Vì sao thơ ca bị ghét?

Thứ Sáu, 20/11/2020, 15:12
Trong 113 mùa Nobel đã qua, chỉ có 20 lần các nhà thơ được vinh danh. Và cũng đã 9 năm mới lại có một thi sĩ nhận giải thưởng này.

Ở đây chúng ta không tính đến trường hợp Bob Dylan, chiến thắng mà giới văn đàn nhìn chung mỗi khi nhắc đến cũng chỉ biết cười trừ hoặc cười khẩy. Thậm chí thi sĩ gần nhất được trao giải thưởng này là Tomas Transtromer cũng bị trêu đùa là giờ giải lao của Viện Hàn lâm, vì sau bao năm tháng phải liên tục đọc các tác giả tác phẩm nước ngoài (một tính toán cho biết mỗi người phải đọc 200 đầu sách một năm, một số lượng không tưởng), năm 2011 có lẽ các giám khảo đã quá mệt rồi, cho nên họ đã chọn một tác giả đồng hương Thụy Điển để nghiền ngẫm cho… đỡ mệt.

Nhưng khi cái tên Louise Glück được xướng lên cho giải Nobel 2020, tất cả đều thở phào. Một cây bút trên tờ New Yorker tóm gọn lại xúc cảm của giới văn nghệ: "Lý do cho niềm vui rộng khắp ấy vừa giản dị vừa sâu sắc. Giản dị, vì Louise Glück là một cây bút vĩ đại xứng đáng với giải thưởng. Tác phẩm của bà rung động và bất ngờ; chúng vừa gần gũi vừa huy hoàng; bà cuốn hút những người chỉ đọc thơ và cả những người hầu như không đọc thơ".

Chân dung thi sĩ Louise Glück, chủ nhân giải Nobel Văn học 2020.

Chúng ta nên nhắc lại điều này, Louise Glück cuốn hút cả những-người-hầu-như-không-đọc-thơ - mà sự thực là có rất nhiều người như vậy, và không chỉ những người mà văn chương nghệ thuật không đem lại cho họ chút hưng phấn nào.

Nếu như điện ảnh là bộ môn nghệ thuật có tuổi đời ngắn ngủi nhất, thì thi ca tuy đã có từ rất lâu, nhưng lại luôn là bộ môn nghệ thuật bị ruồng bỏ. Nhà hiền triết vĩ đại Plato có một sự khinh miệt sâu sắc đối với thi ca. Trong cuốn “Cộng hòa” của ông, nhân vật triết gia Socrates (cũng chính là vị thầy lớn của ông) đã nói rằng, "có một vụ xung đột cổ xưa giữa triết học và thi ca". Socrates (hay có lẽ chính Plato) tất nhiên đứng về phía triết học, thứ mà ông cho là chân lý, đại diện cho lý trí, trong khi thi ca là doxa - tạm hiểu là một niềm tin của đa số, thứ không dựa trên logic, và là đối thủ của tri thức.

Mặc dù tương truyền Socrates đã suy luận được ngày mình về trời từ một giấc mộng của một phụ nữ trích dẫn thi sĩ Homer, nhưng ngay cả một bậc thầy thơ ca như Homer cũng không khiến Socrates vừa lòng. "Những thứ mà Hesiod và Homer kể cho chúng ta nghe, cả những nhà thơ khác nữa. Họ hẳn đã xuyên tạc những câu chuyện cho con người", nhân vật Socrates nói trong “Cộng hòa”. Còn Plato thì quan niệm rằng nhà nước lý tưởng của ông không có chỗ cho các nhà thơ.

Tại sao Socrates và Plato căm ghét thi ca đến vậy? Plato sau khi trở thành môn đồ của Socrates thậm chí còn tự đốt hết thơ mình từng viết hồi trẻ dại. Bởi theo họ, thi ca là một thứ nguy hại cho xã hội, làm hỏng những tâm hồn tốt đẹp nhất, thơ ca lừa lọc chúng ta, khiến ta cảm thông với những kẻ than vãn, những ham muốn bất chính và cười nhạo trước những nền móng của thế giới. Chẳng hạn, hai tập trường ca “Iliad và Odyssey” thường xuyên nhắc tới địa ngục như một chốn kinh hoàng nhấn chìm cả những bậc anh hùng tài ba nhất, khiến cho những người lính nhụt ý chí khi bước vào sa trường; hay trong mắt các thi sĩ, thần Zeus chẳng có gì tử tế mà toàn gieo rắc tai họa và làm ra những việc vô đạo. Trong thơ Homer, những phân đoạn như Achilles sỉ vả Agamemnon hay những phân đoạn mô tả niềm vui ăn uống túy lúy dù khiến người đọc sung sướng đấy, nhưng sự sung sướng ấy không khiến con người trở nên cao quý hơn. Hay chuyện thần Cronus thiến cha trong thơ Hesiod thì có ích gì cho luân thường đạo lý?

