Hơi ấm ở Lục Địa Đen

Thứ Bảy, 20/06/2015, 05:32
Rừng Kruger, Nam Phi, rồi rừng Mô Dăm Bích, rồi tưng bừng Mũi Hảo Vọng “mỗi bước chân chạm đến một đại dương”, tôi cứ đi mà đôi lúc lơ mơ không hiểu sao số phận lại đem mình đến những nơi ấy. Rừng châu Phi lạnh thì rất lạnh, mà nắng thì như đổ lửa. Nghe nói, đang nắng chan chan ban ngày, đêm lại căm căm giá buốt đã khiến các hòn đá tròn trên rừng xavan nứt toác, nổ tung.

Còn nhớ, năm ấy, khi lần đầu tiên sang Nam Phi, ấn tượng của tôi về rừng châu Phi, chỉ có y hệt bối cảnh trong phim Đến thượng đế cũng phải cười. Ấy là những cảnh rừng trảng cỏ khô khốc. Có hươu cao cổ thơ ngộ, có tê giác “lính cứu hỏa” luôn cần mẫn dập bất cứ đám lửa nào mà nó trông thấy. Có người đàn ông gương mặt ngẩn ngơ, nhìn không nhịn được cười. Anh ta mặc cái quần xà lỏn kiểu đóng khố, đi lớ ngớ trong rừng, tay cầm cái chai “vật bất hòa”, miệng lẩm bẩm rằng, ta phải đi vứt bỏ nó ở một nơi cuối đất cùng trời. Còn bây giờ, ngồi cách Kruger ngót nửa vòng trái đất, tôi lại đang cảm nhận rõ hơn bao giờ hết về hơi ấm của tình bạn, bất kể màu da, quốc tịch, nghề nghiệp hay giới tính.

Có cô sinh viên da đen bóng, người từ Mô Dăm Bích sang thực tập, cô đi rừng và say sưa kể về bộ tộc của mình, rồi giữa bữa tiệc núi, em vén khoang cổ, vén bắp chân và hai cẳng tay cho tôi xem, “khắp người tớ xăm toàn hình lá cây, loài người đều đi ra từ rừng mà cậu”. Cô bôi thứ dầu bóng trơn nhẫy lên (ít ra là) khắp các vùng da mà người giao tiếp có thể nhìn thấy, “ở quê, đứa nào muốn cưới tớ, phải trả cho bố mẹ tớ 300 con bò”. Cô nói cái từ “cow” (bò) đầy tự hào.

Vẻ như, từ bấy, con bò dẫn cưới trong mắt tôi đẹp hơn cả những đồng bạc trắng hoa xòe của hồi môn nơi cuối trời Tây Bắc. Lại những cô gái tóc vàng, mắt xanh như nước Đại Tây Dương. Họ yêu thiên nhiên như yêu chính da thịt mình vậy. Eveline đến từ Hà Lan, cô lái chiếc xe Ford Ranger hầm hố, bốn bề vẽ những con tê giác khổng lồ, từng thớ da nó lồi gồ lên như giáp trụ của chiến tướng thời Tam Quốc.

Ca sĩ Hồng Nhung bên một con tê giác bị giết hại.

Trước xe, cô cắm một cái sừng tê giác bằng nhựa đỏ ối, trông nó cong khuyết như một cái hình “con nòng nọc” âm dương ngũ hành. Người Hà Lan lãng tử phong trần nhất thế giới, những thương thuyền của họ đi khắp địa cầu trong thời thực dân khai thác thuộc địa.

Ở Mũi Hảo Vọng, Nam Phi, có truyền thuyết “Người Hà Lan bay” đầy ma quái, nói về những thủy thủ kiêu dũng, bị lạc trong vùng nước và không khí đặc quánh luẩn quẩn, họ giong thuyền, gào thét, cầu Chúa, cứ thế đi hết cả kiếp phận mình mà vẫn chưa ra khỏi Mũi Bão Tố. Đô thị đầu tiên ở cực Nam châu Phi, cũng là do người Hà Lan nhóm tụ. Và, Eveline tự hào: tớ là người Hà Lan, gia đình tớ sang đây từ 200 năm trước, cậu ạ.

Nói xin lỗi các bác giao thông Việt Nam, cô bạn người Nam Phi gốc Hà Lan của tôi toàn lái xe buông hai tay để “body language” (nói với bổ trợ của ngôn ngữ cơ thể). Bởi tôi và danh hài Xuân Bắc nói tiếng Anh chỉ tạm đủ dùng, còn nàng mắt xanh như nước biển thì có thói quen diễn thuyết là phải múa.

Cũng có thể, cô muốn ngoái lại để khoe đôi hàm răng trắng như ngô nếp non. Cao 1m92, qua những con đèo mênh mông bể sở, rừng mượt như tóc thiếu nữ, sáu bảy trăm cây số liền tù lì, toàn Eveline lái xe (tay lái nghịch). Cô không cho người khác trợ giúp tí nào, cứ phăm phăm nói và vun vút lao đi. 

