Nếu cứ đà này chèo sẽ dần mai một
- Phiếm đàm về nghệ thuật chèo
- Sân khấu chèo và trăn trở giữ nghề
- NSƯT Trần Hoài Thu: Mê đắm nghiệp chèo
Trong di sản văn hóa phi vật thể thuộc về nền văn minh lúa nước ở nước ta thì nghệ thuật chèo được xem là tiêu biểu nhất. Ra đời từ kinh đô Hoa Lư - Ninh Bình từ thế kỉ thứ 10 do bà Phạm Thị Trâm-một vũ ca xuất sắc trong cung nhà Đinh có công hàng đầu gây dựng nên, và chẳng bao lâu chèo được đông đảo quần chúng nhân dân ưa thích. Và chính sự yêu thích ấy nên chẳng bao lâu chèo lan rộng ra các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ tính từ vùng Nghệ Tĩnh trở ra.
Với nhạc cụ chủ yếu trong chèo là trống nên ngoài chức năng biểu diễn, thì chèo càng được phổ biến vì nghệ thuật này còn được tiến hành trong nghi thức cầu mưa mỗi khi mùa vụ trồng trọt đến.
Ngay từ khi mới ra đời từ một nghệ sĩ ca- vũ nên trong quá trình phát triển, chèo càng phong phú thêm khi thu nạp dần các làn điệu và vũ điệu dân gian. Vì vậy nên từ nội dung xướng, ngôn đi liền với vũ điệu đơn giản mang tính lễ nghi và giải trí cung đình, chèo đảm nhận chức năng phát triển các tích chuyện dựa trên các trò nhại để hình thành các vở diễn.
Đến thế kỉ 14, một binh sĩ đảm nhận chức năng thầy trò hát, múa trong đội quân viễn chinh Mông Cổ - nếu tôi không nhầm là Lý Nguyên Cát- bị bắt ở lại nước ta đã biểu diễn, dậy binh lính các làn điệu của kinh kịch. Chèo thêm một lần hòa nhập và làm đa dạng các làn điệu, bài múa của mình khi hấp thụ tinh hoa kinh kịch.
Vũng Tàu 23-5-2017. |
Đến thế kỉ 15, vua Lê Thánh Tông không cho diễn xướng chèo trong cung đình, khiến chèo thêm điều kiện trở lại với thôn làng với nông dân. Cũng từ đó nghệ thuật này nở rộ và tìm ra đất biểu diễn của mình trong sinh hoạt cộng đồng của thôn, làng tại sân đình, sân chùa, sân các nhà có chức sắc, sung túc trong làng, trong phủ... Hình thức chèo mới ra đời mang tên khái quát và điển hình là "chèo sân đình".
Một chiếc chiếu trải trên mặt sân, đằng sau treo tấm màn nhỏ. Diễn viên, nhạc công ngồi hai bên mép chiếu. Đến vai thì diễn viên bước ra, cảnh trí diễn ra câu chuyện được mô tả ước lệ thông qua lời nói, làn điệu và động tác của diễn viên, được nhấn mạnh bằng đạo cụ duy nhất và cực kì quan trọng là chiếc quạt. Với nơi diễn như vậy nên chèo hướng ra ba phương, tám hướng tạo nên sự khu biệt của sân khấu chèo là sân khấu ba mặt.
Đến thập niên 20 của thế kỉ 20 nghệ sĩ- kịch tác gia Nguyễn Đình Nghị tiếp thu thêm văn hóa tây phương nên đã khởi xướng sự thay đổi ít nhiều trong chèo và cố gắng duy trì. Ông không chỉ hoàn thiện, làm phong phú làn điệu mà còn mạnh dạn đưa thêm nhạc cụ cổ truyền để tăng sức hấp dẫn cho loại hình sân khấu dân gian này.
Từ chiếc trống là nhạc cụ chủ yếu dành cho chèo (phi trống bất thành chèo) giai đoạn này còn có thêm nhạc cụ dây như đàn nguyệt, nhị, đàn tam thập lục... Các loại trống như trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ, sáo, tiêu... Phong cách chèo cách tân của Nguyễn Đình Nghị được duy trì đến năm 1945.
Trong quá trình tồn tại và phát triển suốt hàng nghìn năm đến nay chèo càng hoàn thiện, và với hơn 200 làn điệu chèo là thể loại kịch truyền thống, mang đậm chất đặc trưng của văn hóa người Việt, đủ sức phản ảnh thực tế phong phú của các trạng thái, cung bậc của cuộc sống, con người.
Một cảnh trong vở chèo “Đời luận anh hùng” - Nhà hát chèo Quân đội. |
Không chỉ tiêu biểu cho văn hóa truyền thống Việt mà với đặc trưng trong nghệ thuật chèo còn làm kinh ngạc bởi sự cách tân có tính lý luận của sân khấu thế giới.
Nếu tuồng tìm đến và khoanh lại đề tài mô tả biến cố cung đình, thân phận vua quan, người nổi tiếng thì chèo lại lấy cuộc sống người dân và thực tế nơi thôn dã. Đấy chính là tính phổ cập của sân khấu chèo từ đối tượng phản ánh đến thưởng thức.
Nếu xét các tác phẩm chèo cổ thì yếu tố dân chủ càng lớn vì giữa sự hà khắc của chế độ phong kiến phép vua lệ làng thì chèo cổ dùng lợi khí tiếng cười, hài hước làm biện pháp phê phán thói hư tật xấu của con người; hủ tục, cường quyền của chế độ.
