Nghe vọng cổ hài
Ka-wa-sa-ki, Hon đa, xúp pe, xì po
Ý… Ya-ma-ha, Su-zu-ki, ta cùng đua
Cùng vượt đường xa, ta cùng rú ga bay vù vù
Kìa, đẹp làm sao, ế, mấy cô trông mình mà cười…
Chỉ mấy câu này, tôi tin rằng, đọc đến đây chắc chắn nhiều người sẽ hào hứng… ca lên ngay. Sở dĩ như thế, vì đây là đoạn tân nhạc mở đầu cho bài vọng cổ hài “Văn Hường đi xe gắn máy” của NSND Viễn Châu một thời rất quen thuộc từ phố xá đến tận hang cùng ngõ hẻm tại miền Nam. Trước khi lạm bàn phiếm về vọng cổ hài, xin thưa, khi nghĩ về cải lương, học giả Vương Hồng Sển đã khái quát về loại hình nghệ thuật này:
“Hát cải lương là đứa con chơi ác, con tập tàng:
- đĩnh ngộ có thừa, vì cha là các ông đồ đời xưa, sót lại, làm nghề viết báo, văn nhân mà thuở ấy gọi là chủ bút, viết nhựt trình;
- ngoan ngoãn, duyên dáng bởi bào thai do mẹ là người dân gốc Miền Nam, nên cải lương nhậy hiểu, sáng láng và bắt chước mau, ăn cắp giỏi những gì tự mình thấy êm tai và vui mắt, phát sinh từ hát bội mà không giống hát bội, máu huyết do âm nhạc cung cấp mà đi xa đường hơn âm nhạc, cho nên có thể nói hát cải lương là âm nhạc bước tới mãi mãi, không bao giờ dừng chơn và biết mỏi mệt” (“Hồi ký 50 năm mê hát cải lương”, Cơ sở XB Nam Chi - 1968, tr. 167-168).
Câu văn này, cần giải thích một chút: “chơi ác”, không phải ác độc/ độc ác mà chính là đùa nghịch một cách oái oăm, độc đáo, hiểm độc cũng na ná như từ “ngẳng/ chơi ngẳng” của người Quảng Nam; “con tập tàng” là nói theo câu tục ngữ “Con tập tàng thì khôn, rau tập tàng thì ngon”. Tập tàng là do nhiều thứ, nhiều nguồn gốc hằm bà lằn xắn cấu tạo nên; con tập tàng là đứa con do người phụ nữ quan hệ với nhiều đàn ông; rau tập tàng là đủ mọi thứ rau lộn lạo:
Mình về mình sắm cần câu
Câu con cá bống nấu rau tập tàng
Khi nhận định, cải lương chính là đứa con tập tàng, là lời khen. Mà xem cải lương, tuyệt đại đa số đều bị “đốn tim” bởi vọng cổ. Nhà nghiên cứu Trần Văn Khải khẳng định chắc nịch, chắc cú: “Người Việt chúng ta ưa thích vọng cổ vì bản ca ấy thường được dùng cho tuồng cải lương trong những lớp gay cấn và cảm động. Một tuồng hát mà không có ca vọng cổ hoặc ca ít quá sẽ bị bỏ rơi” (“Nghệ thuật sân khấu Việt Nam” - Khai Trí XB năm 1970, tr. 169). Vọng cổ quen thuộc đến độ đã trở thành câu cửa miệng: “Rành sáu câu/ Rành sáu câu vọng cổ” là rành rẽ, thông suốt, tinh tường từ chân tơ kẽ tóc, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, rất rành, cực rành đến từ centimet...
