Trước một thế giới đầy biến động

Chủ Nhật, 09/08/2020, 22:25
LTS: Thế giới thực sự đang có những biến động rất lớn, những thay đổi sâu sắc cả về chủ thuyết lẫn thực hành. Và Việt Nam đối diện điều đó như thế nào? Đó là câu hỏi lớn trước thềm Đại hội Đảng…


Nhu cầu minh bạch

Cuộc phiêu lưu của tiếp cận thông tin

Cách đây hai năm, chỉ hai ngày trước khi luật tiếp cận thông tin chính thức có hiệu lực (1/7/2018), báo Tuổi trẻ tiết lộ một thông tin khá sốc: cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng một năm đi nước ngoài đến 163 ngày, tức chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm.

Tháng 4/2016, chỉ một tuần sau khi đạo luật này chính thức được ban hành, ông Vũ Huy Hoàng dự buổi lễ bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công thương cho ông Trần Tuấn Anh, và đã phát biểu rằng mình rất day dứt vì dù “cố gắng rất nhiều nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn”. Ông kể rất nhiều về những trăn trở của mình, như thể tin chắc rằng không ai biết mình đã từng sai phạm ra sao.

Chưa đầy một năm sau, tư cách nguyên bộ trưởng của ông đã bị xóa, mở đầu cho hàng loạt những thông tin sai phạm được bạch hóa, trong đó có cả con số 163 ngày kể trên. Chỉ hai tháng sau thông tin này, Thủ tướng Chính phủ ký chỉ thị việc triển khai thi hành luật tiếp cận thông tin, trong đó chỉ đạo rằng “xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương”.

Tuy nhiên, những mốc thời gian kể trên không phản ánh mối quan hệ nhân-quả: không phải vì luật tiếp cận thông tin đang được đưa vào thực tế mà báo chí lẫn người dân được biết thêm về hoạt động công tác của ông Vũ Huy Hoàng.

Chúng ta được biết vì ông đã lọt vào tầm ngắm của một cuộc điều tra sai phạm quy mô lớn. Cho đến lúc đó, mọi thứ mới được minh bạch, nhưng nằm trong một chiến dịch mà truyền thông và quyền được biết của chúng ta sẽ tô đậm cho chân dung đạo đức tha hóa của ông Vũ Huy Hoàng, chứ không phải là sự giám sát từ đầu.

Cho đến giờ thì việc một Bộ trưởng đi công tác nước ngoài bao nhiêu lần trong năm vẫn là thông tin mà cơ bản là người dân không thể tự tra cứu, và báo chí nhiều khả năng chỉ đưa khi nhân vật rõ ràng là một người đã được xác định “có vấn đề”. Đấy không phải một nhiệm vụ thường xuyên, mà là công việc tình huống.

Ảnh: L.G.

Tạm bỏ qua việc cố tổng hợp thông tin xem Bộ trưởng đi công cán nước ngoài bao nhiêu lần mà không phải chờ đến khi ông ta “ngã ngựa”, tôi thử thực hiện một thao tác đơn giản: tìm toàn bộ nội dung luật tiếp cận thông tin trên trang web cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật tại đường dẫn http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=101873.

Sau khi tìm vào đến văn bản, tôi nhận được thông báo là “không tìm thấy bản xem trước nào”. Cố ấn thêm vào phần tải về, thì trình duyệt báo lỗi. Để chắc ăn là không dính lỗi flash, tôi đổi sang 2 trình duyệt khác. Kết quả vẫn như cũ.

Cuối cùng thì tôi phải xem toàn bộ nội dung luật này ở một trang web có tên thuvien… Mọi thứ trình bày rất đơn giản, rõ ràng và nhanh gọn. Kéo xuống cuối trang để xem nguồn gốc thì nó thuộc sở hữu của một công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân.

Cảm giác minh bạch

Chúng ta bắt gặp nhiều nỗ lực cơ bản sẽ rơi vào bế tắc như thế khi cố tiếp cận các nguồn tin chính thống qua internet, hoặc những gì gây ra dư luận thì lại bị bóp méo trong nỗ lực gây sự chú ý (ví dụ như quy định về việc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi kèm tên người định kết hôn gây ầm ĩ thời gian gần đây, bạn đọc nên tìm đọc toàn văn để hiểu rằng rất nhiều tờ báo đã cố giật tít câu kéo lượt đọc).

