Thủ tướng Canada trong quan hệ với các cường quốc: Đường dài mới biết ngựa hay

Thứ Sáu, 13/05/2016, 07:20
Có thể nói, Thủ tướng Justin Trudeau đã đem lại một luồng gió mới mẻ cho chính trường Canada với trường phái lãnh đạo theo xu hướng tự do. 


Vị chính khách “bị đồn thổi là thiếu kinh nghiệm” này luôn mong muốn thay đổi những di sản mà chính phủ bảo thủ trước đây để lại, đặc biệt là thiết lập mối quan hệ ngoại giao cởi mở và thân thiện hơn với nhiều cường quốc trên thế giới, hợp nhất thành đồng minh và đối tác vì những mục đích chung. 

Đã từ rất lâu, dư luận thế giới mới được chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Canada, phản ánh tham vọng tiến xa hơn của một thủ tướng trẻ tuổi, vượt qua cái bóng quá lớn của những người tiền nhiệm dày dạn kinh nghiệm. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mọi nỗ lực của Justin Trudeau cho đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ là những “viên gạch” đầu tiên trên cả chặng đường rất dài nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy kinh tế và thay đổi toàn vẹn bộ mặt quốc gia.

Quan hệ khởi sắc

Dưới thời cựu Thủ tướng Stephen Harper, một thời gian dài quan hệ Canada - Mỹ rơi vào tình trạng nguội lạnh. Vị thủ tướng thuộc đảng bảo thủ trong 10 năm cầm quyền đã có chính sách đối ngoại mâu thuẫn, khiến mối quan hệ hai nước phai tàn. 

Bên cạnh đó, một vài rạn nứt trong quan hệ song phương, như việc Canada ngừng sứ mệnh chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong liên quân do Mỹ đứng đầu, hay tranh cãi dai dẳng về việc Mỹ áp thuế lên mặt hàng gỗ mềm của Canada xuất vào nước này, cũng là nguyên nhân khiến tình bang giao trở nên nguội lạnh. 

Thậm chí, vụ đường ống dẫn dầu Keystone XL cũng là nạn nhân trong mối quan hệ cá nhân không mấy tốt đẹp giữa ông Harper và Tổng thống Barack Obama. Chính vì vậy, củng cố quan hệ với Mỹ trên tinh thần hữu nghị và hợp tác là một trong những mục tiêu hàng đầu của ông Trudeau ngay khi vừa thay thế ông Harper.

Justin Trudeau luôn thể hiện quyết tâm và mong muốn gạt bỏ những bất đồng - di sản của chính phủ bảo thủ Canada - để thiết lập một mối quan hệ nồng ấm và lâu dài hơn với Mỹ. 

Canada cần siết chặt “tình anh em” với “xứ cờ hoa” bởi vì Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada, với 75% hàng hóa xuất khẩu của Canada nhắm đến thị trường Mỹ và 50% hàng nhập khẩu của “xứ sở lá phong” cũng xuất phát từ người hàng xóm phương nam. 

Do cùng là những người giành chiến thắng với khẩu hiệu hướng tới sự thay đổi (khẩu hiệu của ông Obama là “Chúng ta có thể thay đổi” và của Trudeau là “Thay đổi thực sự ngay bây giờ”), hai nhà lãnh đạo đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung trong khá nhiều vấn đề quốc tế và quan hệ song phương.

Truyền thông nhận định, chuyến thăm Mỹ vào tháng 3 vừa qua của Thủ tướng Justin Trudeau không đơn thuần là cuộc gặp hay cái bắt tay giữa hai nguyên thủ. Đó là sự cam kết vững chắc bằng lời nói và hành động từ cả hai quốc gia, gạt bỏ những bất đồng nhằm xây dựng mối quan hệ song phương bền vững vì lợi ích của mỗi nước. 

Thủ tướng Justin Trudeau đã đem lại một luồng gió mới mẻ cho chính trường Canada với trường phái lãnh đạo theo xu hướng tự do, mong muốn thiết lập mối quan hệ ngoại giao cởi mở và thân thiện hơn với nhiều cường quốc trên thế giới.

Sự kiện này đặt nền tảng mới cho quan hệ song phương Mỹ - Canada, mà theo lời Tổng thống Barack Obama, vốn luôn là “hai đồng minh kiên định và thân thiết”. Hai nhà lãnh đạo đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân Mỹ và Canada đi lại, giao thương và đầu tư bằng việc nới lỏng các thủ tục hải quan và nhập cư. 

Hai bên cũng đạt được sự đồng thuận về việc chỉ đạo các cơ quan hữu quan của Mỹ và Canada giải quyết tranh cãi dai dẳng liên quan tới mặt hàng gỗ xẻ của Canada xuất vào thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Tổng thống Obama và Thủ tướng Trudeau cũng nhất trí hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết vấn đề người tị nạn Syria.

Bất đồng thu hẹp

Sau khi lên nắm quyền thủ tướng, ông Justin Trudeau đã đưa ra tuyên bố về việc muốn cải thiện mối quan hệ đã bị mất đi khá lâu với Nga. Trước đây, Canada dường như vẫn luôn là quốc gia hay chỉ trích Nga mạnh mẽ, nhất là trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, những hy vọng về việc Canada sẽ thay đổi quan điểm này sau khi có thủ tướng mới đã trở thành hiện thực.

Thủ tướng Trudeau cho rằng, điều cần thiết hiện nay là phải khôi phục các cuộc đối thoại với Moscow về vấn đề Ukraine cũng như các vấn đề quốc tế nóng bỏng khác.