Không phải ngẫu nhiên chèo cổ có thời lượng gây cười chiếm tới 2/3 vở diễn. Để chuyển tải được tiếng cười phê phán, thể hiện được vũ khí này, nghệ thuật chèo tạo ra một loại nhân vật đặc thù là Hề chèo. Tuy chỉ nằm trong hai loại hề là hề áo ngắn và hề áo dài nhưng hề chèo được khoác dưới nhiều vỏ nhân vật đa dạng từ người hầu, lính lệ, mõ, nô, mẹ đốp...
Phần trên tôi có nói đến tính cách tân mang tầm thế giới của nghệ thuật chèo Việt Nam. Xét về mặt lý luận nghệ thuật chúng ta mới thấy hết giá trị này. Trên thế giới, sân khấu thường được quy nạp theo các trường phái.
Kịch cổ điển Hi- La, bi kịch Shakespeare, kịch tam nhất của Pháp, kịch mâu thuẫn ngầm kiểu Sê khốp, kịch dựa trên yếu tố ngẫu nhiên Văm Pi lốp... Nhưng dù ở trường phái nào thì bao trùm lên vẫn thuộc thể loại kịch để phân biệt với tiểu thuyết, truyện ngắn mang tính tự sự.
Hơn nửa thế kỷ nay làng kịch thế giới tỏ ra khâm phục dòng kịch tự sự - gián cách do nhà viết kịch Becton Brest khởi xướng. Nhưng nếu đối chiếu nguyên tắc, bút pháp của dòng kịch này cũng như căn cứ trên các kịch bản tiêu biểu nhất của B.Brest như "vòng phấn Cáp ca" ,"người tốt ở Tứ Xuyên"... thì thấy rất gần với nguyên lý và thủ pháp mà chèo truyền thống của ta.
Chính B.Brest cũng từng công nhận khi sáng tạo ra dòng kịch riêng mình, ông chịu ảnh hưởng rất nhiều nghệ thuật viết kịch phương Đông trong đó có chèo Việt Nam...
Nói như vậy để chúng ta có quyền tự hào chèo là nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam ta đã mang tầm vóc thế giới cần phải giữ gìn, phát huy... Nhưng thật đáng tiếc.
Cũng giống như mọi lĩnh vực văn hóa nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung ở nước ta thì sự buông xuôi, bỏ mặc đối với di sản văn hóa nước ta đã thành tiền lệ của sự vô trách nhiệm. Ai cũng rõ sức hấp dẫn của chèo, nhưng dường như các nhà quản lý, những người có trách nhiệm lại hầu như không quan tâm đến việc duy trì, bảo tồn nghệ thuật chèo.
Một cảnh trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính”. |
Tôi nhớ vào những năm 1959-1964, Bộ Văn hóa hồi đó (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã từng tổ chức nhiều hội nghị nghệ nhân để đi đến thống nhất các chiềng, các nhóm chèo với hi vọng thống nhất được di sản chèo cha ông để lại.
Xét về mặt nào đó thì rõ ràng đây chỉ là biện pháp tức thì, ngắt ngọn mang tính nghề. Nhưng dù sao cũng là nghĩa cử đáng quý để bảo vệ chèo. Còn ngày nay, cứ ba năm Liên hoan chèo toàn quốc lại diễn ra nhưng hơn nửa thế kỉ này Bộ chủ quản không hề có một động thái nào để duy trì, giữ gìn tinh hoa chèo ngày càng mai một.
Người trong nghề đều biết một vở chèo đúng nghĩa của nó thì mang đầy đủ văn hóa chèo từ văn, nhạc, múa, mỹ thuật, cách diễn.... Nhưng bao trùm lên tất cả các khía cạnh này phải là kịch bản chèo.
Những sân khấu bậc tiền nhân có một câu cửa miệng đơn giản nhưng lại bao quát toàn bộ nghệ thuật sân khấu (mà tôi tin câu này xuất phát từ làng chèo cổ) ấy là "có tích mới dịch ra trò". Kịch bản chèo đúng nghĩa của nó trong vài chục năm nay ngày càng hiếm.
Trong các Liên hoan sân khấu chèo, kịch bản thuần chèo chỉ chiếm tỉ lệ rất ít, còn hầu hết là kịch bản kịch nói chuyển sang chèo mà đúng hơn là kịch bản nói cắm làn điệu chèo.
Với một kịch bản lổn nhổn, gượng gạo như thế làm sao phát huy được thế mạnh của nghệ thuật chèo, làm sao thỏa mãn được khán giả, học giả yêu chèo, thích nghiên cứu chèo trong và ngoài nước. Bởi vì ngay từ kịch bản thì kết cấu, cách khai triển mâu thuẫn, cách diễn của chèo thuần chủng hoàn toàn khác kịch nói.
Sự mai một của kịch bản thuần chèo này bắt nguồn từ việc rơi rụng dần những tác giả am hiểu chèo, viết kịch bản chèo.
Nếu vài chục năm trước đội ngũ này còn đông đảo với những Trần Bảng, Tào Mạt, Huyền Tâm, Lộng Chương, Học Phi... Thì thời gian đi qua giờ chỉ còn lác đác có thể đếm trên đầu ngón tay số tác giả có khả năng viết kịch bản chèo đúng nghĩa như Trần Đình Ngôn, Chiến Thạc, và một tài năng trẻ đầy triển vọng là Trần Đình Văn thì tiếc thay đã qua đời ở tuổi đang độ chín...
Phải chăng Hội Nghệ sĩ sân khấu, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên nhìn ra khoảng trống này để tìm ra phương pháp hợp lý nhất trước mắt và lâu dài, có kế hoạch từng bước tạo ra đội ngũ tác giả viết chèo. Đây chính là một trong những cách làm quan trọng để chèo - một loại hình nghệ thuật tuyệt diệu, có tầm thế giới - khỏi bị mai một.