Phiếm đàm về nghệ thuật chèo

Thứ Bảy, 23/11/2013, 13:08

Viết nhân thành công của Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013.

1. Tôi nhớ không lầm thì vở cải lương Hận tương giao do Đoàn Chuông Vàng diễn là vở đầu tiên tôi được xem vào năm 1954 khi tôi vừa lên 6 tuổi. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in phông sân khấu khuôn lại thành hình tròn như miệng chén in rõ hình anh Trương Chi “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay…” đang bơi chèo trong sương mờ. Còn nàng Mỵ Nương thì hát váng lên một chặp sau thì khóc ti tỉ.

Giọt lệ rơi xuống làm chén vỡ tan và anh Trương Chi cũng biến mất. Liền mấy năm sau đoàn Chuông Vàng, rồi đoàn Kim Phụng thỉnh thoảng lại thay nhau về làng tôi diễn những Kiều, Lý Công, Thanh Xà - Bạch Xà

Những tài tử hồi đó như cặp Tiêu Lang - Kim Xuân (song thân, phụ mẫu của Nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh) của Đoàn Chuông Vàng rồi Lệ Thanh, Tùng Lâm của đoàn Kim Phụng làm mê đắm làng tôi đến độ làng Chèm tôi thành lập một đội cải lương, tập rồi diễn cả những vở dài.

Một cảnh trong vở “Chu Văn An - Người thầy của muôn đời” của Nhà hát chèo Quân đội.

Chị Nhạn là con ông mổ thịt lợn, sáng nào cũng đội mâm đồng, trên đặt dăm, bảy bát tiết canh, vắt ve đôi tay đi từ nhà chị đến cuối dốc bến Ngự chừng gần nửa cây số lại quay về thu đĩa. Ấy vậy nhưng chị lại là kép chuyên đóng những vai nữ chính trong mọi vở diễn của làng tôi, từ Công chúa trong Lý Công, Kiều Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên… Mặc dù cải lương làng tôi những năm cuối thập kỉ 50, đầu 60 của thế kỉ trước thịnh là thế nhưng mỗi khi hội đình mở ra thì thế nào cũng phải thuê một đội chèo về diễn ở sân đình.

Các cụ làng tôi bảo: “Cải lương hay thì hay thật nhưng chỉ để xem chơi thôi chứ không có chèo thì hội vẫn như thiếu thiếu thứ gì ấy”. Sau này tôi mới ngẫm. Làng tôi bán nông, bán thương thì cải lương dễ vào cũng có cái lý. Nhưng nghề chính vẫn là nghề nông nên phải có tiếng hát chèo mới nổi lên hồn cốt của làng là ở cái nhẽ ấy.

Vừa rồi, có may mắn dự mấy buổi biểu diễn của Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, tôi càng ngẫm về cái lý vì sao chèo vẫn được dân ta mê say là vậy. Muốn để cho dân mê say thì chèo phải ra chèo, từ kịch bản cho đến người diễn. Cũng xin nói luôn cuộc thi chèo lần này lại diễn ra ở Hải Phòng, một thành phố chẳng những công nghiệp phát triển mà còn có cả một hệ thống cảng thông thương với nước ngoài.

Vậy mà thường ngày chả cứ Hải Phòng mà gần như phía Bắc hơn hai chục năm nay, hầu hết các nhà hát đêm đêm tắt đèn. Nhà hát nào có vở thì cũng chỉ lèo tèo vài ba khách yêu nghệ thuật hoặc có giấy mời đến xem. Vậy mà 14 ngày, đêm với 14 đoàn nghệ thuật chèo mang đến cuộc thi 26 vở diễn mà gần như đêm nào cũng chật ních khán giả.

Nhất là với các đoàn đã có thương hiệu với dàn diễn viên chẳng những có ngôi sao mà diễn những vở có chuyện (nói như tiếng xưa là có tích hay. Có tích mới dịch nên trò là bởi vậy) như Nhà hát chèo Quân đội, Nhà hát chèo Hà Nội… thì hầu như rạp hát không còn chỗ chen chân. Người ngồi kín cả những lối đi giữa hai hàng ghế, đứng đầy ngoài hành lang.