Theo đó, việc thiếu đi các cuộc tiếp xúc song phương khiến các bên sẽ không thể thúc đẩy giải quyết khủng hoảng, và điều đó không thể coi là sự trợ giúp cho Ukraine. Canada sẽ không ngừng trợ giúp cho Ukraine nhưng Canada muốn làm việc “rõ ràng” với Nga về vấn đề này, để tránh mọi hiểu lầm. Justin Trudeau cũng gợi nhớ lại rằng, Canada và Nga vẫn từng tiến hành các cuộc đối thoại ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. 

“Rõ ràng, cả Ottawa và Moscow đều chia sẻ những lợi ích chung, không thể tách rời. Đôi bên cần phải áp dụng các bước đi thận trọng để giải quyết những bất đồng hiện nay, hướng tới sự hợp tác hòa dịu hơn”, ông Trudeau nhận định.

Canada là quốc gia có ảnh hưởng và được tôn trọng trên trường quốc tế. Quan hệ giữa Nga với Canada là mối quan hệ rất thân thiện và lâu đời, có các nhiệm vụ và lợi ích chung trong việc khai khẩn Bắc Cực hay hợp tác trong vùng Bắc bán cầu nói chung. 

Hai bên cũng có những kinh nghiệm hợp tác thực tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và một loạt lĩnh vực khác. Quan hệ Nga - Canada ghi nhận có những lúc thăng, lúc trầm. Giai đoạn đi xuống của mối quan hệ song phương này bắt đầu dưới thời cựu Thủ tướng Steven Harper cầm quyền.

Tuy nhiên, quan hệ song phương đã có những tín hiệu tích cực đáng kể sau khi Thủ tướng theo trường phái tự do Justin Trudeau lên nắm quyền. Ông Trudeau không theo đuổi trường phái cứng rắn và khẳng định rằng sẽ dồn các nỗ lực nhằm phôi phục nền kinh tế Canada. 

Có vẻ như, những người theo trường phái bảo thủ đã rời khỏi chính phủ, và thay vào đó là những người theo trường phái tự do, tìm kiếm những điểm tương đồng với Moscow. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của cộng đồng người Ukraine ở Canada lên việc ban hành các chính sách ở Canada là khá lớn. Do đó, việc Thủ tướng Trudeau đề xuất trao đổi các vấn đề Ukraine đã cho thấy Canada thực sự quan tâm đến hợp tác với Nga.

Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada muốn hợp tác với Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB).

Cởi mở trong thận trọng

Không chỉ dừng lại ở Mỹ hay Nga, chính sách đối ngoại của ông Trudeau cũng hướng tới Trung Quốc. Thủ tướng trẻ tuổi đã công khai quan điểm coi Trung Quốc là thị trường ưu tiên, loan báo kế hoạch sẽ tới thăm cường quốc này, cũng như mối quan tâm và những thách thức trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. 

Hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Trudeau đang tiến hành một cuộc đánh giá nội bộ lớn về quan hệ với Trung Quốc và xem xét thận trọng các bước đi tiếp theo. Ông Trudeau đưa ra ý tưởng sử dụng chiến lược “ước hẹn thanh niên” để thúc đẩy quan hệ Canada – Trung Quốc. 

Đây được xem như một biện pháp nhằm khuyến khích hai bên tăng cường hoạt động giao lưu để thay đổi những ấn tượng không tốt của người dân Canada sau các vụ vi phạm nhân quyền trong các công ty của Trung Quốc hoạt động tại tỉnh bang dầu mỏ Alberta hay thị trường bất động sản ở thành phố Vancouver.

Ngoài việc đưa ra đề nghị táo bạo kể trên, ông Trudeau còn khẳng định Canada muốn hợp tác với Ngân hàng Phát triển Hạ tầng châu Á (AIIB), một thể chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng với vốn hoạt động ban đầu 100 tỷ USD. 

Tuy nhiên, khi nói về các thỏa thuận thương mại tự do, Thủ tướng Canada lại tỏ ra khá dè dặt, yêu cầu sự minh bạch và một cộng đồng thực sự đáng tin tưởng ở phía sau các thỏa thuận. Động thái này của ông phản ánh cách tiếp cận thận trọng của Chính phủ Canada trong việc đảm bảo rằng không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà cả người dân nước này sẽ chấp nhận mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc.

Cảm giác “khó chịu” của người dân Canada đối với Trung Quốc ngày càng tăng lên một phần do những quan ngại về hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông và những vi phạm nhân quyền được nêu trong báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền và Ân xá quốc tế.

Bên cạnh đó, giới tư tưởng chính thống trong chính phủ cũng muốn hạ thấp tầm quan trọng của việc xem xét lại chính sách đối ngoại với Trung Quốc sau những năm sóng gió dưới thời ông Harper. Tâm lý phản đối trong nước buộc Thủ tướng Justin Trudeau phải có cách tiếp cận thận trọng với Bắc Kinh. 

Khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Thổ Nhĩ Kỳ trung tuần tháng 11 năm ngoái, ông Trudeau từng nói ông nhận thức rõ hai bên có cơ hội thiết lập cách tiếp cận mới trong quan hệ song phương tại thời điểm này. Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ song phương, dù có thể mang lại những lợi ích kinh tế, nhưng về tầm nhìn thì cần xem xét cẩn trọng và kĩ lưỡng hơn…

Thủ tướng Justin Trudeau đã đem lại một luồng gió mới mẻ cho chính trường Canada với trường phái lãnh đạo theo xu hướng tự do, mong muốn thiết lập mối quan hệ ngoại giao cởi mở và thân thiện hơn với nhiều cường quốc trên thế giới.

Phương Thảo
.
.