Những dòng người đi về phía ấy…

Chủ Nhật, 07/02/2021, 14:30
Những ngày tháng Chạp, rảnh rang lướt một vòng facebook bỗng bắt gặp dòng trạng thái của nhà thơ Phan Huyền Thư: "Đón bố về nhà mới. Đưa em về với bố và ông bà Phan Lạc tộc. Dằng dặc hơn bốn mươi năm một niềm thương nỗi nhớ. Tạ ơn trời đất, thánh thần và tiên tổ".

Cùng với dòng trạng thái là hình ảnh ngôi mộ của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và người con trai của ông, Phan Lạc Cao Nguyên.

1. Vào hỏi thăm chị Phan Huyền Thư về người cha và người em quá cố của chị mà biết thêm nhiều chuyện và thấm thía nỗi nhân tình. Vẫn trong những ngày tháng Chạp, đặc biệt là vào ngày Rằm tháng Chạp, hẳn bạn sẽ thấy trên facebook của mình tràn ngập hình ảnh những ngôi mộ cùng những tâm sự ngắn dài của người ở cõi này với người nằm dưới mộ. Ra thăm mộ, thắp hương tưởng nhớ, có lời khấn mời tổ tiên ông bà… về nhà  mình ăn Tết - đấy là một truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Tôi được sống trong truyền thống này từ hồi còn 5, 6 tuổi. Cứ đến ngày rằm tháng Chạp là gia đình tôi lại dậy từ rất sớm, chuẩn bị đồ lễ, về quê tảo mộ. Trong khoảng nửa ngày, chúng tôi tới khoảng 10 ngôi mộ ở những địa điểm cách xa nhau. Hồi đó tất cả đều đi bộ, chứ chưa có điều kiện đi tảo mộ bằng xe máy hoặc ô tô như bây giờ. Tôi nhớ mãi hình ảnh đoàn người trong chi họ nhà tôi, người cầm cuốc, người cầm vàng mã, người cầm hoa quả lễ vật… cứ đi qua hết cánh đồng này tới cánh đồng khác. Quá trình di chuyển giữa các ngôi mộ cũng là quá trình mà những câu chuyện của người nằm dưới mộ được các ông/bà trẻ của tôi kể lại.

Và các ông/bà trẻ của tôi cứ dặn đi dặn lại bố tôi về cách nhận diện từng ngôi mộ: À, ngôi này thì ở cánh đồng này, gần cái cột điện này, có đặc điểm như thế này… Phải dặn dò kỹ lưỡng như thế vì hồi ấy các ngôi mộ chưa được xây khang trang, đẹp đẽ như bây giờ. Hồi ấy có nhiều ngôi mộ nhỏ, thấp, có hình dáng bên ngoài khá giống nhau. Theo thời gian, có những ngôi bị lún xuống dưới, giờ chỉ còn một ụ đất nhỏ phía trên. "Nếu không xây lại, chỉ sợ mất mộ…" - bà tôi nói thế. Bây giờ nghĩ lại tôi chợt nhận ra nỗi sợ mất mộ - mất sợi dây gắn kết âm - dương trong gia đình là nỗi sợ vô cùng khủng khiếp của những người già trong chi họ nhà tôi.

Và các ông/ bà cũng luôn sợ rằng khi thế hệ mình nằm xuống, đời sống thay đổi, những thế hệ sau sẽ không còn đều đặn ra thăm mộ nữa. "Có quan tâm đến tổ tiên thì mới sống tốt được!", bà trẻ tôi cứ nhắc đi nhắc lại câu nói ấy khi đứng trước các ngôi mộ. Bây giờ  bà đã nằm xuống. Năm nay đi tảo mộ, đứng trước di ảnh trên bia mộ bà, tôi lại nhớ quá bước chân bà, những câu chuyện bà kể, những lời bà dặn dò trong những lần đi tảo mộ ngày xưa. Và bây giờ thì tôi mới hiểu lý do tại sao từ ngày mình còn 5, 6 tuổi, bố tôi luôn luôn đưa tôi đi tảo mộ cùng chi họ. Những năm 14, 15 tuổi, ham chơi với bạn bè cùng lớp, không muốn về quê tảo mộ  thì tôi vẫn bị bố ép "phải đi". Bất chấp lạnh, bất chấp mưa, bất chấp "không muốn" cũng "phải đi"!

2. Ở làng tôi, cứ vào ngày rằm tháng Chạp là nhà nhà đi tảo mộ, người người đi tảo mộ - bao năm nay vẫn thế. Rất nhiều lần tôi suy nghĩ về hình ảnh những dòng người từ các thôn xóm đi về phía nghĩa trang của làng hoặc các ngôi mộ nằm rải rác bên ngoài nghĩa trang. Trong cảm nhận của riêng tôi, đấy là dòng người đang ở bên này cõi sống đến đi về phía những dòng người ở bên kia cõi sống. Và sự gặp gỡ, giao cảm của hai dòng người ấy chính là biểu tượng của sự gắn kết. Những người đang sống gắn kết với nhau đã đành, những người đang sống còn gắn kết với cả những người đã mất - một sự gắn kết trực tiếp, hiện hữu, hiển lộ (thông qua hình ảnh những dòng người tảo mộ), điều ấy đẹp đẽ và thiêng liêng vô cùng.

