Rumi: Khi thơ ca tuôn chảy, thế gian ngưng đổ máu

Thứ Tư, 06/01/2021, 11:50
Chúng ta thường biết về thế giới Hồi giáo với những cuộc chiến tranh đẫm máu và những chiếc mạng che mặt phụ nữ, nhưng chúng ta ít biết đến một thế giới tư tưởng sâu sắc, phóng khoáng và nhân văn của một thời đại vàng đã bị chìm lấp trong bụi thời gian.

Hãy tưởng tượng về những bậc thầy huyền môn Sufi xoay vòng giữa sa mạc, bên đống lửa to bập bùng dưới đêm trăng trong vắt, và ca lên những vần thơ chiêm nghiệm. Với mỗi một bậc thầy Sufi, khoảnh khắc thăng hoa của tinh thần là khoảnh khắc đạt được sự tĩnh lặng tuyệt đối, trở thành một với toàn thể, đó là lúc thơ ca được ngưng đọng và cất lên - đó là sự vượt thoát ra khỏi khuôn khổ của kinh điển truyền thống Hồi giáo, để đạt tới tinh túy của nhân loại.

Khi thơ của Rumi (1207-1273), bậc thầy Sufi nổi tiếng nhất của thế giới Hồi giáo được giới thiệu ở thế giới phương Tây, các học giả phương Tây đã thốt lên:

"Cuộc đời và cuộc chuyển hóa của Rumi là bằng chứng xác quyết cho thấy rằng mọi người ở mọi tôn giáo và cội nguồn khác nhau đều có thể chung sống trong hòa bình và hòa hợp. Tầm nhìn, ngôn từ, cuộc đời của Rumi đã dạy chúng ta cách đạt tới hòa bình và hạnh phúc nội tại, để rồi chúng ta có thể ngăn chặn dòng chảy xung đột và hận thù, đi tới hòa bình và hợp tác toàn cầu thực sự".

(Giáo sư Majid M. Naini)

Nơi không có những xung đột đẫm máu của tôn giáo

Quả thật, trong thơ của Rumi, chúng ta không hề tìm thấy sự kì thị khác biệt căn tính. Ông đi vào luận giải những minh triết của người Do Thái, người Hy Lạp cổ đại, các bậc ngôn sứ như Moses, Jesus, Muhhamad…  Rumi đã vượt trên cả sự khác biệt, nhận thức được điểm giao nhau sâu thẳm đằng sau mọi kinh điển, lễ nghi của các tôn giáo:

Nếu bạn chối bỏ một phần của ánh sáng này, bạn giống như con dơi nói "Tôi phản đối mặt trời năm nay, nhưng tôi chấp nhận mặt trời năm ngoái". Thật vậy, mặt trời năm nay hay năm ngoái thì có khác gì nhau. Nếu bạn nghĩ là bạn cảm thấy sự khác biệt nào thì đó là do bạn chưa thật sự trải nghiệm mặt trời năm ngoái".

(Trích "Ánh sáng chỉ có một nhưng cửa sổ thì nhiều", nằm trong tập thơ "Lời dạy của Rumi" do Nguyễn Kim Liên - Trần Thị Ánh Ngọc dịch).

Trong thơ Rumi, cuộc chiến đẫm máu của các tôn giáo ở mảnh đất Trung Đông không tồn tại, mà chỉ có sự hợp nhất trong ánh sáng. Thứ ánh sáng ấy hẳn đã khiến thơ Rumi chinh phục trái tim của người phương Tây hiện đại. Tại Hoa Kỳ, Rumi nằm trong số những nhà thơ được ưa chuộng nhất, những bản ghi âm đọc thơ ông lọt vào danh sách Top 20 Billboard. Các nhà làm phim Hollywood đến nay vẫn ấp ủ thực hiện một bộ phim tiểu sử về Rumi với kinh phí lớn, và tham vọng mời nam diễn viên Leonardo di Caprio thủ vai Rumi (tuy nhiên, dự định này đã bị cản trở bởi chính những xung đột về sắc tộc và tôn giáo). 

