Nếp nhà giữ lại

Thứ Hai, 06/07/2009, 16:36

Sâu trong ngõ Lương Sử C, phố Quốc Tử Giám có một ngôi nhà ở số 55. Nhìn bên ngoài, ngôi nhà bình thường như bao ngôi nhà khác giấu mình trong ngoằn ngoèo con phố nhỏ sâu hút giữa lòng Hà Nội. Nhưng ít ai biết được điều bí ẩn kỳ thú rằng, chủ nhân của ngôi nhà yên tĩnh này là hậu duệ của học giả kiệt xuất Nguyễn Văn Vĩnh, một nhân vật lịch sử đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp văn chương dịch thuật và báo chí đồ sộ của mình.

Hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh - anh Nguyễn Lân Bình gọi cụ Vĩnh bằng ông nội. Bố của anh Lân Bình là con trai thứ tám của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Cũng trong căn nhà này, mấy ai biết, nơi đây đang lưu giữ những kỷ vật vô giá, những tài liệu quý báu về cuộc đời, sự nghiệp và những tác phẩm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ông Nguyễn Lân Bình được sự ủy nhiệm của gia tộc, thay mặt hậu duệ của cụ Vĩnh làm nhiệm vụ thiêng liêng là bảo tồn những tư liệu quý không chỉ của gia đình, họ  tộc ông mà là của một nhân vật lịch sử được hậu thế  trân trọng.

Người cháu nội tâm huyết

Anh Nguyễn Lân Bình hiện công tác tại cơ quan Ngoại giao đoàn. Anh là con trai thứ hai, nhưng hiện là con trai lớn của ông Nguyễn Dực một kỹ sư vô tuyến điện. Ông Nguyễn Dực là con trai thứ 8 của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Đầu năm 1940, ông Nguyễn Dực là chủ cửa hiệu Nguyễn Dực Radio ở 43 Hàng Bài, một cửa hiệu nổi tiếng khắp miền Bắc chuyên bán và sửa chữa thiết bị âm thanh. Ông là người đã có công rất lớn trong việc xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam. Do cảm tình và thường xuyên ủng hộ Việt Minh, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Dực đã tình nguyện mang toàn bộ máy móc của mình để lắp đặt đài phát thanh đầu tiên cho Cách mạng Việt Nam. Ngày 25/8/1945, chính ông đọc trước micro câu: "Đây là Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, trên làn sóng điện 41 mét". Ngày 2/9/1945, ông Dực cũng là người trực tiếp thiết kế và phụ trách toàn bộ hệ thống âm thanh để Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội.

Anh Nguyễn Lân Bình, người trong mấy năm lại đây đã trở nên nổi tiếng bởi những nỗ lực phục dựng lại chân dung ông nội mình là học giả xuất chúng Nguyễn Văn Vĩnh và gia tộc. Anh Lân Bình càng trở nên nổi tiếng hơn về việc dám thế chấp cả ngôi nhà của gia đình mình đang ở để lấy tiền đi khắp Bắc, Nam, sang Pháp, Lào để làm một bộ phim tài liệu về ông nội và gia tộc mình với một mong muốn giúp cho con cháu không quên cội nguồn.

Bộ phim tài liệu dài 4 tập với thời lượng 215 phút được trình chiếu trong gia tộc giữa năm 2007, và ngay lập tức bộ phim không còn là phim tư liệu của một gia đình, dòng họ mà đã vượt ra ngoài khuôn khổ riêng tư ấy và trở thành một bộ phim tư liệu quý của xã hội. Bộ phim đã được chiếu nhiều lần ở nhiều nơi và gần đây nhất, ngày 15/4/2009 còn được chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội.

Nhân dịp ngày 21/6, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi đến thăm anh Nguyễn Lân Bình và cũng là một dịp may hiếm có tôi được mục sở thị không gian sống của gia đình người cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Người may mắn và tự hào khi năm 1997 anh Bình được gia tộc ủy nhiệm trao lại quyền trông coi, giữ gìn kho tư liệu quý về thân thế, sự nghiệp và các tác phẩm của học giả Nguyễn Văn Vĩnh từ ông Nguyển Phổ và ông Nguyễn Kỳ, con trai thứ 5 và thứ 6 của cụ Vĩnh.

Từ ngày nhận lại kho tư liệu gia đình này, anh Nguyễn Lân Bình đã bị ám ảnh ghê gớm về người ông nội, về quá khứ lẫm liệt mà bi tráng của ông nội anh. Nỗi ám ảnh ấy càng ăn sâu vào máu thịt của anh hơn khi cha anh, ông Nguyễn Dực trước khi lâm chung đã có những buổi tâm sự cặn kẽ với con trai mình về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Những đóng góp xuất sắc của ông nội anh cho nền văn chương báo chí, dịch thuật của nước nhà, cùng với những thăng trầm trong 30 năm làm báo của ông nội anh, và cái chết bi thảm của ông nội trên chiếc thuyền độc mộc giữa dòng sông Sêpôn bên Lào, trên tay vẫn cầm chiếc bút và quyển sổ với thiên phóng sự: "Một tháng với những người đi tìm vàng"... những quá khứ này đã tác động mạnh vào tình cảm của anh Lân Bình.

