Đức và “nỗi bất an” Brexit: Không muốn chia ly

Thứ Ba, 20/06/2017, 16:40
Đức hiếm khi cảm thấy cô đơn ở trung tâm của châu Âu bởi quốc gia này đang là một trụ cột kinh tế - chính trị và xã hội quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). 

Tuy nhiên, việc nước Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit) là một cú đánh mạnh mẽ đối với Đức khi Berlin đứng trước nguy cơ mất đi một đối tác quan trọng về kinh tế và các chính sách đối ngoại trong EU.

Trên thực tế, Anh là đối tác châu Âu lớn nhất và gần gũi nhất của Đức trong thúc đẩy thương mại tự do và tự do hóa các thị trường nội địa của châu Âu. Anh cũng là một trong số ít nước châu Âu có năng lực phòng thủ toàn cầu thực sự, có cơ quan tình báo thuộc nhóm tốt nhất thế giới và gần gũi nhất với cơ quan tình báo Mỹ. Đây là những yếu tố quan trọng với Đức khi đối mặt với thách thức khủng bố ngày càng phức tạp và kéo dài. Liệu Brexit có là thảm họa đối với Đức, và sẽ khoét sâu hơn nữa tình đoàn kết các quốc gia của “lục địa già”?

Hiện chưa có câu trả lời rõ rệt cho các vấn đề này. Tuy vậy, giới quan sát đã thấy một hệ quả rõ ràng nhất: Brexit sẽ củng cố vai trò “đầu tàu” của Đức ở châu Âu - một vị trí mà Đức thực sự không cảm thấy thoải mái.

Cảm giác bất an

Việc nước Anh có những động thái đầu tiên nhằm khởi động tiến trình Brexit đang khiến nhiều quốc gia, đặc biệt là Đức, vô cùng bất an. Brexit sẽ liên quan tới hàng loạt vấn đề dài hạn như chính trị, kinh tế, quốc phòng, nhập cư và ngoại giao không chỉ của Anh mà còn nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Đức - đồng minh chiến lược gắn bó với Anh. Một cuộc thăm dò đầu tháng 6 cho thấy, 79% người Đức được khảo sát không muốn Anh rời khỏi EU.

Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ London đàm phán nối lại mối quan hệ với EU vì không muốn Đức gánh vác quá nhiều trọng trách trong liên minh.

Truyền thông Đức phát hành nhiều ấn phẩm, trong đó xuất hiện các bài viết với tựa đề như “Xin đừng đi” bằng cả tiếng Đức lẫn tiếng Anh được xem như một lời khẩn cầu rằng nước Anh cần phải ở lại với EU. Hàng loạt dự đoán không mấy tươi sáng được đưa ra, khẳng định Brexit sẽ là mối họa đối với toàn cầu khi sẽ mang lại bất lợi cho Berlin và London, và sẽ là một cơn đại hồng thủy đối với châu Âu.

Có rất nhiều lý do giải thích tại sao Đức sợ hãi Brexit và mong muốn Anh “suy nghĩ lại trước khi quá muộn”. Đức hiện nay là nền kinh tế lớn nhất và có tiếng nói chính trị ảnh hưởng nhất trong EU. Và London là một đồng minh kinh tế và chính trị quan trọng của Berlin.

Việc đa số cử tri Anh ủng hộ Brexit đồng nghĩa với việc Đức phải gánh vác nhiệm vụ thay cho Anh, điển hình là việc đảm bảo tính thống nhất và sự thịnh vượng của châu Âu. Không chỉ là đồng minh chiến lược, Berlin và London còn là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Anh là đối tác thương mại quan trọng thứ 5 của Đức.

Nếu London rời khỏi EU, cán cân thương mại của Đức đối với nước Anh có thể bị giảm 6,8 tỷ euro một năm, trong đó ngành công nghệ xe ô tô của Đức thất thu đến gần 2 tỷ euro. Ngoài ra, Brexit cũng có thể sẽ tác động tới các ngân hàng lớn của Đức đã và đang hoạt động mạnh tại London. Lần đầu tiên, lãi suất trái phiếu Chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới mức 0%, chạm mức thấp mọi thời đại.

Anh là quốc gia đóng góp lớn cho ngân sách EU. Nếu Anh rời khỏi liên minh thì Đức phải đóng góp nhiều hơn. Brexit theo quan điểm của nước Đức có nghĩa là quyền của liên minh sẽ dịch chuyển sang trục phía nam Địa Trung Hải hơn, khiến tam giác London - Paris - Berlin sẽ biến mất.

Hiện tượng Brexit sẽ là một thông điệp nghiêm trọng và tai hại đối với các quốc gia còn lại trên thế giới rằng châu Âu là một liên minh không có giá trị và không thể đoàn kết với nhau. Lúc này, Berlin sẽ rất chật vật để tìm cho mình một “người bạn mới” vì các đối tác khác của Berlin vẫn còn yếu hoặc đang trong quá trình phát triển.

Việc Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon khiến Đức bất an.

Trên thực tế, mối quan hệ Đức - Ba Lan, vốn rất mạnh mẽ, bị xói mòn kể từ khi đảng Công lý và Tư pháp quốc gia lên nắm quyền ở Ba Lan vào năm 2015. Trong khi đó, tình hình ở Pháp cũng rất phức tạp. Thoạt nhìn, trục Đức - Pháp, vốn hoạt động như bộ xương vững chắc của EU trong nhiều thập kỷ, dường như mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng chỉ vài giờ sau khi người Anh quyết định rời EU, trục này đã cho thấy sự lung lay.