Thơ ông được dịch ra nhiều thứ tiếng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nga… và mới đây tại Việt Nam cũng xuất hiện hai bản dịch: "Lời dạy của Rumi" (Nguyễn Kim Liên - Trần Thị Ánh Ngọc dịch) và "Rumi tinh tuyệt" (Lê Duy Nam - Lê Ái dịch). Một điều thú vị đáng ngạc nhiên, đó là dù không xuất hiện nhiều trên các kênh truyền thông về sách, thơ Rumi vẫn được săn tìm bởi những độc giả Việt yêu thơ và đang trong quá trình chuyển hóa tâm thức.

Nếu định danh Rumi là một "nhà thơ", e rằng có điều thiếu sót. Ông là một nhà huyền môn, một bậc thầy chúng ngộ, và thơ ca là biểu hiện của khoảnh khắc thăng hoa:

"Bài thơ này, tôi chưa từng biết trước

Tôi chưa từng lên kế hoạch đời mình

Khi ngôn từ rung động

Tôi lặng im trong vô ngôn

Ta sở hữu cả thùng rượu to nhưng không có chiếc ly nào

Có hề gì. Mỗi ban mai bừng tỉnh

Ta đều hài lòng tới tận hoàng hôn".

(Trích "Lời tôi ai đã nói" trong tập "Rumi tinh tuyệt" do Lê Duy Nam và Lê Ái dịch).

Rumi không viết thơ, thơ ca cất lên khi vũ trụ tuôn chảy qua ông, khi ông say cơn say toàn thể. "Say" là trạng thái bắt gặp thường xuyên trong thơ của Rumi. Nhưng cơn say của ông không giống cái say ngất quên hết thảy mọi thế sự, không phải cái say buồn chán sầu đời, mà đó là sự bùng nổ của trí tuệ. Trong cơn say ấy, thế gian trở nên đẹp đẽ, diệu kỳ, dù chỉ là trong khoảnh khắc nấu một nồi đậu gà hay là nướng một miếng thịt.

"Năm ngoái, tôi khâm phục rượu. Năm nay,

tôi lang thang trong thế giới thẫm đỏ.

Năm ngoái, tôi nhìn chằm chằm vào lửa.

Năm nay tôi là một kabob cháy đen.

Cơn khát đẩy tôi lao xuống nước

và tôi uống ánh trăng

Tôi - con sư tử ngước nhìn lên

say trăng rồi.

Đừng hỏi về mong muốn.

Hãy nhìn vào chính tôi".

(Trích "Kabob cháy đen" trong tập "Rumi tinh tuyệt" do Lê Duy Nam & Lê Ái dịch).

Giây phút yêu đương dục tình cũng là khoảnh khắc Rumi tìm thấy sự tồn tại vĩnh hằng của Thượng Đế. Khi hai người say đắm trong tình yêu, khoảnh khắc lạc thú ấy đã đưa họ đến trạng thái của chứng ngộ, và tình yêu ấy cũng cao quý giống như tình yêu với toàn thể. Với Rumi, trạng thái này còn quan trọng hơn mọi giáo điều và lề luật của tôn giáo. Ông khẳng định:

"…khóc thương trong phút giây đoàn tụ

của người yêu và kẻ được yêu.

Đây chính là tôn giáo đích thực. Vàn điều khác

chỉ là đồ bỏ khi đối sánh".

(Trích "Ta có năm điều muốn nói" trong tập "Rumi tinh tuyệt" do Lê Duy Nam & Lê Ái dịch)

Rumi mất ngày 17 tháng 12 năm 1273 tại Konya, Thổ Nhĩ Kỳ. Đám tang của ông, kỳ lạ thay, được toàn bộ những người theo Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo tham gia tiễn biệt. Lăng mộ ông được Nữ hoàng Gürcü Hatun, bạn thân của Rumi bảo trợ, biến khu vực này thành thánh đường, nơi thực tập các điệu xoay vòng của các bậc Sufi, nơi hành hương của những người tu tập tâm linh trên khắp thế giới không phân biệt tín ngưỡng và sắc tộc. 

