Nước Anh cuộc chia tay sạch sẽ với EU

Thứ Bảy, 01/07/2017, 14:20
Chính phủ Anh chính thức thông báo, các cuộc đàm phán từ bỏ tư cách thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã bắt đầu vào ngày 19-6.

Giờ đây, Chính phủ Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bước vào tiến trình rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” được dự báo kéo dài 2 năm với nhiều vấn đề phức tạp. Giới quan sát nhận định, Anh đang “đùa với lửa” trong vấn đề Brexit, nếu họ chấp nhận phương án rời EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

Chưa hết, Thủ tướng Theresa May hiện nay đang chịu sức ép sau khi đảng Bảo thủ của bà không giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vừa diễn ra và liên quan đến sự ứng phó của bà đối với vụ cháy tòa nhà 24 tầng tại London làm ít nhất 58 người chết. 

Dù vậy, nữ Thủ tướng vẫn mong muốn một “cuộc chia tay sạch sẽ với EU” - một chiến lược mà một số thành viên trong đảng của bà coi là một mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế.

Bước đi sai lầm?

Theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, Anh sẽ không còn là thành viên của “đại gia đình EU” kể từ ngày 30-3-2019, bất luận hai bên có đạt được một thỏa thuận hay không. Trước khi bước vào tiến trình đàm phán Brexit, cả EU và Anh đều đã xác định những lĩnh vực ưu tiên của mình.

Chính phủ của Thủ tướng May từng lên kế hoạch cho tiến trình “Brexit cứng”, bao gồm rời khỏi thị trường chung châu Âu, đạt một thỏa thuận hải quan mới và hạn chế người nhập cư từ EU. Bà May cũng đã công bố “Sách Trắng” đề ra các kế hoạch cụ thể cho các cuộc đàm phán sắp tới về việc rời khỏi EU.

“Sách Trắng” khẳng định, Anh cần thời gian để tiến hành từng bước bất kỳ cuộc đàm phán mới nào về các vấn đề như kiểm soát người nhập cư và hệ thống thuế quan sau khi rời EU. Những mục tiêu mà bà May đưa ra còn bao gồm việc nước Anh sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với EU, duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và Ireland, đồng thời tiếp tục có những đóng góp “hợp lý” vào ngân sách EU.

Chính quyền của Thủ tướng May luôn ưu tiên bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, đất nước và tránh một “cuộc ly hôn” đau đớn làm tổn thương nước Anh và cả EU.

Thế nhưng mọi kế hoạch của Thủ tướng May đang gặp nhiều khó khăn. “Sách Trắng” vấp phải chỉ trích từ cả phía ủng hộ và phản đối với lo ngại rằng tài liệu này chưa đủ mạnh cho các bộ trưởng và giới chức Anh tiến tới đàm phán trong 2 năm tới.

Trong lúc đó, phe đối lập tại Anh cũng cho rằng “Sách Trắng” Brexit mà chính quyền May công bố còn rất sơ sài và thiếu chi tiết. Bản thân nội bộ Anh cũng có những bất đồng sâu sắc về các điều kiện thực hiện Brexit. 

Chưa hết, đảng Bảo thủ của bà May phải hứng chịu “cảnh thất bát” trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 8-6, khiến uy tín của đảng Bảo thủ cũng như cá nhân Thủ tướng May giảm sút nghiêm trọng.

Kêu gọi bầu cử sớm từng được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng May nhằm gia tăng quyền lực trước khi bước vào cuộc đàm phán Brexit, bởi bà cho rằng việc đảng Bảo thủ chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện như trước đây có thể khiến tiến trình đàm phán Brexit bị đe dọa. Song, kết quả bầu cử lần này là “bước thụt lùi” đối với đảng Bảo thủ khi họ để mất tới 12 ghế so với kỳ bầu cử trước.

“Nước cờ” của Thủ tướng May trong việc tiến hành tổ chức bầu cử trước thời hạn dường như đã phản tác dụng, khi đảng Bảo thủ của bà không thể giành được đa số ghế quá bán tại Hạ viện. Cuộc bầu cử mà bà May kỳ vọng tạo ra một chính phủ mạnh và ổn định sẽ chỉ đem lại bất ổn và tạo cơ hội cho một cuộc bầu cử sớm khác.

Thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử đã khiến nhiều nghị sĩ Công đảng lên tiếng kêu gọi bà May từ chức. Công đảng đối lập không ngại ngần tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng thành lập chính phủ thiểu số khi mà uy tín của đảng Bảo thủ giảm sút rõ rệt.

Áp lực tiếp tục đè nặng lên Thủ tướng May sau khi các cố vấn cấp cao phải từ chức do chịu hàng loạt chỉ trích từ chính nội bộ đảng Bảo thủ sau chiến dịch tranh cử kém hiệu quả khiến đảng này mất thế đa số tại quốc hội.

Nhiều tờ báo vốn ủng hộ Thủ tướng Anh nay cũng đồng loạt đăng tải những bài viết chỉ trích sai lầm của bà. Một số bài viết còn nhận định, nếu bà May không nhận thức được những sai lầm mà vẫn tiếp tục cố chấp thì chính đảng của bà sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử để... thay thế bà.

Bên cạnh đó, những sai lầm của bà May và đảng Bảo thủ cũng đẩy kinh tế Anh vào thế khó khăn hơn. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy “mây đen u ám” đã bắt đầu đe dọa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Anh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Anh không khả quan trong năm nay và năm tới, với tăng trưởng 1,6% năm 2017 và 1% năm 2018.

