Nghị trường năm tháng không phai: Khí chất Diên Hồng
- Nghị trường năm tháng không phai: Ý chí nhân dân
- Nghị trường – Năm tháng không phai: Sơn hà thiên cổ điện kim âu
Hội trường chính của tòa nhà Quốc hội mới mang tên Diên Hồng nhưng cái khí chất ấy đã định hình từ lâu. Khi nghiên cứu lịch sử Quốc hội, chúng ta thấy hoạt động giám sát, chất vấn có từ ngày khai sinh Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng hoạt động chất vấn nghị trường. Ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người đã có nhiều năm nghiên cứu lịch sử Quốc hội cho biết, Quốc dân đại hội Tân Trào là một Quốc hội lâm thời, tiền Quốc hội nhưng chính Quốc dân đại hội Tân Trào đã đặt nền móng cho nhiều hoạt động của Quốc hội, điển hình là hoạt động chất vấn. Thực tế lúc đó Quốc hội họp có 2 ngày vào chiều 16 và ngày 17-8-1945 nhưng đã dành thời gian thích hợp cho chất vấn.
Trong kỳ họp thứ 2 (từ ngày 28-10 đến 9-11-1946) của Quốc hội khóa 1 có 70 đại biểu, trong đó 50 đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng, 20 đại biểu của Việt Cách được bổ sung nhưng không qua bầu cử, đó là nhờ chính sách đoàn kết rộng rãi của Bác Hồ và Quốc hội lúc bấy giờ. Vì thế, trong kỳ họp đó có nhiều ý kiến khác nhau. Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã đứng lên trả lời chất vấn, sau đó là các thành viên Chính phủ trả lời như ông Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đăng Khoa, Chu Bá Phượng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến...
Những ngày đầu họp Quốc hội, Chính phủ nhận được 88 câu hỏi của các đại biểu chỉ trong một phiên họp. Sau khi các bộ trưởng trả lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời những vấn đề còn chưa rõ. Trước Quốc hội, Bác đã trả lời nhiều vấn đề về ngoại giao, kinh tế, quốc phòng...
Về vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, Bác nói kỹ hơn và nhấn mạnh: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở Ủy ban hiện đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ cũng hết sức làm gương và nêu gương. Nếu làm gương không xong thì dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và trị cho kỳ hết”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn |
Mấy chục năm đất nước đổi mới, nhất là từ khi hoạt động chất vấn tại nghị trường được truyền hình, phát thanh trực tiếp, lĩnh vực này trở thành “món ăn tinh thần” thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân. Ngoài đại biểu hỏi và người trả lời thì bản lĩnh, dũng khí và sự sắc sảo của người điều hành chất vấn giữ vai trò rường cột. Ngày trước, khi nhận xét về chất vấn, trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn An (khi đó là Chủ tịch Quốc hội) nói rằng, có 3 cách hỏi trong đời thường, đó là hỏi để biết, hỏi chỉ để mà hỏi và hỏi để làm rõ trách nhiệm. “Hỏi trong chất vấn phải là cách hỏi thứ ba, đó là làm rõ trách nhiệm” - ông nói.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dùng từ “tư lệnh” để chỉ vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội. Đây là những chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn nên trước Quốc hội thì bộ trưởng, trưởng ngành phải là người chịu trách nhiệm chứ không có việc “ủy quyền” hay giải thích trách nhiệm của người khác, của cơ quan, ban ngành khác.
Khái niệm “tư lệnh” trong hoạt động chất vấn cũng được định hình từ đó. Ông chính là người tạo dấu ấn nổi bật trong hoạt động nghị trường, đặc biệt với vai trò “cầm trịch”, điều hành chất vấn, trả lời chất vấn và nhiều câu chuyện sâu sắc tới nay còn được lưu truyền.
Ở đây, yếu tố người “cầm trịch” (thường là Chủ tịch Quốc hội) - điều hành chất vấn càng thể hiện rõ. Có thể nói, người điều hành quyết định rất lớn đến sự thành công hay không, sống động hay không, thực chất hay không buổi chất vấn. Người điều hành không chỉ giữ vai trò gọi hỏi theo danh sách mà còn thực hiện các hoạt động cần thiết trong việc hỏi và đáp của đại biểu, của bộ trưởng (như hướng dẫn, gợi ý, căn chỉnh thời gian hỏi đáp, trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn và bình luận, đánh giá...).
Đặc biệt, người “cầm trịch” rất cần bản lĩnh và dũng khí khi điều hành chất vấn; bản lĩnh để không e ngại các vấn đề và nể nang còn dũng khí để thể hiện cách nói, cách hỏi, cách bình luận có uy thế, có tầm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII) khi điều hành chất vấn thường lưu ý các đại biểu hỏi và bộ trưởng trả lời rằng, cách đặt vấn đề phải rõ, gọn, còn người trả lời cũng phải cụ thể, đi vào thực chất, không sa vào kể lể, liệt kê thành tích. Đặc biệt, đồng chí lưu ý, dù hỏi và trả lời nội dung nào thì cũng phải trên tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân chứ không “gài” vấn đề cá nhân.