Điều ấy tạo nên một sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn cho các làng xã và cả siêu làng xã. Bởi có nhà nghiên cứu nói rằng cách thức tổ chức quốc gia trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược của người Việt Nam trung cổ cũng không khác gì cách thức tổ chức của các siêu làng xã. Đất nước khi ấy trở thành một siêu làng xã với tất cả những đặc tính ưu việt nhất mà văn hoá làng xã có thể tạo ra.

Nếu bạn không tin vào những cảm nhận của tôi (bạn hoàn toàn có quyền ấy) thì có một điều dễ tin hơn: những đoàn người đi từ thôn xóm ra các ngôi mộ luôn rầm rì nói các câu chuyện về những người dưới mộ. Họ sẽ kể cho con cháu của mình về thân thế, cuộc đời, những nốt thăng nốt trầm của những người quá cố trong dòng họ nhà mình. Có thể có những dòng họ lẫy lừng khoa bảng. Có thể có những dòng họ suốt bao đời chỉ là bần cố nông. Có thể có những dòng họ mà từ khoảng 2,3 đời trở lại đây bỗng thay đổi thân phận, làm rạng ngời danh tiếng cho tổ tiên mình. Không sao cả, bởi bất luận như thế nào thì mỗi dòng họ cũng đều có một truyền thống.

Và những đứa trẻ trong dòng người cùng ông bà bố mẹ đi tảo mộ chắc chắn sẽ được lắng nghe truyền thống ấy, sẽ lớn lên cùng với truyền thống ấy, để rồi đến lượt mình sẽ biết phải phát huy gì, thay đổi gì để truyền thống mỗi lúc một tốt đẹp, vẻ vang hơn. Tôi đã từng là một thằng bé đi trong dòng người tảo mộ ngày xưa. Và bây giờ thì con trai tôi lại là một thằng bé giống như tôi ngày xưa. Những câu chuyện về truyền thống gia đình sẽ chảy vào đầu óc nó, có thể bằng con đường vô thức. Những câu chuyện ấy là điều tối quan trọng để một ngày nào đó, nó có thể trả lời được câu hỏi quan trọng nhất của một đời người: Rốt cuộc mình là ai?

Mình là ai? Gia đình mình là ai? Dòng họ mình là ai? Đất nước mình là ai? Dân tộc mình là ai? Chúng ta sẽ không thể duy trì và tạo dựng bản sắc của một cá nhân/ một gia đình/ một dòng họ/ một quốc gia nếu không thể trả lời những câu hỏi đó. 

3. Vài năm trở lại đây, cứ mỗi dịp chuẩn bị đến Tết Âm lịch, nhiều người Việt Nam lại xới lên chủ đề: Có nên bỏ Tết hay không? Nói chính xác thì có nhà nghiên cứu đề nghị nên gộp Tết ta vào Tết tây, bởi theo ông "phải như thế mới có thể hòa vào dòng chảy thế giới. Và phải hòa mình vào thế giới mới có thể phát triển". Người thì cho là đúng, người thì phê phán là "ngớ ngẩn". Riêng mình, đứng trước cuộc tranh luận này, hình ảnh những đoàn người đi tảo mộ ở làng tôi lại hiện lên rõ nét.

Lúc đó tôi cứ bị vân vi bởi một loạt các câu hỏi mà bây giờ viết ra có thể bạn sẽ cho là ngớ ngẩn: 1. Trong trường hợp đó, chúng ta còn duy trì phong tục tảo mộ, mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng gia đình mình không? 2. Sau bao nhiêu năm duy trì một cái nếp, một thói quen, bây giờ chúng ta thay đổi lời mời thì tổ tiên ông bà có đồng ý về ăn Tết tây không? 3. Nếu phải thay đổi cho giống "Tây" thì những phong tục độc đáo, mang nặng âm hưởng Đông phương cổ truyền sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Những ngày tháng Chạp  của một năm Canh Tý nhiều vất vả, sau khi phát quang cỏ dại, thắp hương đứng trước những ngôi mộ của chi họ nhà mình, tôi nhắm mắt lại. Tôi nhớ lại những câu chuyện mình từng được nghe trong suốt những năm tháng cùng bố đi tảo mộ ngày xưa. Tôi hình dung đến hàng chục năm sau này, khi con trai tôi cũng đứng trước những ngôi mộ như tôi bây giờ. Chắc chắn nó cũng sẽ có những ký ức để nhớ về.

Những ký ức ấy có thể không giúp nó trở thành người thành đạt, nhưng có thể sẽ giúp nó trở thành người tử tế. Tôi có cảm tưởng như những ngôi mộ đang nói với mình, hoặc đang truyền vào mình một điều gì đó.

Tôi thấy lòng mình bình an!

Phan Đăng
.
.