Nhật Bản mơ mãi “giấc mơ châu Phi”

Chủ Nhật, 18/12/2016, 22:27
Dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản tìm cách tăng cường vị thế toàn cầu của mình, trong đó châu Phi được coi là “miền đất hứa” mà ông Abe đặt nhiều kỳ vọng. Nhiều năm qua, chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại châu Phi xoay quanh các dự án hỗ trợ phát triển - một hình thức sử dụng sức mạnh mềm của nước này.

Chính quyền Abe đang góp phần “làm màu mỡ” nhiều mảnh đất cằn cỗi khắp châu Phi thông qua các hình thức viện trợ. Mặc dù tham gia vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại châu Phi khá muộn, nhưng Nhật Bản đang cố gắng tạo ra sự khác biệt nổi trội đối với các đối thủ khác, đặc biệt là Trung Quốc, thông qua chất lượng các khoản đầu tư và đã giành được thắng lợi quan trọng ban đầu.

Quyết tâm xoay trục

Kể từ khi được thành lập cách đây hơn 20 năm (dưới sự dẫn dắt của Nhật Bản), Diễn đàn hợp tác phát triển Nhật Bản - châu Phi (TICAD) luôn được tổ chức tại Tokyo. 

Tuy nhiên, TICAD 2016 (lần thứ 6) - nơi Nhật Bản thể hiện vai trò lãnh đạo đối với các nước của “lục địa đen”, cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc - đã được tổ chức tại Nairobi (Kenya) với sự tham gia của lãnh đạo hơn 30 nước châu Phi cùng nhiều nhà lãnh đạo của các tổ chức phát triển quốc tế.

Tại đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố cam kết sẽ hỗ trợ 30 tỷ USD từ nguồn vốn chính phủ và tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi - cam kết lớn nhất trong lịch sử các kỳ họp của TICAD.

Ông Abe và nhiều lãnh đạo các quốc gia châu Phi cũng đã thảo luận về các giải pháp đa dạng hóa nền kinh tế “lục địa đen”, hướng tới công nghiệp hóa, tạo việc làm, cải thiện y tế và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố.

TICAD lần thứ 6 diễn ra tại thời điểm nhiều quốc gia châu Phi đang đối mặt với những thách thức kinh tế khắc nghiệt nhất trong vòng nhiều năm qua. Quỹ Tiền tệ quốc tế dự đoán, mức tăng trưởng của tiểu vùng Sahara châu Phi sẽ giảm xuống còn 1,6% trong năm nay (từ mức 3,5% trong năm 2015).

Từ thực tế này, ông Shinzo Abe cho rằng Tokyo cần đẩy mạnh hợp tác với châu Phi, vực dậy một lục địa nghèo đói, hướng tới việc hiện thực hóa “giấc mơ châu Phi”. Theo nhà lãnh đạo “xứ sở mặt trời mọc”, Nhật Bản đang hướng tới việc thực hiện mục tiêu đó thông qua việc chuyển giao công nghệ cao cũng như phát triển nguồn lực. 

“Công nghệ cao và phát triển nguồn lực sẽ được cải thiện, từ đó sẽ nâng cao chất lượng sống của người dân”, ông Abe nhấn mạnh.

Thủ tướng Abe cho biết, chìa khóa để phát triển kinh tế chính là công nghiệp hóa. Hiện châu Phi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực công nghiệp, do đó ông hy vọng việc chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp giải quyết được vấn đề, đồng thời nói rằng TICAD tại Nairobi sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa Nhật Bản và châu Phi.

Trên thực tế, TICAD nhiều năm qua đã trở thành một đầu mối quan trọng cho sự phát triển của châu Phi. Kể từ khi được hình thành, TICAD đã là một diễn đàn quan trọng cho việc thảo luận các thông tin xung quanh vấn đề phát triển “lục địa đen” giữa châu Phi và Nhật Bản.

TICAD là một cơ hội để châu Phi thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Trong khi đó, Tokyo cho rằng thông qua hội nghị TICAD, Nhật Bản sẽ tăng cường vị thế tại thị trường châu Phi, nhất là để cạnh tranh và vượt qua đối thủ Trung Quốc.
Tại TICAD 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố cam kết sẽ hỗ trợ 30 tỷ USD từ nguồn vốn chính phủ và tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi.

Nhờ những chính sách phù hợp của chính quyền Abe, quan hệ Nhật Bản và châu Phi đang có nhiều bước tiến đáng kể. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động tại “lục địa đen” đã tăng gấp đôi, từ 333 (năm 1993) lên 687 (2015).

Năm 2015, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Nhật Bản và châu Phi đạt 24 tỷ USD. Tầm quan trọng của châu Phi đã nâng cao vị thế của Nhật Bản trong nền chính trị khu vực và thế giới. 

Thủ tướng Abe từng nhận định, các quốc gia châu Phi đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với Nhật Bản, bởi việc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thể thiếu sự ủng hộ của các nước châu Phi, góp phần hoàn thành giấc mơ dài mà Nhật Bản đang ấp ủ - trở thành Ủy viên thường trực.

Để hướng tới mục tiêu này, Nhật Bản đã cải thiện quan hệ với các quốc gia châu Phi. Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa đưa ra kế hoạch cử phái đoàn ngoại giao tại Liên minh châu Phi (AU) và bổ nhiệm một đại sứ tại đây.