Tuy nhiên, câu này lại còn có cách nói tếu táo khác, thí dụ ta thử đọc câu văn của nhà văn Lê Văn Nghĩa: “Năm nào tôi cũng đi chợ hoa nên tôi rành khu chợ hoa này thuộc loại vào hàng sáu câu “vặn cổ bù lon” (Báo Sài Gòn giải phóng Xuân 2021, tr.57). Vặn cổ là nhại theo phát âm của vọng cổ. Mà, vặn cổ cái gì? Phải vặn cổ cái bù lon thì mới bất ngờ dẫn tới động tác trái khoáy, ngộ nghĩnh, chẳng khác gì “chạch đẻ ngọn đa/ sáo đẻ dưới nước”, tức không thể xảy ra. Bù lon (vay mượn từ boulon của Pháp) là một loại đinh ốc bằng kim loại dùng để vặn, siết cho chặt, cho khít chứ không ai có thể “vặn cổ”. Thế nhưng tại sao phải “bù lon” mà không gì khác, có phải nhại theo “hoài lang” của bản Vọng cổ hoài lang? Dù sao người nghe/ đọc vẫn hiểu rành “vặn cổ bù lon” là rành rẽ như “Rành sáu câu vọng cổ” được diễn tả hài hước.
Đành rằng trong tuồng cải lương, vọng cổ đóng vai trò quyết định cho các pha “gay cấn và cảm động”, thế nhưng NSND Viễn Châu lại thay đổi bằng cách bổ sung thêm cả yếu tố hài nhằm gây cười.
Vào năm 1960, soạn giả Viễn Châu đến quán nghệ sĩ Lệ Liễu ở Thị Nghè (Sài Gòn) tham gia đờn ca, bấy giờ, ông đã được giới mộ điệu tôn vinh “Đệ nhất thập lục huyền cầm”. Lần nọ, tại đây, tình cờ ông phát hiện ra giọng ca không “đụng hàng” của một nghệ sĩ mới vào nghề: Văn Hường. Vốn là bậc thầy đã từng viết bài ca vọng cổ phù hợp với chất giọng, kỹ thuật phát âm nhả chữ cho nhiều nghệ sĩ, nhờ đó mà họ càng nổi tiếng, ông quyết định “đo ni đóng giày” cho Văn Hường qua “Đêm tân hôn”.
Có thể ghi nhận đây là bản vọng cổ trước nhất báo hiệu cho sự ra đời của trường phái hài mà chính NSND Viễn Châu và nghệ sĩ Văn Hường đã đưa thể loại này lên đến đỉnh cao. Cho đến nay, vẫn chưa có thầy tuồng - nghệ sĩ nào “qua mặt” được “cặp bài trùng” danh tiếng, cực kỳ “ăn ý” này.
Ảnh: L.G |
Từ thành công rực rỡ của “Đêm tân hôn”, Viễn Châu cùng Văn Hường tiếp tục làm mưa làm gió trên sân khấu miền Nam. Hễ cứ nghe là công chúng lại cười nôn ruột, cười thâm trầm, cười sảng khoái theo câu chữ và cách lái chữ, buông chữ, lấy hơi luyến láy… cực kỳ độc đáo mà nghe đi nghe lại vẫn còn thấy hay. Một trong những cái hay, chính là qua cái hài ngày trước, nay ta còn có thể biết được tình hình xã hội miền Nam thuở ấy. Điều này cho thấy Viễn Châu rất có ý thức vận dụng chất liệu, hiện thực của đời sống đưa vào tác phẩm, nhờ thế, dấu ấn của một thời được lưu lại. Chẳng hạn, chuyện “Tư Ếch đi coi cải lương”:
(Nói lối): - Má thằng Nhái ơi, má mày vừa hỏi tôi vậy chớ vừa tốn hết bốn, năm ngàn đồng bạc.
Đi Sài Gòn chắc có xem hát cải lương?
- Vậy gánh nào hay đào kép có đông không?
Tía nó thuật lại, tôi đỡ ghiền chút đỉnh.
Thế là tía thằng Nhái oang oang:
- Trong lúc đào kép họ diễn thì thình lình cúp điện, đèn tắt tối thui, khán giả rần rần đứng dậy kéo nhau ra cửa… đòi… tiền (hò).
Hoảng quá, ông bầu liền chữa cháy” bằng cách cho diễn xiếc, nhưng xiếc vừa dứt là:
- Dàn nhạc Tây đã thổi cái bản nhạc ra về (xề - song lang): “Tò le con ma đánh đu, Tặc Răng nhảy dù (xế), Dôrô bắn súng (xê). Nhảy qua con ma nào đây, làm tao hết hồn, thằn lằn cụt đuôi… (hò song lang).
