Đọc lại Ngô Tất Tố - Tư tưởng cấp tiến (kỳ 1)

Thứ Năm, 30/06/2016, 05:19
Phải đọc lại nhiều lần Ngô Tất Tố, mới hiểu hết giá trị văn chương cũng như con đường mà ông đã chọn. Đó thật sự là một cá nhân vĩ đại, không phải chỉ là những ông đồ quen quần lãnh áo dài để móng tay, nhai trầu hút thuốc phiện, nghe ả đào và đi viết báo.


Nhà văn Ngô Tất Tố hoạch định cho riêng ông một mục tiêu, một lý tưởng rất riêng. Kẻ hậu sinh như tôi, luôn kính trọng điều đó.

1. Gia tài lẫn giá trị văn chương của tiên sinh Ngô Tất Tố là điều tôi không bàn đến trong bài viết này, bởi đó là điều mà người đọc nhiều thế hệ đã thừa nhận. Tôi chỉ bàn đến những bài báo (gọi là phóng sự theo cách đương thời kế cận cũng được) của nhà văn Ngô Tất Tố.

“Nhà văn Ngô Tất Tố sinh năm 1893 mất năm 1954 ở làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông là con thứ hai, nhưng là trưởng nam trong một gia đình có bảy anh chị em, ba trai, bốn gái. Lúc còn nhỏ Ngô Tất Tố được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học. Từ năm 1898, Ngô Tất Tố được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán ở quê, sau đó ông theo học ở nhiều làng quê trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố tự học chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống lúc bấy giờ vẫn còn được triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. 

Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ Nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ Nhị”. (Đoạn trích rất đầy đủ về nhân thân của ông trên Wikipedia).

Tuy nhiên, quãng thời gian tung hoành dọc ngang trường văn trận bút nhất của nhà văn Ngô Tất Tố phải là khi ông bắt đầu làm báo, áng quãng năm 1925.

Nhà văn Ngô Tất Tố và Tắt đèn - tác phẩm lừng danh.

Thật đáng ngạc nhiên là ông nắm bắt rất nhanh xu hướng báo chí đương thời, nếu đọc lại bài thời luận Bắc Ninh cầu cứu: “Nếu không tiện về tận những hạt đang bị đày đọa, các bạn hãy cứ giở tờ Việt Báo tháng trước và tờ Đông Pháp gần đây, hoặc là sang đầu cầu Đuống mà coi, chúng ta sẽ thấy vô số dân đói đã cách xa sự sống nhiều lắm, tuy rằng họ vẫn chưa chết. Những kẻ ngắc ngoải muốn chết đó, phần nhiều là dân các huyện Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Đông Ngàn nữa. 

Trong mấy huyện khổ đó, nhất thì Lang Tài, Gia Bình, Thuận Thành. Đời họ chỉ sống bằng nghề làm ruộng, vậy mà hai năm bị hai trận lụt nước sông, lại kèm một trận "tiêu khô cháy đồng" ở giữa, như thế đến cỏ cũng chết đừng nói người. Ai đáng phải chịu trách nhiệm với họ trong những tai nạn thảm khốc ấy? Ngày xưa thì đổ cho trời, nhưng bây giờ... ít nhất cũng phải truy vào sở Lục lộ Bắc Ninh.

Hàng năm, họ phải nuôi sở Lục lộ bao nhiêu thuế bách phân và các thuế khác, chỉ nhờ sở ấy trông nom đê điều cầu cống cho mình. Vậy mà người ta cứ để cho họ luôn luôn phải lụt, phải hạn hán, rồi phải chết đói. Kể cũng nhