Tiếng Việt phong ba bão táp

Thứ Ba, 14/03/2017, 15:36
Có một nhận định vô căn cứ nhưng được lan truyền rộng rãi và cũng được nhiều người chấp nhận, rằng tiếng Việt không chính xác, hay nói đúng hơn, ngữ pháp tiếng Việt không chính xác bằng ngữ pháp tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Nga..., tùy theo người đưa ra nhận định biết thứ tiếng nào.

Trong dân gian, người ta hay nói "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" để ngụ ý rằng ngữ pháp tiếng Việt rất khó, "chẳng biết đâu mà lần".

Tiếng Việt không chính xác? Nhiều bằng chứng được đưa ra, thật ra là vu vơ, nhưng cũng thuyết phục được không ít người, rằng các văn bản quốc tế đều phải có một bản bằng tiếng Pháp, bởi chỉ có tiếng Pháp mới đủ độ chính xác để diễn tả các khái niệm phức tạp, giúp các bên đề phòng tranh chấp, rằng khi dịch từ các ngôn ngữ khác, bản tiếng Việt bao giờ cũng dài gấp rưỡi, do tiếng Việt không có khả năng diễn đạt súc tích... 

Điều đáng nói là những nhận định như thế không chỉ đến từ những kẻ "ngoại đạo", mà còn từ các nhà văn, các nhà giáo, những người dạy ngoại ngữ.

Nhận định này, như tôi đã viết trong một vài dịp khác, phản ánh một định kiến, hay thậm chí là mặc cảm tự ti, rất không nên có. Tuy nhiên, sâu xa mà nói, nó còn phản ánh một quan niệm từng rất phổ biến, ngay cả trong giới ngôn ngữ học, nhưng nay đã bị coi là sai lầm, lỗi thời. Đó là quan niệm về sự tiến hóa từ thấp đến cao của các ngôn ngữ dựa trên giả thuyết của nhà triết học và ngôn ngữ học nổi tiếng người Đức Humboldt.

Theo quan niệm đó, ở giai đoạn đầu tiên, có thể gọi bằng thuật ngữ ngày nay là giai đoạn ngữ dụng (pragmatic), người ta chỉ có các từ rời rạc để chỉ các sự vật rời rạc - có thể hình dung như giai đoạn đầu tiên của đời người, khi trẻ em khi đói chỉ tay vào thức ăn và bập bẹ "mẹ, măm măm".

Giai đoạn tiếp theo, khi các từ được sử dụng thường xuyên ở những vị trí cố định, một trật tự từ có tính bắt buộc của các từ có chức năng nhất định dần dần được hình thành, đó là giai đoạn cú pháp (syntactic). Giai đoạn thứ ba, có thể gọi là giai đoạn chắp dính (clitic), bắt đầu khi các từ với những chức năng ngữ pháp có xu hướng gắn kết có quy luật với các từ mang nghĩa, mặc dù ranh giới giữa chúng vẫn còn rõ ràng.

Giai đoạn cuối cùng, giai đoạn cao nhất trong sự phát triển của ngôn ngữ, theo Humboldt, là giai đoạn tổng hợp (synthetic), khi các yếu tố mang chức năng ngữ pháp được tổng hợp vào các từ mang nghĩa, như trong tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Pháp và các ngôn ngữ biến hình Ấn - Âu khác.

Theo quan niệm này, các ngôn ngữ phân tích như tiếng Việt, tiếng Hoa có trình độ phát triển thấp hơn so với các thứ tiếng chắp dính, như tiếng Thổ, tiếng Nhật..., còn trình độ phát triển cao nhất thuộc về các thứ tiếng Ấn-Âu.

Với quan niệm này, người ta đã từng cố gắng tìm đến các cộng đồng người "dã man" nhằm nghiên cứu sự hình thành của những ngôn ngữ "sơ khai". Tuy nhiên, kết quả khảo sát đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu kinh ngạc: ngôn ngữ của nhiều bộ lạc bị coi là "dã man" không những không "sơ khai" mà còn rất phức tạp, thậm chí có trường hợp phức tạp hơn cả các ngôn ngữ Ấn-Âu.