Kỳ trước, chuyện con gà cõng 14 loại phí được đại biểu nêu ra và trở thành đề tài bàn luận sôi nổi. Tại nghị trường khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, không thể cho rằng chuyện con gà là chuyện nhỏ mà đây là vấn đề lớn liên quan đời sống người nông dân cũng như thể hiện nền hành chính đất nước. Người nông dân, nền nông nghiệp sản xuất, chăn nuôi mà những thứ phí, lệ phí chồng chất như vậy thì không thể phát triển được. Ông yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phải giải quyết, dẹp bỏ ngay những loại phí không cần thiết và phải hứa trước Quốc hội thời hạn giải quyết. Với động thái mạnh mẽ như vậy, việc ấy được hai bộ cam kết ngay tại phiên chất vấn và giải quyết nhanh chóng sau đó.
Quốc hội khóa XIV ghi dấu ấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong điều hành thảo luận, chất vấn. Nếu như trước đây, việc hỏi kéo dài, nhiều người hỏi để bộ trưởng “gom” nội dung trả lời khiến nội dung dàn trải, không khí nhiều lúc tẻ nhạt thì nay đã khác. Mỗi lượt chất vấn chỉ có từ 3-5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu hỏi trong 1 phút và bộ trưởng trả lời không quá 3 phút cho một nội dung chất vấn. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn vào các nhóm chuyên đề đã được thống nhất. Trong quá trình chất vấn, đại biểu có thể đăng ký tranh luận với thời gian cho mỗi vấn đề không quá 2 phút.
“Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cần trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và đặc biệt phải thể hiện được trách nhiệm, đề ra các giải pháp, lộ trình cụ thể để thực hiện” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu. Cử tri ấn tượng với nữ Chủ tịch Quốc hội trong cách điều hành linh hoạt mà trọng tâm, trọng điểm, dứt khoát nhưng không kém phần uyển chuyển để giải nhiệt những điểm nóng gay cấn trong hỏi và đáp giữa bộ trưởng và đại biểu.
Tại nghị trường, sự lan tỏa trong cử tri, nhân dân chính ở những phát biểu, chất vấn mang khí chất, bản lĩnh. Đại biểu Nguyễn Quốc Thước đã rời nghị trường hai chục năm rồi nhưng tên tuổi và những dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội (khóa VIII, IX, X) vẫn còn lưu. Ông nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm, nhiều khi đó là sự đụng chạm mà nhiều đại biểu khác biết nhưng không nói. Về điều này, khi chia sẻ với báo chí, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó.
Với 3 nhiệm kỳ là đại biểu của dân, lại với đặc tính làm công tác đối ngoại, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân vừa chất vấn thẳng, rõ trách nhiệm nhưng trong cách dùng từ ngữ của ông cũng luôn phù hợp bối cảnh, sâu sắc, trực diện mà không khiến người bị chất vấn mất lòng. Ông quan niệm, để làm tốt trọng trách đại biểu phải có tâm và tầm. Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám bảo vệ nó, dám tranh luận, chất vấn. Còn về tầm, đại biểu phải khẳng định được vị thế theo chức năng, nhiệm vụ.
Quốc hội khóa XI, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển từng được cử tri gọi là “ông trực tính”. Phiên chất vấn Quốc hội khóa XI cuối năm 2004, nghị trường nóng sau vụ án xin cho quota bị phanh phui xảy ra tại Bộ Thương mại. Khi đó, một thứ trưởng của bộ này bị khởi tố, điều tra. Là “tư lệnh” Bộ Thương mại, ông băn khoăn cơ chế nào sinh ra tiêu cực để có giải pháp loại trừ chứ không chỉ là chuyện xử lý cá nhân.
“Tôi không thể gặm nhấm mãi nỗi buồn, nỗi đau xót đó. Phải tìm ra phương pháp xử lý, tôi và anh em phải cố gắng. Là Bộ trưởng, tôi phải chịu trách nhiệm trước sự việc tiêu cực xảy ra trong cơ quan của mình và xin nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ” - ông phân trần. Rời diễn đàn chất vấn, “cụ nghị” xứ Nghệ lại vui thú điền viên và ở đó là lúc thi ca thành bạn hữu:
Vụng về và chậm muộn
Sao cứ nhiều đam mê
Thu có còn đủ nắng
Cho xôn xao mùa về...
Từ sự sống động ở nghị trường, sau mỗi kỳ chất vấn, Quốc hội ban hành các nghị quyết nhằm xác định rõ những vấn đề phải giải quyết và trách nhiệm của các “tư lệnh”.
(Còn nữa)