Đọc lại Ngô Tất Tố - Một cái đói rất khác biệt (kỳ 2)

Thứ Hai, 25/07/2016, 20:28
Đôi khi, kẻ hậu sinh như tôi vẫn nghĩ, chọn nghiệp cầm bút là tự chọn cho mình một sứ mệnh. Và tiên sinh Ngô Tất Tố đã chọn cho mình một sứ mệnh là chống lại sự suy thoái nhân danh việc làng.


Việc làng trong những phóng sự của Ngô Tất Tố mang đậm màu sắc tiêu cực, thậm chí phần nào là tàn nhẫn. Những chức sắc trong làng rặt một thành phần bịa chuyện để có miếng ăn, có bữa nhậu. 

Còn người dân trong làng thì lại bị trói buộc bởi mặc định tư duy, bất chấp giá nào cũng phải là người của làng, phải ở lại làng, chết phải được người trong làng khiêng ra ngoài đồng. Cuộc chiến ấy của tiên sinh, là một cuộc chiến không khoan nhượng, đầy quyết liệt. Thêm mảng nữa chính là đả kích loại lang băm hại người.

Nhưng có lẽ phần này tôi mạn phép bàn sau, trong bài này tôi sẽ nói về cái đói trong phóng sự của cụ Ngô Tất Tố.

Dòng văn học hiện thực phê phán thuở trước 1945, ám ảnh nhiều nhất vẫn là các câu chuyện về nạn đói. Cái đói qua bút pháp của các cụ Nam Cao, Kim Lân… thật đáng sợ. 

Cụ Nguyễn Tuân trong một tùy bút miêu tả cảnh người đàn bà đói người không ra người ma không ra ma, cụ còn kể chuyện nghe nói có quán phở chuyên bán thịt người. Cái đói thông qua loại hình báo chí phóng sự của cụ Ngô Tất Tố cũng khốc liệt không kém văn chương, nhưng cái cách mà cụ đề cập đến cái đói vẫn đầy chất hào hoa. Rất lạ mà cũng cực kỳ thú vị.

Nhà văn Ngô Tất Tố.

Cụ viết về phương thức chống đói trong Làm no hay cái ăn trong những ngày nước ngập đúng là thần sầu quỷ khốc: “…Người ta bảo chết thì ăn đất, nhưng chính nhà cháu sống về đất đấy ông ạ! Món này là một thứ cơm nắm của  nhà cháu, làm công trình hơn một tí. 

Mới đầu là lấy đất sét trắng về, vật đi vật lại như ta nặn đầu rau, rồi thái từng miếng mỏng như ta thái bánh dầy, đặt vào mủng, mẹt đem phơi khô. Khi dùng nó thì phải có nõn sắn lót thật dầy xuống đáy nồi, rồi mỗi lượt đất lại một lượt cá tép, rồi cho vài duộc tương. Bắc lên đun thì tra thêm tí nước cho khỏi khê, cứ nhỏ lửa đun mãi cho tương cạn cá chín, những cái béo của tương của cá ngấm vào đất sét đỏ như  miếng hồng tầu thế là được..

…Ôi chà, nghĩ cái nguồn cơn ăn cổ cau mà sợ. Lần đầu, cháu chặt một cái, bóc hết bẹ xanh rồi thái như thái măng phơi, cứ thế luộc rồi đem ra ăn: ăn rồi, bố con rạo rực nằm mất một ngày, chân tay cứ rời rã ra, bọt mép phèo ra, bụng vẫn tỉnh mà không sao cựa được, sau hỏi ra mới biết phải luộc bỏ nước đi, ngâm hết nửa ngày nữa mới ăn được. 

Ăn hết cau rồi, thấy làng nước họ đua nhau đi tìm củ chuối để ăn, cháu cũng vớ được vài cái đem về bung. Ăn nó có phần mát ruột mà chắc dạ hơn ăn bèo tây, rau ngổ, hơn cả ăn đất sét, đất sét phải cái nặng, làm rỗng cả ruột ra, về sau ăn cái gì cũng mãi mới no!...

…Lần đầu cháu đi qua nền Văn chỉ thấy một đám cải rừng, xanh tốt lắm, cháu nhấm thấy thơm thơm, liền hái một chét đem về ăn thử, thế mà luộc chấm tương ăn thú lạ; nhà cháu ăn ba bốn ngày làng nước mới biết thì chẳng còn gì cả. Cháu lại xoay ra tìm cách khác xem ra lợn ăn được cái gì thì người ăn được cái ấy. Một lần cháu ăn liều mà ngon. 