Cũng tiện đây tôi cảm thấy Ban tổ chức hình như không lường trước được sự hấp dẫn của một cuộc thi chèo nên đã bố trí toàn bộ các tiết mục dự thi diễn tại rạp Tháng Tám - một rạp hát từ quy mô, số lượng chỗ ngồi đến phương tiện phục vụ đêm diễn không xứng tầm với một cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp mang tầm quốc gia.

Tôi có có may mắn được dự buổi biểu diễn của Nhà hát chèo Quân đội trình diễn vở Chu Văn An - Người thầy của muôn đời (một trong ba tiết mục đoạt Huy chương Vàng cuộc thi) mới thấy sức hút của chèo mạnh mẽ như thế nào. Vì khán giả đến xem gần gấp đôi sức chứa của rạp nên sự ồn ào, chen lấn thật ghê gớm nhưng khi tiếng trống chèo nổi lên báo hiệu tiết mục bắt đầu thì khán giả im phăng phắc theo dõi, chốc chốc lại rộ lên những tiếng cười râm ran theo tiếng pha trò của hề, hay tiếng vỗ tay tán thưởng điệu hát của diễn viên, lời thoại đắt.

Một tiết mục trong lễ bế mạc.

2. Vì sao chèo lại có sức hút ? Vì sao dân ta vẫn mê chèo đến thế ? Nếu nói về đặc trưng sân khấu truyền thống của mỗi dân tộc thì với Trung Quốc là Kinh kịch, với Nhật là kịch Nô và với Việt nam là chèo. Chèo có thể nói là loại hình nghệ thuật tiêu biểu cho văn hoá lúa nước ở nước ta. Cái nôi của chèo là đồng bằng châu thổ sông Hồng. Mỗi khi thu hoạch xong thì cũng là lúc lễ hội được tổ chức để mừng vụ mùa thắng lợi. Trong lễ hội này có vui chơi, ca hát, trong đó chèo đóng vai trò chính. Trong chèo thì trống lại giữ sự chủ đạo. Trong dân gian đã có câu ca dao khá đắt mô tả sự hấp dẫn của hình thức văn nghệ dân gian này:

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả, ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo.

Khi mới ra đời vào thế kỉ thứ X, chèo chỉ có tính chất là những trò nhại những sự việc thường ngày như cấy, hái, giã gạo, bắt cua… Hình thức diễn xướng chỉ có  nói và ngâm tuỳ hứng và chưa có tích. Hai thế kỉ sau mới có hát và những tích trò đơn giản. Thế kỉ XVIII là thế kỉ đã xuất hiện những biểu hiện ban đầu báo hiệu sự suy tàn của chế độ phong kiến cũng chính là thời gian thịnh vượng nhất của nghệ thuật chèo.

Sau gần một chục thế kỉ hình thành, phát triển, nghệ thuật chèo đã hoàn chỉnh ở hình thức cao với hàng loạt vở diễn kinh điển trong đó nhiều vở bắt nguồn từ truyện nôm khuyết danh như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nhan, Trương Viên, Nhị độ mai, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa… Phía nam, tuồng bắt đầu ra đời. Các tích phần nhiều mô tả cuộc sống cung đình thì với chèo càng được quần chúng nhân dân ưa chuộng vì đều diễn tả cuộc sống của người bình dân và thể hiện ước vọng của quần chúng là cái thiện luôn luôn thắng cái ác.

