Chính phủ Pháp: Tìm lại uy tín

Thứ Bảy, 28/05/2016, 05:55
Vừa qua, nội các cánh tả của Thủ tướng Manuel Valls đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp, với đa số phiếu ủng hộ. Có thể nói đây là một thắng lợi quan trọng, song trên thực tế uy tín của cả Thủ tướng và Tổng thống cánh tả Francois Hollande đương nhiệm đều đang giảm khi có tới 246 phiếu không ủng hộ tại Hạ viện.

Đáng chú ý, ngay trong nội bộ đảng Xã hội cầm quyền (PS) cũng không đồng nhất quan điểm, thậm chí còn đang bị chia rẽ. Điều đó cho thấy, ngoài các nghị sĩ đối lập, một số nghị sĩ cánh tả cũng không ủng hộ chính phủ. Yếu tố này tác động lớn tới hình ảnh của cánh tả cầm quyền cũng như PS, nhất là đối với Tổng thống Francois Hollande, khi chuẩn bị tới kỳ bầu cử tổng thống Pháp vào giữa năm 2017.

Bất tín nhiệm bất thành

Phe đối lập, đặc biệt là lãnh đạo đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR) và Liên minh dân chủ (UDI) trung hữu, cho rằng chính dự án cải tổ luật lao động El Khomri mà chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls vừa thông qua là nguyên nhân gây căng thẳng trên chính trường. Nhiều thành viên cánh tả nhận định một số nội dung không phù hợp, khiến đa số người dân phản đối và tạo nên nhiều luồng tranh cãi khác nhau. 

Vì thế, Chính phủ Pháp đã áp dụng điều 49.3 trong Hiến pháp (không cần Quốc hội bỏ phiếu) để thông qua El Khomri. Quyết định này để tránh sự phản đối nhằm vào một trong những cải cách quan trọng nhất của Tổng thống Francois Hollande trong thời gian cầm quyền. 

Giải thích cho quyết định này, Thủ tướng Valls nhấn mạnh, Chính phủ Pháp dùng đến điều 49.3 vì “phải tiến lên phía trước, vượt qua các vật cản để tránh việc phải từ bỏ một dự thảo luật đầy tham vọng và hợp lý”.

Tổng thống Francois Hollande cần lấy lại uy tín cũng như hình ảnh của người đứng đầu đất nước và đảng Xã hội cầm quyền đối với đông đảo cử tri trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ của Thủ tướng Valls viện dẫn đến điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua các dự thảo luật gây tranh cãi. Từ khi lên làm thủ tướng, ông Valls đã 4 lần dùng đến điều 49.3 và lần gần nhất chính là để thông qua Luật Macron về cải cách kinh tế và hoạt động thương mại. 

Theo các nhà phân tích, việc sử dụng điều 49.3 luôn là một biểu hiện sức mạnh khi chính phủ sẽ gạt qua một bên mọi ý kiến phản đối từ nhánh lập pháp là Quốc hội. Thế nhưng, việc làm của Chính phủ Manuel Valls ngay lập tức đã vấp phải những phản ứng trong xã hội, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, đình công ở các thành phố lớn. Thậm chí, bảy liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp đã đưa ra lời kêu gọi tổng bãi công và biểu tình trên toàn quốc kéo dài cho đến những ngày cuối tháng 5.

Trên thực tế, những giải thích của Chính phủ Pháp về việc hiện thực hóa El Khomri chưa đủ sức thuyết phục, bởi nó tác động trực tiếp tới việc làm và cuộc sống của người dân, nhất là giới trẻ. 

Chính phủ Pháp cho rằng, cải cách luật lao động là cần thiết nhằm giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao (11%, trong đó tỷ lệ thanh niên độ tuổi từ 18-24 không có việc làm chiếm 25%). 

Thế nhưng, có những nội dung trong El Khomri khiến nhiều người Pháp phản đối, đó là các quy định giúp doanh nghiệp dễ tuyển chọn nhân viên hơn, nhưng cũng dễ dàng sa thải nhân viên khi họ gặp vấn đề, thậm chí doanh nghiệp có thể dễ dàng bỏ qua quyền lợi của người lao động.

Trong bối cảnh này, đảng LR và UDI đã yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls. Hàng trăm người biểu tình cũng đã tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối hành động của chính phủ, đồng thời kêu gọi Tổng thống Hollande từ chức. 

Tuy nhiên, chỉ có 246 nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý với đệ trình bất tín nhiệm đối với Chính phủ Pháp, và con số này kém xa số phiếu ít nhất là 288 mà phe cánh hữu cần phải có nếu muốn trừng phạt chính phủ của ông Valls vì đã sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự luật El Khomri mà không cần đến việc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Kết quả này không bất ngờ, bởi trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, các nhà phân tích chính trị đều nhận định khả năng chính phủ của Thủ tướng Valls bị bãi nhiệm là rất thấp, thậm chí gần như không có, bởi tổng số các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ việc trừng phạt không thể đạt con số 288. 