Mãi đến năm 1986, anh Bình mới được người chú ruột là Nguyễn Hồ dẫn về thăm mộ ông nội ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội bây giờ. Lần thăm mộ ông nội đầu tiên này đã mang đến cho anh nỗi xúc cảm mãnh liệt. Trước nấm mộ nhỏ, cỏ dại um tùm, 2 chú cháu anh đã lặng lẽ trong gió rét, nuốt nước mắt vào trong... Từ ngày đó, anh Lân Bình nung nấu việc xây ngôi mộ cho ông nội mình. Rồi cũng từ đây, cuộc sống của anh Lân Bình đã có thêm mục tiêu lớn nhưng đầy gian nan đó là việc hiểu rõ quá khứ của ông nội mình, và phục dựng đầy đủ khi có thể về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Anh Lân Bình đã nỗ lực, dốc sức, dành nhiều tâm huyết để thực hiện ý tưởng này một cách đầy đủ nhất và trung thực nhất, mong cho con cháu trong gia tộc hiểu đúng về cội nguồn.

Tại ngôi nhà anh Bình, ngoài những di cảo và tài liệu quý về ông nội và các bác của mình như: Nhà thơ Nguyễn Giang, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, v.v... tôi còn thấy có bộ trường kỷ, là kỷ vật vô giá mà ông nội anh để lại, kỷ vật này được những người thợ mộc tài giỏi hoàn thành năm 1919 trên đó còn cả bút tích với chữ ký giản dị của học giả Nguyễn Văn Vĩnh dưới các câu thơ ngụ ngôn Laphôngten do chính cụ dịch sang tiếng Việt.

Bộ trường kỷ được anh Lân Bình kỳ công chuộc lại năm 1980 trong một bối cảnh khá phức tạp. Kỷ vật vô giá này, anh Lân Bình đã để tại gian phòng thờ của gia tộc. Gian phòng thờ này mới được lập năm 2005 sau một quyết định của các thành viên là hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đã may mắn được chạm tới một phần nhỏ trong lớp lang những bí ẩn của cuộc đời học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Đặc biệt là giúp tôi hiểu được cơ duyên nào đưa cụ Vĩnh đến với nghề báo.--PageBreak--

Cơ duyên với nghề báo của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Nhiều tài liệu để lại cho biết, Nguyễn Văn Vĩnh khi nhỏ đã có những biểu hiện đặc biệt về trí thông minh xuất chúng mà bây giờ ta vẫn thường gọi những hiện tượng ấy là thần đồng. Mới ngoài 20 tuổi ông đã được bổ nhiệm đặc cách làm Chánh Văn phòng tòa xứ Bắc Giang. Chính sự giỏi giang, thông minh kiệt xuất của Nguyễn Văn Vĩnh mà năm 1906, Đốc lý Hà Nội - Hauser đã giao trách nhiệm cho chính Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức gian hàng Đông Dương tại Hội chợ thuộc địa ở Macxay.

Lần đầu tiên được xuất ngoại, Nguyễn Văn Vĩnh vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi thăm gian hàng của tờ báo "Petit Marseillais". Tại đây, có trưng bày những quy trình lý thú về nghề in. Từ khi Guttenberg mở đường cho nghề in ở châu Âu kể đã mấy trăm năm, vậy mà khi ấy, nghề này vẫn còn hoàn toàn xa lạ đối với xứ Đông Dương thuộc địa.

Nguyễn Văn Vĩnh đã viết thư về Việt Nam cho người bạn thân thiết của mình là cụ Phạm Duy Tốn kể về sự kỳ diệu của nghề in ấn. Bức thư có đoạn: "Giữa đám đông trộn lộn hàng trăm mầu sắc đó, hàng ngàn thứ tiếng đó, ta nghe thấy bọn trẻ bán báo rao rầm trời: "Le Matin", "Le Journal", "Marseillerep'blicaine", "Le Ra dical", "Gomne russe".v.v. làm cho lại nhớ đến những tiếng rao "Ngầu phục phở", "Nem Sài Gòn", "Mía mua" ở nước ta". Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu nghĩ tới chuyện làm báo từ lúc đó.

Xong hội chợ Macxay, Nguyễn Văn Vĩnh ở lại thêm 1 tháng thăm Pari, tới nhà in và tòa soạn báo Revue de Pari, thăm nhà xuất bản sách Hachentte, tòa soạn và in từ điển Larousse... Những ấn tượng mắt thấy tai nghe về nghề báo đã thôi thúc trong ông ước muốn mãnh liệt lập tòa soạn và làm báo khi về nước. Đó cũng là một bước ngoặt lớn để một năm sau đó Nguyễn Văn Vĩnh ra mắt tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, tờ "Đăng Cổ Tùng báo".

