Trong nếp nhà, nếp nghĩ

Thứ Hai, 23/01/2017, 16:16
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức bình thường và giản dị. Tuổi thơ tôi gắn liền với 2 vùng đất, Khánh Hòa và Phú Yên...

Học hết cấp tiểu học cũng là lúc tách tỉnh Phú Khánh, từ Nha Trang tôi theo ba mẹ về Tuy Hòa sinh sống. Tuy Hòa trong mắt tôi khi đó là một thị xã nhỏ bé, có phần hoang sơ, vắng vẻ nhưng lại rất yên bình...

11 tuổi, cái tuổi bắt đầu thiết lập các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, bà con lối xóm, tôi đã có sự hình thành trong tâm tư mình về những kỷ niệm của tuổi ấu thơ, những hụt hẫng, hoang mang, lo lắng khi từ một nơi sôi động đông đúc, khá đầy đủ về một nơi bắt đầu lại từ con số không, nhìn đâu cũng thấy thiêu thiếu, chỉ có con người ở thị xã nhỏ bé là rất hiền và thật thà. 

Đến bây giờ cũng thế, Phú Yên đã phát triển nhiều nhưng người dân vẫn rất hiền, vẫn giữ được sự chân chất, lành tính... Có lẽ, chính sự thay đổi, một vài khác biệt về môi trường sinh hoạt, học tập của những năm mới tái lập tỉnh nên tôi đã biết cảm nhận những mảng màu cuộc sống ngay từ khi còn rất sớm, biết chấp nhận và biết thích ứng.

Trong nhà, người tôi chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là ba mình, tôi khá giống ông về tính cách, ngoại hình đến khẩu khí. Từ nhỏ đến lớn, tôi gắn bó với cha mình hơn mẹ. Ông không dạy con mình nhiều về lý thuyết đạo đức, mà ông rèn luyện tôi cách nghĩ, cách sống từ chính những sóng gió, trải nghiệm cuộc đời ông. 

Dù là út nhưng tôi lại là đứa chứng kiến những thăng trầm trong cuộc đời, sự nghiệp ba mình nhiều hơn các anh chị. Tôi cứ nhìn, quan sát cách ba đối mặt, ứng phó với những khó khăn, những ứng xử thường ngày của ông mà tự rút ra cho mình những bài học.

Sau này lớn lên, đi học và có những bước trưởng thành trong công việc, ông luôn muốn con gái mình phải là người có quan điểm riêng, độc lập, mạnh mẽ. Chúng tôi thường xuyên có những cuộc tranh luận và đôi khi, chính sự bộc trực, quá thẳng thắn và quyết liệt bảo vệ những quan điểm khác biệt của ông cũng khiến tôi vài lần phải đối diện, chấp nhận một thực tế đầy thách thức, gai góc trong sự nghiệp của mình.

Và tất nhiên, ông cũng rèn tôi cách tự giải quyết mọi vấn đề liên quan đến bản thân, ông bảo đó là sự đương đầu, là tính chiến đấu... Ông chính là người truyền lửa lý tưởng sống cho tôi qua những câu chuyện kể, những hồi tưởng của ông về những ngày tháng ông tham gia cách mạng, những tâm huyết của ông khi còn làm việc, cho đến lúc nghỉ hưu, dù sức khỏe đã kém đi nhiều thì ông vẫn miệt mài làm từ thiện, vẫn có những người dân nghèo đến tìm ông nhờ giúp đỡ. Ông vừa là người cha, vừa là người thầy và là người bạn lớn trong cuộc đời tôi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền trong phiên tranh luận cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Cuộc nói chuyện cuối cùng của cha con tôi trước khi ông mất là về nhân tình thế thái, những nỗi niềm, những va vấp chính kiến trong giai đoạn cuối đời khiến ông thấy trăn trở... Tôi hiểu ông đã có một nỗi đau rất riêng...

Đôi khi trong cuộc sống, sẽ có những lúc chúng ta thấy thật sự khó khăn khi đứng trước một sự lựa chọn nào đó mà bất kì một người trưởng thành nào cũng đều phải trải qua. Khi biết mình có trong danh sách giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tự hỏi, mình sẽ chuẩn bị những gì và phải làm những gì, có dũng khí để đương đầu với khó khăn như ba tôi đã từng...?

Với tính cách có phần sôi nổi và ít chịu ngồi một chỗ, tôi xem đó như một nhiệm vụ "bất khả thi" và có ý định từ chối. Nhưng rồi tôi xác định rằng, nếu muốn vượt khỏi biên độ an toàn mà bấy lâu nay bản thân mình tự trói buộc, tôi phải làm một điều gì đấy mà chưa bao giờ từng làm. Đó là tham gia vào hành trình để trở thành một đại biểu dân cử...

Trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa 14 là một cơ duyên dẫn dắt tôi đến một vai trò, nhiệm vụ mới, vinh dự và lớn lao. Hơn hết, đó là bổn phận, là trách nhiệm. Tôi cho đó là một loại cảm xúc cuộc sống nhưng nó lớn hơn rất nhiều so với sự vui mừng, xúc động hay tự hào thoáng qua trong khoảnh khắc nhận kết quả bầu cử.

Cảm xúc lớn ấy chính là hình hài của tình cảm, vừa trách nhiệm, vừa yêu thương mà tôi dành cho người dân, cho cử tri, những vùng miền khó khăn, nơi mà tôi hay hướng đến trong các hoạt động xã hội từ thiện. 

Kể cả, khi đặt mình vào trong tâm thế phải thay đổi bản thân, phải vượt qua chính mình cũng là một kiểu tình cảm đan xen với lý trí mà tôi dành cho chính tôi, khiến tôi tự thúc giục, nhắc nhở bản thân phải thích ứng nhanh, nhập cuộc quyết liệt.

Một năm chỉ có 2 kỳ họp và 5 năm sẽ trôi qua rất nhanh, tôi không cho phép mình xem đây chỉ là môi trường để trải nghiệm cuộc sống, là cơ hội thuận lợi để ghi dấu mốc vàng son cho sự nghiệp của riêng mình.

Trong tâm niệm của tôi, đại biểu Quốc hội không phải là nơi ta đứng trên đỉnh cao mà chính là sự bắt đầu, tận gốc rễ, đặt trong bối cảnh và thể chế chính trị của nước ta hiện nay, chẳng phải chúng ta luôn nói rằng "lấy dân làm gốc" đó sao? 

Tôi tự nhủ, 5 năm ấy chắc chắn sẽ là những năm tháng rèn luyện tư duy tích cực, vận động không ngừng, thực sự hành động, và cả những "va đập", có chứ sao không, đó là một thực tế mà chúng ta không thể nói khác được.

Bất kỳ ai cũng mong muốn mọi sự khởi đầu đều tốt đẹp nhưng quan trọng là, sự tốt đẹp này dành cho ai. Tôi tâm nguyện rằng, sự tốt đẹp này tôi dành cho cử tri, cho người dân, kể cả những người tin tưởng tôi và những người chưa tin tưởng tôi. 

Cuộc sống chúng ta hiện nay đang tồn tại và bị chi phối quá nhiều bởi các mối quan hệ chồng chéo, ràng buộc nhau, rối lắm thay. Niềm tin của xã hội đang ngày ngày bị bào mòn trước những hiện tượng tiêu cực, những nghi ngại, ngờ vực lớn đến nỗi lấn át cả những giá trị tốt đẹp khác vẫn hiện hữu mỗi ngày.

Để tìm lối đi riêng cho mình trong cái xã hội thu nhỏ ấy thực sự chẳng dễ dàng gì, tôi cũng đã từng loay hoay, bối rối, nghi ngại vào trọng lượng tiếng nói của bản thân, có đủ quyền lực để thay đổi, có đủ sức mạnh để lan tỏa không...

Và rồi tôi hiểu rằng, giá trị quan trọng nhất trong hành trình mình đã lựa chọn phải do mình tạo ra, tự quyết định lấy, đó chính là: sự lên tiếng. Khi một đại biểu Quốc hội cất lên tiếng nói từ lương tri, đức tin sẽ đến, sẽ tích tụ thành sức mạnh. Một người lên tiếng sẽ có nhiều người lên tiếng.

Có một thời gian tôi dùng mạng Facebook, tôi thấy khá nhiều người rất trách nhiệm trước những vấn đề xã hội, trước khi là những Facebooker nổi tiếng, có tiếng nói ảnh hưởng đến cộng đồng thì họ là một công dân có chính kiến, có quan điểm rõ ràng. 

Họ lên tiếng mỗi ngày, tại sao mình được trao cho cái quyền lên tiếng đúng nơi, đúng chỗ, mình lại ngồi thản nhiên im lặng? Cứ cho là tôi đang huyễn hoặc mình, thà "tự làm khó" mình như thế, tư duy tích cực và hành động, hơn là cứ ngồi đó mà cân nhắc, thận trọng, dè chừng suốt 5 năm...

Sau kỳ họp thứ 2, tôi đã nhận được nhiều tin nhắn lo lắng của cử tri, họ sợ tôi "bị ảnh hưởng", "bị nhắc nhở", "vỗ vai"... khiến tôi đã suy nghĩ rất nhiều, điều đó chứng tỏ niềm tin trong dân đã bị "khủng hoảng" quá lớn, như những hố sâu ngăn cách vậy...