Việc thoát khỏi những ám ảnh của Âu trung luận (quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm) cũng giúp người ta nhận ra rằng thật khó có thể coi ngôn ngữ của nền văn minh Trung Hoa là một thứ ngôn ngữ thấp kém. 

Đó là chưa kể những trường hợp ngược chiều, như tiếng Anh - vốn là một ngôn ngữ Germanic, trong vài thế kỷ, nó đã mất đi phần lớn những đặc tính tổng hợp để trở một ngôn ngữ mang nhiều đặc tính phân tích. Nhưng người ta không thể nói rằng đó là sự thoái hóa của tiếng Anh.  

Xin trở lại với chủ đề của chúng ta. Ngữ pháp tiếng Việt không chính xác hơn, nhưng cũng không hề kém chính xác so với ngữ pháp tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh hay bất kỳ thứ tiếng nào khác trên thế giới.

Bằng chứng là chúng ta vẫn dùng tiếng Việt để trao đổi, làm ăn, học tập, sáng tác văn chương... mà chẳng hề gặp sự hiểu lầm nào về mặt ngữ pháp. Nếu bạn có thể đưa ra những ví dụ về sự mập mờ của tiếng Việt thì tôi cũng luôn có thể đưa ra nhũng ví dụ về sự mập mờ của các thứ tiếng khác.

Đơn giản là vì sự mập mờ, "thiếu chính xác" như thế không chỉ là hiện tượng tự nhiên mà còn rất cần thiết trong mọi ngôn ngữ. Chính nhờ sự mập mờ như thế mà chúng ta có thể chơi chữ, có thể có chuyện cười, ngụ ngôn, có thể làm thơ và rất nhiều thứ khác nữa.

Cuốn tiểu thuyết The Ground Beneath her Feet của Salman Rushdie chẳng hạn, khi dịch sang tiếng Pháp thành La Terre sous ses pieds thì người đọc không cách nào đoán được "ses pieds" là chân nàng hay chân chàng, trong khi điều đó hoàn toàn rõ ràng khi dịch sang tiếng Việt. Ví dụ khác: Trong tiếng Anh, khi nghe câu "We are Vietnamese" chúng ta hoàn toàn không thể biết "We" là "chúng ta" hay "chúng tôi", trong khi "Chúng tôi là người Việt" và "Chúng ta là người Việt" là hai câu hết sức khác nhau.

Tôi không phủ nhận rằng trong tiếng Việt có những hiện tượng ngữ pháp rất khó giải thích, và bản thân tôi cũng từng vấp phải rất nhiều khó khăn trong khi chuyển ngữ các loại văn bản khác nhau. Vậy vấn đề nằm ở chỗ nào?

Theo tôi, cái gốc của vấn đề là sự nhầm lẫn rất phổ thông giữa hai khái niệm ngữ pháp và ngữ pháp học. Ngữ pháp, nói một cách đơn giản, là các quy luật liên hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ ở các cấp độ khác nhau, còn ngữ pháp học là môn khoa học nghiên cứu và mô tả các quy luật ấy.

Ngữ pháp là cái quan trọng nhất để phân biệt các thứ tiếng khác nhau, cũng như để phân loại các ngôn ngữ trên thế giới. Sự khác nhau rất lớn giữa ngữ pháp tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Hán không chỉ là một bằng chứng không thể chối cãi về tính độc lập của nền văn hóa Việt Nam, mà theo tôi còn là nhân tố quan trọng nhất khiến cho người Trung Hoa thất bại trong âm mưu đồng hóa của họ. Đó chính là lý do vì sao tôi viết trong một bài khác rằng "Bản sắc người Việt là tiếng Việt".

Ngữ pháp của các thứ tiếng hình thành một cách tự nhiên và khả năng tiềm tàng của chúng là hoàn toàn như nhau, đơn giản là vì cuộc sống trên trái đất này nó là một, con người là một, trái đất là một - chúng ta thở chung một bầu khí quyển, sưởi chung một mặt trời và ngắm chung một mặt trăng...