Nhưng giám sát là một công việc diễn ra chủ đạo trong trạng thái bình thường. Hãy thử nghĩ về trường hợp ông Vũ Huy Hoàng: nếu có một đồng hồ công-tơ-mét đo số ngày đi công tác kèm theo mục đích được công khai cho hơn 90 triệu dân, thì chắc hẳn con số nêu ở đầu bài sẽ không chát chúa đến thế, và nó có thể dẫn đến sự tự hạn chế quyền lực ở mức độ cao hơn. Việc minh bạch không hẳn chỉ là nhắm đến tiết lộ những gì đa số không biết, mà nó còn có mục đích xa hơn vậy: biểu thị một thái độ rõ ràng rằng bất kỳ những gì cơ quan nhà nước làm đều đang được đặt dưới sự giám sát 24/24.

Thiếu đi “cảm giác minh bạch” này, điều gì cũng có thể xảy ra. Tháng Tư vừa qua, khi dịch COVID-19 đang nóng ở Việt Nam, 7 cán bộ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bị khởi tố vì tội nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm COVID-19 lên gấp ba lần. Vụ án này kéo theo một cảnh tượng dở khóc dở cười: các tỉnh khác liên tiếp tự bào chữa, hoặc rục rịch… trả lại các máy xét nghiệm.

Chúng ta hay chất vấn đạo đức trong các tình huống mà đáng ra một người có lương tâm sẽ không bao giờ làm, nhưng rốt cục thì cảm giác thiếu minh bạch dường như luôn thắng thế. Giá gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm COVID-19 thuộc về một vấn đề chuyên môn phức tạp đến mức biến nó thành một dạng thông tin dễ hiểu và dễ tra cứu trên internet là thử thách không dễ nhằn. Và điều này có lẽ giải thích được vi phạm trắng trợn của những người đã “ăn” cả máy xét nghiệm này: đơn giản vì họ nhận ra rằng điều họ làm không ai biết cả. Sự biết này là độc quyền, và nó cần một cái giá nào đó.

Nhu cầu cấp thiết

Trong một bài viết có tiêu đề “Ý nghĩa của sự mở” trên blog chính thức của Google năm 2009, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách chiến lược sản phẩm Jonathan Rosenberg có viết: “Sự cởi mở sẽ thắng. Nó sẽ giành chiến thắng trên internet và sau đó sẽ vượt qua nhiều tầng lớp của cuộc sống: tương lai của chính phủ là minh bạch. Tương lai của thương mại là bình đẳng thông tin. Tương lai của văn hóa là tự do. Tương lai của khoa học và y học là hợp tác. Tương lai của giải trí là sự hòa nhập. Mỗi tương lai này phụ thuộc vào sự cởi mở trên internet”.

Việc tìm kiếm được trên internet trong bối cảnh hiện tại là vô cùng quan trọng. Tháng Sáu năm ngoái, Ngân hàng Thế giới (World Bank) tuyên bố trên trang chủ của họ về việc cấm vận đấu thầu 7 năm với công ty cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu (SBD) trong các dự án mà World Bank tài trợ vốn. Bản tin này, thứ độc giả có thể dễ dàng dùng Google để tra cứu, là một thứ đầy sức mạnh: Sao Bắc Đẩu, một công ty có bề dày 24 năm hoạt động, đã lập tức cho thôi việc các nhân viên liên quan, giải thể đơn vị trực tiếp có liên quan đến 2 dự án sai phạm và rà soát sửa đổi quy trình để đảm bảo sự minh bạch trong hoạt động của mình.

Nếu điều này không xuất hiện trên internet theo dạng bất cứ ai cũng có thể tiếp cận được, có lẽ những động thái trên sẽ không được quyết liệt đến như vậy. Án phạt 7 năm là thiệt hại không thể thay đổi, nhưng uy tín và định danh minh bạch là điều cần thiết đến nỗi Sao Bắc Đẩu phải tự mạnh tay với chính họ, có lẽ không hẳn vì cảm giác hối lỗi sau khi làm sai, mà đơn giản vì sức ép của môi trường xung quanh: quốc tế đòi hỏi anh phải minh bạch thì mới được làm ăn.

