Tổng thống Pháp Francois Hollande: Sứ mệnh sưởi ấm châu Âu

Thứ Ba, 27/01/2015, 15:36
Ngày 5/1 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã lên tiếng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga và nhấn mạnh Tổng thống Vladimir Putin không có ý định xâm chiếm miền Đông Ukraine.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Phát thanh France Inter, ông Hollande cho rằng việc dồn Tổng thống Nga tới chân tường sẽ không mang lại lợi ích gì mà còn khiến tình hình trở nên xấu đi.

Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp gỡ tại sân bay Vnukovo (Moscow), tạo cơ hội cho Paris thay thế Berlin trở thành nước trung gian hòa giải giữa Nga và phương Tây. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, việc vươn sang Nga giúp Tổng thống Hollande gia tăng ảnh hưởng đang bị suy giảm nghiêm trọng và duy trì chiến lược độc lập tương đối trong hoạt động đối ngoại của Paris. Tuy nhiên, nỗ lực này có thành công hay không còn phụ thuộc vào Điện Kremli và các cường quốc phương Tây khác.

Thông điệp hòa dịu

Phương Tây đang bị chia rẽ nghiêm trọng trong vấn đề trừng phạt chính quyền Tổng thống Putin. Mỹ và Anh ráo riết khép chặt vòng vây cấm vận với Moscow, còn hai đầu tàu khác là Pháp và Đức lại đang tìm cách phá bỏ vòng vây đó. Trong bối cảnh này, Tổng thống Pháp Francois Hollande tỏ ý rằng ông muốn lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga phải được dỡ bỏ ngay nếu việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine có tiến triển.

Lý giải về hành động của ông Putin đối với tình hình miền Đông Ukraine, Tổng thống Pháp khẳng định nhà lãnh đạo Nga chỉ muốn duy trì sự ảnh hưởng và ngăn không cho Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo đó, ý tưởng của ông Putin là không để một quân đội nào hiện diện gần biên giới Nga.

Trong cuộc phỏng vấn trên Đài Phát thanh France Inter, Tổng thống Hollande cũng bày tỏ hy vọng về những tiến triển sẽ có thể đạt được tại cuộc thương lượng quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 15/1 tới đây tại Kazakhstan về cuộc khủng hoảng Ukraine với sự tham gia của lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Nga và Ukraine.

Điều này cho thấy ông Hollande đã sẵn sàng vận động Thủ tướng Đức Angela Merkel “lập liên minh”, cùng tạo áp lực để phá bỏ lệnh trừng phạt chống Nga khi gặp nhau tại Kazakhstan. Nếu chỉ mình Pháp hay Đức lên tiếng đơn lẻ thì chưa thể tạo thành tiếng vang. Nhưng khi hai đầu tàu cùng lên tiếng thì nhiều khả năng mọi thứ sẽ đổi khác.

Ông Hollande là một trong số rất ít lãnh đạo phương Tây không đẩy ông Putin vào khoảng thời gian khó khăn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Brisbane (Australia) hồi tháng 11/2014. Chính quyền Pháp cũng không tạo sức ép lên các hoạt động thương mại quốc gia nhằm cắt đứt mối quan hệ với Nga.

Trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cộng đồng quốc tế hầu như không thấy Tổng thống Hollande có một vai trò nổi bật nào, chí ít là so với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Có lẽ vì thế, cùng với mối quan hệ “thân tình truyền thống” giữa Paris và Moscow, Tổng thống Hollande đã được Liên minh châu Âu (EU) giao cho trọng trách là lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới thăm Nga kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.

Chuyến viếng thăm chớp nhoáng Moscow của Tổng thống Francois Hollande hồi đầu tháng 12/2014 đã phát đi thông điệp bày tỏ mong muốn “bình thường hóa” quan hệ giữa Nga và EU. Động thái hòa giải ngoại giao Pháp - Nga bề ngoài có vẻ bất ngờ nói trên thực ra đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Cuộc hẹn đã được trù tính từ nhiều tuần lễ, kể từ lần hai nguyên thủ gặp nhau tại Hội nghị G20 ở Brisbane.