Cô nói về tê giác và cuộc chiến tranh tê giác với những cái sừng có giá chợ đen 50.000 USD một cách say sưa và buồn bã. Cô không lấy chồng, mối tình với chàng da trắng để lại một đứa con trai đẹp như tranh vẽ. Cô bảo đang yêu một anh da đen nữa, có thể đứa con thứ hai sẽ bổ sung thêm một màu da vào quá trình thực hiện thiên chức làm mẹ của Eveline thương mến. Cô đeo súng, đi trong rừng, cô thì thào tha thiết khi gặp một bầy sư tử đực 40 con, cô ngẩn tò te nhìn con tê giác dắt theo đứa con lũn cũn ra bờ suối uống nước, trong khi con báo hoa ngồi ngửa cổ ngắm bình yên. Eveline bảo, “cô báo hoa” eo thon quyến rũ như một thiếu phụ vừa qua một lần sinh nở.

Sau chuyến đi Nam Phi đầu tiên, giữa rừng Kruger mang tên vị Tổng thống Nam Phi ấy, danh hài Xuân Bắc đã được vinh danh là Đại sứ bảo vệ tê giác; còn tôi, năm lại năm, suốt bao ngày bận rộn ngược xuôi với người khắp năm châu bốn biển, với các dự án “chặn đứng nạn tàn sát tê giác và các loài hoang thú từ… Việt Nam”. Đôi lúc nghĩ, ai đã thổi vào chúng tôi ngọn lửa đam mê với giới tự nhiên châu Phi ngần ấy. Có lẽ là Eveline. À, có lẽ cả Andrew Peterson nữa chứ.

Tấm ảnh chụp máy bay kiểm lâm châu Phi, bên dưới là xác con tê giác khổng lồ, máu loang trên cát suối.

Anh chàng Andrew tính nóng như lửa, thẳng như ruột ngựa, nhìn thấy anh ta là đinh tai nhức óc. Cao 1m90, cũng gốc Hà Lan sang từ thời khai thác thuộc địa. Vốn rất thành đạt trong ngành kinh doanh tài chính, bỗng dưng, sau một lần vào rừng châu Phi du lịch, xách súng lớn, đeo những băng đạn vàng óng giắt chéo ngực và viền quanh thắt lưng quần đi để bảo vệ gia đình, tự dưng Andrew thấy mình run rẩy hạnh phúc. Anh ta bỏ sự nghiệp để vào với rừng và thứ hạnh phúc vừa được đất trời khai mở ấy. Hàng chục năm làm bảo tồn, có đôi lần phải nổ súng giết con vật ngang ngạnh muốn tấn công người, còn lại, với anh ta, rừng châu Phi chỉ là một sự dịu dàng bất tận.

Các vùng (cỏ) xavan mượt như lông thú, trực thăng sắp đáp xuống bờ suối, xavan nghiêng ngả, như có ai đó đang bới lông bắt bọ, rệp cho con vật khổng lồ đang lũn cũn nũng nịu kia. Lũ hươu cao cổ lật khật bỏ chạy, cả cánh rừng loang lổ, vàng ươm như được bọc nhung ấm. Dáng của con vật cao kều cứ uyển chuyển như vũ nữ.

Vừa chạy có đôi ngẩn tò te dừng lại, xoắn hai cái cổ dài thượt vào nhau, ai đó hô lên, trông mới giống đôi chân xoắn quẩy của nàng O-li-vơ người yêu thủy thủ Pa-pai không kìa! Andrew bắt tôi và những người lắm mồm như Xuân Bắc rồi diva Hồng Nhung phải im lặng ba tiếng đồng hồ. 

Tay này mê gái nhưng rất nóng tính, đẹp như Hồng Nhung mà vi phạm nguyên tắc “học nói trước khi học im lặng” của người đi rừng và của mafia thì cũng vẫn bị mắng té tát như thường. Im lặng, bước đi đều, chân người sau dẫm đúng vào vết chân người trước, mãnh thú nhe nanh, chổng sừng nhọn tấn công vèo vèo cũng cấm được chạy, chạy là chết. Đứng yên, đã có các họng súng lớn bảo vệ loài vật ưu tú nhất địa cầu (con người)… “Đó là nguyên tắc đi bộ trong rừng châu Phi”, giọng Andrew đăm đắm, mải miết, chỉ cần nghe phong thanh cái “giai điệu nói” (chưa cần hiểu) đã thấy anh ta yêu muông thú và các vấn đề của rừng già đến mức nào. 

Anh ta yêu cầu cả nghìn kiểm lâm Kruger, cái rừng rộng 2 triệu héc-ta (gấp 100 lần Vườn Quốc gia Cúc Phương của Việt Nam), được bảo tồn từ năm 1898 (đã 117 năm!) ấy phải giữ gìn tất cả những cái cây đã chết nguyên trạng.

