Nghị trường năm tháng không phai: Ý chí nhân dân
Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ nhiệm vụ bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mặc dù gặp muôn vàn thách thức do nạn đói, nạn dốt, thù trong giặc ngoài, cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc đã được tiến hành chỉ 4 tháng sau ngày độc lập. Đây là một cuộc tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu tổ chức nhanh nhất, sớm nhất, một kỷ lục chưa quốc gia nào đạt được kể từ khi lật đổ ách thống trị thực dân, lập ra nhà nước công nông. Việc tổ chức tổng tuyển cử thành công có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng trước thế giới về sự hiện diện thực chất một nhà nước của nhân dân, do nhân dân làm chủ, vì lợi ích nhân dân.
Ngay sau khi Tổng tuyển cử thành công,Quốc hội được thành lập. Ngày 9-11-1946, bản hiến pháp đầu tiên của nhà nước dân chủ cộng hòa ở Đông Nam Á do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã ra đời, hiến định các nguyên tắc tổ chức, hoạt động, hình thức và cơ cấu nhà nước của nhân dân Việt Nam.
Nhiều công trình nghiên cứu đã đặt vấn đề, cũng là câu hỏi của nhiều quốc gia lúc bấy giờ: Vì sao một Nhà nước Việt Nam non trẻ lúc đó, đứng trước tình thế “nghìn cân treo sợi tóc” mà chỉ trong thời gian hơn một năm sau ngày độc lập, hơn nửa năm sau khi thành lập Quốc hội đã xây dựng được bản hiến pháp với tầm tư tưởng và giá trị thời đại sâu sắc như thế. Thực chất, đó là kết quả gắn với quá trình tìm đường cứu nước, tích lũy tri thức, kinh nghiệm và lãnh đạo cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Tư tưởng về sự cần thiết xây dựng một nhà nước pháp quyền ở nước ta nảy sinh rất sớm ở Nguyễn Ái Quốc.
Ngay từ năm 1919, khi đưa ra bản yêu sách 8 điểm đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam, Người đã yêu cầu thực dân Pháp phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh và thay thế bằng các đạo luật. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền được thể hiện rõ hơn khi Người diễn giải yêu sách đó trong “Việt Nam yêu cầu ca”. Ở điều thứ 7, Nguyễn Ái Quốc đòi nhà cầm quyền Pháp phải ban hành hiến pháp. Người khẳng định rõ: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, nghĩa là mọi mối quan hệ căn bản của xã hội đều phải được điều chỉnh bằng pháp luật mà trước hết là ban hành hiến pháp. Do vậy, công việc khẩn thiết ngay sau khi nước nhà được độc lập là phải xây dựng hiến pháp.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành sau Tổng tuyển cử. Ảnh: Tư liệu. |
Trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã 2 lần đứng đầu Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp (Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959), đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Với những hoạt động quan trọng đó, Người đã khởi xướng xây dựng một nền pháp chế XHCN nhằm đảm bảo thực hiện quyền lực của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
75 năm trôi qua với các chặng đường cách mạng, giờ đây đã gần kết thúc Khóa XIV của Quốc hội, nhìn lại hành trình lập pháp, chúng ta thấy rõ những bước tiến vững chắc. Quốc hội đã thông qua 5 bản hiến pháp ứng với các giai đoạn lịch sử (1946, 1959, 1980, 1992, 2013). Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ngày càng chất lượng hơn, các đạo luật phủ khắp lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, làm nền tảng chính trị - pháp lý không những cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước mà còn là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại và phát triển các quan hệ kinh tế, xã hội.
Thực tiễn chỉ ra rằng, muốn xây dựng và củng cố vững chắc nền tảng chính trị - pháp lý của đất nước, nhất thiết phải chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước.
