Trật tự thế giới nào, nước Mỹ vẫn là… “trên hết”!?

Thứ Hai, 17/12/2018, 10:51
Brussels, ngày 4-12-2018. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thảo luận về hàng loạt thách thức an ninh quốc tế, bao gồm cả sự vụ căng thẳng quanh eo biển Kerch - điểm đụng độ mới nhất giữa Nga và Ukraine. 


Và, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Washington đang xây dựng một trật tự thế giới mới!”.

Thành phố trên đỉnh đồi

Thế nhưng, xét cho cùng, điểm cốt lõi trong tiến trình “tái định hình thế giới” ấy của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump - với chiến lược đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” - lại vẫn là việc “nước Mỹ không từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu”. 

Nói cách khác, đó vẫn là sự níu kéo hình thái đơn cực - thứ được xuất hiện và duy trì kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi Liên bang Xôviết tan rã. Sâu xa hơn, kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, nước Mỹ cũng đã luôn hướng tới vai trò đó, vai trò của một “thành phố trên đỉnh đồi”, để tất cả đều phải ngước nhìn.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Vậy, trật tự mới mà Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ muốn giới thiệu đến với thế giới là như thế nào? Là một sự sắp xếp lại trình tự vận hành “dựa trên các quốc gia chứ không phải các thể chế đa phương”. 

Là những hành động “nhằm thúc đẩy một thế giới tự do, minh bạch, công bằng và cởi mở”, thông qua việc nước Mỹ rời bỏ hoặc tái đàm phán về các thỏa thuận lỗi thời hoặc gây tổn hại đến lợi ích của mình cũng như những cam kết hay hiệp định quốc tế không phục vụ lợi ích đó.

Và Ngoại trưởng Mike Pompeo, bằng thứ ngôn từ đầy tính ngoại giao, muốn “một số người bạn châu Âu” tin rằng họ đã sai lầm, khi cho rằng nước Mỹ không hành động vì lợi ích chung của thế giới. 

Kể cả khi Washington rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Kể cả khi ông chủ hiện tại của Nhà Trắng “bức tử” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay khiến Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) chết yểu. 

Và kể cả khi Tổng thống Donald Trump đã và đang tìm mọi cách để dồn ép Iran, nhằm xóa bỏ hoặc đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân JCPOA lịch sử ký năm 2015 (giữa Iran và nhóm P5+1: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức).

Kể cả những cuộc “chiến tranh thương mại” mà các “bạn bè” của nước Mỹ đều bị cuốn vào. Kể cả những đe dọa trừng phạt dành cho chính họ, nếu không xác định rõ được cho mình một “chiến tuyến”.

Và, đó là trật tự thế giới mới, theo cách tiếp cận vấn đề của nước Mỹ.

Áp lực và phản chấn

Ngay sau bài phát biểu ấy của Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong vòng 24 giờ, hàng loạt động thái cứng rắn được thực hiện. Mỹ ra một tối hậu thư, “tuyên bố nước Nga vi phạm Hiệp ước Các vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) và sẽ rời bỏ hiệp ước trong vòng 60 ngày, như một biện pháp khắc phục tình trạng đó, trừ phi Nga trở lại tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng”.

Đứng về phía Mỹ, NATO ra tuyên bố nêu rõ: “Các nước đồng minh NATO kết luận rằng Nga đã phát triển và triển khai một hệ thống tên lửa mang tên 9M729, vi phạm Hiệp ước INF và tạo ra nguy cơ đáng kể cho an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ những kết luận của Mỹ rằng Nga đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF".

Gần như song song với diễn biến này, đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran - ông Brian Hook -  hối thúc Liên minh châu Âu (EU) xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran vì hành động thử tên lửa đạn đạo, đồng thời cảnh báo về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn nếu tham vọng của Tehran vẫn chưa được kiểm soát. 

Ông nhấn mạnh: Mỹ muốn chứng kiến EU phê chuẩn các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức tạo điều kiện cho việc thử nghiệm tên lửa và phổ biến vũ khí của Iran. Trong khi đó, hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Ngoại trưởng Mike Pompeo cam kết về một chiến dịch gây sức ép tối đa dành cho Iran.

Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Syria đang trở nên khăng khít với nhau, trong cảnh “chung một kẻ thù”.

Nhưng, tại phiên họp kín Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Iran đáp trả rằng họ không vi phạm cam kết nào, khi chỉ tiến hành phóng thử các tên lửa đạn đạo mang đầu đạn thường, chứ không phải đầu đạn hạt nhân. 

Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Nga bác bỏ “tối hậu thư” của Mỹ về INF và một ngày sau (5-12) tiếp tục “phản pháo”: Mỹ chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào về việc Nga vi phạm hiệp ước đó. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận xét: “Từ lâu, Mỹ đã muốn rời INF và đổ lỗi cho Nga để có được một cái cớ”. Ông chủ Điện Kremlin cũng cảnh báo: “Nếu Mỹ rời INF, Nga sẽ bắt buộc phải trả đũa”.

Và tại Trung Đông, trong cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al Assad, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Ri Yong-ho tuyên bố: “Hai quốc gia có chung một kẻ thù”. Không cần Tổng thống Syria phải “chỉ mặt đặt tên”, ai cũng hiểu, quốc gia thù địch nhất với cả Syria lẫn Triều Tiên chính là nước Mỹ.

Ở một khía cạnh nào đó, trật tự thế giới mới mà nước Mỹ hướng tới đang càng lúc càng khiến các địch thủ của họ đứng sát lại nhau hơn. Và có lẽ, càng lúc lại cũng càng tạo nên nhiều phản ứng trái chiều hơn. 

Sự đồng thuận của NATO ở thời điểm này cũng chưa đủ để xóa nhòa những vết hằn trên mối quan hệ Mỹ - EU, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và luôn chỉ trích các đồng minh ở cựu lục địa về nghĩa vụ đóng góp vào các công việc chung. 

Chưa ai quên, mới tháng trước thôi, cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel còn nhắc lại ý tưởng thành lập “Quân đội châu Âu” độc lập với NATO một cách vô cùng nghiêm túc, như phương thức quyết định nhằm tránh bị phụ thuộc.

Cũng cần nhắc lại, đến tận lúc này, EU vẫn đang mở các kênh hỗ trợ doanh nghiệp của mình tiếp tục xúc tiến thương mại với Iran thông qua các bên thứ ba, nhằm tránh các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Bởi vì, điều đó quan hệ mật thiết đến lợi ích của chính EU. 

Và cho dù một “lệnh ngừng bắn tạm thời” đã xuất hiện để tạm ngừng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ thì vẫn chưa ai dám chắc điều gì có thể xảy ra sau thời hạn 90 ngày, khi xung đột quyền lợi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là rất khó khoan nhượng.  

Tham vọng hay ảo vọng?

Không nghi ngờ gì, “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại một lần nữa” (Make America great again - slogan tranh cử năm 2016) là ước vọng đích thực, là điều tốt cho nước Mỹ theo cách nhìn của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Có điều, từ trước ông, thế giới lại vận động theo quỹ đạo có xu hướng ngược lại cách suy nghĩ đó.

Trên những bước tiến thần tốc của công nghệ, thế giới phẳng đi một cách chóng mặt và toàn cầu hóa - đa phương hóa trở thành khuynh hướng chủ đạo.

Tên lửa đạn đạo của Iran.

Ở một khía cạnh khác, các thỏa thuận đa phương không chỉ mang lại nhiều cơ hội được đối xử công bằng hơn cho những kẻ yếu thế mà còn tạo nên những cơ hội lớn lao hơn cho người thật sự có khả năng. 

Bởi vậy, chủ nghĩa biệt lập (mà Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi là “sự tái định hình dựa trên các quốc gia”) thực ra chỉ là một công cụ trấn áp dành cho những sự cạnh tranh chính đáng đối với vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Vẫn là thế, vẫn là “cây gậy và củ cà rốt”. Vẫn luôn có những đồng minh mà nước Mỹ không thể áp đặt các “giá trị Mỹ” (như Saudi Arabia) và cũng vẫn luôn có những quốc gia xa lạ bị cố gắng áp đặt hệ giá trị đó (như Syria hay Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên). 

Cuối cùng, tất cả cũng vẫn chỉ là để phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Tuy nhiên, trong “trật tự thế giới mới này”, có vẻ các đồng minh và các địch thủ sẽ được đối xử “công bằng” hơn một chút.

Vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về Brexit, nước Anh - đồng minh thân cận nhất, đã lập tức thấy Washington “nhíu mày”, khi cho rằng “cần phải xem xét lại khả năng độc lập về thương mại của nước Anh trong tương lai”, bởi những thỏa thuận với EU sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ thương mại Mỹ - Anh.

Đó không phải là một ví dụ đơn giản về đa phương hóa và về tầm quan trọng của nhu cầu đối thoại giữa các phía hay sao?

Đông Phong
.
.