Kiềm chế đối thủ

Kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe đã nâng cao đáng kể vị thế của châu Phi trong chiến lược ngoại giao toàn cầu của mình. Thời gian gần đây, Nhật Bản có nhiều động thái xoay trục mạnh mẽ sang châu Phi. Dưới “cái bóng” ảnh hưởng và quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết tâm đưa “cuộc chiến viện trợ” tới châu Phi.

Vì vậy, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ triển khai chiến lược ngoại giao linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tỉ trọng của Nhật trong thị trường tài nguyên châu Phi, vốn đang là “sân nhà” của Trung Quốc. Chính quyền Abe muốn đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc để giải cứu “mảnh đất màu mỡ” mà Bắc Kinh ồ ạt rót tiền đầu tư, tiêu thụ hàng hóa và lấy đi những tài nguyên quý giá nhất.

Trên thực tế, Tokyo đã điều chỉnh để TICAD lần thứ 6 được diễn ra sớm hơn 2 năm so với lịch trình, nhằm tránh bị ngắt quãng trong việc bảo đảm ảnh hưởng của Nhật và kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt khi Bắc Kinh bành trướng mạnh mẽ thế lực cả về kinh tế và ngoại giao. 

Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang hoạt động tại “lục địa đen” đã tăng gấp đôi, từ 333 (năm 1993) lên 687 (năm 2015).

TICAD là cơ hội quan trọng để Nhật Bản bành trướng tầm ảnh hưởng đối với các nước châu Phi và tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú cùng thị trường tiềm năng ở lục địa này.

Theo đó, ông Shinzo Abe đề cập đến chính sách viện trợ cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, “tạo bước đệm” để các khoản đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản rót vào mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở y tế. Bên cạnh đó, chính quyền Abe sẽ tham dự tích cực vào cuộc cải cách cơ cấu kinh tế châu Phi, giúp Tokyo thâm nhập sâu vào nền kinh tế “lục địa đen” và ảnh hưởng được tới chính sách của quốc gia trong khu vực.

Trong quá khứ, các thủ tướng Nhật rất ít khi công du châu Phi bởi nước này không hào hứng với “lục địa đen”. Người Nhật đầu tư mạnh vào châu Phi trong thập niên 1990 nhưng đa phần không thu được lợi nhuận, khiến “cơn sốt” nhanh chóng giảm nhiệt. 

Phía Trung Quốc mỉa mai rằng, Tokyo giờ đây chỉ muốn chèo kéo các nước châu Phi nhằm đạt được sự ủng hộ trong nỗ lực đưa Nhật thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nhiều học giả Bắc Kinh nhận định, chiến lược ngoại giao của Nhật tại châu Phi mang đậm tính toán làm ăn, ví dụ như tặng xe đã qua sử dụng cho châu Phi nhưng sẽ kiếm tiền lại bằng cách bán phụ tùng và duy tu. Vì thế, các nước châu Phi sẽ không “bị cướp mất” khỏi tay Trung Quốc chỉ vì viện trợ của Nhật. Việc Tokyo muốn phân cao thấp với Bắc Kinh tại châu Phi đúng là “giấc mộng nước lớn” rất phi thực tế.

Tokyo đã quyết tâm trở lại châu Phi khi chứng kiến sự bành trướng của Bắc Kinh trong thế kỷ mới. Việc nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc khiến Nhật Bản mở rộng đầu tư để bắt kịp và vượt nước này tại châu Phi. 

Thủ tướng Shinzo Abe đã làm sâu sắc thêm “sự tương phản” giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở châu Phi bằng lời phát biểu rằng Nhật Bản có trách nhiệm “thúc đẩy giá trị của tự do, giá trị của pháp luật và kinh tế thị trường mà không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực”.

Trên thực tế, sự phát triển của châu Phi có ý nghĩa quan trọng cho sự phục hồi kinh tế Nhật Bản, cũng như đem lại nhiều lợi ích về chính trị và an ninh. Nhật Bản còn muốn mở rộng mạng lưới ngoại giao thông qua kế hoạch thành lập cơ quan ngoại giao và bổ nhiệm đại sứ tại Liên minh châu Phi (AU), cũng như thành lập thêm hai đại sứ quán, nâng tổng số đại sứ quán của Nhật Bản tại châu Phi lên 36.

Giờ đây, chính quyền Shinzo Abe luôn mong muốn chứng minh thiện chí của Nhật Bản tại châu Phi. Tuy nhiên, nỗ lực từ các dự án hỗ trợ phát triển có thực sự mang lại hiệu quả hay nâng cao nhận thức của người dân châu Phi về Nhật Bản lại là một thách thức. Một tín hiệu khả quan là đa phần người dân đánh giá các dự án hỗ trợ của Nhật Bản có chất lượng tốt và thiết thực trong cuộc sống.

Dù khá “mạnh tay” trong các cam kết hỗ trợ nhưng Chính phủ Nhật Bản cần kết hợp tốt giữa việc triển khai dự án và xây dựng thương hiệu quốc gia, tác động tới nhận thức của người dân nước tiếp nhận. Có lẽ, mọi nỗ lực sẽ trở thành uổng phí nếu như chỉ số ít người dân châu Phi biết về những gì mà các nhà tài trợ hào phóng từ Tokyo đang làm…

Việt Dũng
.
.