Đương mùa nhãn, cháu thấy ở chợ người ta vứt rất nhiều hột, cháu mới quét lấy được trên lưng thúng đem về. Lấy dao gọt hết vỏ đen đi, đổ vào ngâm một đêm cho hết chát, rồi tra vào nồi, bung như ta bung ngô, thế mà đem ra ăn cứ bùi nghìn nghịt như hạt sen, đã ngon lại chắc dạ; thế là cháu cứ tìm đi các chợ, để nhặt hết hạt nhãn đem về tích lại một gánh, vợ chồng ăn uống no nê mà chẳng ai biết cách ăn của cháu thế nào...”.

Hay như trong Nghệ thuật băm thịt gà: Người nhà chỉ bưng lên thềm hai thúng bát đĩa, một con dao, một cái thớt, một liễn nước mắm và hai chồng mâm. Thằng Mới lễ bễ bưng mâm xôi gà ra thềm. Hắn nhấc con gà sang chiếc mâm khác, rồi chữa cỗ xôi hình tròn ra hình vuông. Ồi lạ! Con gà làm được hơn hai chục cỗ, thật là một kỳ công!...

…Rồi hắn úp cả đôi mảnh xuống thớt, chặt mảnh mỏ dưới làm đôi và mảnh mỏ trên làm ba. Tôi không biết những miếng thịt gà này có đều nhau không, chỉ thấy tất cả năm miếng, miếng nào cũng có dính một tí mỏ. Tiếp đến cuộc pha phao câu. Công việc tuy không lấy gì làm khó, nhưng hắn làm cũng vẫn có vẻ khác người. Bốn miếng phao gà, miếng nào cũng có đầu bàu, đầu nhọn, chẳng khác nào một cái chũm cau chẻ tư. Sỏ gà bày vào một đĩa, phao gà bày vào một đĩa. Hắn lại cắt lấy hai chiếc cánh gà, chặt luôn làm hơn mười miếng và bày với đôi chân gà làm thêm một đĩa nữa. Bây giờ thì đến mình gà. Hắn lách lưỡi dao vào sườn con gà, cắt riêng hai cái tỏi gà bỏ góc mâm. Rồi lật ngửa con gà lên thớt, hắn ướm dao vào giữa xương sống và giơ dao chém luôn hai nhát theo chiều dài cái xương ấy. Con gà bị tách ra làm hai mảnh. Mỗi mảnh đều có một nửa xương sống. Một tay giữ thỏi thịt gà, một tay cầm con dao phay, hắn băm lia lịa như không chú ý gì hết. Nhưng mà hình như tay hắn đã có cỡ sẵn, cho nên con dao của hắn giơ lên, không nhát nào cao, không nhát nào thấp. 

Mười nhát như một, có khi chỉ lên khỏi mặt thớt độ khoảng một gang, và cách cái ngón tay hắn độ vài ba phân. Tiếng dao công cốc đụng vào mặt thớt, nhịp nhàng như tiếng mõ của phường chèo, không lúc nào mau, cũng không có lúc nào thưa. Mỗi tiếng cốc là một miếng thịt gà băng ra. Miếng nào cũng như miếng ấy, đứt suốt từ xương đến da, không còn dính nhau mảy may. Trông những miếng thịt gà của hắn bốc ra góc mâm, mới đẹp làm sao! Không giập, không nát, không bong da, nó giống như tập cánh con bươm bướm. 

Nếu để trước môi mà thổi, có thể bay được mười thước. Băm xong con gà, hắn móc túi lấy một nắm tăm. Mỗi miếng thịt gà, hắn xâu cho một cái tăm vào giữa. Rồi hắn cắm vào mâm xôi. Cứ mỗi tảng xôi là bốn xâu thịt. Thịt vừa hết, xôi cũng vừa kháp. Té ra cái mình con gà, hắn đã băm được 92 miếng”.

Nạn đói năm Ất Dậu (1945) - Ảnh của cụ Võ An Ninh.

Ôi, một bài báo mà chi li đến vậy, mà quan sát tinh tế đến vậy, mà sử dụng phương pháp tả chân kỳ diệu đến vậy thì thật là không còn ngôn từ để mà khen, không còn ngôn từ để mà ca ngợi. Ấy là tôi còn phải căn chỉnh theo dung lượng của bài báo, chứ trích trọn vẹn Làm no hay cái ăn trong những ngày nước ngập thì mới thấy hết kỳ tài của tiên sinh Ngô Tất Tố.

Vì đói mà cố giữ cái nếp làng, cố vin vào đó để kiếm miếng ăn dẫu vụn vặt, nên những ông hương chức trong làng mới phải tỏ ra đạo mạo, quan cách. Chứ suy cho cùng thì chỉ vì miếng xôi bé con, miếng thịt mỏng như dao lam mà thôi.