Việt Nam đang đi trên con đường này. Một tháng sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA, cựu bộ trưởng bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bị đề nghị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, trong một chiến dịch thanh lọc bộ máy kiên định và quyết tâm minh bạch hóa. Nỗ lực này ngoài việc làm trong sạch trở lại bộ máy cầm quyền, còn thể hiện một thái độ đúng đắn: Việt Nam sẽ chiến đấu vì môi trường làm ăn minh bạch, để huy động tối đa các nguồn lực từ trong và ngoài nước.

Nhưng dù vế đầu tiên là chống tham nhũng đang cho thấy những kết quả, thì vế thứ hai có lẽ vẫn còn một chặng đường dài. Minh bạch phải tồn tại như một nỗ lực quen thuộc, trong những hành vi nhỏ, như là giản tiện việc tra cứu bất cứ thông tin công khai cần biết nào của nhà nước và tổ chức trên internet. Minh bạch không chỉ là vũ khí để giám sát, mà còn để kêu gọi: nhiều khi cơ hội làm ăn đến chỉ nhờ thông tin được thâu tóm đầy đủ trong một vài cú click chuột. Minh bạch, với ý nghĩa cao nhất, là để các đối tác hiểu một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất xem chúng ta là ai.

(Phạm An)

Đầu tư công cần minh bạch, công khai

Dù Việt Nam đã cơ bản khống chế COVID-19, nhưng đại dịch toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang bế tắc, vì nhiều nước vẫn chưa sẵn sàng mở cửa kinh tế trở lại bình thường. Khuyến khích sức mua trong nước, kích hoạt thị trường nội địa cũng là một giải pháp ưu tiên hiện nay.

Thế nhưng, hệ lụy COVID-19 còn kéo theo hàng triệu người mất việc làm. Ngoài lực lượng công nhân bị thất nghiệp trong nước, theo số liệu của Cục Lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội thì Việt Nam đang có khoảng 600 nghìn lao động ở nước ngoài đang rục rịch trở về nhà. Vài vùng lãnh thổ có nhiều người Việt Nam đang hợp tác lao động như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đều chưa dám đưa ra chính sách giúp đỡ nào cho lao động nước ngoài, nên lao động Việt Nam chắc chắn chọn cách quay lại quê hương. Đó là những dự báo không mấy lạc quan cho thấy thị trường lao động phải đối diện áp lực không đơn giản.

Vậy làm sao để nhanh chóng khôi phục sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng? Các chuyên gia tài chính cho rằng, khó khăn trong việc vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất phát từ việc các ngân hàng ngần ngại cho một số doanh nghiệp vay vì lo ngại các doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ. 

Trong lúc này, biện pháp rõ ràng nhất để Chính phủ kích thích kinh tế ngay lập tức là tăng cường chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng, vì các dự án lớn có thể hấp thụ một số lượng lớn lao động có trình độ thấp. Các bài học kinh nghiệm từ Trung Quốc, Mỹ đều cho thấy phát triển cơ sở hạ tầng sau các cuộc suy thoái sẽ đưa lượng lớn lao động mất việc được trở lại làm việc nhanh chóng.

Ngày 18/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 tại một số bộ, ngành, địa phương. Các đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc, các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA năm 2020. Thời gian kiểm tra từ ngày 18-7-2020 đến ngày 31-8-2020. Nghĩa là Chính phủ quyết tâm tạo đột phá để vực dậy nền kinh tế hậu COVID-19.

Ảnh: L.G.

Đầu tư công được xác định là đòn bẩy quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay, hoàn toàn đúng đắn và đáng ủng hộ. Thế nhưng, đầu tư công muốn phát huy hiệu quả thì phải chú trọng đến tính minh bạch trong quá trình sử dụng ngân sách vào các công trình phúc lợi xã hội. Vụ án gian lận khi mua sắm máy xét nghiệm COVID-19, mà Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn gọi “ăn quá dày”, chính là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc.

