Những dòng lịch sử chiến tranh: Xung đột xã hội nửa đầu thế kỷ XIX

Thứ Hai, 05/08/2019, 16:53
Xung đột giữa nhà nước và dân chúng ở Việt Nam không phải là chuyện hiếm. Nguyên nhân thì có nhiều, quy mô cũng đa dạng và hệ quả đa chiều.

Ở đây xin trình bày một số khía cạnh về chiến tranh và bạo lực xã hội nửa đầu thế kỷ XIX, thông qua các phong trào của dân chúng chống lại triều Nguyễn trên vùng lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, bao gồm các cuộc nổi dậy của làng xã trên vùng châu thổ và các nhóm dân tộc thiểu số thượng du Bắc Kỳ trải dài từ biên giới Việt-Trung tới hành lang phía Tây thuộc Hưng Hóa và vùng trung du phía Tây Ninh Bình.

Từ trước tới nay, chúng ta vẫn coi nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do sưu cao thuế nặng như là một hệ quả của thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến thối nát. 

Bài viết này cung cấp thêm các khía cạnh khác của bạo lực xã hội và chiến tranh giữa dân chúng với nhà nước để độc giả cùng suy ngẫm, bao gồm tính không chính thống của chính quyền nhà Nguyễn, sự bất mãn của dân chúng Bắc Hà và sự mở rộng tập quyền hóa của vua Minh Mạng.

Năm 1802, một đạo quân có căn cứ ở Gia Định, cách Thăng Long gần 2.000km, tiến ra Bắc và giành quyền kiểm soát vùng đất này từ tay một vương triều khác cũng tới từ phía Nam (nhà Tây Sơn). Đối với những người Bắc Hà, người lãnh đạo của đạo quân này tới từ một xứ xa lạ, cùng lắm là một phiên thần phụng sự dòng dõi cai trị chính thống của họ: nhà Lê.

Nhà Nguyễn, vì thế, là một vương triều đặc thù trong mối tương tác với dân chúng trên vùng lãnh thổ thống nhất mà họ cai trị. Có mấy điểm cần chú ý trong mối tương quan đặc biệt này, sẽ ảnh hưởng lâu dài đến số mệnh lịch sử Việt Nam.

Căn cứ Trà Lũ của Phan Bá Vành [Nguồn: Nguyễn Phan Quang (1979), Masaya Shiraishi (1984)].

Thứ nhất, vương triều này lên cầm quyền từ địa vị một lãnh chúa địa phương.

Thứ hai, vương triều này lên cầm quyền sau thời gian dài chia cắt đất nước, lãnh thổ được mở rộng với nhiều không gian chính trị Việt, xã hội Việt và văn hóa Việt khác nhau.

Thứ ba, vương triều này lên cầm quyền sau nhiều thập niên chiến tranh làm kiệt quệ nền kinh tế, dân lưu tán và bạo lực xã hội gia tăng.

Ba điều này dẫn đến một đặc trưng rất quan trọng trong kỹ thuật cai trị của Huế: hoài nghi, sợ dân chúng và bị ám ảnh bởi nổi loạn, đặc biệt là từ vùng Bắc Kỳ. 

Chính vì điều này, sứ mệnh của Nguyễn Phúc Ánh (vua Gia Long) năm 1802 không chỉ bảo đảm cho một Việt Nam thống nhất được định hình bằng lưỡi gươm mà còn là tìm kiếm các bản sắc mới, hình dung không gian, bản đồ địa lý và cố kết các bản sắc vùng miền thành một không gian Việt Nam mới sau nhiều thế kỷ phân tán.

Gia Long hiểu điều này. Cuộc hành trình năm 1802 của ông ra Bắc là một diễu hành chính trị được thiết kế chu đáo. Ông tập hợp các Nho sĩ để tham vấn về cách xưng hô với nhà Lê và dân chúng, phủ dụ các vùng đất đi qua, lập luận rằng nhà Lê đã mất, ông lấy nước từ tay nhà Tây Sơn vô đạo, gặp gỡ các dòng họ lớn, tập hợp con cháu nhà Lê, nhà Trịnh, yên ủi các Nho sĩ Bắc Hà để trấn an và tuyển dụng...

