Tổng thống Pháp Francois Hollande: Tin vào một “Chính phủ chiến đấu”

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:04
Ở vào thời điểm chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande đã thực hiện một loạt thay đổi quan trọng trong nội các với những tiêu chí cơ bản bao gồm kinh nghiệm, đoàn kết, đổi mới và mở rộng vững chắc.


Việc lựa chọn nhân vật và thành phần cho chính phủ mới lần này cho thấy ông Hollande đang nỗ lực lấy lại uy tín và ưu thế cho Đảng Xã hội (PS) cầm quyền trên chính trường. Đây có thể sẽ là nội các cuối cùng của chính quyền ông Hollande nhằm chuẩn bị chiến dịch tranh cử Tổng thống sẽ diễn ra vào năm sau.

Bảo vệ cho các quyết định của mình, Tổng thống Pháp tuyên bố nội các mới là một đội ngũ có “tính gắn kết rất cao”, hứa hẹn sẽ tạo nên một cuộc cải cách đủ lớn để đưa đất nước hình lục lăng thoát khỏi những bế tắc và khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, nếu các chỉ số không thực sự được cải thiện trong thời gian tới, những lời nói này sẽ không còn giá trị.

Tái bổ nhiệm “cánh tay phải”

Tổng thống Francois Hollande nhấn mạnh, việc mở rộng chính phủ là thực tế cần thiết, song vẫn luôn có sự gắn kết. Trước khi bắt tay triển khai hàng loạt công việc sắp tới, ông Hollande muốn sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo điều hành các lĩnh vực phù hợp hơn, nhất là một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có Bộ Ngoại giao. Cả đối nội và đối ngoại đều cần những nhân vật kinh nghiệm và năng động trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) và thế giới.

So với dự đoán của nhiều nhà phân tích, cuộc cải tổ này được thực hiện mạnh hơn và rộng hơn khi nội các mới có 38 thành viên (tăng 6 thành viên so với nội các cũ). Điều đáng chú ý là việc cựu Thủ tướng Jean Marc Ayrault quay trở lại chính trường với vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Pháp (nhân vật số hai trong chính phủ), cùng sự xuất hiện của một số nhân vật mới đến từ Đảng Xanh và các đảng cánh tả khác.

Có một số ý kiến nhận định rằng, cuộc cải tổ nội các lần này của Pháp thực chất là một cuộc thanh lọc nội bộ, gạt những người bất đồng chính kiến với Tổng thống ra khỏi chính phủ, đồng thời tìm tới những đồng minh thân cận để tiếp sức cho chiến dịch tranh cử sắp tới.

Nước cờ cải tổ nội các hướng đến chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2017, giúp chính quyền của ông Hollande có đại diện của hầu hết các đảng cánh tả.

Quả thực, gương mặt mới đáng chú ý nhất trong cuộc cải tổ lần này là ông Jean Marc Ayrault, vốn là đồng minh thân cận với Tổng thống Francois Hollande, từng được ông Hollande chọn làm Thủ tướng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình năm 2012. Tuy nhiên, do các thất bại trong điều hành kinh tế, đầu năm 2014, ông Ayrault đã phải từ chức và nhường vị trí cho ông Manuel Valls.

Chính vì thế, sự trở lại của ông Ayrault lần này ở cương vị Ngoại trưởng Pháp được coi là một điều bất ngờ. Đây cũng được xem như phần thưởng xứng đáng cho sự trung thành với ông Hollande, kể cả khi ông Jean Marc Ayrault đã mất chức Thủ tướng cách đây gần hai năm.

Giới phân tích cho rằng, ông Hollande đã đi một nước cờ cao tay với nhiều suy tính kỹ lưỡng cho tương lai khi đặt niềm tin vào “cánh tay phải” Ayrault nhằm xử lý những việc đối ngoại quan trọng với các cường quốc hay với châu Á, Trung Đông và châu Phi. Nhân vật này cũng có sẵn mối quan hệ cá nhân khá tốt với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong thời gian làm Thủ tướng.

Do vậy, Tổng thống Hollande lựa chọn ông Ayrault với ý muốn đẩy mạnh hơn nữa vai trò đối ngoại trong nội bộ EU của Pháp, và tiếp tục thắt chặt quan hệ song phương Pháp - Đức, nâng tầm đối tác và trở thành hai mũi nhọn quan trọng nhất của châu Âu trước những thách thức nghiêm trọng như kế hoạch trưng cầu dân ý của Vương quốc Anh về việc rời khỏi EU hay cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Chưa hết, quyết định tái trọng dụng ông Ayrault của Tổng thống Hollande được xem là con bài chính trị có nhiều tính toán bất chấp việc vị tân Ngoại trưởng Pháp được đánh giá là kém sức hút và rất yếu về mặt truyền thông.

Bên cạnh đó, ông Hollande luôn có một sự cảnh giác nhất định với Thủ tướng Manuel Valls do lo ngại uy tín cao hơn của nhân vật này sẽ ảnh hưởng đến tham vọng tái cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai năm 2017. 

Bởi vậy, Tổng thống Francois Hollande muốn “cân bằng quyền lực” bằng cách đưa Jean Marc Ayrault – người theo trường phái dân chủ xã hội – quay lại nội các để “làm dịu” ảnh hưởng của Manuel Valls – người theo trường phái tự do.