Tương lai bất định   

Theo giới quan sát, lý do quan trọng nhất Đức muốn Anh ở lại EU là bởi Anh mang lại một sự cân bằng chính trị đối với quan hệ gần gũi của Đức với Pháp, đặc biệt khi trục Pháp - Đức một lần nữa chịu nhiều áp lực, do những khó khăn kinh tế ăn sâu của chính nước Pháp.

Các nước Trung và Đông Âu, vốn luôn thận trọng trước Đức và phần lớn ngờ vực Pháp, xem Anh như là bên cân bằng quan trọng trong khu vực. Chính phủ trung hữu hiện nay ở Ba Lan thậm chí còn đi xa hơn khi coi Anh là một trong số các đối tác chiến lược quan trọng và đặc biệt.

Vì những lý do ấy, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng nỗ lực hết sức để giúp cựu Thủ tướng Anh David Cameron đàm phán một thỏa thuận đặc biệt với EU, mà vào thời điểm đó người ta tin rằng nó có thể giúp ngăn chặn việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Thế nhưng, những nhượng bộ mà Merkel cẩn thận tập hợp lại đã chìm xuống, thậm chí không để lại chút dấu vết.

Giấc mơ của bà Merkel về một mối quan hệ ba bên, trong đó Anh và Pháp cân bằng lẫn nhau nhưng đều hành động như là những động cơ của châu Âu, đã bị phá vỡ. Giờ đây, Đức đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: họ đã tìm cách lảng tránh những đòi hỏi nới lỏng các chính sách thắt lưng buộc bụng và việc tài trợ bổ sung của Đức cho các nước thành viên EU vỡ nợ như Hy Lạp, cùng với những cái nhìn ngờ vực từ các nước Đông Âu đang ngày càng không thoải mái với vai trò lãnh đạo của Đức. Đây không phải là vị thế mà Đức tìm kiếm, nhưng đây là vị trí lãnh đạo nước này hiện phải đảm nhận và nó sẽ không phải là một vị trí thoải mái.

Câu hỏi đặt ra là Đức có thể làm gì khi Anh giờ đã chuẩn bị rời khỏi EU? Một khả năng được thảo luận tại Berlin là một sáng kiến Pháp - Đức để thắt chặt hội nhập EU, mục đích cho thấy châu Âu sẽ không chệch hướng vì sự ra đi của Anh.

Dù bằng cách này hay cách khác, Đức đều muốn giữ Anh ở lại EU. Một phần lý do mà Thủ tướng Angela Merkel từng tuyên bố ủng hộ London đàm phán nối lại mối quan hệ với EU là bà không muốn trở thành Thủ tướng Đức trong bối cảnh châu Âu lục đục và tan rã, cũng như không muốn Đức gánh vác quá nhiều trọng trách trong liên minh. Đức sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào năm nay, và Merkel sẽ ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ mới.

Vì vậy, việc bà Merkel không ủng hộ Brexit cũng là dễ hiểu. Sự chú ý hiện nay xoay quanh những gì mà Thủ tướng Angela Merkel, được biết đến là một nhân vật thận trọng với những “chính sách từng bước”, sẽ hành động trong thời gian đàm phán và hậu Brexit. Bà Merkel là một người theo chủ nghĩa vì châu Âu trong khi Thủ tướng Anh Theresa May - nhân vật chuẩn bị “ném” London ra khỏi EU - lại cho rằng, EU “quá lớn, quá hung dữ và thường can thiệp quá tay vào chính sách của Anh”.

Đối với người Đức, nếu EU không tồn tại, một tổ chức khác chắc chắn cần phải được thành lập, vì lựa chọn thay thế là điều mà Đức đã tuyệt vọng tìm cách né tránh kể từ khi họ giành lại sự thịnh vượng kinh tế trong những năm 1960, cùng vai trò lãnh đạo châu Âu của Đức với tất cả phản ứng chính trị và dân tộc chủ nghĩa dữ dội mà nó sẽ tạo ra. Trước mắt, Brexit không yêu cầu chấm dứt hợp tác Anh - Đức.

Không chỉ là đồng minh chiến lược, Berlin và London còn là đối tác thương mại quan trọng của nhau.

Nhưng nước Anh sẽ dần “thu mình lại” vì liên quan đến sự bùng nổ các đảng chính trị mới, quyền được trao quyền và khả năng độc lập của Scotland. Trong tương lai gần, nước Đức phải đứng một mình làm “đầu tàu” của EU - một vai trò Berlin không hề tìm kiếm. Trước việc Anh khởi động tiến trình Brexit, bà Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo nước Anh sẽ không được quyền lựa chọn những nghĩa vụ nào và nghĩa vụ nào không tuân theo.

Có ý kiến cho rằng, Anh sẽ vẫn tiếp tục hưởng lợi từ thị trường chung thống nhất nhưng sẽ áp dụng giới hạn việc tự do đi lại giữa các nước. Nước Anh cần đạt được một thỏa thuận tương tự như vậy với EU để đảm bảo sự đồng thuận hoàn toàn từ người dân trong nước trước khi khởi động quá trình rút lui kéo dài 2 năm theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị Thủ tướng Merkel bác bỏ thẳng thừng và khẳng định sẽ không bao giờ có cuộc đàm phán theo hướng đó. Bà Merkel còn khuyên nước Anh nên duy trì vị trí là đối tác và một người bạn với EU sau khi rời bỏ khối này, và một lần nữa bác bỏ khả năng tiến hành đàm phán không chính thức trước khi điều khoản 50 chính thức được khởi động...

Lê Nam
.
.