Ngoài việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia trực tiếp vào các lĩnh vực không liên quan đến an ninh và bí mật quốc gia, thì sự minh bạch trong quản lý đầu tư công có giá trị quyết định thành bại của nền kinh tế. Tiêu cực và thất thoát trong đầu tư công, không chỉ làm hao hụt tài sản Nhà nước, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, và làm giảm nhuệ khí đi lên của xã hội.

Sự minh bạch không phải dựa vào các báo cáo, mà phải được giám sát nghiêm túc và kiểm tra thường xuyên. Khi và chỉ khi, sự minh bạch được thực thi, thì mới triệt tiêu được những biểu hiện “sân sau” hoặc “lợi ích nhóm”. Thời gian gần đây, khi công cuộc chống tham nhũng được đẩy mạnh, thì đã lộ diện không ít quan chức tha hóa nói một đằng làm một nẻo. Qua các đại án được phanh phui, mới thấy rằng không ít những kẻ giữ chức vụ chủ chốt chỉ tính toán cho quyền lợi và bổng lộc của cá nhân và gia đình, mà bỏ mặc danh dự và liêm sỉ.

Khi mỗi bộ, ngành và mỗi địa phương đều tập trung vào các dự án đầu tư công, thì sự minh bạch trở thành chìa khóa vàng để quản lý kinh tế quốc gia. Đầu tư công luôn đi kèm với khoản tiền lớn, vì vậy không chỉ đòi hỏi ở những nhà quản lý phải có năng lực chuyên môn mà còn cần phải đạo đức cán bộ. 

Trong sự khó khăn chung của đất nước, mà những kẻ gian manh lại thừa cơ vơ vét thì mọi sự càng thêm gian nan. Muốn sự minh bạch thể hiện rõ ràng trong đầu tư công, chắc chắn phải dựa vào hai yếu tố cốt lõi. Thứ nhất là phát huy tinh thần cống hiến với vai trò chịu trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu mỗi cơ quan, mỗi đơn vị. Thứ hai là phát huy tai mắt tinh tường của quần chúng và ý chí đấu tranh đẩy lùi tiêu cực của nhân dân. Bất cứ thời đại nào cũng cần quan chức trong sạch, để nuôi dưỡng sự lương thiện và sự tử tế cho cộng đồng. Bức tranh thịnh vượng của nền kinh tế phải dựa trên thu nhập của đại đa số người lao động, chứ không phải căn cứ vào cán bộ có nhiều nhà, nhiều đất, nhiều xe.

Tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải tìm ra được nguyên nhân chủ quan là chính, không phải khách quan là chính, để có trách nhiệm trước nhân dân trong việc sử dụng vốn nhà nước trong sự phát triển ngành, địa phương của mình. Tại sao có cùng cơ chế, chính sách nhưng có địa phương giải ngân tốt, có địa phương ì ạch giải ngân chậm? Phải chăng là sự quan liêu thiếu trách nhiệm, lãnh đạo địa phương không trực tiếp giải quyết tháo gỡ khó khăn? Vấn đề là chế độ giao ban, kiểm tra, đôn đốc, tập trung chỉ đạo những vấn đề nóng bỏng; không để tình trạng "biết rồi nói mãi". Phải có biện pháp, chế tài mạnh để điều hành, xử lý, giải quyết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công.

(Lê Thiếu Nhơn)

Trước ngưỡng cửa đổi thay thế giới

2008, trên tờ Times, một dòng tít lớn vẻn vẹn 2 chữ đã thu hút rất  nhiều độc giả. “Hes back” (ông ấy đã trở lại) chính là dòng tít ấy. Và hình ảnh minh họa mới là thứ khiến hai chữ nhỏ nhoi kia trở nên có giá trị. Đó là Karl Marx, triết gia tạo ra nền tảng vĩ đại cho những thay đổi về cả tính chất lẫn bộ mặt của xã hội suốt chiều dài lịch sử hiện đại.

