn sẽ kéo theo những nhầm lẫn hệ lụy. Vậy rốt cuộc, biến động là gì?

Là một trạng thái, một thách thức nghiêm trọng, mà ở đó bạn không thể tiếp tục xử lý vấn đề bằng những phương thức sẵn có của mình. COVID-19 là một kiểu biến đông, hơn thế là một biến động tầm nhân loại, bắt buộc chúng ta phải thay đổi các phương thức xử lý sẵn có về đời sống.

Trước COVID-19, chúng ta sống trong một trạng thái có thể gọi là “bình thường cũ” nhưng kể từ khi xuất hiện COVID-19, chúng ta phải tập làm quen với “bình thường mới”. Bình thường mới có nghĩa là, phải rất lâu nữa, thậm chí là không bao giờ chúng ta có thể trở lại trạng thái “bình thường cũ” như trước nữa.

Kỹ năng quan trọng tiếp theo: Nhận diện biến động rồi, phải ứng xử, giải quyết biến động ra sao? Jared Diamond chỉ ra hơn 10 kỹ năng, có thể đúng hoặc trúng với người này, người kia, quốc gia này, quốc gia kia nhưng theo chúng tôi trong đó có 3 kỹ năng mang tính then chốt.

Một, phải lập một hàng rào, khoanh lại những vấn đề mà một cá nhân - một xã hội cần xử lý. Hàng rào ở đây là hàng rào nhận thức, hàng rào tâm lý, hàng rào hành động. Việc lập một hàng rào và xác định rõ những yếu tố nằm bên trong hàng rào, những yếu tố nằm bên ngoài hàng rào là hết sức quan trọng. Bởi nếu không, chúng ta sẽ bị biến động cuốn đi.

Những biến động nhẹ có thể chưa làm chúng ta nao núng nhưng những biến động lớn, những biến động khủng khiếp hoàn toàn có thể đẩy chúng ta vào trạng thái nao núng, bị động. Và lúc đó, chúng ta sẽ không biết phải bước tiếp như thế nào.

Ảnh: L.G

Vài tháng trước, COVID-19 bùng phát lần 1 ở Việt Nam, lần đầu tiên đối diện với một biến động chưa từng có, chúng ta đã thực hiện những biện pháp cách ly xã hội trên diện rộng. Nhưng bây giờ, với làn sóng thứ 2, chúng ta đã không còn cách ly diện rộng nữa. Trái lại, chỉ cách ly những khu vực cần phải cách ly, còn những khu vực khác vẫn hoạt động để đảm bảo sự vận động của nền kinh tế. Nếu vài tháng trước, tư tưởng của chúng ta là không hy sinh sự an toàn của ngừoi dân vì mục tiêu phát triển kinh tế thì lần này tư tưởng là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Có nghĩa là, chúng ta đã thực sự dựng lên một hàng rào nhận thức và hàng động, từ đó, vạch ra những yếu tố cần tiếp tục gìn giữ, duy trì (thay vì xóa sạch) - có thể coi đấy là những yếu tố ở bên trong hàng rào và những yếu tố cần xử lý, giải quyết (thay vì xử lý giải quyết tất tần tật mọi thứ) - có thể coi đấy là những yếu tố ở bên ngoài hàng rào. Chính cái hàng rào được tạo dựng một cách lý tính này sẽ giúp chúng ta ứng xử với biến động một cách chủ động và hiệu quả.

Hai, dùng các quốc gia khác như hình mẫu về cách thức giải quyết vấn đề. Điều này có nghĩa là, trước một biến động, chúng ta cần phải so sánh mình với các đối tác và đối tượng ngoài mình. Việc so sánh có thể giúp chúng ta nhìn ra những hình mẫu và trong rất nhiều trường hợp thì chính những hình mẫu lại tạo ra lối thoát. Jared Diamond trong tác phẩm “Biến động” phân tích rất rõ đặc điểm này ở trường hợp Nhật Bản, nửa cuối thế kỷ 19.

Đấy là bối cảnh mà một nước Nhật đóng kín bắt đầu đụng chạm với tàu chiến của Mỹ và họ chợt nhận ra rằng mình kém xa thế giới phương Tây cả một giai đoạn văn minh. Nên Nhật Bản dưới thời Mạc Phủ, và sau đó là thời Minh Trị đã chọn giải pháp chấp nhận mở cửa các cảng biển cho các đối tác phương Tây, chấp nhận hy sinh những quyền lợi trước mắt của mình cho các đối tác này và song song với nó là quá trình học hỏi, sao chép có chọn lọc các hình mẫu phương Tây.

Thời Minh Trị, hải quân Nhật xây dựng theo hình mẫu Anh, quân đội Nhật xây dựng theo hình mẫu Đức, Bộ luật Dân sự Nhật lúc đầu được thiết kế bởi một học giả Pháp nhưng sau đó lại dựa vào mô hình Đức. Jared Diamond nhận định: “Dù một số nhà lãnh đạo từng nằm trong nhóm “nóng máu” muốn nhanh chóng trục xuất người phương Tây nhưng chủ nghĩa thực tiễn nhanh chóng chiếm ưu thế. Sự việc hiển nhiên với các nhà lãnh đạo thời Minh Trị cũng như với các Shogun rằng nước Nhật hiện thời không thể tống xuất được người phương Tây. Trước khi có thể thực hiện được điều này thì Nhật Bản phải trở nên mạnh mẽ bằng cách chấp nhận các nguồn lực phương Tây, nghĩa là không chỉ súng ống mà còn cả những cải cách xa hơn về mặt chính trị và xã hội đã cung cấp những nền móng cho sức mạnh phương Tây”.

