Người bằng hữu phiền phức của nước Mỹ

Thứ Ba, 04/12/2018, 16:56
Chính trường nước Mỹ, cả tháng qua, không chỉ chia rẽ vì cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ mà còn dậy sóng bởi cái tên Jamal Khashoggi. 

Tuy nhiên, có thể tin rằng bất cứ ai đảm nhiệm vị trí Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại cũng sẽ lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" như đương kim tổng thống Donald Trump, khi Saudi Arabia chưa từng là một "đồng minh dễ nghe lời".

Khashoggi là ai?

Con người bị sát hại dã man trong khuôn viên Tổng lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul (cố đô Thổ Nhĩ Kỳ) hồi đầu tháng 10 ấy, con người mà cái chết làm bùng lên những phản ứng gay gắt giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia, giữa Saudi Arabia với dư luận quốc tế và cả giữa các phe phái chính trị ở một siêu cường bên kia Đại Tây Dương ấy, dĩ nhiên, không thể là một người tầm thường.

Một cách ngắn gọn, ông là ngọn cờ cấp tiến, là mối đe dọa về mặt chính trị đối với Saudi Arabia nói chung và bản thân Thái tử Mohammad bin Salman Al Saud (gọi tắt là MbS), người thừa kế ngai vàng, người hiện đang là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chánh án Tòa án tối cao, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Phát triển - nghĩa là gương mặt quyền lực nhất Saudi Arabia. Đó cũng chính là người được (ngay cả CIA) cho rằng đã trực tiếp ra lệnh hành hình Jamal Khashoggi.

Một cái chết gây chấn động

Jamal Khashoggi đã là một kẻ lưu vong gần như cả cuộc đời mình. Tháng 6-2017, ông chuyển tới Mỹ để cộng tác với tờ The Washigton Post, và trên cương vị là một cây bút bình luận chính trị quốc tế, ông liên tục chỉ trích chế độ chính trị Saudi Arabia cũng như cá nhân Thái tử MbS, đồng thời đòi hỏi các giá trị cấp tiến mang màu sắc phương Tây cho xã hội quê hương mình. Mới tháng 8-2018, ông còn khẳng định: "MbS đã phát đi những tín hiệu rằng mọi sự thay đổi theo chiều hướng cởi mở là không thể chấp nhận".

Trước đó, Jamal Khashoggi đã lần lượt công kích chuyện Saudi Arabia dẫn đầu cuộc phong tỏa ngoại giao đối với Qatar, những tranh chấp của Saudi Arabia với Lebanon, căng thẳng ngoại giao Saudi Arabia - Canada. 

Trước đó nữa, năm 2016, ông từng bị cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Saudi Arabia, vì chỉ trích… Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump - người hiện không muốn nghe cuộn băng ghi âm mà CIA cung cấp ghi lại các diễn biến vụ sát hại Khashoggi.

Ông không chỉ "đắc tội" với hoàng gia nước mình hay Tổng thống Mỹ. Khashoggi là thành viên của tổ chức Anh em Hồi giáo, nghĩa là đứng ở phía đối nghịch với chính phủ Ai Cập. Ông từng cho rằng chính phủ ấy "xứng đáng bị phê phán bởi bỏ tù tới hơn 60.000 người có khuynh hướng đối lập". Ông cũng không che giấu ác cảm đối với việc Israel liên tục xây dựng các khu định cư cho người Do Thái trên phần đất mà người Arab Hồi giáo vẫn tin rằng thuộc về Palestine. Ông còn có những mối quan hệ thời trẻ với Osama bin Laden, dù đã cắt đứt sau sự kiện đau thương ngày 11-9-2001.

Với hơn 2 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Twitter, tờ The Spectator đánh giá Jamal Khashoggi là "nhà hoạt động chính trị nổi tiếng nhất thế giới Arab". David Joel Horowitz, nhà phân tích - bình luận thời sự quốc tế nổi tiếng người Mỹ, mô tả Khashoggi là "một nhà tổ chức của Anh em Hồi giáo, một người ủng hộ thánh chiến, ủng hộ Iran, ủng hộ tổng thống ghét Do Thái Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Và cơ bản là ông ta chết như một chiến binh, ở mặt trái của cuộc chiến chống khủng bố".

Điều đó khá gần gũi với đánh giá ngắn gọn của Tổng thống Mỹ Donald Trump: "Khashoggi là một phần tử thánh chiến (jihadist)". Nhưng, đó cũng không phải lý do chính để ông thực sự khó khăn trong việc tìm kiếm một cách xử lý thích hợp đối với vấn đề này.

Truyền thống của một mối thâm giao

Rất nhiều nhà lập pháp cũng như các chính khách Mỹ, thuộc cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, đã và đang lên tiếng đòi hỏi ông chủ Nhà Trắng phải có những biện pháp trừng phạt đích đáng hơn dành cho Saudi Arabia, bởi vụ sát hại mang màu sắc Trung cổ đối với Jamal Khashoggi.

Song, cho dù xác nhận với FOX rằng cuộn băng mà CIA cung cấp cho ông "là một cuộn băng kinh khủng và đầy tính bạo lực", đương kim tổng thống Mỹ vẫn khẳng định rằng "MbS nói với tôi là ông ấy không dính dáng gì đến vụ này". 

Ngoài lệnh trừng phạt cá nhân nhắm vào 17 quan chức Saudi Arabia bị cáo buộc trực tiếp, nước Mỹ vẫn chưa có thêm động thái cứng rắn thực tế nào. Và cuối cùng, bất cứ ai cũng có thể hình dung đoạn kế tiếp của câu chuyện, khi Tổng thống Mỹ xác nhận: "Chúng ta có một đồng minh, và chúng ta muốn gắn bó với đồng minh ấy theo nhiều cách tốt đẹp".