Cuối cùng, ông lập ra chính quyền địa phương ở Bắc Thành, cử viên tướng uyên bác nhất về chính trị của mình là Nguyễn Văn Thành trấn giữ. Nguyễn Văn Thành sau đó dựa chặt chẽ vào mạng lưới các trí thức Bắc Hà để cai trị hệ thống chính quyền mới như Nguyễn Gia Cát, Đặng Trần Thường, Phạm Thích, Trần Hựu... 

Mặt khác, nhà nước cũng tổ chức hệ thống quân sự lấy các thổ hào, thổ binh địa phương làm chỗ dựa, bên cạnh việc tuyển lính Nam (từ Quảng Bình vào Nam) để đóng giữ từ Hà Tĩnh ra Bắc.

Tuy nhiên, người Bắc Hà thì không quên lời hứa của ông.

“Dân Bắc Hà mong đợi từ lâu vua Nam Hà (Nguyễn Phúc Ánh) xuất quân tới giải phóng họ khỏi ách chính quyền giặc. Bây giờ, chừng như họ không thích vua nữa, vì họ đã tưởng rằng chúa sẽ đặt một hoàng tử họ Lê lên ngôi... Trước, vua đã hứa như vậy. Mà chính vì sự triển vọng ấy mà nhiều người Bắc Hà đã theo chúa, kẻ thì từ ba bốn năm, kẻ thì mới theo... Sự ấy làm mất lòng nhiều người Bắc Hà và làm ta sợ sau đây sẽ có phiến loạn...” (Thư của giáo sĩ Langlois viết ngày 3-9-1802, Hoàng Xuân Hãn dịch).

Đúng như dự báo, dân chúng đã nổi loạn.

Điều chưa có tiền lệ là các cuộc nổi dậy này bùng phát ngay sau khi triều đại mới được hình thành. Phần lớn chúng diễn ra trên vùng châu thổ và được sử triều đình chép là tặc hay phỉ, tuy nhiên phần phụ chú của các đoạn chép này cho thấy nhiều người từng là quan chức nhà Lê và thổ hào địa phương.

Từ năm 1802 đến 1826, hai nhân vật được phái đi đánh dẹp ở Bắc Hà nhiều nhất là Lê Chất và Lê Văn Duyệt. Tại Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình vào 1808, 1819, 1824, hai viên tướng này tìm cách thu nạp hàng nghìn người nổi dậy, biến họ thành các đội Thanh Thuận, Bắc Thuận, An Thuận, Hồi Lương, An Bắc... để đưa vào quân đội của mình.

Tuy nhiên, kết quả là cuộc nổi dậy sẽ vẫn tiếp tục tại Thanh Hóa và Ninh Bình vào các năm 1826, 1827, 1828, 1833, 1835, 1836, xoay quanh nhiều gương mặt xưng là dòng dõi nhà Lê (Lê Duy Nhiên, Lê Duy Lương, Lê Duy Khương, Lê Duy Dưỡng, Lê Duy Hiển) liên minh với các nhóm miền núi ở Thanh Hóa, Ninh Bình, Hưng Hóa, Sơn Tây. Một người khác là Lê Duy Độ thì nổi dậy ở Hải Dương vào năm 1833.

Các cuộc nổi dậy mang âm hưởng nhà Lê này là một nỗi ám ảnh lớn đối với các vua triều Nguyễn và sẽ còn tiếp tục nhiều thập kỷ sau đó, tới tận những năm 1860, khi Tạ Văn Phụng tự xưng là Lê Duy Minh, gây ra nhiều năm chiến tranh dọc theo duyên hải Bắc Kỳ.

Xung đột giữa nhà nước và làng xã là rõ ràng, vượt lên trên các vấn đề kinh tế hay thuế khóa. “Phép vua thua lệ làng” chính là vấn đề pháp luật và quyền lực điều hành xã hội. Đó là một xã hội của các xung đột văn hóa giữa hệ thống thiết chế giáo hóa chặt chẽ từ trên xuống và sự tính tự trị làng xã:

“Tháng tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng sao đang!
Có quần ra quán bán hàng
Không quần ra đứng đầu làng trông quan”.

Vì thế, bất cứ nguy cơ kinh tế, xã hội nào cũng sẵn sàng tạo ra chiến tranh và bạo lực. Tại vùng trung tâm của châu thổ sông Hồng, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định là các khu vực dân đông, dễ ngập lụt. Sau các đợt vỡ đê và mất mùa liên tiếp từ 1824 đến 1826, dân lưu tán đổ dồn xuống vùng Đông Nam châu thổ, trong đó có duyên hải Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, nơi hình thành cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành.