Nói tóm lại, thi ca bị căm ghét vì nó chẳng theo một logic nào, luân lý nào, nó chỉ là xúc cảm, là bản năng, là tiếng gọi của những phần vô tổ chức bên trong con người. Và dường như sau mấy ngàn năm, những suy tư của Plato về thi ca vốn đã bị các triết gia sau ông phản bác, vài chục năm trở lại đây, chúng lại đang trở lại, trong một thế giới dù chưa lý tưởng nhưng cũng không còn nhiều chỗ cho thơ.

Năm 1991, tạp chí Atlantic Monthly đăng tải một bài tiểu luận mang tên "Thơ ca có thể nào quan trọng không?". Bài tiểu luận bất ngờ trở thành bài báo được phản hồi nhiều nhất trong lịch sử tờ tạp chí này. Trong bài viết ấy, tác giả Dana Gioia khẳng định rằng thơ ca đã không còn ở trung tâm đời sống tri thức nữa mà đã trở thành một nhóm "tiểu văn hóa". Nhiều cuốn thơ được giải thậm chí còn không được đếm xỉa trên các trang báo lớn (Dana Gioia không hề nói quá, nói đâu xa, cuốn “The Wild Iris” từng được giải Pulitzer của Louise Glück chẳng có nổi một bài review (đánh giá) trên New York Times hay New Yorker, những trang báo theo rất sát đời sống văn hóa).

"Tôi cũng không ưa nó: có những thứ quan trọng hơn nhiều so với ngón lừa bịp này", Marianne Moore, nữ thi sĩ nổi danh từng thắng giải Pulitzer và giải Sách Quốc gia viết trong bài thơ nổi tiếng nhất của bà mang tên "Thơ ca". Có lẽ không có một môn nghệ thuật nào khác mà người nghệ sĩ dám công khai hạ thấp nó. Còn giả như họ ưa nó, thì họ chắc cũng là những nghệ sĩ duy nhất phải đi bao biện cho nghề nghiệp của mình, như Percy Shelley - thi gia tiêu biểu thời kỳ Lãng mạn - đã dày công viết bài tiểu luận 'Biện hộ cho thơ'. Không ai hỏi rằng kịch nghệ, hội họa hay tiểu thuyết có nghiêm túc không, nhưng tính nghiêm túc của thơ ca luôn bị đặt câu hỏi.

Chúng ta cứ nghĩ rằng với một nền văn chương nặng về thơ phú như Việt Nam thì thơ hẳn phải được coi trọng. Song đó là trong quá khứ, còn ngày nay, tôi từng nghe một vài người bạn làm xuất bản ở Việt Nam nói rằng, các nhà phát hành rất ngại in thơ vì khó bán. Một chuyện cũng khá buồn cười là khi có tin Louise Glück được trao giải, một biên tập viên nổi danh trong giới đã đăng tải lên facebook, nói vui rằng, các nhà sách ở Việt Nam đang thở phào vì may quá, là thơ, khỏi phải dịch và in!

Với thơ Việt hiện đại, trong giới văn nghệ bé tí luôn phải nhìn mặt nhau, không nhiều người nói thẳng được như Nguyễn Huy Thiệp. Tiểu luận "Trò chuyện với hoa thủy tiên và những nhầm lẫn của nhà văn" của ông có một đoạn rằng:  "[...] trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa".