Cùng năm đó, các nhà xuất bản ở Đức báo cáo tỷ lệ phát hành cuốn “Tư bản luận”  của Marx tăng đột biến: 300%. Sự tăng trưởng đấy đến ngay sau khi một Bộ trưởng nội các Đức tuyên bố về trước tác này của Marx là “Xin chớ xem thường”. Và cũng ở thời điểm ấy, một phiên bản manga của “Tư bản luận” trở thành xu hướng đọc và chia sẻ online ở Nhật Bản. Trong khi đó, tại Pháp, ông Nicolas Sarkozy chụp ảnh tờ bướm vận động tranh cử với danh tác này trong tay.

Tất cả những hiện tượng đó cho thấy một điểm rất quan trọng. Thế giới tư bản đã bắt đầu cảm thấy “rùng mình” và họ lập tức quay lại nghiên cứu những gì Karl Marx đã viết về chủ nghĩa tư bản. Câu hỏi được chính họ đặt ra là “Có khi nào Marx đã đúng?” và câu hỏi đó dành cho một vấn đề cơ bản: tương lai của chủ nghĩa tư bản.

Ảnh: L.G.

2008 chính là năm bản lề của mọi biến cố lớn nhất trong thế kỷ 21 này. Ngày 15/09/2008, sự sụp đổ của Lehman Brothers đã báo hiệu một điềm không lành. Thực tế, cú sụp đổ ấy không chỉ gói gọn trong khuôn khổ một doanh nghiệp, một ngành mà nó mở rộng ra là cả một vùng thị trường quyền lực và kéo theo cả thế giới vào cơn khủng hoảng lớn. 

Khi cuộc đại khủng hoảng ấy xảy ra, đã từng có cảnh những căn nhà ở Detroit - Mỹ được rao bán với giá 8000 USD tiền mặt. Nó như một cú tát mạnh đến mức tất cả đều tỉnh dậy sau một cơn mê ngủ của tiêu thụ xa xỉ. 13% tổng sản phẩm toàn cầu và 20% tổng thương mại toàn cầu sụt giảm trong năm đó kéo theo mức tăng trưởng âm khi mà khái niệm “suy thoái” vốn dĩ được dành cho năm nào có tỷ lệ tăng trưởng dưới 3%. Chúng ta không được sống trong giai đoạn đại khủng hoảng thập niên 20 thế kỷ trước nhưng có lẽ chúng ta dám cả quyết rằng năm 2008 chính là năm kinh tế toàn cầu suy thoái đến đỉnh điểm.

Và bây giờ, sau 12 năm đã trôi qua, những câu hỏi thách thức về chủ nghĩa tư bản vẫn còn nguyên. Thế giới trải qua những biến cố lớn từng ngày, với những dịch chuyển của từng quốc gia trong việc tái xác định lại vị thế của mình. Chỉ trong vòng vài năm trở lại đây thôi, quá nhiều diễn biến dồn dập khiến chúng ta đánh mất trọng tâm quan tâm bởi tính ồ ạt của thông tin ở thời đại mạng xã hội. Nào là Brexit, nào là chiến tranh thương mại, nào là đại dịch bệnh… Tất cả đều xảy ra có nguyên do của nó và có thể được xâu chuỗi lại để liên quan tới nhau một cách hợp lý. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần phải đối diện thế nào là câu hỏi rất lớn, nằm ở khâu hoạch định sách lược quốc gia mà Đảng sẽ nắm vai trò dẫn dắt.

Có một vấn đề mà rất nhiều chuyên gia nghiên cứu trên thế giới đã và vẫn đang tranh cãi chính là “Có phải chủ nghĩa tư bản đã lên đến đỉnh điểm của phát triển và nó bắt đầu thoái trào khi đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình?”. Vấn đề này được đưa ra dựa trên rất nhiều quan sát khi đời sống xã hội đã bắt đầu bước vào cuộc cách mạng công nghiệp mới. Song song với nó là những câu hỏi nhỏ hơn, đặc biệt là câu hỏi về sự tồn tại của chủ nghĩa tân tự do và toàn cầu hoá. 

Ở đây, các tranh cãi lại quay về với nền tảng mà Marx đã đưa ra, với ba thiết chế thành tố của chủ nghĩa tư bản là: “Giá - vai trò chủ sở hữu - lương”. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng Karl Marx là bậc thầy và chủ nghĩa Marx là một chủ thuyết cả về lịch sử lẫn về khủng hoảng. Song, ai cũng đều nhận thấy chủ thuyết về khủng hoảng của Marx cần phải được “nâng cấp” cho phù hợp với thời đại hôm nay. 