Thay vì quay thẳng về Pháp sau chuyến công du Kazakhstan, Tổng thống Hollande đã hạ cánh xuống Moscow. Ông chủ điện Kremli đã đón tiếp người đồng cấp với nụ cười, đúng vào lúc không khí lạnh giá ban đêm bắt đầu tỏa xuống.

Sau cuộc tọa đàm kéo dài hai tiếng, Tổng thống Pháp phát biểu: “Pháp muốn cuộc khủng hoảng này kết thúc vì nó đang gây ra đau khổ cho người dân Ukraine và cản trở các nước xúc tiến quan hệ với Nga do các lệnh trừng phạt”. Điều quan trọng là Pháp mang lại sáng kiến vào những thời điểm khủng hoảng, tránh cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Theo đó, ông Hollande muốn cùng với “người bạn” Putin có thêm nhiều cuộc tiếp xúc cởi mở hơn để gửi đi các thông điệp hòa dịu, và “chớp” lấy mọi cơ hội để thông điệp đó sớm thành hiện thực. Đáp lời, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Có những vấn đề hết sức phức tạp. Tuy nhiên, cuộc thảo luận mà chúng ta đang dẫn đầu sẽ vẫn mang lại một kết quả tích cực và giải quyết được nhiều chuyện”.

Trước đây, đồng minh số một của Nga tại phương Tây là Đức. Tuy nhiên, bà Merkel đã gia nhập đội ngũ lãnh đạo các nước phương Tây gây khó khăn cho Nga sau cuộc nói chuyện với Tổng thống Putin tại Hội nghị G20, khi bà thất bại trong việc thay đổi lập trường của ông về vấn đề Ukraine. Vì thế, Pháp là quốc gia lớn cuối cùng có thể hòa giải Nga và phương Tây hiện nay. Những tuyên bố ngày 5/1 vừa qua đã biến Pháp trở thành một “nước Đức mới” đối với Nga. Và ông Hollande đã vươn tới chỗ Putin như một nỗ lực để cân bằng ảnh hưởng của Pháp trong EU.

Không thể phủ nhận rằng Nga và Pháp đang thể hiện thiện chí khi cùng chia sẻ quan điểm chung về vấn đề Ukraine. Tổng thống Hollande khẳng định việc gia nhập NATO của Ukraine – một động thái từ phía Ukraine dấy lên quan ngại cho chính quyền Tổng thống Putin bấy lâu nay - sẽ không bao giờ xảy ra. Ông cũng công nhận “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine và ám chỉ Nga không có kế hoạch sáp nhập vùng đang xảy ra giao tranh tại Ukraine giống như vụ việc sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014.


Tổng thống Hollande đã sẵn sàng vận động Thủ tướng Đức Angela Merkel “lập liên minh” trong cuộc thương lượng quốc tế ngày 15/1 tới đây tại Kazakhstan.

Nhiều chuyên gia nhận định: việc Pháp cố gắng tạo mối quan hệ hòa bình với Nga thể hiện mong muốn tiếp nối chính sách quan hệ ngoại giao của người đi trước. Trong năm 2008, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã trở thành người hòa giải chấm dứt “chiến tranh 5 ngày” giữa Nga và Gruzia khi một tỉnh thuộc Nam Ossetia đòi ly khai.

Lấy lại uy tín

Tổng thống Francois Hollande mô tả nước Pháp đang gánh vác trách nhiệm khắp nơi: tại Mali, Cộng hòa Trung Phi, Trung Cận Đông, và từ giờ trở đi ở cả miền Đông Ukraine. Việc xích lại gần Nga sẽ đem lại lợi ích nâng cao vị thế của ông chủ Điện Elysee cũng như phát triển chiến lược lâu dài của chính quyền Hollande về ngoại giao, nhất là trong bối cảnh cơn bão khủng hoảng vẫn chưa tan đối với nước Pháp.