Cái cảnh lập cập đi ăn miếng cúng đình mới xót xa, mới chua cay, mới đắng ngắt làm sao được tiên sinh miêu tả trong Miếng thịt giỗ hậu: Đống vàng cháy chưa  hết nửa, mười bốn mâm cỗ đã xong cả rồi. Nó bưng từng mâm đặt ra các chiếu. Mỗi mâm chỉ có một đĩa thịt mỏng, một bát nước  mắm và một cục xôi bằng bánh xà phòng ba xu. Bốn một, tám hai, các cụ tự do ngồi vào các cỗ, không ai phải mời ai...

…Dứt lời, các cụ lần lượt chia đũa mời nhau “đưa cay”. Câu  chuyện “cái giá cắn đôi” của đất Hà Nội, tôi mới được nghe chưa  từng được thấy, nhưng ở đám này tôi đã mục kích được một kiểu  ăn uống còn có lễ độ hơn thế. Miếng thịt gắp lên, các cụ chỉ sẽ  “nhấm” một chút xíu, rồi lại đặt luôn xuống bát của mình. Có lẽ cái chỗ bị “nhấm” nó chỉ lớn bằng hạt đỗ…

…Tôi phải chạy lại gần cụ, nắm lấy cánh tay và dắt cụ đi. Bằng hai hàm răng đập vào nhau cầm cập, cụ vừa đi vừa nói chân  tình:

- Tôi gần tám mươi tuổi đầu, mà lúc mưa rét thế này, cũng cố dò đi ăn uống, chắc ông sẽ cho là già tham ăn. Thực ra, tôi có thiết gì miếng xôi, miếng thịt! Sở dĩ cố đi, chỉ vì có mấy đứa cháu. Ở nhà  quê gạo ăn còn chẳng có, lấy đâu ra tiền mua thịt? Nếu không có miếng phần việc làng, thì những trẻ con quanh năm không được biết mùi thịt ra sao. Bởi thế, tôi phải dò đi, để lấy phần về cho  chúng nó...

Câu chuyện chưa hết, cụ Thượng vừa tới cổng nhà, mấy đứa trẻ con, mặt xám như gà cắt tiết, thấy cụ liền reo một cách mừng rỡ như người được của:

- A! Ông đã về! Phần của cháu đâu?

Hình như chúng nó đợi cụ đã lâu lắm”.

Cái đói trong phóng sự của tiên sinh Ngô Tất Tố, nhiều khi bắt nguồn từ lệ làng. Một kiểu lệ vô thanh vô ảnh mà cứ như sợi dây thòng lọng buộc vào kiếp người, bán thân chịu đói trả nợ tang vợ, như trong Món nợ chung thân.

“…Lệ của làng ta, chắc cậu đã rõ. Một người nằm xuống, dù  giàu dù nghèo, nhà chủ cũng phải giết một con lợn đãi “phe” một bữa dấm ghém, phe mới khiêng cho. Không được thế, thì phải nhờ cậy họ mạc khiêng giúp. Nhà con tuy còn ít tuổi, nhưng nó là người thiên hạ và cũng hẳn hoi với con, nếu để họ khiêng, thì sợ tủi vong hồn nó, và rồi con cũng không mặt mũi nào trông thấy  anh em nhà vợ nữa. Vì thế, con phải cố lo bữa rượu để mời hàng giáp. 

“Một con lợn, mươi nồi gạo, vài chục chai rượu, tất cả cũng hơn ba chục đồng, chưa kể quan ván của nó. “Trong nhà không có đồng nào, một chốc phải tiêu đến bấy nhiêu tiền, cậu bảo lấy ở đâu  ra? “Nếu nhà vợ con mà được giàu có, thì con cũng không khổ lắm. Nhưng mà bên ấy cũng không có gì, bà nhà con và các cậu nó chỉ giúp cho được hơn mười đồng.

Còn thiếu, con lại phải kêu cụ T. “Cụ con bằng lòng cho con vay thêm hai nhăm đồng nữa, với năm đồng trước thành ba chục  đồng. Cho người khác vay, cụ T. vẫn đều tính lãi mỗi đồng một  tháng sáu xu, vì con là kẻ tôi tớ cụ con cũng thương, nên mỗi đồng  một tháng chỉ lấy năm xu, nhưng tháng nào phải trả lãi ngay tháng ấy, còn gốc chịu đến bao giờ cũng được.

“Tiền công của con ở đấy, mỗi tháng được một đồng rưỡi; trừ vào tiền lãi là vừa. Từ cuối  năm ngoái đến giờ, quần áo rách như bươm bướm, con cũng không có đồng nào mà may.

Rồi với hai hàng nước mắt giàn giụa, hắn kết luận:

Đời con không còn lúc nào trả xong được món nợ ấy. Bây giờ  đã vậy, không biết rồi khi về già, không kéo nổi cái xe kia nữa, thì làm thế nào?”.

Nhưng bấy nhiêu đã là gì đâu so với những trò ma quỷ khác phía bên trong làng, phía sau cánh cổng làng.

Ngô Kinh Luân
.
.