Sự tham gia của công nghệ thông tin, của mô hình ngang hàng (peer to peer) trong quy mô kinh tế nhỏ và vừa, của tiền ảo… đã khiến 3 thiết chế thành tố của chủ nghĩa tư bản không còn vững vàng nữa đồng thời thách thức cả chuỗi giá trị cổ điển. Và khá nhiều chuyên gia đã nhận định rằng đây chính là thời điểm một mô hình mới sẽ phải ra đời mà họ không thể, và không dám, đặt tên cho nó là gì. 

Tựu trung lại, họ tạm thống nhất với nhau bằng thuật ngữ “Postcapitalism” (Hậu tư bản) và vẫn còn tiếp tục tranh cãi trên câu hỏi “Những yếu tố nào sẽ tạo nên một hệ thống kinh tế và bằng cách nào những yếu tố này tương hỗ lẫn nhau?”.

Sau đại dịch COVID-19, chắc chắn sự đình trệ của các nền kinh tế sẽ khiến rất nhiều nhà hoạch định chiến lược ở các quốc gia phải cân nhắc lại con đường phát triển của mình, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại sẽ còn được đẩy lên đến đỉnh điểm khi vị thế nền kinh tế số 1 thế giới của Mỹ đang gặp quá nhiều thách thức từ thế lực Trung Quốc. 

Chắc chắn sẽ có những điều chỉnh cực lớn để bảo vệ tính tự do của thị trường nhưng không thể duy trì theo cách cũ mà chủ nghĩa tân tự do đã từng. Một trong những phương cách mà nhiều quốc gia sẽ theo đuổi, sau khi đã nghiên cứu rất kỹ từ sự sụp đổ của Liên Xô cũ, sự suy thoái của Mỹ, sự trì trệ của EU và sự vươn lên kinh hoàng của Trung Quốc chính là “tự do dưới bàn tay sắt”. 

Nhiều học giả nhận thấy một thị trường tự do hoàn toàn (theo đúng cách của chủ nghĩa tân tự do) sẽ rất dễ tổn thương và càng có nguy cơ tổn thương hơn khi các “đế chế” dữ liệu đang nắm vận mệnh của không chỉ một quốc gia mà thậm chí là cả một khu vực trong tay mình. Thị trường cần sự tự do nhưng tự do ấy phải được điều chỉnh bởi một Nhà nước mạnh mẽ, thậm chí có thể có lúc sẽ hơi “thô bạo”, để tránh những tác động nguy hiểm từ bên ngoài gây đổ vỡ hệ thống. 

Và song song với sự can thiệp điều chỉnh này, hệ thống giám sát liên quốc gia, liên vùng trong hợp tác giữa các nền kinh tế với nhau sẽ được nâng tầm lên hơn nữa bởi đơn giản, sự phồn thịnh của một thị trường có thể mang lại lợi ích cho một quốc gia tham gia thị trường ấy trong khi làm suy yếu một quốc gia tham gia khác. 

Ví dụ cụ thể nhất có thể là Việt Nam. Với việc Hiệp định EVFTA và EVIPA được cả Quốc hội Việt Nam lẫn nghị viện EU phê chuẩn và sẽ đi vào thực tiễn, mảng đầu tư công sẽ là một chiến trường khốc liệt giữa các nhà thầu EU với những nhà thầu Trung Quốc quen thuộc. Trong cuộc chiến cạnh tranh ấy, nếu thiếu sự minh bạch, chắc chắn Việt Nam sẽ chịu những hệ lụy không hề nhỏ. Tất nhiên, những Chính phủ có nhà thầu tham gia thị trường sẽ vận hành bộ máy kiểm soát minh bạch của mình hết tốc lực. Nói thẳng thắn, chúng ta không thể tự một mình một bàn cờ nữa khi ván cờ nào cũng có ít nhất là một tổ trọng tài săm soi.

Cách đây chưa lâu, PGS.TS Nguyễn Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đã có một phát biểu rất đáng quan tâm xoay quanh việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. 