Năm 2014 được coi là khoảng thời gian không mấy thành công đối với Tổng thống Hollande, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Suốt một năm qua, Tổng thống Hollande và nội các của ông dường như ở trong thế bí, rất khó tìm ra giải pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm, đồng thời giảm thâm hụt ngân sách và nợ công. Hai lần cải tổ chính phủ trong năm qua ở Pháp là tâm điểm thu hút sự quan tâm của công luận.

Những cuộc thay đổi lớn này cho thấy sự loay hoay tìm hướng đi của chính phủ cánh tả, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Hollande, nhằm nỗ lực đưa nước Pháp ra khỏi bế tắc. Thêm nữa, việc cải tổ nội các còn bộc lộ yếu kém của chính phủ đương nhiệm cùng những bất đồng tồn tại trong nội bộ. Pháp đang mất dần ảnh hưởng ở châu Âu khi không phát huy được vai trò trong trục Đức - Pháp vốn là “xương sống” của cả EU.

Với những “thành tích” đối nội và đối ngoại như vậy, thật dễ hiểu khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Francois Hollande rơi xuống mức thấp kỷ lục, khiến ông trở thành tổng thống mất lòng dân nhất trong nền Đệ ngũ Cộng hòa với tỷ lệ ủng hộ “chạm đáy” là 13%. Việc xuất hiện nhiều chỉ trích ngay ở trong nước cho thấy người dân ngày càng mất niềm tin vào Tổng thống và bộ máy hành pháp.

Theo kết quả cuộc khảo sát mới công bố của Cơ quan Điều tra dư luận Pháp (IFOP), 85% người Pháp không muốn ông Hollande ra tranh cử tổng thống 2017, và trên 50% người Pháp nhận định, ông Hollande không thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử.

Trong chương trình kéo dài hai tiếng trên Đài Phát thanh France Inter, Tổng thống Hollande đã công bố chương trình hành động trong thời gian tới. Ông nhìn nhận sự thất bại trong việc giảm thất nghiệp và đặt ưu tiên tuyệt đối vào tăng trưởng để chặn đứng đà gia tăng thất nghiệp. Theo đó, ông Hollande đã đề ra mục tiêu tạo việc làm cho 100 nghìn thanh niên trong lĩnh vực hoạt động dân sự và 500 nghìn người được học nghề đến năm 2017.

Vị Tổng thống Pháp tuyên bố quyết tâm thay đổi “tất cả những gì còn cản trở” và làm đủ mọi cách để phục hồi kinh tế. Nhiều chương trình cải cách lớn sẽ được triển khai. Năm 2015, chính phủ của ông Hollande sẽ tập trung vào các chương trình cải cách lớn thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, cơ cấu của các tổ chức xã hội và thể chế.

Về mặt quốc tế, Tổng thống Hollande đã nêu lên những hoạt động ngoại giao nổi bật trong năm 2014, đỉnh điểm là hội nghị quốc tế về khí hậu, mà ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận mang tính bắt buộc thi hành về việc chống biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Để tài trợ cho việc này, ông Hollande chủ trương lập ra một loại thuế đánh vào các giao dịch tài chính ở châu Âu, trễ nhất là vào năm 2017.

Về ngoại giao, Tổng thống Hollande tuyên bố Pháp sẽ không can thiệp vào Libya, nhưng kêu gọi cộng đồng quốc tế phải đảm nhận trách nhiệm ngăn chặn nguy cơ hình thành một căn cứ mới của tổ chức Hồi giáo cực đoan tại quốc gia này.

Tuy khẳng định hiện giờ không quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, nhưng rõ ràng là trong lúc uy tín xuống đến mức thấp nhất, ông Hollande đang cố khôi phục vị thế để bảo toàn cơ may ra tái tranh cử tổng thống.

Trong 12 tháng sắp tới, ông chủ Điện Elysee cùng nội các sẽ phải tiếp tục vật lộn và nỗ lực để đưa ra những chính sách hài hòa hơn về mọi mặt, cũng như tháo gỡ những bất đồng nội bộ. Có như vậy, Tổng thống Francois Hollande mới hy vọng có thể gặt hái được thành công, lấy lại uy tín đối với công chúng, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò của Pháp trong khu vực và trên thế giới…

Anh Doãn – Nam Hồng
.
.