Nghệ thuật chèo còn được quần chúng nhân dân ưa thích bởi tính hài dân gian, nhẹ nhàng mà thâm thuý thông qua ngôn ngữ, câu hát của các nhân vật đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân đả kích thói hư tật xấu, cường quyền, cả vua, quan… Những nhân vật hài gần như là một hình mẫu cố định có thể lắp từ vở này qua vở khác như hề các loại  (hề áo ngắn, áo dài, hề mồi, hề gậy…), thầy mù, Hương câm, Đồ điếc…  

3. Thủa xưa người biểu diễn chèo đa phần là những diễn viên nghiệp dư.  Những cô bác nông dân có năng khiếu hát, múa khi nông nhàn tập hợp nhau lại để diễn nên gọi là phường chèo. Sân khấu chèo là đôi ba manh chiếu trải nên gọi là chiếu chèo. Lối diễn ngày xưa cũng thường coi trọng diễn ngẫu hứng khác hẳn lối diễn theo kết cấu năm hồi của kịch cổ điển châu Âu. Yếu tố gián cách trong chèo cổ điển phần nào giống như sự gián cách trong lý luận kịch của Bectôn Brêch. Điều này tiêu biểu trong câu xưng: “Ta ra đây có phải xưng tên không nhỉ?...”.

Nhưng khi trò chuyện với Nghệ sĩ nhân dân Doãn Hoàng Giang - đạo diễn hàng đầu của sân khấu Việt Nam, một người đọc nhiều, hiểu rộng, ông nói: “Tưởng chất tự sự làm chèo lỏng lẻo, những kì thực rất chặt về tính kịch vì nó phản ảnh một cách chân thực mâu thuẫn cuộc sống theo cách của chèo. Ngày nay có giai đoạn chèo không hút được khán giả.

Nhiều nhà lý luận đã đổ lỗi cho tốc độ, nhịp sống hôm nay không phù hợp với chất tự sự chậm rãi của chèo. Nhiều phương tiện nghệ thuật hiện đại lấn át v.v và v.v. Nhưng theo tôi, nguyên nhân lại bắt đầu từ sự làm chèo. Sự cách tân là một điều kiện luôn làm cho nghệ thuật tiệm tiến với khát vọng hưởng thụ của khán giả.

Nhưng  nếu đi không đúng hướng sẽ làm mất đi một loại hình sân khấu đầy tính dân tộc từ nội dung đến hình thức như chèo. Điều này cũng có nghĩa là làm chèo mất khán giả. Không ít vở chèo không còn là chèo. Nói đúng hơn là chèo bị tước bỏ gần hết những tính chất đã làm nên một vở chèo đúng nghĩa. Không ít vở diễn chèo được chuyển thể từ kịch bản kịch nói, hay viết theo kết cấu kịch nói rồi chêm làn điệu chèo vào.

Cách kể đặc trưng chèo không còn nên các làn điệu chèo trong các vở đó chập chững, trật lất giống như nồi cơm độn khoai, sắn. Nhiều vở chèo lại chỉ là sự minh hoạ quá thô thiển những chủ trương chính sách như kiểu ”anh Tấm chị Điền” hồi cải cách ruộng đất. Cứng nhắc từ cốt chuyện đến nhân vật. Ngay cả nhân vật hề nổi tiếng làm nên đặc trưng của chèo cũng bị xem nhẹ hoặc có một cách lấy lệ.

Hôm tôi gặp Nghệ sĩ ưu tú - danh hài Xuân Hinh, anh cho biết vừa đi Mỹ nhận giải Người nghệ sĩ dân gian có công giữ nghệ thuật chèo và chầu văn. Nghệ sĩ Xuân Hinh than thở với tôi rằng bây giờ nhiều vị núp dưới chiêu bài cách tân đã phá chèo nhiều quá. Nhìn sự u sầu hiện trên nét mặt của nghệ sĩ chuyên mua vui cho thiên hạ, tôi chợt thấy dư vị đắng ngắt trong lòng.

