Hay là ta về quê?

Thứ Bảy, 09/05/2020, 21:41
Bên bàn điểm tâm sáng, bên ly cafe sớm, nơi quán hàng ăn xế buổi chiều hay kể cả là giữa một quán ăn khuya, chúng ta có thể quan sát cuộc sống ở một góc nhìn mới và khác.

Từ góc nhìn của tôi, những câu chuyện quà vặt đã bắt đầu. Và các bạn, chính các bạn cũng có những câu chuyện quà vặt của riêng mình, ở chỗ các bạn đang ngồi.

Chiều Chủ nhật thứ ba của đợt giãn cách xã hội, thấy buồn buồn, lại rảnh việc, tôi nhắn cậu em thân ở gần nhà "Quỡn (rảnh rỗi) thì ghé sang anh làm chai rượu? Bữa nay có ít cá, mực ngoài quê vợ gửi vô". Cậu em chạy sang liền. Nhà tôi và nhà nó cách nhau ba bước chân, cùng chung một khu chung cư với nhau nên cũng tiện.

Nó dọn về khu này chưa lâu, được đâu sáu bảy tháng. Tôi với nó cũng thuộc diện có duyên. Chơi chung, làm chung vài việc cũng gần 20 năm rồi. Có chuyện gì cũng đều chia sẻ. Nó chạy sang, xách theo ít trái cây vườn dưới quê mới gửi lên. Bữa nhậu "đụng gì dùng nấy" hóa ra toàn thức ở quê cả.

"Em mất việc rồi", nó bắt đầu câu chuyện bằng cái giọng tỉnh rụi. "Đợt này dịch, bên công ty cắt giảm một loạt. Em thuộc diện hợp đồng cộng tác ký 3 tháng một. Đúng dịp gần hết hạn hợp đồng nên thuộc diện cắt giảm luôn", nó kể nhanh, như không. 

Nó vốn dĩ là một viên chức nhà nước quèn, lương vài triệu bạc một tháng, chẳng đủ cafe ăn sáng. Nhưng nó lại là thằng có năng lực, nhanh nhẹn, thông minh. Việc nhà nước rảnh rỗi, đúng kiểu sáng cắp ô đi, tối giương dù về, chỉ cần điểm danh là đủ. Thế nên nó chạy thêm bên ngoài. 

Năm năm nay nó làm thêm cho một công ty tư nhân, thuộc diện lớn và tên tuổi. Vai trò của nó ở đó là gì thì tôi chẳng biết. Nhưng nó coi đó mới là việc chính. Mỗi ngày nó đều có mặt ở văn phòng công ty ấy 5 tiếng đồng hồ, đều như vắt tranh. Và theo nó kể, thu nhập nuôi một vợ hai con cũng chủ yếu từ đó mà ra cả. 

"Lương bên đó bao nhiêu em đưa vợ hết. Phần của em, em chi xài trong lương viên chức, ba triệu sáu một tháng cả phụ cấp", nó từng nói với tôi như vậy. 

Còn bây giờ "Chưa biết sống thế nào sau đợt dịch này anh ạ. Nhà em không có đồng dự trữ nào. Tiền tháng nào là hết sạch tháng đó. Đưa vợ nguyên cục lương, một phần ba trả tiền ngân hàng mua nhà trả góp. Hai phần còn lại vừa xoẳn tiền chợ, tiền học, tiền sinh hoạt gia đình". Tôi khẽ thở dài, đưa ly cụng với nó. 

Sau dịch, nó sẽ sống thế nào? Tiền trả góp mua căn hộ này chắc cũng phải cả chục triệu mỗi tháng. Sau dịch, tôi sẽ sống thế nào? Công việc tôi cũng chẳng ổn gì hơn. Nhìn thì bận rộn nhưng toàn việc không tên. Nhiều việc còn làm không công cho người ta, như là giúp. Mà mang cái tâm thế giúp rồi, làm xong chả dám hỏi tiền công. Người ta trả thì nhận, người ta không trả thì thôi dù thực sự cần tiền lắm lắm.