Cũng trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, và cũng trong bối cảnh va chạm với các cường quốc phương Tây, nhưng một anh cả khác ở thế giới Đông Á là Trung Quốc lại không chấp nhận cách học theo những hình mẫu phương Tây để chờ cơ hội một lúc nào đó có thể nói chuyện ngang bằng với phương Tây. Đấy chính là lý do căn cốt khiến từ nửa cuối thế kỷ 19, Trung Quốc vẫn được ví von như một chiếc bánh bị phương Tây xâu xé.

Trong khi đó, ngược lại, sau gần 30 năm học hỏi các hình mẫu phương Tây, Nhật Bản không chỉ có thể nói chuyện ngang hàng với phương Tây, từ đó xóa bỏ những hiệp ước thất thế mình từng ký, mà còn tạo ra tầm ảnh hưởng lớn ở thế giới Đông Á, trong đó có cả những ảnh hưởng lên Trung Quốc. Ở đây, kỹ năng sử dụng các hình mẫu bên ngoài để đối diện với biến động rõ ràng có ý nghĩa rất lớn nhưng không nên hiểu việc sử dụng các hình mẫu theo kiểu sao chép thô thiển. Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thống nhất rằng, Nhật Bản thời Minh Trị vừa sử dụng những hình mẫu phương Tây một cách có chọn lọc, vừa gìn giữ được những giá trị cốt lõi của dân tộc như tư tưởng thần đạo và Nho giáo.

Ba, phải có khả năng đánh giá trung thực bản thân. Vẫn tiếp tục câu chuyện về nước Nhật, Jared Diamond có một so sánh đáng chú ý trong hai giai đoạn 1868 và 1937. Nếu ở giai đoạn 1868 trở đi, với quân đội hùng mạnh cùng những chính sách hiệu quả, Nhật Bản tạo ra tầm ảnh hưởng rõ rệt tới Đài Loan, Triều Tiên, Trung Quốc và giành chiến thắng vang dội trong cuộc hải chiến với Nga, một cường quốc phương Tây thì ở giai đoạn 1937 trở đi, hàng loạt kế hoạch quân sự của Nhật thất bại và họ phải chịu một kết thúc như thế nào trong Thế chiến 2 là điều ai cũng biết.

Tại sao lại có hai bức tranh tương phản này? Câu trả lời của Jared Diamond, vì ở giai đoạn 1868, các nhà lãnh đạo thời Minh Trị có những đánh giá trung thực về mình, về người, về thế giới. Đấy là thời điểm họ chỉ đánh khi chắc thắng.

Ngược lại, giai đoạn 1937, một thế hệ lãnh đạo  quân sự mới tự tin hơn, nóng máu hơn, cũng đồng nghĩa với việc đã không đánh giá trung thực về sức mạnh của mình và những đối tác, đối tượng với mình. “Một phần, không phải toàn bộ lý do của việc nước Nhật khởi phát Thế chiến 2, bất chấp những sự chênh lệch vô vọng là do lớp lãnh đạo quân sự trẻ ở thập niên 1930 thiếu nền tảng kiến thức và kinh nghiệm lịch sử cần thiết cho việc tự đánh giá trung thực, thực tế và cân nhắc cẩn trọng. Kết quả là một thảm họa cho Nhật Bản” - Jared Diamond viết.

Thật ra, ngay từ cuối thế kỷ 19, cũng đã có những đánh giá không trung thực khiến nước Nhật phải trả giá và kịp rút kinh nghiệm trước khi quá muộn. Đó là những đánh giá của một nhóm samurai trẻ tuổi, sục sôi bầu máu nóng. Họ giận dữ với việc Mạc Phủ đã ký những hiệp ước bất bình đẳng với phương Tây, khiến người phương Tây hiện diện ngày một nhiều trên đất Nhật. Thành thử, họ tổ chức những cuộc ám sát người phương Tây mà đỉnh điểm là cuộc tấn công thương nhân Anh Cherles Richardson vào ngày 14-9-1862. Nhưng, sau đó nước Anh không những bắt Mạc Phủ bồi thường mà còn cho hạm đội nã pháo, hủy diệt cả một vùng lãnh địa rộng lớn cùng hàng ngàn chiến binh Nhật.

Chính từ kết cục của những hành động, những kế hoạch không được đánh giá trung thực khiến những người máu nóng trong lòng nước Nhật hiểu rằng: ở thời điểm giữa Nhật Bản và phương Tây còn cách biệt quá lớn thì việc sử dụng bạo lực là vô ích. Cần phải kiên nhẫn, cần phải biết chờ đợi, cần phải xây dựng lại đất nước để tìm cơ hội đòi lại tất cả những gì đã mất.

Bài học của lần “đánh giá không trung thực” này đã không được những thế hệ lãnh đạo quân sự nổi tiếng mà máu nóng của Nhật những năm 1930 rút kinh nghiệm. Họ tiếp tục đánh giá không trung thực và lần này cái giá phải trả là khủng khiếp hơn và thê thảm hơn rất nhiều.

Phan Mỹ Chí
.
.