Có lúc đông đến 5.000 người cùng hàng trăm ghe thuyền, đây là cuộc nổi dậy lớn nhất của các cư dân châu thổ giữa các năm 1802 và 1860. Minh Mạng đã phải dốc toàn lực cho cuộc đàn áp này và sau đó cùng với Nguyễn Công Trứ, buộc phải tiến hành các thử nghiệm kinh tế-xã hội, di dân, khai hoang, xác lập lưu dân nhằm xoa dịu và ổn định tình hình.

Mối quan hệ căng thẳng giữa quan lại và dân chúng chính là nguyên nhân thường trực của xung đột xã hội. Mùa hè năm 1834, Bố chính Bắc Ninh (tương đương giám đốc sở tài chính) Nguyễn Khắc Hài, đi khám đê Đông Ngàn thì bỗng gặp bọn giặc xông đến chặn đánh. Những người theo hầu hoặc chết, hoặc bị thương. Hài lùi vào làng Đông Xá. Người làng ấy đóng cổng làng không cho vào nên Hài bị giặc giết chết (Đại Nam Thực Lục).

Việc một viên quan chánh tam phẩm của triều đình bị giặc cướp truy giết, dân làng không những không cứu giúp mà còn đóng cửa làm ngơ cho thấy phần nào bức tranh quan hệ giữa nhà nước và làng xã trong một thế giới đầy những biến động mà mâu thuẫn này. Minh Mạng vừa ngạc nhiên, vừa tức giận. 

Sau sự kiện này, 20 người, trong đó có những người giữ cổng làng đã bị giết, tuy nhiên đó chắc chắn chưa phải là lần cuối cùng các làng xã thách thức quyền lực của nhà nước ở Huế.

Một góc khác của xung đột và chiến tranh đến từ chính sách tập quyền hóa của triều Nguyễn. Minh Mạng có tham vọng thiết lập hệ thống chính quyền thống nhất và lãnh thổ kiểm soát trực tiếp từ Huế. Ông xóa bỏ sự phân tán và không thống nhất của bộ máy hành chính Gia Long, thay bằng thể chế các tỉnh.

Vào năm 1832, cả nước có 31 tỉnh. Ông thay thế chế độ tù trưởng thế tập bằng quan lại từ miền xuôi cử lên. Tiến hành đo đạc ruộng đất, thống kê nhân khẩu, xác lập lại thuế khóa. Điều này mở đầu cho một loạt cuộc nổi dậy khác từ vùng thiểu số phía Bắc, tiêu biểu là Nông Văn Vân (1833-1835).

Tập hợp tới 5-7 ngàn người, bao gồm cả phu mỏ người Hoa, người dân tộc thiểu số và người Việt, quân nổi dậy tấn công xuống vùng đồng bằng, bao vây Thái Nguyên và liên lạc với các nhóm thiểu số khác dọc theo phía Tây châu thổ, khiến nhà Nguyễn vất vả 3 năm mới dập tắt được. Tiếp sau Nông Văn Vân còn nhiều nhóm khác chống lại các nỗ lực của Huế nhằm bảo tồn quyền lực tự trị và địa phương của mình.

Những câu chuyện này không có mong muốn gì hơn là làm đa dạng cách hiểu của chúng ta về bức tranh xung đột và chiến tranh của người Việt Nam trong quá khứ. 

Ông cha đã không chỉ chiến đấu với bên ngoài để bảo tồn giá trị Việt Nam mà còn là cuộc đấu tranh vật lộn giữa các xu thế chính trị, quyền lực, xung đột xã hội và sắc tộc để tìm kiếm không gian, bản sắc và sự định hình của nước Việt Nam. Các cuộc xung đột này cho thấy gian nan của người Việt trong việc xác lập nên hình hài của nước Việt Nam hiện đại.

Qua quá trình đầy mất mát này mà nước Việt Nam hiện đại đã ra đời. Dù đó là góc nhìn của nhà nước từ trên xuống, hay góc nhìn tự trị của những người dân làng Đông Xá, hay Nông Văn Vân, tất cả đã trở thành một phần của quá khứ hào hùng, bi tráng của nước Việt Nam. Vị trí và tiếng nói của họ trong lịch sử vì thế cần phải được lắng nghe và trân trọng.

Vũ Đức Liêm
.
.