Kết thúc thật bất ngờ! Còn đây là tình tiết lúc Văn Hường đi hát, chủ bầu giao đóng vai Tào Tháo nhưng lúc đang diễn… bị rớt râu:
- Qua đêm hôm sau, ổng bắt tôi làm ngựa cho cô đào đóng vai Phàn Lê Huê (xề - song lang). Trời đất ơi, cô đào này cổ nặng hơn tám chục ký lô, ra giữa sân khấu cổ cứ nhè cái mông tôi, cổ nắm cái roi cổ quất nghe trót trót vậy (xàng/ xê). Đau quá nên tôi mới quăng đại cô ta xuống đất, rồi… cong lưng chạy tuốt vô buồng (xề - song lang)”.
Với từ quăng, ta hiểu là liệng, ném, vứt một cái gì đó xa đi, cũng là quăng nhưng “quăng đại là hành động đó không tính toán trước, theo quán tính tức thì làm ngay không cần biết kết cục thế nào. Thế nhưng trong ngữ cảnh này, quăng đại là hất - nhằm chỉ hành động chuyển dứt khoát một bộ phận của cơ thể về phía nào đó khiến cái gì đang ở trên đó bị chông chênh, chênh vênh phải lăn chiêng lăn cù xuống đất. Với từ quăng, có câu ca thiệt tức cười:
Hoài tiền mua thuốc nhuộm răng
Thà mua bánh đúc mà quăng vào mồm
Tưởng quăng đi đâu, quăng thế này thì khôn quá, vì thế mới tạo ra yếu tố trào lộng. Tất nhiên Văn Hường cũng có vợ và có lần theo vợ về quê ở tận xã Đầu Sấu, huyện Ninh Kiều (Cần Thơ). Lúc xuồng vừa cập bến tới nhà, chàng rể bèn đứng lên chào tía má vợ:
- Ai dè chiếc xuồng lắc lư như say rượu và quăng tui xuống nước một cái đùng (xề - song lang). Bà con bên vợ kéo tui lên, đưa ra sau mương dội sạch ba cái sình, rồi mời vô nhà uống nước. Tía vợ tui nói: - “Thằng Hai, tía dặn mày, có dìa dưới này nhớ tập lội nghe con (hò - song lang)”.
Quăng này cũng là hất; lội là đi bì bõm trên mặt nền ngập nước nhưng trong ngữ cảnh này được hiểu là bơi. Câu tục ngữ “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con hay trèo”, lội này chính là bơi. Thú vị là vợ Văn Hường lại khoái nói tiếng Tây nên xảy ra chuyện này mới ác: Ngày kia, thằng Tây đi bắt rượu lậu, cột dây đểnh đoảng thế nào con ngựa sút dây chạy mất tiêu, thấy cô ta đứng xớ rớ, hắn ta mới hỏi biết ai lấy cắp không, cổ đáp:
- Uy, mông xừ.
Ta hiểu “Vâng, thưa ông” (Oui, monsieur). Lại hỏi, có biết chỗ ở của thằng ăn cắp không? Cổ đáp:
- Ùy.
Hỏi, dẫn đi bắt được không? Cổ cũng đáp:
- Ùy
Mừng quá, thằng Tây bảo dẫn đi nhưng chẳng lẽ nói “ùy” mãi cũng kỳ nên cổ bèn đổi qua:
- Nông, mông sừ.
Khi nghe, “Không, thưa ông” (Non, monsieur), thằng Tây nghĩ cổ toa rập với kẻ cắp, giận quá, mặt đỏ bừng bừng bèn hỏi:
- Bộ chị đồng lõa với thằng kẻ cắp đó phải không (cống - song lang)? Vợ tui thấy ổng giận, hết hồn nó lật đật nói: “Uy, mông xừ” (xang/ xê). Lão Tây sai lính lôi về nhà làng. Đóng trăng hết nửa buổi, chừng vỡ lở ra ai cũng cười lăn và kêu ngạo rùm trời” (hò - song lang).