Để thực hiện được khát vọng làm báo của mình, liên quan đến việc ra đời "Đăng Cổ Tùng báo" phải kể đến nhân vật mà nói theo thuyết định mệnh là duyên số. Đó là cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Francois Henri Scheneider, một người Pháp đến Việt Nam vào năm 1882, khi mới hơn 20 tuổi. F.H. Scheneider đã ký hợp đồng với Chính phủ thuộc địa, nhận xây dựng nền công nghiệp in ấn ở Đông Dương.

Từ những năm đó, ông đã cho phát hành tờ "Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo", hoàn toàn bằng chữ Hán, xong chỉ là một tờ Công báo, tập hợp những thông báo, thông cáo của chính quyền. Xét về mặt báo chí đây chưa phải là một tờ báo. F.H Scheneider cũng là người đã nuôi ý chí làm sao để người bản xứ biết về báo. Ông ta có nhà in, có tư cách pháp nhân để ra báo nhưng bấy lâu quãng thời gian ông ở Việt Nam cho đến thời điểm đó, ông chưa tìm được một cộng sự nào đủ sức cùng ông thực hiện ý tưởng và mục đích của mình, cho tới khi gặp Nguyễn Văn Vĩnh.

Việc gặp gỡ giữa Nguyễn Văn Vĩnh và F.H. Scheneider đúng là định mệnh! Vì một người có pháp nhân và có vật chất với một người có trí tuệ thiên bẩm. Ông  F.H Scheneider đã tận mắt chứng kiến anh chàng giúp việc người bản xứ thông thạo nhiều ngoại ngữ, viết báo được bằng cả 3 thứ chữ: Quốc ngữ, Pháp, và Nôm. Một mình đảm bảo tất cả các bài trong một số báo, thiếu bài nào viết ngay để bù, làm việc thành thạo như một người đã viết báo và làm nhà in lâu năm. F.H. Scheneider gặp Nguyễn Văn Vĩnh như tìm được một nửa của mình mà bấy lâu dày công tìm kiếm. Hai người một già, một trẻ gắn bó với nhau đến mức không thể tách rời. Họ trở thành đôi bạn thân thiết, dựa vào nhau, cùng nhau thực hiện lý tưởng riêng của mỗi người.

Chính F.H. Scheneider đã là tác nhân đẩy Nguyễn Văn Vĩnh sớm thoát khỏi cuộc đời viên chức, và truyền lại cho ông những kiến thức và kinh nghiệm làm báo, in ấn. Nguyễn Văn Vĩnh đã giúp F.H. Scheneider hoàn thành trách nhiệm về bản hợp đồng với chính phủ thuộc địa trước khi về nghỉ ngơi.

Từ cơ duyên này mà ngày 28/3/1907 tờ "Đại Nam Đăng Cổ Tùng báo" ra đời. Đây là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên và cũng chính là cơ quan ngôn luận của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Tờ báo này được xuất bản hàng tuần bằng cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Ông Đào Nguyên Phổ giữ phần chữ Hán, Nguyễn Văn Vĩnh giữ phần chữ Quốc ngữ. Báo in ở dạng nhỏ, tương đương khổ A4 bây giờ. Nội dung đã có các đặc trưng của một tờ báo hiện đại như phần tin tức trong nước, ngoài nước. Phần xã thuyết bàn về các vấn đề trong xã hội thuộc đủ mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, thói hư tật xấu trong người dân. Báo dành nhiều phần văn học, thơ ca, truyện ngắn dịch thuật, ngoài ra ngay từ thời đó, tính thương mại của báo đã được thể hiện bằng mục "lời rao", cáo bạch rao hàng, đây chính là tiền thân của những trang quảng cáo sau này.

Lời kết

Anh Nguyễn Lân Bình bộc bạch rằng, hiện nay, gia đình anh đã sưu tập được hàng ngàn bài báo, cả tiếng Việt và tiếng Pháp ký tên Nguyễn Văn Vĩnh trong suốt 30 năm làm báo. Anh đang tiến hành cho dịch sang tiếng Việt và sẽ cho ra mắt cuốn sách về sự nghiệp và các bài viết của ông nội anh. Trong cuốn sách này cũng sẽ tập hợp những bài nghiên cứu, đánh giá và luận bàn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Những việc làm của gia đình anh Nguyễn Lân Bình đang được dư luận xã hội rất quan tâm. Đơn giản là bởi, Nguyễn Văn Vĩnh không còn là người con riêng của gia tộc mà ông đã là một nhà văn hoá lớn cần có một vị trí xứng đáng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt

D.T.A.
.
.