Thơ ca - môn nghệ thuật thường bị hiểu lầm

Vấn đề nữa của thơ là rất dễ để tâng bốc nó vượt ra khỏi giá trị thực của nó. Nhiều bài thơ chỉ là sự lai ghép những từ ngữ bóng bẩy lại với nhau, những cụm từ vốn bình thường không ai đem ghép cặp, thế là thành một bài thơ. Người ta nhiều khi lợi dụng bản chất khước từ tính logic của thơ để gán cho nó những ý nghĩa cao vời, chẳng ai chứng minh được là đúng hay không. Thi sĩ đương đại Robert Bly đã cho rằng chúng ta đang ở một tình thế kỳ lạ, dù rất nhiều những tập thơ dở tệ ra đời, nhưng phần lớn nhận xét về chúng đều tốt. Những lời ve vuốt dành cho các tác phẩm xoàng xĩnh khiến những nhà thơ dù có năng lực cảm thụ tốt cũng phải tự nghi ngờ mình. Cá nhân tôi nghĩ dù Bly đang nhận định nền thơ ca Mỹ nhưng nó cũng phù hợp với thơ ca Việt Nam ngày nay. Nhiều trang đăng thơ nhưng phần bình luận bên dưới còn hay và đáng suy ngẫm hơn chính bài thơ ấy. Cuối cùng thơ hay trộn lẫn với thơ dở, chịu cùng một ánh mắt ái ngại như nhau, càng làm người ta nghi vấn về sự nghiêm túc của nó.

Trong một bối cảnh thi ca như vậy, Louise Glück được trao giải Nobel, điều lạ là không ai không phục kết quả đó. Bà được vinh danh vì "giọng thơ riêng biệt mà với vẻ đẹp mộc mạc đã khiến sự tồn tại cá thể trở thành phổ quát". Trong câu ấy, hãy chú ý nhất đến từ "vẻ đẹp mộc mạc". Thơ của Glück không ba hoa, không bóng bẩy, không tham vọng, không làm dáng bằng những từ ngữ loảng xoảng "nguy hiểm". Chúng kiệm lời, gọn gàng, không đánh đố sự hiểu biết của người đọc, song vẫn chan chứa sự mơ hồ và những khoảng trống câm lặng khó minh định. Khác với những bài thơ dở, phần lớn những bài thơ hay không cần người ta phải phân tích dài dằng dặc để chứng minh rằng nó có giá trị gì đó (dù tất nhiên ta cũng vẫn có thể phân tích nếu thích). Một bài thơ hay ngay khi đọc lên nó đã hay. Trên instagram và twitter trong ngày Glück giành giải Nobel, hàng ngàn người đăng lên những áng thơ của Glück, dù họ không phải giới phê bình và bình thường cũng chẳng quan tâm mấy tới thi ca.

Chúng ta sống trong một thế giới bùng nổ công nghệ và khoa học kỹ thuật, mọi khẳng định đều cần con số, mọi kết luận phải có chứng cứ, tất cả đều duy lý. Đặc điểm của văn minh là trật tự, là những công thức, là sự tính toán tỉ mỉ và chính xác tất cả mọi thứ, là những dữ kiện khoa học xác thực. Đó không phải những điều kiện ưu ái để nảy nở thi ca - thứ đại diện cho xúc cảm, cho bản năng (vâng, điều này Plato vẫn đúng), nhưng thơ Glück, bằng một cách nào đó, cho thấy con người vẫn là con người, dù nền văn minh có biến họ thành những kẻ sống có trật tự đến đâu thì sâu trong họ vẫn có những cảm thức mơ hồ không thể cắt nghĩa và cũng không cần cắt nghĩa, những cảm thức ấy đôi khi không hữu ích cho ai, nhưng chúng đẹp đẽ và chân thành.

Thực tế, toàn bộ lời "miệt thị" mà nữ thi sĩ Marianne Moore dành cho thi ca là như thế này:

"Tôi cũng, không ưa nó: có những thứ quan trọng hơn nhiều so với ngón lừa bịp này.

Tuy nhiên, khi đọc nó với sự khinh miệt hoàn hảo, ta phát hiện ra trong nó

sau tất cả, một nơi chốn cho sự chân thành"

Sự tôn vinh Glück chưa chắc đã thúc đẩy được gì cho sự phát triển của thi ca, nhưng chí ít, nó đã trả lời được cho câu hỏi "Thơ ca có thể nào quan trọng không?". Có, nó có thể. 
Hiền Trang
.
.