Tự dưng buổi nhậu của hai anh em thành buổi nói về nỗi lo. Hóa ra, đằng sau những lớp khẩu trang, đằng sau những cái việc như rửa tay sát trùng thật kỹ, hạn chế tới mức tối đa những tiếp xúc xã hội… để phòng việc lây bệnh, cái nỗi lo cơm áo gạo tiền nó lớn hơn rất nhiều. 

Bệnh tật thì chẳng chừa ai thật nhưng đâu phải ai cũng lây bệnh ngay lập tức đâu mà hốt hoảng quá. Giữ gìn cẩn thận là yên tâm chuyện phòng ngừa lây nhiễm rồi. Nhưng chuyện mưu sinh thì khác. Nhà thiếu tiền một hai hôm là hốt hoảng ngay. 

Con mình còn nhỏ, nó còn vui, còn đùa, còn ngây thơ nên chẳng biết được khó khăn cụ thể là gì. Nhưng nếu mình khó khăn, nhiều khi nghe tiếng con cười đùa mà thắt ruột. Chẳng biết ngày mai có còn đảm bảo cho nó được ấm êm để mà cười đùa như thế hay không. Cái lo lắng ấy, phàm ai làm cha, làm mẹ đều phải đối diện hàng ngày.

Ảnh: L.G.

"Anh tưởng công việc bên chỗ chú làm thêm họ cần chú lắm chứ?", tôi khẽ hỏi. "Cần thì cần anh ạ. Nhưng có phải mình là người không thay thế được đâu", nó nói cũng hơi buồn buồn. 

"Họ cũng mới thông báo rổn rảng trước dịch trên kênh truyền thông nội bộ là công ty mới thắng thầu mấy dự án, mỗi dự án cũng gần chục triệu đô cả. 

Có dự án sắp ra mắt mấy ngày nữa thôi, họ vẫn còn dùng ý tưởng của em mà. Nhưng cắt được họ cứ cắt thôi. Ông sếp cũng có vẻ ngượng ngượng nên không dám đối diện nói chuyện với em, mà phải nhờ nhân sự đánh tiếng. Em nghỉ quách, chẳng hỏi han thêm gì. Ngần ấy năm cũng đủ rồi, qua dịch tính tiếp". 

"Vậy có nhiều người bị cắt giảm không?", tôi hỏi thêm mà thực ra cũng chẳng biết để làm gì, vì thông tin ấy với tôi có hay không chẳng quan trọng. "Dạ, cũng kha khá, cỡ phải 10 hay 15% chi đó. Những người còn lại đều bị giảm lương. Vừa mới vào đợt giãn cách, công ty cho phép 60% quân số làm việc tại nhà. 

Nhưng được hai ngày là bắt từng người lên công ty ký phụ lục hợp đồng chấp nhận giảm 30% lương trong vòng 3 tháng. Lắm đứa nhân viên nghe giãn cách làm việc tại nhà chúng nó về quê. Vậy mà cũng bị khiển trách. Công ty bảo thực chất cái việc ký phụ lục kia chỉ để thử lòng cam kết của nhân viên thôi" - nó kể, và uống cạn một ly. 

"Thử lòng cái nỗi gì khi nhiều nhân viên gắn bó với công ty cả chục năm trời rồi. Hiệu quả công việc mới là cam kết. Em nghĩ là họ muốn cắt giảm chi phí mạnh tay nên nói vậy. Thực sự, nhẫn tâm quá".

Tôi không muốn hỏi sâu nhưng thực lòng phản ứng ấy của cậu em khiến tôi hiểu rõ hơn cái hố ngăn cách giữa giới chủ và giới làm công. Mâu thuẫn ấy, mà chúng ta đã được học từ lúc còn trên giảng đường, vẫn luôn có thật dù thời đại biến chuyển đến mức độ hiện đại nào. 

Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã khơi lại lần nữa cái mâu thuẫn giữa giới tư bản và giới cần lao khi ngay tại Hy Lạp, quốc gia khủng hoảng nợ công nặng nề nhất, đã có những cuộc xuống đường với cờ đỏ búa liềm đúng màu sắc của cách mạng vô sản.

Sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, và cả các chủ thuyết chỉ làm cho mâu thuẫn này tinh vi hơn chứ không thể bị triệt tiêu. Và chỉ cần một biến động xã hội lớn, nó sẽ lại bộc lộ ra, trần trụi hơn bao giờ hết.

Và kỳ đại dịch này cũng là dịp bóc trần tất cả như thế. Giữa sự lên ngôi của chủ nghĩa vị tha với những câu chuyện lá lành đùm lá rách chính là sự lột mặt của chủ nghĩa tàn nhẫn. Người chủ tư bản có thể sẽ thắt lưng buộc bụng vì sự sống còn của doanh nghiệp nhưng ông ta không chịu một sự suy giảm mức sống nào cả. 

Và để cho doanh nghiệp của mình sống còn, ông ta không quan tâm những người làm công sẽ sụt giảm mức sống thế nào, lâm vào hoàn cảnh bi đát ra sao. Dự trữ tài lực để phục hồi sau đại dịch có thể là cái cớ, vì ở thời điểm phục hồi đó, doanh nghiệp của ông ta có thể sẽ lại nuôi sống nhiều người. 

Nhưng có thực sự là doanh nghiệp nuôi người lao động hay không? Không phải. Đó là một giao dịch sòng phẳng mà. Anh trả tiền, và tôi bán cho anh sức lao động, trí tuệ của mình. Trong một doanh nghiệp, làm gì có ai nuôi ai như kiểu lá lành đùm lá rách của chủ nghĩa vị tha chia ngọt sẻ bùi đang xuất hiện ngoài xã hội.

"Rồi sau dịch em tính sao?". Nó trả lời câu hỏi của tôi bằng một kế hoạch mà tôi giật mình. Nó nói, có thể nó sẽ phải bán nhà nếu không cầm cự được trong vòng 2-3 tháng. Không đủ tiền trả góp thì phải bán nhà thôi. "Bán xong nhà, chắc em mua miếng đất thật xa, thậm chí ở tỉnh giáp ranh thành phố anh ạ".

 Kiếm miếng đất, xây cái nhà cấp 4, trồng ít cây, thả ít gà. Công việc ở cơ quan lại túc tắc. Cố mà cầm cự chứ không thì con mình đói. "Em chỉ lo mỗi một điều, nếu làm theo cách đó, con em chuyển về học trường làng liệu có ổn hay không mà thôi". 

"Ổn mà em. Mình xưa thì cũng trường làng mà ra cả. Có đứa nào học trường xịn như bây giờ đâu", tôi an ủi một câu vô nghĩa. Nó vô nghĩa như chính những gì tôi đang nghĩ. Cũng có khi, tôi còn bán nhà trước nó để tìm một miền quê nào đấy mà về sống cũng nên.

Dịch bệnh lần này hóa ra nó bóc trần rất nhiều thứ mà chúng ta vẫn nghĩ chẳng bao giờ mình phải đối diện. Có người so sánh với thời chiến ngày xưa để nói "bây giờ chưa thấm vào đâu" nhưng thực tế, ngày xưa nghèo thì có nghèo nhưng nhà nước không để ai chết đói. Còn hôm nay, mở mắt ra là hóa đơn thanh toán nó gõ cửa rồi. Xưa nhiều thứ miễn phí. Còn bây giờ, không có tiền thì sẽ chẳng có gì.

Nếu mai có ai kể với bạn rằng "Tôi mất việc rồi", bạn sẽ nói với họ điều gì? "Hay là ta về quê?" ư? Đó là một câu hỏi buồn nản không tả. Và ở vào thời đại của nền "kinh tế thợ đụng" này (Gig economy - nền kinh tế mà lao động thời vụ chiếm số đông), sẽ nhiều người có câu chuyện ấy để kể lắm. Nhưng quan trọng là họ sẽ kể với ai, kể như thế nào và họ có còn may mắn nhỏ xíu như cậu em tôi là bán căn nhà đi vẫn còn dư chút tiền mua được miếng đất ở quê sau khi trả nợ?

"Hay là mình về quê?". Câu ấy nói ra thì dễ nhưng đâu phải ai cũng làm được như thế…

Hà Quang Minh
.
.