Những dòng lịch sử chiến tranh

Thứ Bảy, 20/07/2019, 11:25
Trước nay lịch sử chiến tranh ở Việt Nam chủ yếu được viết theo khía cạnh đó là một lịch sử chiến đấu để chống lại ngoại bang. 

Các sách giáo khoa phổ thông hay các giáo trình dạy môn Lịch sử ít đề cập đến lịch sử nội chiến ở Việt Nam trong quá khứ. Đó là những trang sử đau thương, và có lẽ nhiều người muốn quên đi vì tính chất tiêu cực của nó.

Song cũng có những trang sử nội chiến đã được sử dụng để minh họa cho các cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Cuộc nội chiến đầu tiên có thể kể đến là "loạn 12 sứ quân" trong thế kỷ X.

Kết quả nghiên cứu mới nhất cho thấy, dù số lực lượng quân sự có thể lớn hơn con số mười hai kia, thì quá trình Đinh Bộ Lĩnh tiêu diệt các sứ quân đó, thực chất vẫn nằm trong phạm vi của một cuộc nội chiến. Đinh Bộ Lĩnh là người đã chống lại nhà Ngô trong 15-17 năm (từ 950-đến 965-967). Cuộc chiến tại Hoa Lư năm 950 giữa họ Đinh và hai vua Ngô là một cuộc chiến tranh nội bộ.

Đến năm 965, khi Ngô Xương Văn chết, Tham tá Ngô Xử Bình đem thi hài vua về đảo chính ở Cổ Loa, gây nên tình trạng nội chiến thực sự vào giai đoạn này. Khi 500 con cháu nhà Ngô phải chạy khỏi Cổ Loa, các thứ sử nhà Ngô đã tiến đánh Ngô Xử Bình và Đinh Bộ Lĩnh.

Năm 967, liên minh Đinh - Trần tiêu diệt Đỗ Cảnh Thạc cùng con cháu nhà Ngô ở trận Ô Man và trận Đỗ Động Giang.  Từ đó trở đi, Ngô Xử Bình cùng 8/10 thứ sử nhà Ngô lần lượt đã bị họ Đinh tiêu diệt. Toàn bộ quá trình động loạn xã hội cuối thời Ngô có lẽ không phải từ cái "loạn 12 sứ quân" (được nhìn từ phe chiến thắng viết sử), mà cần nhìn từ góc độ: các thế lực chính trị dùng bạo lực quân sự để tranh giành quyền lực. Đó là cuộc nội chiến lớn đầu tiên trong lịch sử thế kỷ X.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư, Ninh Bình.

Từ góc độ "giống nòi", Phan Bội Châu là sử gia đầu tiên cho rằng, Đinh Bộ Lĩnh chiếm vị trí thứ yếu, sau cả Ngô Quyền lẫn Lê Hoàn. Ông quan niệm rằng, dù Đinh Bộ Lĩnh hay bất kỳ ai trong số các sứ quân giành chiến thắng thì đất nước này vẫn là đất nước của người Việt.

Trong khi đó, Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng trước quân Nam Hán là "ông tổ trung hưng thứ nhất của dân tộc", và chiến thắng của Lê Hoàn là một chiến thắng quan trọng hàng đầu trong thế kỷ X, vì đó là chiến thắng đầu tiên trước nhà Tống - một đế chế của toàn cõi Hoa Hạ rộng lớn và thống nhất. Như thế, dù không hiển ngôn, Phan Bội Châu cho rằng, cuộc chiến của Đinh Bộ Lĩnh là mang tính chất của một cuộc nội chiến.

Cứ theo góc nhìn như vậy, thì lịch sử Việt Nam có hàng loạt những cuộc nội chiến khác đã từng diễn ra, chủ yếu trong quá trình "đổi vạc" giữa các triều đại, hoặc trong quá trình tranh chấp quyền lực giữa những nhóm người khác nhau. Lê Hoàn tiêu diệt các thứ sử nhà Đinh để lên ngôi Hoàng đế.  Hồ Quý Ly tiêu diệt các cuộc "nổi dậy" của tông thất nhà Trần.