Trên bia mộ của Rumi, một dòng chữ được khắc lên: "Khi ta chết, đừng tìm mộ ta trên mặt đất, hãy tìm mộ ta trong tâm khảm loài người". Sau hơn 700 năm, thơ Rumi vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ, đã đưa ánh sáng tinh thần của ông chiếu rọi tâm thức của bất cứ ai chạm vào thi giới của ông.

Sufi - Chủ nghĩa huyền bí Hồi giáo và hơn cả thế

Nhà văn nổi tiếng, tác giả của của tuyệt phẩm "Nhà giả kim", Paulo Coelho đã ghi lại những trải nghiệm của mình khi tham dự nghi lễ của các bậc thầy Sufi như sau:

Trong một căn hộ nhỏ ở Ảrập, tôi được mới tham dự một nghi thức, đèn điện được ngắt đi, nến được thắp sáng và mọi người gõ trống trên các nhạc cụ bộ gõ. Ta có thể thấy được cách thức truyền thống tinh thần này đã gìn giữ được tính thuần khiết của nó cho đến ngày nay.

Nghi lễ diễn ra vào lúc 9 giờ tối. Trong gần nửa giờ đồng hồ, một người đàn ông, dùng một giọng nói có lẽ phát ra từ sâu thẳm linh hồn, ngâm nga. Khi ông ngưng tiếng, các nhạc cụ bắt đầu gõ nhịp theo điệu rất giống với thanh âm ta thường nghe trong lễ kỷ niệm của các tôn giáo Brazil gốc Phi.

Đó là lúc, theo như nghi thức tương tự ở các tôn giáo mà ta đã biết rõ, vài người sẽ đứng dậy và bắt đầu tự xoay vòng.

Toàn bộ nghi thức diễn ra trong một giờ, một giờ ấy các vũ công sẽ cười lên thật lớn, tuôn trào những ngôn từ phi thường, và dường như đang ở trong một cơn mê đắm thần trí sâu sắc. Dần dần họ ngừng quay, tiếng gõ vãn dần và đèn trong phòng khác được bật sáng trở lại. Tôi hỏi một trong số họ xem họ cảm thấy gì.

"Tôi đã ở trong kết nối với năng lượng của vũ trụ," ông ta trả lời. "Thượng Đế đã đi qua hồn tôi."

Âm nhạc, sự xoay vòng, thơ ca: đó là 3 yếu tố quan trọng trong nghi thức của một nghi lễ Sufi. Những thầy tu Sufi tin rằng truyền thống Sufi có nguồn gốc từ giới luật đầu tiên mà nhà tiên tri Muhhamad truyền dạy cho Ali bin Abu Talib, người được nhân mặc khải đầu tiên, và nhân vật quan trọng hàng đầu của hệ phái Hồi giáo Sunny. Các bậc thầy Sufi mặc dù coi nhà tiên tri Muhhamad là hình mẫu cho sự chứng ngộ hoàn hảo, nhưng không chấp nhận những giới luật khắt khe mang tính ràng buộc và giam hãm của giáo hội Hồi giáo. 

Chính từ "Sufi" cũng thể hiện những đặc tính của phương thức tu hành này. Một cách phổ biến, "sufi" được cho là có nguồn gốc là "người mặc đồ len", tức trang phục truyền thống của các thầy tu huyền môn Hồi giáo. Một cách giải thích khác lại cho rằng "sufi" xuất phát từ "safa" trong tiếng Ảrập, có nghĩa là "sự thanh khiết".

Những bậc thầy Sufi tách biệt bản thân khỏi tôn giáo thế tục, đi sâu vào các trạng thái tinh thần, hướng tới Thượng Đế, và đó là con đường tu luyện khổ hạnh và thanh khiết. Một bậc thầy Sufi al-Rudhabari (mất 322) đã sử dụng cả hai ý nghĩa này để mô tả chung về hình ảnh của Sufi: "Sufi là người mặc len trên con đường thanh khiết".

Hà Thủy Nguyên
.
.