Người Pháp chưa hài lòng

Thứ Ba, 27/09/2016, 18:18
Vừa qua, cuốn sách “Những cuộc trò chuyện riêng với Tổng thống” chính thức đến với độc giả Pháp, tập hợp nhiều cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande và các nhà báo kì cựu...

Những trao đổi thẳng thắn của người đứng đầu nhà nước được công bố đã cho thấy cách mà ông đánh giá về nhiệm kỳ của mình trong gần 5 năm qua. Ông Hollande từng thừa nhận làm tổng thổng là một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì ông đã hình dung trước đó. 

Ông tâm sự trong con mắt của nhiều người Pháp, ông chỉ trở thành Tổng thống sau các vụ tấn công khủng bố hồi tháng 1-2015 vào tòa soạn Tạp chí Charlie Hebdo và siêu thị Hyper Cacher.

Có một thực tế đáng buồn là, Tổng thống Hollande vẫn thường xuyên bị chỉ trích là “thiếu quyết đoán” dẫn đến suy yếu quyền lực nhà nước. Trong các cam kết tranh cử, ông đã nhấn mạnh quyết tâm đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp và sau đó đã tuyên bố rằng sẽ không tái tranh cử nếu tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, các kết quả đạt được không đáng kể. 

Về tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn đứng ở mức cao, ông cho rằng đã không gặp may và sai lầm khi ấn định thời hạn cho việc giảm tỷ lệ thất nghiệp. Và theo số liệu thu thập mới nhất, có đến 3/4 dân Pháp đang “rất không hài lòng” hoặc “không hài lòng” với cách điều hành đất nước của ông Hollande.

Hiện tại ảm đạm

Giây phút Francois Hollande chiến thắng, đám đông ủng hộ đã vỡ òa trong điên cuồng vì khẩu hiệu của ông khi ấy vô cùng kích động và lôi cuốn: “Changement, cest maintenant” – “Thay đổi, là bây giờ”. 

Thế nhưng, chính quyền của ông Hollande 5 năm sau đã không làm được nhiều. Cử tri Pháp đã trừng phạt ông Nicolas Sarkozy vì cuộc khủng hoảng kinh tế và những bê bối đời tư nên đương nhiên họ cũng hy vọng nhiều nhất ở ông Hollande ở hai khía cạnh đó, tức là đưa nước Pháp ra khỏi khủng hoảng và thể hiện được vị thế của một tổng thống xứng tầm. 

Nhưng thất vọng là cảm giác chung của người Pháp vào thời điểm này. Cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, có đến 3/4 dân Pháp “rất không hài lòng” hoặc “không hài lòng” với cách điều hành đất nước của ông Hollande.

Ông Francois Hollande có thể tiếp tục tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới nếu nhìn thấy cơ hội chiến thắng, song khẳng định sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị nếu thua cuộc.

Một số nhà quan sát cho rằng dưới sự lèo lái của ông, nước Pháp đang dần cải thiện khi tăng trưởng kinh tế đạt 0,5% trong quý I/2016, tỷ lệ thất nghiệp giảm 1,7%, tương ứng với số người đăng ký tìm việc giảm 62.400 người trong thời gian này. 

Tuy nhiên, đối với các đảng đối lập và người dân Pháp nói chung, bảng thành tích của Tổng thống Hollande không thực sự ấn tượng khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, tăng trưởng không đáng kể, sức cạnh tranh sa sút, thậm chí nước Pháp luôn bị tụt lại phía sau so với các nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tổng thống Hollande đã có nhiều bài phát biểu trên các phương tiện truyền thông nhằm nhấn mạnh những “kết quả tích cực” đạt được trong thời gian cầm quyền. Thế nhưng, ông nhận lại không ít “gạch đá” khi nhiều chính sách bị cho là xa rời mô hình dân chủ - xã hội truyền thống của Pháp và mang hơi hướng của “chủ nghĩa tự do mới”. 

Các chính sách này khiến người dân nghi ngờ và tự hỏi rằng liệu đây là các chính sách do đảng Xã hội - đảng cánh tả đang nắm quyền triển khai hay là chính sách của một đảng cánh hữu. Những lời hứa của ứng cử viên Hollande cách đây 4 năm đều không được thực hiện hoặc quá chậm, rằng những phát biểu của ông trong những ngày qua chỉ nhằm lấy lại niềm tin trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông đang tụt dốc thảm hại.

Sau nhiều năm nắm quyền, chính phủ của ông Hollande vẫn chưa thực sự đảo được chiều đi xuống của kinh tế Pháp. Xét một cách công bằng, sự u ám trên không hoàn toàn đến từ sự yếu kém của chính quyền hiện tại mà là di sản nặng nề từ thời ông Sarkozy. 

Tuy nhiên, điều khiến sự thất vọng với ông Hollande vẫn tăng cao là việc ông chưa tạo được bất cứ sự đột phá nào trong chính sách tạo việc làm. Một số cơ quan mới được lập ra nhằm chống khủng hoảng, như Bộ Tái thúc đẩy sản xuất, cũng hoạt động không hiệu quả.

Thậm chí, chính sách với châu Âu của ông Hollande cũng bị đặt nhiều dấu hỏi. Nước Pháp muốn chọn một lối đi khác với nước Đức, tức ưu tiên cho tăng trưởng và việc làm hơn việc thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên đến lúc này, ông Hollande vẫn chưa thể hiện rõ chính kiến đó với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. 