Trong quá trình hoạt động của mình, Quốc hội luôn thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước khác. Đồng thời, thông qua Quốc hội, nhân dân lại có điều kiện tham gia trực tiếp một cách rộng rãi, có hiệu lực và có hiệu quả vào các hoạt động của Nhà nước. Quốc hội vừa thể hiện chế độ dân chủ đại diện (dân chủ thông qua ủy quyền) và vừa là dân chủ trực tiếp (thông qua Quốc hội, nhân dân thể hiện trực tiếp ý chí của mình). Vì thế, xây dựng và phát huy vai trò của Quốc hội cũng chính là một quy luật phát triển của nhà nước dân chủ.
Với chế độ bầu cử dân chủ, tiến bộ thì thành phần đại biểu được bầu vào Quốc hội qua các khóa thể hiện rõ khối đại đoàn kết toàn dân, đại diện cho tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Điều đó nói lên Quốc hội nước ta không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của giai cấp công nhân, nông dân mà là của toàn dân tộc, thể hiện sâu sắc bản chất nhân dân của Nhà nước ta, như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là một truyền thống quý báu của Quốc hội ta, một ưu điểm cơ bản của chế độ ta”. Từ đó, có thể khẳng định,để phát huy vai trò của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của nhân dân cũng gắn liền yêu cầu phát huy vai trò, vị thế của Quốc hội.
Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Trong thời kỳ đổi mới, qua các nhiệm kỳ Quốc hội từ Khóa VIII đến nay, hoạt động lập pháp của Quốc hội vừa nâng cao số lượng, vừa đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quốc hội dành nhiều thời gian cần thiết cho việc thảo luận, thẩm tra, xem xét và quyết định thông qua các dự án luật. Tại các kỳ họp của Quốc hội, việc thảo luận, xem xét, quyết định thông qua các dự án luật ngày càng thiết thực hơn. Đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi, phát biểu nhiều ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật.
Quy trình, thủ tục soạn thảo, thẩm tra, xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh từng bước được cải tiến. Các văn bản pháp luật được ban hành đã góp phần quan trọng vào việc phục vụ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và từng bước thực hiện việc đổi mới bộ máy nhà nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh hoạt động đối nội, đối ngoại theo nghị quyết của Đảng.
Cùng với đó, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội được thể hiện trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước, là dấu ấn đậm nét thể hiện quyền lực Quốc hội, quyền lực nhân dân. Quốc hội xem xét báo cáo của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; xem xét việc trả lời chất vấn của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Cùng với giám sát chuyên đề, việc chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang trở thành nhịp sống nghị trường có sức hút đặc biệt với cử tri và nhân dân cả nước.
Với công tác quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, cử tri, nhân dân gửi gắm qua lá phiếu hoặc sự biểu quyết của đại biểu dân cử. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn, vấn đề hệ trọng đặt bàn nghị trường đã thể hiện quyền lực và ý chí nhân dân một cách rõ rệt như dự án xây dựng đường dây tải điện 500KV Bắc - Nam; dự án đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; dự án thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La; dự án xây dựng sân bay Long Thành; dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam...
Tuy nhiên, hoạt động Quốc hội vẫn đặt ra những vấn đề đòi hỏi phải không ngừng được đổi mới, nâng cao. Cho tới nay, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành rất nhiều văn bản pháp luật mới và sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật hiện hành, song hệ thống pháp luật vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn. Không ít văn bản pháp luật mới ban hành chất lượng chưa cao, chưa sát với cuộc sống, một số quy định tính khả thi thấp nên sau đó phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Công tác giám sát tối cao được tăng cường nhưng không ít vấn đề hậu giám sát chưa được cơ quan nhà nước thực thi hiệu quả, nhất là giám sát chuyên đề và chất vấn, trả lời chất vấn...
Thực trạng đó đặt ra nhiều vấn đề liên quan việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, phù hợp với yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nâng cao số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, cải tiến công tác chuẩn bị, thẩm tra, thảo luận, thông qua các dự án luật; công tác giám sát tối cao, giải quyết những vấn đề sau giám sát...
(Còn nữa)