Thiệt là vạ mồm. Cười lăn là cười lăn chiêng bò càng, cười lê cười bò; kêu ngạo là nhạo báng, chê cười; nhà làng tức “nhà hội”, “nhà việc” tức trụ sở hành chánh xã; còn “đóng trăng” nghĩa là sao? “Trăng: Ván khoét cổ áo, hai tấm ráp lại, thành cái lỗ để đóng chơn kẻ có tội; Đóng trăng: Bắt xỏ chơn vào trăng mà đóng lại”, “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích. Có thể nói, trường phái cải lương hài còn có cả cách sử dụng lời ăn tiếng nói của người miền Nam nữa… Ta thấy NSND Viễn Châu còn vận dụng tiếng Pháp như yếu tố tạo ra tình huống gây cười. Kể cả câu: “Ka-wa-sa-ki, Hon đa, xúp pe, xì pơ/ Y Ya-ma-ha, Su-zu-ki, ta cùng đua”, ngoài các loại xe Kawasaki, Honda, Yamaha, Suzuki du nhập vào thị trường miền Nam trước 1975 thì xúp pe (super: tuyệt vời, thượng hạng), xì-po (sport: thể thao) v.v…
Không chỉ Tìm bạn bốn phương, hễ báo Xuân báo Tết thời đó thường có mục Sớ Táo quân, Văn Hường cũng lên chầu Ngọc Hoàng. Đây là đoạn báo cáo về các đoàn hát mà NS Viễn Châu nối chữ tài tình, không nghe ca, chỉ đọc cũng thấy… sướng: “Còn Đoàn Hương Mùa Thu thì cũng viễn du không xa lắm, nay hát Cà Mau, bữa sau về Châu Đốc, rồi bọc lại Vĩnh Long, cái rồi dông ra Vũng Tàu, rồi nhào lên Đà Lạt, và tạt xuống Pleku, kể u qua Buôn Ma Thuộc, rồi tuột xuống Long An, kế mang lên Biên Hòa, rồi tà về Thủ Đức rồi trực chỉ xuống… Đô… thành (hò)”. Các vần níu lại, quấn quít lấy nhau, khó tách rời, khiến nhịp điệu câu văn nhộn hẳn lên. Xin chọn nhón lấy thêm một tình tiết khác đặng bạn đọc cười tiếp chơi. Rằng, vợ Văn Hường cực kỳ mê… tân nhạc:
(Nói lối): Sáng chủ nhật nào nó cũng đi xem đại nhạc hội
Nghe người ta ca khi về nhà nó cũng bắt chước nó ca
Nào é-mam-bô, nào xì-lô-rốc, nào cha-cha-cha…
Nó làm con nít lối xóm giật mình hết ngủ
Có thiệt không? Hay Văn Hường “gato” với vợ mà nói thế? Thì đây,
- Đêm đó, nó đi coi đại nhạc hội cho tới nửa đêm mới về, quần áo ướt loi ngoi tui mới hỏi nó tại sao? Nó trả lời rằng (xê-song lang) - (Tân nhạc): “Em đang đi trên cầu Bông, té xuống sông ướt cái quần ny lông, vô đi em, dù trời khuya anh cũng đưa em về (xàng/ xê)…
Chỉ mấy câu nhạc “chế” này, tôi tin rằng, đọc đến đây chắc chắn nhiều người sẽ hào hứng… ca ngay. Rồi lại cười. Cười xong chưa ạ? Ừ, cho tôi nói thòng thêm câu này, nếu nghe cải lương, có người khen nghệ sĩ nào đó: “Tưởng ca giỡn nhịp, hay quá”, vậy, giải thích thế nào là “ca giỡn nhịp”? Tra nhiều từ điển không thấy, may quá, có nghệ sĩ cho biết là ca phiêu linh, ngẫu hứng theo cảm xúc, không dập khuôn theo bài bản nhưng lúc xuống xề vẫn… trúng với khuôn nhịp, chứ không hề trật cù chìa. Giỡn thế mới là bảnh.