Cuộc chiến cung đình giữa các thế lực Lê Tương Dực - Lê Uy Mục - Lê Chiêu Tông làm xuất hiện thêm nhiều nội chiến khác giữa các nhóm quyền lực. Mạc Đăng Dung tiêu diệt các vua Lê, lên ngôi vua khiến cho phong trào "phù Lê diệt Mạc" dìm trong bể máu.

Cuộc giằng co Lê- Mạc diễn ra trên dưới 70 năm, được gọi là giai đoạn Nam- Bắc triều hay nội chiến Lê - Mạc. Từ cuộc chiến Lê - Mạc, những thủ lĩnh phù Lê như Nguyễn Kim - Trịnh Kiểm- Vũ Văn Mật xuất hiện và biến lướt.  Đến khi nhà Mạc bị tiêu diệt, vua Lê quay lại nắm quyền, mở ra giai đoạn Lê trung hưng, thì các họ Trịnh họ Nguyễn lại tiếp tục tạo nên cuộc phân chia Nam - Bắc, và cuộc nội chiến dai dẳng qua hơn hai trăm năm giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Thế kỷ 17, Trịnh - Nguyễn đã có 7 cuộc đại chiến (1627, 1633, 1643, 1648, 1655-1660, 1661-1662, 1672). Một thế kỷ chiến tranh khiến cả hai đều nhận ra rằng "hưu binh" là có lợi cho cả hai phía. Và bản đồ phân mảnh này chỉ bị xóa, khi nội bộ một bên lục đục.

Từ năm 1765 trở đi, Trương Phúc Loan lũng đoạn triều đình họ Nguyễn, thuế má nặng nề, khiến quân Tây Sơn nổi lên vào năm 1771. Sự xuất hiện của Tây Sơn khiến cho cục diện nội chiến biến đổi liên tục. Anh em Nguyễn Nhạc dựng cờ nghĩa với khẩu hiệu "lấy của người giàu chia cho người nghèo" để thu phục nhân tâm. Khi chiếm xong Quy Nhơn, họ nêu cao khẩu hiệu "diệt Trương phù Nguyễn".

Quân Trịnh do Hoàng Ngũ Phúc sau khi lấy danh "diệt Trương giúp Nguyễn" tiến vào Đàng Trong thì chuyển sang chủ trương "diệt Tây Sơn giúp Nguyễn" đã vào  Phú Xuân tiêu diệt họ Nguyễn.

Nguyễn Phúc Thuần bỏ chạy vào Quảng Nam. Tây Sơn tranh thủ ra đánh bồi, khiến Phúc Thuần thua chạy vào Gia Định. Đến khi Nguyễn Phúc Dương trốn chạy khỏi bàn tay Tây Sơn (để thoát khỏi tình trạng con tin chính thống), thì ông hoàng này cũng bị Tây Sơn tiêu diệt. Lần đầu tiên sau 200 năm, quân Bắc Hà mới chinh phục được Nam Hà.

Tây Sơn thắng Nguyễn, nhưng lại thua Hoàng Ngũ Phúc, phải chạy về Quy Nhơn. Tây Sơn thấy gió đổi chiều liền quay sang hàng Trịnh, xin làm quân tiên phong để giúp tập đoàn Trịnh tiêu diệt nốt nhà Nguyễn.  Rồi sau đó, Tây Sơn lấn lướt "diệt Trịnh phù Lê", và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn "diệt Lê lập quốc". (Xem thêm George Dutton, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn - The Tây Sơn Uprising, Nxb Tổng hợp TP HCM, 2019) Bàn cờ chính trị của ba nhà Lê-Trịnh- Nguyễn đã chuyển sang một lực lượng mới đầy năng động.