Đó là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt bản chất của mối quan hệ này, kể từ ngày đầu tiên được thiết lập. Nó sẽ không dễ dàng thay đổi, dù với bất cứ lý do nào.

Ngược trở lại từ năm 1935, khi Saudi Arabia mới lập quốc dưới sự dẫn dắt của vị minh quân Ibn Saud, đất nước ấy đã luôn phớt lờ các giá trị phương Tây - "ngọn cờ chính nghĩa" ưa thích của nước Mỹ. 

Trên đường chinh phạt và xây dựng đất nước, theo học giả Nguyễn Hiến Lê, Ibn Saud lập lại trật tự ở các khu vực dưới quyền mình bằng những biện pháp vô cùng khắc nghiệt: Ăn trộm lần thứ nhất bị chặt một tay, ăn trộm lần thứ hai bị chặt nốt tay kia, giết người phải đền mạng. 

Nhưng, nhờ đó, "đức hạnh là một điều bắt buộc ở Saudi Arabia", và "trên khắp cõi đó, tội sát nhân cướp bóc trong một năm ít hơn ở Paris trong một ngày", như đánh giá của Jean Paul Penez, một nhà báo người Pháp.

Ibn Saud hội kiến với Franklin Roosevelt.

1935, Ibn Saud chính thức hất cẳng Anh - đế quốc thực dân có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Đông vào thời điểm đó - để hợp tác khai thác dầu mỏ với Mỹ, công ty Gulf Oil, rồi liên doanh California Arabian Standard Oil. Nhà vua tuyên bố với các đối tác: "Tôi hy vọng các ngài tới đây với tư cách các vị khách chứ không phải những kẻ xâm lăng, là những người bạn chứ không phải những ông chủ. Đất nước này, nhờ ơn Thánh Allah, đủ lớn để thỏa mãn tất cả các tham vọng, trừ tham vọng chiếm đoạt nó". Và Ibn Saud cấm tàu Mỹ chở rượu wishkey vào Saudi Arabia. Ông cấm cả việc các nhà thờ Cơ Đốc đổ chuông khi làm lễ trên đất của mình.

Có lẽ, trừ Israel, nước Mỹ chưa từng phải nhẫn nại với một "ông bạn" nào đến mức độ như vậy.

Mới đây thôi, ông chủ Nhà Trắng còn không ngại ngần vứt toẹt những lớp vỏ ngôn từ mang tính ngoại giao để chỉ trích phác thảo dự án thành lập "Quân đội riêng của châu Âu" mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắc tới, theo một cách có thể nói là cay nghiệt. 

Nhưng cũng chỉ mới đây thôi, năm ngoái, Saudi Arabia mới chính thức cho phép phụ nữ được quyền lái xe - điều mà rất nhiều người dân Mỹ không thể tưởng tượng nổi. 

Hơn 80 năm qua, nước Mỹ phất cao những lá cờ "dân chủ, nhân quyền, công bằng, văn minh" ở bất cứ đâu, nhưng Saudi Arabia là ngoại lệ. Họ vẫn trị nước bằng luật lệ Hồi giáo hà khắc, như thời Ibn Saud, với tính cách độc đoán quân chủ chuyên chế của hoàng gia. Và nước Mỹ phải chấp nhận.

Điều đó xuất phát, đầu tiên và dĩ nhiên, từ trữ lượng dầu mỏ khổng lồ mà Saudi Arabia nắm giữ cũng như chia sẻ nguồn lợi với các doanh nghiệp Mỹ. Những lý tưởng sáo rỗng bị chặn đứng khi có nguy cơ gây phương hại đến "chuyện làm ăn", và người Mỹ vốn rất thực dụng.

Song, hơn thế, vị trí địa lý cũng như tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia cũng khiến không tổng thống Mỹ nào có thể mạo hiểm dồn ép họ. Đó là quốc gia lớn nhất, là cường quốc hàng đầu của khối Hồi giáo Arab, là đất nước mang trong mình thánh địa La Mecca và có thể khống chế cả Vùng Vịnh lẫn Hồng Hải. Là đối trọng của Iran, Iraq và Syria (trước kia), vốn gần gũi với Liên Xô. Là mảnh ghép bổ sung tính đa dạng vào bàn cờ ảnh hưởng Mỹ ở Trung Đông, bên cạnh một Israel luôn bị bao vây và một Thổ Nhĩ Kỳ nhiều tham vọng.

Ở bất cứ khía cạnh nào, một đồng minh quan trọng như vậy cũng rất khó bị đụng chạm. Cả cuộc phong tỏa Qatar mà Saudi Arabia dẫn đầu, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ có thể thực hiện những nỗ lực ngoại giao con thoi.

Vậy thì, tại sao guồng quay quen thuộc lại có thể bị tác động bởi cái chết của một cá nhân, lại là một cá nhân "nhiều vấn đề" như Jamal Khashoggi?

* Tháng 2-1945, Quốc vương Ibn Saud hội kiến Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt trên chiến hạm USS Quincy. Được đề nghị cho phép một số người Do Thái chạy trốn khỏi nước Đức đến lập nghiệp ở Palestine, Ibn Saud cương quyết từ chối và Roosevelt buộc phải chấp nhận.

* Trữ lượng dầu mỏ của Saudi Arabia vào khoảng 260 tỷ thùng, khoảng 20% trữ lượng có thể được kiểm chứng đến hiện tại của thế giới. 

Đông Thư
.
.