Nghị trường – Năm tháng không phai: Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Thứ Hai, 14/09/2020, 09:15
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị, một trong 6 nhiệm vụ cần thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu để bầu ra Quốc hội”.

Vượt qua muôn vàn khó khăn, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam của nhân dân ta đã được tổ chức thành công vào ngày 6-1-1946. Qua các giai đoạn lịch sử, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội không ngừng được nâng cao, khẳng định chức năng, vị thế của Quốc hội một nước năng động, đổi mới và phát triển.

Nhân dịp này, ANTG Giữa tháng - Cuối tháng chuyển tới bạn đọc loạt bút ký khái lược những dấu ấn nổi bật 75 năm Quốc hội Việt Nam.

Giờ đây, Quốc hội họp để quyết định những vấn đề hệ trọng quốc gia ở tòa nhà mới, thật khang trang, hiện đại, tại hội trường mang tiếng vọng lịch sử “Diên Hồng”. Tiếng nói trực diện, màn hình trực tuyến, hình ảnh trực tiếp... song chỉ cách ô cửa kính, ngay phía dưới chân tòa lộng lẫy là những mảnh gạch hình rồng có niên đại nghìn năm, những dấu tích của kinh thành Thăng Long lịch sử. Quá khứ - hiện tại nơi dấu thiêng cả thiên niên kỷ vốn rất xa xăm mà cũng thật gần... Giáp Ngọ, tháng 10, ngày 20, Quốc hội khóa XIII khai mạc kỳ họp thứ 8. Ngày này đi vào lịch sử: Ngày khai mạc cũng là ngày chính thức vận hành tòa nhà Quốc hội mới.

Một công trình giá trị có tính lịch sử. Ý nghĩa của công trình còn thể hiện ở chỗ, đây là thành quả có được sau quãng thời gian rất dài kể từ khi có chủ trương xây dựng nhà Quốc hội. Còn nhớ, cuối những năm 1950, đầu 1960 của thế kỷ trước, thời kỳ đó Liên Xô làm cung Đại hội, Trung Quốc xây dựng Đại lễ đường nhân dân tại quảng trường Thiên An Môn. Với mong muốn có tòa nhà làm việc thật hoành tráng, Bộ Kiến trúc lập một bộ phận chuyên trách, gọi là “Tổ Quốc hội” do kiến trúc sư Trần Hữu Tiềm và Tạ Mỹ Duật phụ trách, hằng ngày trực tiếp nghiên cứu, thiết kế với chuyên gia Trung Quốc.

Nhiều phác thảo khá đồ sộ được đưa ra. Thế nhưng, trong điều kiện kinh tế lúc bấy giờ còn rất khó khăn, rồi việc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc và tình hình chiến sự miền Nam ngày càng ác liệt nên sau khi cân nhắc kỹ, việc xây nhà Quốc hội tạm dừng. Trong điều kiện đó, năm 1963, hội trường Ba Đình ra đời với tính chất công trình tạm thời để phục vụ không chỉ Quốc hội mà cả những sự kiện chính trị lớn.

Tòa nhà Quốc hội hôm nay.

Việc xây dựng nhà Quốc hội gác lại từ dịp đó, ý định là sau khi Bắc - Nam thống nhất, chúng ta sẽ trở lại việc xây dựng sau. Nhưng, do điều kiện kinh tế khó khăn cũng như các lý do khách quan nên sau 1975, rồi sau đổi mới, việc đó vẫn chưa thể thực hiện và hội trường Ba Đình từ chỗ công trình tạm đã gánh trọng trách suốt nhiều thập niên, là nơi diễn ra các hội nghị, sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng của Đảng, Nhà nước. Quá trình đó, hội trường Ba Đình được tu bổ, tôn tạo nhiều lần.

Đầu thế kỷ XXI, việc xây dựng tòa nhà Quốc hội được “tái khởi động”. Nhưng, khi đó, vấn đề lớn được đặt ra và đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau: xây nhà Quốc hội thì hội trường Ba Đình giữ hay phá bỏ? Khi mà các phương án chưa thống nhất thì kết quả khảo cổ học phát hiện những dấu tích thật bất ngờ: Di tích Hoàng thành Thăng Long với các triều đại Lý, Trần, Lê... nối tiếp nhau qua nghìn năm lịch sử. Vậy là một quyết định kịp thời được đưa ra: tiếp tục khảo cổ, đồng thời chuyển việc xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia vào khu thể thao, văn hóa Mỹ Đình để kịp đón Hội nghị APEC vào cuối năm 2006, còn việc xây dựng trụ sở Quốc hội tiếp tục được nghiên cứu.

Đầu tháng 4-2007, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XI, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phương án quy hoạch, xây dựng nhà Quốc hội tại lô D trung tâm chính trị Ba Đình. Đây là quyết định có tính lịch sử bởi để lựa chọn đưa ra phương án nào cho công trình nhà Quốc hội cũng đều rất khó khăn và phải qua rất nhiều phiên bàn thảo, hội họp, rồi cả việc phát phiếu tới từng đại biểu lấy ý kiến thì việc biểu quyết mới được tiến hành. Sau một quá trình lấy ý kiến các chuyên gia và cân nhắc kỹ lưỡng, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án của Liên doanh GMP International GmbH - Inros Lackner AG (Cộng hòa Liên bang Đức). Đây là phương án đã đạt giải A (duy nhất) của cuộc thi.