Nhiều người cho rằng, ông Hollande đang tỏ ra thận trọng đúng mức, nhưng sự mập mờ và thiếu quyết đoán sẽ chỉ càng làm tình hình kinh tế nước Pháp thêm khó khăn bởi các nhà đầu tư không còn nhiều kiên nhẫn.

Dân Pháp trông ngóng sự thay đổi lớn từ Tổng thống Francois Hollande, nhưng họ vẫn chưa được thỏa mãn. Không đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, ông Francois Hollande cũng không quá xuất sắc ở phong cách lãnh đạo. 

Dù diễn ra hàng loạt vụ đình công lớn nhưng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác bỏ việc rút lại luật lao động mới.

Chỉ vì muốn khác với ông Sarkozy “thượng lưu” mà ông Hollande đã tự đặt mình vào một cái vòng luẩn quẩn về cách xử trí, để rồi từ đó dẫn đến những hệ lụy khác trong cách nắm quyền. Có vẻ như Francois Hollande chưa biết cách sử dụng quyền lực, và giống một thủ tướng hơn là một tổng thống. 

Trong cách lãnh đạo của mình, ông Hollande vẫn cố gắng tìm sự thỏa hiệp và chấp nhận sự không rõ ràng, hơn là việc dùng quyền lực rất lớn để “dẫn đường chỉ lối”.

Áp lực đổi thay

Trong một bài phát biểu cuối tháng 8, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố nhờ nỗ lực hết sức đã đạt được những mục tiêu mà đảng Xã hội đã đề ra. Tổng thống Hollande đã khẳng định luôn giữ niềm tin và trung thành với quan điểm của một đảng cánh tả, rằng không phải vì cánh tả cầm quyền nên nước Pháp bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn hiện nay mà chính tình hình đất nước khó khăn đã đưa cánh tả lên nắm quyền.

Ông cũng khéo léo nhắc lại rằng, trước đây đã có những giai đoạn cánh tả khi đang cầm quyền cũng bị chỉ trích mạnh, nhưng theo thời gian các kết quả thu được rất tích cực.

Ông viện dẫn những “dấu ấn đậm nét” đạt được nhờ các chính sách đã triển khai như đầu tư đang dần lấy lại đà, nhà ở xã hội được xây dựng nhiều hơn và nền kinh tế đang ngày càng tạo ra nhiều việc làm. 

Theo ông, trong những năm qua, chưa có nước nào ở châu Âu đạt được những bước tiến đáng kể như vậy. Không thể phủ nhận rằng, chính quyền đương nhiệm cũng “ghi điểm” qua thương vụ lịch sử với việc Pháp giành được hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho Australia. Chính phủ cũng nỗ lực đẩy mạnh các cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, sửa đổi các bộ luật nhằm kích hoạt nền kinh tế.

Vừa qua, chính phủ cũng công bố dự luật lao động sửa đổi nhằm cởi trói cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng người lao động. Luật này trong quá trình chuẩn bị đã không tham khảo ý kiến của công đoàn đại diện cho những người lao động mà Chính phủ Pháp tự soạn thảo và không thông qua quốc hội. 

Thay đổi đáng kể nhất là luật cho phép người lao động làm việc trên 35 giờ so với hiện nay, có thể lên đến 46 giờ (nhưng với các thỏa thuận trả thêm khá hào phóng từ giờ thứ 36 trở đi). Ngoài ra, luật cho phép giới chủ dễ dàng cắt giảm lương, sa thải hoặc thuê mướn người lao động.

Có đến 3/4 dân Pháp “rất không hài lòng” hoặc “không hài lòng” với cách điều hành đất nước của ông Hollande.

Theo các chuyên gia kinh tế, luật lao động mới của Pháp được xem là cứu tinh cho nền kinh tế nước này khi mà các công cụ khác đã vô tác dụng. Luật lao động trước đó của Pháp do được xem là thân thiện nhất ở châu Âu khiến nền kinh tế nước này kém tính cạnh tranh. Giờ lao động 35 giờ tuần tại Pháp được xem là số giờ lao động thấp nhất thế giới. 

Đây là lý do tại sao ngay cả khi diễn ra hàng loạt vụ đình công lớn, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bác bỏ việc rút lại luật lao động mới. Chính phủ Pháp vẫn quyết tâm duy trì tham vọng tiến hành cuộc cải cách triệt để, coi việc sửa đổi luật lao động như một biện pháp tái cơ cấu nhằm cải thiện thị trường việc làm.

Hiện tại, Tổng thống Hollande tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích của các tổ chức công đoàn và các đảng đối lập liên quan đến việc giảm các khoản đóng góp cho doanh nghiệp, thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao, quyền lợi của người lao động bị thu hẹp, thất bại trong đề xuất tước quốc tịch đối với những kẻ khủng bố và gia hạn tình trạng khẩn cấp. 

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với ông Hollande cuối cùng vẫn chỉ là làm thế nào để vực dậy nền kinh tế. Nếu kinh tế Pháp khởi sắc, mọi chỉ trích sẽ tan biến. Tổng thống Hollande cho biết, ông có thể tiếp tục tranh cử tổng thống mới nếu nhìn thấy cơ hội chiến thắng, song khẳng định sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị nếu thua cuộc. 

Trong thời gian tới, Tổng thống Hollande phải thể hiện được đường lối đúng đắn của mình và đảng Xã hội cầm quyền bằng các kết quả cụ thể. Ông chỉ còn chưa đầy một năm để thực hiện tất cả những việc đó...

Việt Dũng
.
.