Anh ta chỉ cho chúng tôi từng vệt tì cọ lưng trong mỗi hoàng hôn của loài tê giác. Bọn chúng cọ quẹt đến mức bóng nhoáng, mòn vẹt các cây cổ thụ đã chết. Anh ta chỉ từng con sư tử cái nghe có “biến động” cắp con vào rừng lẩn trốn mấy năm trời ra sao. Anh ta cũng lại bắt các kiểm lâm da đen phải giữ tuyệt đối nguyên bản các cái hố xí của tê giác ăn hạt (phân nó khác) và tê giác ăn lá. Hóa ra, lãnh địa sở hữu con cái của tê giác đực thật mênh mông, và chàng ta đánh dấu “quyền lực” rộng lớn của mình bằng cách… rải phân tứ xứ.

Andrew yêu bảo tồn đến mức nào? -  có lần tôi với một đồng chí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam, người cùng tôi “đi sứ” Nam Phi, đã tranh luận. Anh ta bỏ giàu sang, với cuộc sống lên xe xuống ngựa để vào rừng già sống như “lâm tặc”. Anh ta đến Việt Nam, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Môi trường, Công an Hà Nội (chả là đồng chí phó phòng đi Nam Phi với chúng tôi) mời “Ha Noi bia hơi” một trận nhớ đời. Andrew lơ lớ học tiếng Việt rất nhanh. Uống ngất ngưởng, anh ta như con hươu cao cổ đứng giữa rừng bạn bè Hà Nội, rồi từ từ rút trong ba lô ra một cái sừng tê giác đỏ chót, một cái nữa xanh lè. Thế là đổ bia vào đó, cụng ly, uống túy lúy, cười rổn rảng. Anh ta yêu nghề đến mức, nỉ non bằng được, gạ tôi và Hồng Nhung, “mày về Việt Nam nhớ cắm cái sừng tê giác vào mũi hoặc nóc xe ôtô nhé.

Tùy theo sức của mình, cả nhân loại tiến bộ phải chung tay, chứ mỗi ngày trôi qua, ít nhất 3 con tê giác bị giết hại, mày thấy có đau không?”. Có người thấy đau, có người cười khẩy bảo Andrew say bia. Tôi thì tôi hiểu, anh ta sống có lửa trong người, anh muốn cuộc sống của mình không chỉ trôi đi với giá áo túi cơm. Có lần, một hội nghị ở Nam Phi, tôi chứng kiến tất cả quan chức và quan khách cùng cụng ly bằng sừng tê giác to như cái loa kèn đồng. Họ vào vai tê giác, bảo “hãy trả sừng cho tôi”, bảo “mọi ngày đều là ngày của tê giác”. Sau đó họ bảo vệ sư tử và voi. Báo chí Nam Phi gọi chúng tôi là “Những người bạn mới của rừng châu Phi”.

Có lần Andrew và vài người bạn đến Đường Lâm quê tôi, nằm dài trên con đê sông Hồng, khởi đắp từ nghìn năm trước ở Bắc Kỳ, họ vui đến hú hét lên, nhưng rồi, đêm ấy, họ lại đòi đi dò hỏi về nạn sử dụng sừng tê giác và chế tác ngà voi. Sự đam mê, lý tưởng sống của họ là một cái gì đáng học hỏi lắm. Có lần từ Kruger về, đôi lúc, chúng tôi không sao nhớ tên được mấy người bạn da đen đã lăn lộn trong rừng cùng mình, bèn gọi tên “Ông Trăng Sáng”, “Ông Lượn Trực Thăng”.

Có gì đâu, ông này 40 năm giữ rừng châu Phi. Đêm ấy, trăng sáng như ban ngày, chúng tôi mở tiệc nướng giữa rừng, voi từng đàn về chống ngà dài ngắm nhìn khách lạ. Vị cựu kiểm lâm da màu đã khóc: Trước, trăng sáng thế này, vạn vật sum vầy, muông thú rong chơi, tôi có cảm giác nơi đây là một cái vườn địa đàng tuyệt mỹ.

Còn bây giờ, hễ trăng sáng là chỉ lo đi tuần và lo đổ máu, bởi: “Trăng sáng, thợ săn trộm nó bắt đầu xuống tay với voi và tê giác, nhà báo ạ”,  nói rồi ông vuốt nước mắt nhìn trân trối lên giời. Đó là “Ông Trăng Sáng”. Còn “Ông Lượn Trực Thăng”, gã râu chổi xể, người gốc châu Âu, khi chiếc trực thăng màu đỏ của tôi gầm réo trên đỉnh trời, thì ông bảo “Hoàng, máy muốn chụp bức ảnh lạ này không? Tao sẽ bay cao, dưới là máy bay màu xanh của cô Hồng Nhung ca sỹ, dưới nữa là muông thú và xác con tê giác khổng lồ đầy máu loang trên cát suối”.

Dĩ nhiên, tôi và Dũng, quay phim của VTV chỉ muốn nhao sang túm lấy khóm râu chổi xể của hắn để cảm ơn. Chúng tôi lượn như một chiếc lá “tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” mặc cho cô tổng đài chỉ huy đám trực thăng cứ gào lên: “Kevin, mày muốn chết à, hả, hả!?”.

Tử tế với thiên nhiên, với họ, đã như là một thứ tôn giáo.

Đỗ Doãn Hoàng
.
.