Giờ đây, dự luật lao động El Khomri coi như đã vượt qua “vòng” Quốc hội, sẽ được chuyển tiếp lên xem xét tại Thượng viện Pháp và gần như chắc chắn sẽ sớm được ban hành. 

Với dự luật lao động mới cũng như quyết tâm của mình, Tổng thống Francois Hollande cũng như chính phủ cánh tả sẽ tạo ra những thay đổi, giúp củng cố thêm uy tín của nhà lãnh đạo Pháp trước khi bước vào chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống 2017.

Thời điểm khó khăn

Ở vào bối cảnh hiện nay, nước Pháp đang nằm trong vòng xoáy khó khăn và thách thức, trong khi người dân ngày càng giảm lòng tin vào chính phủ. Tổng thống Francois Hollande và chính phủ cánh tả chịu sức ép cực kỳ lớn, nhất là sau khi dự thảo luật El Khomri được đưa ra với mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp. 

Chính phủ Pháp lại buộc phải dùng đến Điều 49.3 bởi không thể chấp nhận sức ép và từ bỏ dự thảo luật El Khomri. Một hành động như thế được coi là thảm họa chính trị và là một “sự tự sát” của chính quyền Tổng thống Hollande ở thời điểm chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017. 

Dự án cải tổ luật lao động El Khomri dẫn tới nhiều cuộc biểu tình và đình công.

Tuy nhiên, mặt trái của “ngoại lệ” này là tính phi dân chủ, bởi các chính phủ sẽ có xu hướng sử dụng điều khoản này nhiều hơn nhằm dập tắt các ý kiến phản biện và chống đối nếu cảm thấy nguy cơ bị bất tín nhiệm không lớn.

Giới chuyên gia cho rằng, sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Quốc hội, chính quyền của Tổng thống Hollande và đảng Xã hội sẽ ưu tiên tập trung thanh lọc nội bộ và trừng phạt nặng những nghị sĩ của đảng này đã tham gia trong ý định bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Valls. 

Điều này có nguy cơ đẩy đảng Xã hội cầm quyền vào sâu hơn trong các mâu thuẫn nội bộ, và có thể làm cánh tả tan rã nhanh chóng hơn, trong bối cảnh từ hơn một năm nay đã tồn tại lực lượng “nổi loạn” trong nội bộ cánh tả vì bất mãn với cách điều hành của chính quyền ông Hollande.

Điều mà nhiều người chờ đợi là liệu sức ép sắp tới từ các cuộc biểu tình của các công đoàn lao động có thể lật ngược tình thế, buộc chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls rút lại, thậm chí từ bỏ hoàn toàn luật lao động mới hay không?

Tính đến nay, đã có bốn cuộc biểu tình lớn trên toàn nước Pháp nhằm phản đối và gây sức ép buộc Chính phủ Pháp rút lại dự thảo El Khomri. Các cuộc biểu tình diễn biến ngày càng phức tạp, với đỉnh điểm là những cuộc bạo loạn, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình. Vì thế, nhiều người lo ngại rằng khi chính phủ bất chấp phản đối để thông qua luật bằng điều 49.3 thì nguy cơ bạo lực gia tăng trong các cuộc biểu tình sẽ ngày càng lớn hơn.

Trong gần bốn năm lãnh đạo đất nước, Tổng thống Francois Hollande và chính phủ cánh tả chưa thực sự để lại nhiều dấu ấn đậm nét, hay mang lại nhiều đổi thay tích cực cho nước Pháp cũng như cho đời sống người dân. Thất nghiệp không giảm, xã hội bấp bênh, thuế và giá cả tăng, nhập cư tràn lan, an ninh không đảm bảo, thậm chí nguy cơ tấn công khủng bố thường xuyên rình rập ở các thành phố lớn. Hàng loạt vấn đề nóng xảy ra trong thời gian qua càng làm giảm uy tín của Tổng thống Francois Hollande và đảng Xã hội cầm quyền. 

Bản thân ông Hollande chưa đưa ra được những câu trả lời cụ thể và những lời giải thích thuyết phục đối với những nội dung đề cập các vấn đề đang được công chúng Pháp quan tâm.

Hơn ba phần tư thời gian nhiệm kỳ Tổng thống của ông Hollande đã trôi qua, chỉ còn lại ít thời gian để ông có thể làm thêm điều gì đó. Bối cảnh thật khó khăn và nhiều rủi ro khi uy tín của ông và chính phủ hiện nay xuống tới mức thấp nhất từ trước tới nay (chỉ có khoảng 16% người Pháp ủng hộ Tổng thống Hollande). 

Cho dù còn đó những yếu tố bất lợi, thậm chí ngay trong đảng Xã hội và chính phủ cánh tả, song Tổng thống Francois Hollande vẫn tin tưởng vào sự phục hồi và tiến triển của nước Pháp trong thời gian sắp tới. Vì thế, ông quyết tâm triển khai những chương trình hành động tập trung nhằm giành lại uy tín cũng như hình ảnh của người đứng đầu đất nước và đảng Xã hội cầm quyền đối với đông đảo cử tri. Điều này đặc biệt quan trọng khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 đã cận kề…

Hồng Hạnh
.
.