Vậy là phải ngót hơn 6 thập niên kể từ ngày “Tổ Quốc hội” phôi thai ý tưởng xây dựng trụ sở Quốc hội thật “đàng hoàng” những năm 1960 cho tới chủ trương xây dựng tòa nhà Quốc hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một công trình mang tên cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia chính thức được vận hành. Được thiết kế khối tòa nhà 4 mặt vuông, cao 39m mang đường nét khỏe khoắn, vẻ hoành tráng, hiện đại song công trình Nhà Quốc hội lại vẫn mang đậm nét văn hóa và lịch sử dân tộc với nhiều chi tiết từ nội thất, góc nhìn và hoa văn trang trí. Công trình gồm 5 tầng nổi và 2 tầng hầm với 35.000m2 diện tích xây dựng, trên 60.000m2 diện tích sàn. Cùng với đó, nhiều trang, thiết bị trong Nhà Quốc hội lần đầu được sử dụng tại Việt Nam.

Trung tâm phòng họp chính được thiết kế cao thoáng với mái vòm hình tròn được tô điểm hàng nghìn bóng đèn chiếu sáng như hàng nghìn ngôi sao. Phòng họp này mang tên “Diên Hồng” - hẳn những nhà lập pháp muốn lấy ý nghĩa hào khí từ hội nghị Diên Hồng xưa kia, để các đại biểu hôm nay thấy được ý nghĩa, trọng trách của mình. Phòng họp được chia thành 2 tầng với 800 chỗ ngồi ở tầng 1 và 300 chỗ ngồi tầng 2, tất cả đều uốn theo hình vòng cung, hướng về đoàn chủ tịch ở giữa, gắn trên đó là thiết bị kỹ thuật để phát biểu, biểu quyết, sử dụng tai nghe tiên tiến nhất. Ngay cửa chính của hội trường, qua lớp cửa kính chịu lực hiện đại, đại biểu và khách tham quan có thể nhìn toàn cảnh quảng trường Ba Đình lịch sử.

Có những sự trùng hợp thật diệu kỳ: Cái tên Ba Đình trong thế kỷ XX đã đi vào lịch sử với tính chất là trung tâm chính trị quốc gia, gắn với bao sự kiện cũng vào mùa thu đất nước, từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đến mùa thu Giải phóng Thủ đô năm 1954. Hơn một nghìn năm trước, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La cũng nhằm mùa thu, truyền rằng khi đến đất này ngài thấy đám mây hình rồng bay lên từ thành Đại La nên đổi tên thành Thăng Long. Sự huyền diệu ấy dẫu chẳng rõ thực hư nhưng tự bao đời hình tượng rồng bay đã trở thành biểu trưng thiêng liêng của chốn kinh kỳ, như chính Lý Thái Tổ ghi trong “Chiếu dời đô”: “Muôn vật cực kỳ giàu thịnh, đông vui. Xem khắp nước Việt, đây là chỗ đất đẹp nhất, thật là nơi đô hội trọng yếu để bốn phương tụ họp”.

Chuyện xa xưa lưu truyền sử sách, còn ngay sát tòa nhà Quốc hội nguy nga hôm nay là những mảnh ngói hình rồng, hình phượng, những lớp gạch ghi dấu các triều đại phong kiến. Nghìn năm, kinh thành Thăng Long gắn với bao chiến công hiển hách cùng những tên tuổi lẫy lừng của dân tộc, bao sự kiện có ý nghĩa đổi thay cục diện đất nước và cũng ở kinh thành này, sử sách ghi lại các biến cố thăng trầm. Sự phát triển của thời đại, sự đổi thay, vươn mình của đất nước được minh chứng qua nhiều con số, sự kiện và dữ liệu. Giờ đây, sự hiện diện của tòa nhà Quốc hội có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Nhà Quốc hội là công trình công sở đầu tiên quy mô lớn nhất kể từ khi thống nhất đất nước, có tính mỹ thuật, công nghệ hiện đại, xây dựng trên khu vực có nhiều triều đại nên yêu cầu cao về bảo tồn, bảo tàng.

Nơi dấu tích này, xưa kia cấm thành, vườn thượng uyển, ngày nay là phòng họp mang tên Diên Hồng - hẳn lấy cái điểm tựa hào khí Đông A lừng lẫy một thời làm sinh khí cho những quyết nghị quốc gia ngày nay vậy. Quá khứ - hiện tại, nơi dấu thiêng cả thiên niên kỷ vốn rất xa xăm mà cũng thật gần. Dõi mắt về đường Độc Lập, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, những tán xà cừ cổ thụ đổ bóng um tùm. Rút lại tầm gần, ngay trên tầng 3 tòa nhà, giữa kiến trúc bê tông cốt thép, ấy vậy mà vẫn lộ ra những khoảng đất cỏ hoa và cây xanh cao tới dăm bảy mét, tỏa bóng mát rượi. Quả là những nhà kiến trúc lồng ghép tính hiện đại trong cấu trúc xanh thật huyền diệu.

Lại nhớ xưa kia cụ Nguyễn Công Trứ tức cảnh sinh tình: “Đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền”. Ngước nhìn vẻ lộng lẫy phòng Diên Hồng, nơi rực sáng với nghìn đèn pha lê, lại nhìn ra giếng cổ, thềm cung, nhớ tiếng thơ Thánh Tông Thượng hoàng mừng hội Thái bình diên yến sau khi toàn thắng quân Nguyên - Mông: 

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng)...

(Còn nữa)

An Nhi
.
.