Nhưng chính lúc này, Nguyễn Ánh đã trở lại và dần lớn mạnh. Cuộc nội chiến không chỉ diễn ra giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn, giữa bên cần vương của nhà Lê với nhà Tây Sơn, mà còn trong nội bộ giữa ba anh em họ Nguyễn gốc Hồ, hay trong nội bộ hàng ngũ của Nguyễn Huệ.

Cổng vào cố đô Hoa Lư.

Nguyễn Huệ hãm thành khiến Nguyễn Nhạc phải kêu khóc, cũng giống như sau này Quang Toản dìm chết ông anh con bác Nguyễn Bảo để tập trung quyền lực cho mình và các bề tôi phe mình. Khi những thủ lĩnh/ ông vua "lưng ngựa" đã chết, những công thần Tây Sơn lại quay sang đánh giết lẫn nhau, tạo đà cho thế lực Nguyễn Ánh tràn lướt từ nam ra bắc. Có thể nói, chiến thắng của Nguyễn Ánh trước nhà Tây Sơn đã kết thúc giai đoạn 30 năm nội chiến hỗn loạn.

Vậy là, họ Trịnh vượt qua Đèo Ngang và Sông Gianh vào năm 1774, thì đến năm 1786 họ Trịnh bị Tây Sơn tiêu diệt. Nếu như sự càn lướt của nhà Tây Sơn có tác dụng xóa bỏ bản đồ 2 chúa 1 vua thời Lê - Trịnh - Nguyễn, thì sự chiến thắng của Nguyễn Ánh có tác dụng chấm dứt 30 năm nội chiến, chấm dứt hơn 200 năm phân rẽ bắc nam, và mở ra giai đoạn "đại nhất thống" của quyền lực trên mảnh đất lần đầu tiên ghép đủ hình chữ S.

Nhưng Nguyễn Ánh cũng giống như Đinh Bộ Lĩnh, chỉ thống nhất được quyền lực trong phạm vi nội bộ quốc gia, thì ngược lại Nguyễn Huệ lại từng đánh bại hai thế lực ngoại xâm ở hai đầu đất nước: quân Xiêm và quân Thanh.

Dù rằng, quân Xiêm là viện binh - đồng minh của Nguyễn Ánh, hay quân Thanh là viện binh trá hình, thì việc đánh bại hai loại viện binh này không giúp cho Nguyễn Huệ tránh được việc phải đối đầu với các lực lượng khác trong nước. Chính cái chết của ông đã khiến cho cuộc chiến với Nguyễn Ánh dang dở, và sự lục đục, thanh trừng, chém giết lẫn nhau trong nội bộ nhà Tây Sơn là cơ hội cho Nguyễn Ánh làm nên chiến thắng.

Những phác thảo sơ lược trên cho thấy, nội chiến (hay bạo lực quân sự giữa các phe nhóm chính trị) vừa là công cụ để "chia sớt" quyền lực - vật lực - và danh lợi, lại vừa là động năng để thâu tóm quyền hành và thống nhất lãnh thổ. Nội chiến dù sao đi nữa vẫn là một hiện tượng "nồi da xáo thịt", và đó chính là cái cớ cho những cuộc xâm lăng của ngoại bang. Lê Hoàn diệt Đinh khiến nhà Tống cất quân. Họ Hồ diệt Trần khiến quân Minh xâm lược. Tây Sơn giết Lê, khiến nhà Thanh xuất mã. Đấy là bài học lịch sử cho những màn nội chiến.

Hoặc như, nội chiến Lê - Mạc, nội chiến Trịnh - Nguyễn, các triều đại Trung Hoa cho thấy họ đã cố tình kéo dài sự phân mảnh quyền lực của Đại Việt, để dễ bề thao túng và điều khiển các nhóm quyền lợi. Đây là một bài học khác mà cho đến nay vẫn còn giá trị tham khảo. Bài này mới chỉ giới thiệu chung về nội chiến, còn các loại hình chiến tranh khác xin được đề cập đến ở bài sau.

Trần Trọng Dương
.
.