Tổng thống Francois Hollande (bìa phải), Thủ tướng Manuel Valls cùng nội các mới còn rất nhiều việc phải làm để vực dậy uy tín của Chính phủ.

Phải thừa nhận rằng, ông Hollande cần kinh nghiệm và vốn hiểu biết rộng từ ông Jean Marc Ayrault, và trên hết, muốn tận dụng ảnh hưởng rất lớn của chính khách này trong nội bộ Đảng Xã hội, các đảng cánh tả và trong Quốc hội Pháp.

Một khi Ayrault trở lại chính quyền, ông Hollande sẽ lôi kéo được sự ủng hộ nhiều hơn từ cánh tả và nội bộ Đảng PS, từ đó thu hẹp dần những chia rẽ nghiêm trọng liên quan đến sửa đổi Hiến pháp. Với những ưu thế đó, ông Hollande đang nuôi hi vọng trong hơn một năm tới, tân Bộ trưởng Ngoại giao có khả năng góp phần mang lại luồng sinh khí mới cho Chính phủ Pháp, nhất là trong hoạt động đối ngoại.

Mở rộng liên kết

Theo cách nói của Tổng thống Francois Hollande, vào thời điểm hiện nay, nội các mới sẽ là một chính phủ “có tính chiến đấu” với đội ngũ rút gọn, liên kết và gắn bó, đủ khả năng đưa đất nước vượt qua thử thách. Một trong những động thái hiện thực hóa tuyên bố này là việc cải tổ nội các đã có sự tham gia của một số nhân vật thuộc các đảng cánh tả khác, cụ thể là ba thành viên Đảng Xanh (EELV) và một thành viên đến từ Đảng Thiên tả (PRG).

Nhìn vào sự phân bổ nhân sự nội các mới mở rộng có thể nhận thấy, mục đích của nhà lãnh đạo nước Pháp là muốn mở rộng liên kết cánh tả, sử dụng triệt để nhân tài thuộc cánh tả, tạo một lực lượng liên minh rộng lớn nhằm giành lại uy tín trên chính trường cũng như đối với người dân Pháp.

Tất cả những sự bổ nhiệm trên đều là những tính toán chính trị kỹ càng. Việc ông Hollande đưa tới ba người của Đảng Xanh vào nội các mới, bất chấp việc đảng này từ chối công khai việc tham gia vào chính phủ liên minh, được xem là nước cờ gây chia rẽ và phân tán sự phản đối của Đảng Xanh đối với chính phủ cầm quyền. Nước cờ bổ nhiệm này, theo nhiều nhà phân tích, có mục tiêu rõ ràng là hướng đến chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Dư luận rất muốn nhìn thấy cơ sở để tin rằng: nội các mới sẽ giúp cho đất nước và người dân Pháp bước vào một giai đoạn lạc quan hơn.

Giờ đây, chính quyền của ông Hollande có đại diện của hầu hết các đảng cánh tả nên ít nhiều có thể dẹp yên sự phản đối gay gắt bấy lâu nay của các đảng này đối với đường lối lãnh đạo của chính phủ. Rõ ràng, đường hướng chính trị cho lần cải tổ quyết định này dường như đã được Tổng thống Francois Hollande chuẩn bị thấu đáo từng bước đi cho cuộc bầu cử năm 2017.

Tuy nhiên, đa số các gương mặt mới trong nội các đều không phải là các chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn trên chính trường Pháp. Việc xuất hiện thêm nhiều chức danh không quá cần thiết khiến không ít người nghi ngờ khả năng thành công của nội các mới trong các lĩnh vực gai góc nhất với nước Pháp hiện nay là tạo thêm việc làm, vực dậy tăng trưởng và củng cố an ninh. 

Chính những tính toán quá thiên về bầu cử nói trên khiến cuộc cải tổ lần này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ chính các đảng phái cũng như từ dư luận Pháp. Thành công không chỉ dựa trên hình thức, lời hứa, hay mở rộng một bộ máy lãnh đạo.

Liệu cuộc cải tổ mở rộng mạnh mẽ này có mang lại sinh khí mới cho Chính phủ Pháp hay không? Theo giới phân tích, điều này phụ thuộc phần lớn vào thực lực, uy tín dài lâu và chiến lược hành động cụ thể của “thuyền trưởng” Francois Hollande.

Pháp giờ đây không chỉ đối mặt với những thử thách tới từ chính nền kinh tế cùng bối cảnh chính trị trong nước đang gặp nhiều bất ổn, mà còn phải cẩn trọng trước hàng loạt nguy cơ tới từ bên ngoài. 

Trước những khó khăn chồng chất, nội các mới có rất nhiều việc phải làm để gây dựng niềm tin vào một “chính phủ chiến đấu”, biết cách vượt khó và có khả năng xử lý các vấn đề tốt hơn, đủ năng lực thúc đẩy các cải cách nhằm tạo ra đột phá.

Những bước đi của Tổng thống Francois Hollande có mang lại hiệu quả tích cực hay không còn phải chờ đợi kết quả từ sự điều hành cũng như phối hợp hành động của nội các mới. Với những gì đang diễn ra trong thời gian qua tại Paris, dư luận rất muốn nhìn thấy cơ sở để tin rằng: một giai đoạn mới lạc quan hơn sẽ mở ra cho đất nước và cho chính người dân Pháp…

Phương Thảo
.
.