Trong khi đó, Cơ quan thống kê quốc gia Anh nhận định, kinh tế Anh đang có xu hướng tăng trưởng chậm do các chỉ số yếu kém trong một số lĩnh vực quan trọng, trong đó có hoạt động bán lẻ. Chi tiêu tiêu dùng ở Anh trong tháng 5-2017 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2016 và đây là lần đầu tiên con số này giảm kể từ tháng 9-2013.

Thủ tướng Theresa May gặp nhiều khó khăn sau những chỉ trích về “Sách Trắng”...

Rơi vào thế bí

Cuộc bầu cử trước thời hạn từng được kỳ vọng là sẽ vạch rõ lộ trình cho các cuộc đàm phán Brexit thì nay lại đẩy Thủ tướng Theresa May vào “thế bí”. Sau kết quả cuộc tổng tuyển cử, bà May không có được sự hậu thuẫn vững chắc trong quá trình đàm phán Brexit như bà mong muốn.

Chính sách đàm phán mà bà May đang theo đuổi khó có thể được duy trì do không thống nhất quan điểm chung giữa các đảng phái. Ngoài ra, giới phân tích cho rằng dù Thủ tướng May hiện tuyên bố sẽ không từ chức, nhưng có thể việc bà thôi giữ chức vụ này chỉ là vấn đề thời gian, và khi đó, chưa rõ người lên thay sẽ ủng hộ Brexit “cứng” hay “mềm” hay một lập trường nào khác. Những diễn biến này có thể dẫn tới khả năng Chính phủ Anh sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử khác vào cuối năm nay.

Dù được đánh giá là một nhà lãnh đạo thể hiện được sự mạnh mẽ trong thời điểm đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là lập trường và quan điểm khá nhất quán và rõ ràng, nhưng “sự thất thế” của đảng Bảo thủ đã đẩy bà May vào tình thế... tiến thoái lưỡng nan. Cho dù có liên minh với bất kỳ đảng nào để thành lập chính phủ thì mọi chính sách của bà May cũng như nội dung đàm phán về Brexit đã được chuẩn bị trước sẽ phải xác định lại từ đầu.

Một khi tiến trình thành lập chính phủ mới phải kéo dài thì cuộc đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, kéo theo những hệ lụy đối với nước Anh khi tình trạng “không rõ ràng” hiện nay trong quan hệ với EU đang ảnh hưởng nhất định tới vị thế của London.

Rõ ràng Thủ tướng Anh đã thất bại trong “canh bạc” của chính mình. Những nước cờ tưởng chừng khôn ngoan của bà đã bị những yếu tố khách quan không lường trước làm cho chệch hướng. Hạ viện tiếp tục bị chia rẽ, và London chưa thể “toàn tâm toàn ý” tập trung cho các cuộc đàm phán trong 2 năm tới với EU. Anh sẽ rời Liên minh châu Âu, nhưng họ sẽ rời đi như thế nào là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trong thâm tâm, mỗi cử tri Anh đều mong muốn bà May có thể đạt được một thỏa thuận nào đó tốt đẹp và thuận lợi cho đảo quốc, bởi phương án “Brexit cứng” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại - đầu tư cũng như mối quan hệ giữa Anh với châu Âu. Rời khỏi EU, nhưng hẳn nhiên, số phận của Anh vẫn gắn chặt với châu Âu, và trên thực tế họ vẫn là một cường quốc.

... và thất bại trong cuộc bầu cử sớm.

Phía trước Thủ tướng May là chặng đường đàm phán đầy chông gai. Tiến trình Brexit càng kéo dài thì càng nảy sinh nhiều thách thức và kết quả như ý càng xa rời tầm với. Vậy chính quyền Theresa May sẽ lựa chọn cách tiếp cận nào trong đàm phán với EU để không “trắng tay” khi nói lời chia tay? Với vị thế yếu hơn sau bầu cử và những khó khăn nêu trên, đảng Bảo thủ sẽ buộc phải thay đổi quan điểm và chính sách đàm phán Brexit.

Theo đó, Anh sẽ hướng đến cách tiếp cận với quan điểm mềm mỏng và chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn. Sở dĩ đảng Bảo thủ Anh “hạ giọng” trong vấn đề đàm phán Brexit như trên là bởi việc “không có thỏa thuận” hoặc đạt được một “thỏa thuận tồi” sẽ chẳng khác nào là “hành vi tự sát” với kinh tế Anh, gây bất lợi với các lĩnh vực việc làm, đầu tư và tăng trưởng của nước này.

Giờ đây, “xứ sở sương mù” đang loay hoay trong bối cảnh xuất hiện những khó khăn mới. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra trong chặng đường đàm phán sắp tới, song một điều chắc chắn không thay đổi là chính quyền May luôn ưu tiên bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, đất nước và tránh một “cuộc ly hôn” đau đớn làm tổn thương nước Anh và cả EU.

Nữ Thủ tướng sẽ phải đưa ra một chiến lược đàm phán với các mục tiêu cụ thể, rõ ràng để tìm kiếm thỏa thuận tốt nhất với EU. Mặc dù điều này chắn hẳn không dễ dàng nhưng một khi cả hai bên đều có thiện chí trong tiến trình đàm phán, chắc chắn họ sẽ có được kết quả tốt đẹp nhất, bởi “thỏa thuận với một người bạn dễ hơn là với một người hàng xóm thích gây gổ”...

Anh Lâm
.
.