Ông cho rằng, bình thường mới có một mục tiêu là cứu doanh nghiệp nhưng cứu ở đây là để tạo ra một hệ thống doanh nghiệp mới chứ không phải phục hồi các doanh nghiệp cũ. Đúc kết này xuất sắc, và nó đặc biệt cấp thiết đối với các doanh nghiệp nhà nước. Đã đến lúc nhà nước cần một cuộc thoái vốn rất mạnh mẽ để kêu gọi tư nhân tham gia vào các ngành, thị trường không thuộc chiến lược hay bí mật quốc gia. 

Việc nhà nước rút chân ra khỏi những Tập đoàn, tổng công ty không phải trọng điểm và không liên quan đến an ninh quốc gia để củng cố sức mạnh “bàn tay sắt” của mình trong vai trò nhạc trưởng của một nền kinh tế bình thường mới là tối quan trọng. Điều đó không những mở ra một tự do mới cho thị trường đang cần rất nhiều cú hích mà còn giúp bảo toàn các công sản vốn dĩ đã và đang bị khai thác chưa hiệu quả, bị chiếm dụng như thời gian vừa qua mà điển hình là vụ Sabeco ầm ĩ tốn nhiều giấy mực của báo giới. 

Và chúng ta cũng đã đến lúc cần phải nhìn nhận lại về vai trò lịch sử đã tựu thành của đa số trong các Tổng công ty (nhất là các Tổng công ty 91). Các tổng công ty ấy là đại diện cho một sách lược thành công đã cũ và chúng cần được làm mới lại, với quan điểm có những tổng công ty không nên là tài sản của nhà nước nữa mà thay vào đó, nó cần phải hoạt động tự do trên thị trường sòng phẳng như các doanh nghiệp cùng ngành khác chứ không thể nhận một biệt đãi riêng về chính sách, thứ có thể sẽ khiến chính họ rơi vào tầm ngắm kiểm soát khi bắt đầu cuộc chơi với nước ngoài.

Và vấn đề cuối cùng, cũng là vấn đề nhiều người bàn thảo hiện nay, chính là vai trò của độc quyền. Nhiều người vẫn đơn giản suy nghĩ ngây thơ rằng độc quyền là “đặc sản” riêng của các nền kinh tế phi tư bản. Đây là sai lầm cơ bản. Chính các nền kinh tế tư bản đã vận dụng xuất sắc cái độc quyền này để làm giá và bảo hộ thị trường. 

Nhưng khi các độc quyền kiểu mới được hình thành từ các doanh nghiệp công nghệ như Google, Apple, chính các nền kinh tế tư bản lâu đời đã phải mày mò tìm phương cách chống lại nó nhằm bảo vệ hệ thống lâu đời của mình. Cách thức nhiều học giả hiện đang đề xuất để chống lại độc quyền chính là “xã hội hoá” các doanh nghiệp này thay vì “quốc hữu hoá nó và xé nó thành các mảnh nhỏ”. 

Giải pháp này có thể sẽ rất phù hợp với Việt Nam, đặc biệt là ở các doanh nghiệp đang gặp nhiều kêu ca như Tập đoàn Điện lực. Biến một Tập đoàn độc quyền trở thành tài sản đại chúng (sở hữu bởi đại chúng) sẽ là cách chúng ta bảo vệ tính an toàn, xây dựng và phát triển, kiểm soát bằng “mắt thần công chúng”, và tạo ra sự tin tưởng tuyệt đối không chỉ của nhân dân mà cả trước đối tác nước ngoài. Đây có thể sẽ là hướng đi tốt cho Việt Nam ở giai đoạn thế giới loay hoay chuyển mình giữa chủ nghĩa tư bản với hậu tư bản. 

Dù gì đi nữa, chúng ta đã nhắc về sở hữu toàn dân từ rất lâu rồi, đã đề cao vai trò “do dân và vì dân”. Bởi vậy, khi chính nhân dân là cổ đông của những tập đoàn trọng điểm, chúng ta không chỉ tránh được sự lũng đoạn từ một lực lượng tư bản mà còn đảm bảo được đúng chủ thuyết và đường lối mà Đảng đã dày công xây dựng suốt cả một thế kỷ qua.

Hà Quang Minh

Phạm An - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.