Tôi biết, nếu đại biểu không có đủ dũng khí "làm được điều mình nói, nói được điều mình viết, viết được điều mình nghĩ" thì rất dễ thỏa hiệp với cái xấu, với những khuất tất vô hình, thậm chí là đồng thuận với những khái niệm đang bị đánh tráo bằng những ngôn từ đẹp đẽ. Vì vậy mà đại biểu ngay từ đầu phải tự "phân vai" và có quyền yêu cầu được "phân vai" rõ ràng nơi nghị trường, để hạn chế những can thiệp không đáng có.

Bởi đại biểu Quốc hội mà không thể thay mặt người dân cất lên tiếng nói, không có chính kiến trước những biểu hiện tiêu cực, không đeo bám đến cùng những vấn đề mình quan tâm thì một phần sự thật sẽ mãi mãi bị chôn vùi.

Và, khi đặt mình vào tâm thế của người dân, đồng cảm với cái khó, cái khổ, những bức xúc của người dân thì một phần bản năng "tranh đấu" sẽ nổi dậy và bộc lộ ra ngoài một cách rất tự nhiên, tự nhiên ngay cả trong giọng điệu, trong ánh nhìn.

Tôi đã quan sát thấy có rất nhiều đại biểu, chỉ cần họ cất tiếng nói là đã thấy được thần thái, sự cương nghị hiện lên trên gương mặt. Đó cũng là câu trả lời của tôi khi được góp ý là đại biểu nữ thì không nên chất vấn bộ trưởng đanh thép quá, gay gắt quá, sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa "địa phương" và "trung ương". 

Để được lòng "quan" thì rất khó, đã có nhiều người nói như vậy nhưng tôi thì nghĩ, được lòng dân còn khó gấp trăm lần, "quan nhất thời, dân vạn đại", sẽ dễ dàng cho đại biểu Quốc hội biết đặt mình vào đâu.

Đất nước đang đổi thay từng ngày, nếu ta nhìn bằng đôi mắt tinh tường, bằng thái độ biểu cảm tươi sáng, bằng tư tưởng rộng mở, bằng tâm thế kiến tạo, tôi tin chúng ta sẽ thấy rõ một sự dịch chuyển tích cực không ngừng trong suốt thời gian qua. Đó chính là sự quyết tâm, nổ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Tuy nhiên, mưu cầu cuộc sống của người dân vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ bởi một guồng máy quản lý vận hành theo quy trình mà vẫn phải hài hòa để làm hài lòng các mối quan hệ trên - dưới, trước - sau, lợi ích nhóm len lỏi tinh vi giữa cái chung - cái riêng.

Nếu không soi rõ, nhìn thấu đáo cục diện để thay đổi, hành động quyết liệt bằng những bộ óc trí tuệ, bằng ý chí kiên định, bằng sự lãnh đạo mạnh mẽ, làm gương, thì vấn nạn trên sẽ làm trì trệ sự phát triển, bất cân bằng xã hội và thậm chí là phá vỡ trật tự. Tôi tin Chính phủ đã nhìn thấy điều này và đang đi đúng hướng.

Chúng ta có quyền lạc quan trước những cơ hội và thách thức mới, nhưng không thể quên những trách nhiệm lớn lao, trách nhiệm của bộ máy điều hành, của từng bộ ngành và trách nhiệm của mỗi công dân, và cùng nhau hành động. Suy cho cùng, sự lạc quan, hy vọng, luôn hướng tới những điều tươi sáng cùng những hành động đẹp là yếu tố quan trọng để xây dựng nên một con người tốt đẹp, một xã hội văn minh.

Tất cả cũng chỉ mới bắt đầu, tôi cũng chẳng dám nói nhiều đến tương lai 5 năm tới mình sẽ làm được gì. Trong sự hiểu biết còn hạn hẹp, còn phải học hỏi nhiều, tôi biết rằng, áp lực, căng thẳng, những khó khăn thách thức, những va vấp, sai sót có thể đến bất cứ lúc nào, với một người lần đầu tiên làm đại biểu dân cử như tôi thì có thể xác suất ấy càng nhiều hơn nhưng đó là điều bắt buộc mình phải chấp nhận, phải đối diện. Tuy là một đại biểu trẻ, nhưng tôi đã qua tuổi 20 nhiều mơ ước với vô vàn câu hỏi đến tuổi 40 mình sẽ làm gì.

Tôi đã tìm thấy cho mình câu trả lời cho tuổi 40 sắp tới, viết nên câu chuyện cuộc đời mình và hy vọng rằng, con trai tôi, sẽ kể câu chuyện về mẹ mình, như tôi đã kể về ba tôi vậy. Tôi vẫn luôn cố gắng và cứ hy vọng thôi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền
.
.