Từ chiếu chèo dân gian của các phường chèo diễn giữa sân đình, đến nay chèo được khoác chiếc áo của vở diễn ít nhiều có tính hàn lâm trên sân khấu dưới ánh điện chói loà. Từ giọng hát mộc véo von của người nghệ sĩ dân giân nay các làn điệu chèo được tăng âm, echo (âm thanh nhại) qua những microphim, qua dàn tăng âm. Từ chiếc mõ tre, trống cơm, trống đại được thay thế bằng dàn nhạc điện tử… thì việc chèo thay đổi để phù hợp với khán giả hiện nay không chỉ là những anh chị nông dân vừa từ đồng sâu, đồng cạn lên thì việc thay đổi diện mạo vở diễn của chèo cũng là hợp lý.

Nhưng để chèo dù trong hình hài hiện đại thế nào vẫn phải giữ được hồn cốt của loại hình nghệ thuật cổ truyền này. Tôi nhớ Liên hoan chèo đề tài hiện đại diễn ra ở Thái Bình cách đây ba năm không có sức hấp dẫn như Hội thi chèo 2013 trong đó có tới 21/24 vở diễn là đề tài lịch sử, cổ sử, dã sử….Và ba Huy chương Vàng cao quý nhất dành cho ba tiết mục cũng đều là đề tài dã sử. Từ đó cần hiểu đề tài nào phù hợp với loại hình này thì nên phát huy, tránh sự áp đặt khiên cưỡng.

Chính sự phù hợp của đề tài đã mang lại sức hút cho vở diễn. Cho đến bây giờ các vở Kinh kịch của Trung Quốc, các vở kịch Nô của Nhật Bản vẫn lấy đề tài cổ xưa là vì thế. Vậy tại sao kịch bản chèo không phát huy mảng đề tài dã sử, cổ sử phù hợp hình thức thể hiện của nghệ thuật chèo mà lại cứ ép nghệ thuật chèo thể hiện các chủ đề mà kịch nói phù hợp hơn. Theo dõi hội thi lần này tôi còn nghĩ đến sức hút của các vở diễn chèo còn căn cứ vào các làn điệu chèo sử dụng đúng chỗ để thể hiện tâm trạng của nhân vật, của trường đoạn kịch được thể hiện bằng những giọng ca có nghề.

Có lẽ trong hội thi này Nhà hát chèo Quân đội tỏ ra rất có chuyên môn khi chất giọng của hầu hết diễn viên từ vai chính đến vai phụ đều giữ được đặc trưng của chèo. Họ không chỉ hát đúng làn điệu mà còn thể hiện được sự nhấn nhá “vang, rền nền, nảy” đặc trưng của nghệ thuật dân ca Việt Nam. Điều cuối cùng tạo ra sự hấp dẫn đối với khán giả là vai trò của các ngôi sao. Hay nói theo giọng nghề là các kép chính.

Tôi đã chứng kiến từ bác xích lô, anh tài xế tắc xi, đến những khán giả đều náo nức bàn tán khi biết đêm diễn Chu Văn An - Người thầy của muôn đời của Nhà hát chèo Quân đội có Nghệ sĩ ưu tú Tự Long sẽ thủ vai chính. Trong vai diễn này từ một nghệ sĩ có năng khiếu diễn hài, Tự Long đã hoá thân thành một thầy Chu nho giáo đường hoàng, đĩnh đạc trong cách diễn, trong những lời thoại và cả giọng hát điêu luyện, chủ động, linh hoạt của anh.

Hơn mọi thể loại nghệ thuật khác, mọi loại hình sân khấu đều cần những ngôi sao. Chính họ đã thành tâm điểm của đêm diễn và tạo ra sức hút cho đêm diễn. Dường như lâu nay sân khấu chèo đã bỏ quên việc đào tạo ngôi sao sau khi những Thanh Trầm, Quốc Chiêm, ít nhiều của Xuân Hinh ít diễn đi…

Dân ta còn mê chèo lắm. Hội thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 ở Hải Phòng tháng 10 vừa qua đã thêm một lần khẳng định điều này. Mong các nhà quản lý, chuyên môn làm chèo, các nhà hát chèo nên lấy đó là mục tiêu cho sự xây dựng và phát triển nghệ thuật của mình .

Quỳnh Mai ngày 4/11/2013

Nguyễn Hiếu
.
.