Mọi nhận thức của chúng ta xuất phát từ cùng một cơ sở hiện thực, chính vì thế không vì lý do gì mà một khái niệm trong một cộng đồng này lại không thể tồn tại ở cộng đồng kia. Đây là một tiền đề mang tính nền tảng của công việc dịch thuật: nó ngụ ý rằng việc dịch thuật là có thể, và câu nói "Dịch là phản" chẳng qua là cách tự ru ngủ của những kẻ bất tài hoặc lười biếng mà thôi.

Tất nhiên, các khái niệm có thể xuất hiện sớm hay muộn, phụ thuộc vào trình độ phát triển của các cộng đồng, trong đó có khả năng khai thác những khả năng ngữ pháp. Ở cấp độ từ, sự lệch pha có thể được giả quyết không mấy khó khăn bằng cách tạo ra từ mới hoặc vay mượn. Nhưng ở những cấp độ ngữ pháp phức tạp hơn, nó cần đến sự chín muồi tự nhiên của xã hội, trong đó có vai trò đột phá của tầng lớp tinh hoa. Trong nhiều trường hợp, các dịch giả đóng vai trò những người mở đường.

Ngữ pháp học, trái lại, không phải tự nhiên mà có. Ngữ pháp học là kết quả nghiên cứu của những nhà ngữ pháp học, tức là những người nghiên cứu các mối liên hệ giữa các đơn vị ngôn ngữ và khái quát hóa chúng thành các quy luật để người ta có thể chủ động trong việc sử dụng chúng.

Mọi thứ tiếng đều có ngữ pháp, nhưng chỉ có một số không nhiều ngôn ngữ có được khoa ngữ pháp học của riêng mình. Người Ấn Độ có lẽ là những người nghiên cứu ngữ pháp sớm nhất, khoảng gần 3.000 năm về trước.

Tiếng Việt không có được may mắn ấy. Kể từ những cố gắng đầu tiên của những người như Trương Vĩnh Ký, chúng ta đã chẳng tiến được bao nhiêu trong việc nghiên cứu những đặc thù của ngữ pháp tiếng Việt.

Trong số các nhà Việt ngữ học hiện đại, có lẽ người có nhiều đóng góp nhất là Cao Xuân Hạo, tiếc rằng các nghiên cứu của ông còn dang dở. Vì vậy, để mô tả ngữ pháp Việt Nam, chúng ta lại vay mượn những quy luật ngữ pháp của các tiếng khác. Với những thước đo khiên cưỡng như thế, ngữ pháp tiếng Việt trở lên lỏng lẻo là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hãy thử hình dung, nếu chúng ta xây dựng được một ngành Việt ngữ học thực sự, có khả năng mô tả chính xác những quy luật ngữ pháp tiếng Việt, và chúng ta dùng các quy luật ấy để mô tả tiếng Pháp, tiếng Anh, khi ấy chúng ta sẽ thấy tiếng Pháp, tiếng Anh là không chính xác.

Cuối cùng, để kết thúc, tôi muốn đề cập đến một thái độ cực đoan khác. Chúng ta có quyền hào về vẻ đẹp cũng như sự chính xác và tinh tế của tiếng Việt, nhưng sẽ hết sức lố bịch nếu nói rằng tiếng Việt đẹp hơn những thứ tiếng khác.

Chúng ta tự hào về tiếng Việt như thế nào thì người Pháp và người Nga cũng tự hào về tiếng Pháp và tiếng Nga như thế. Chúng ta ai cũng yêu tiếng mẹ đẻ, giống như chúng ta ai mà không yêu mẹ mình. Các ngôn ngữ mang những vẻ đẹp khác nhau nhưng hoàn toàn bình đẳng trong thế giới ngôn ngữ kỳ diệu của nhân loại. Vì thế, học ngoại ngữ không bao giờ đơn thuần là học một công cụ giao tiếp, mà còn là một cuộc du lịch văn hóa.

Ngô Tự Lập
.
.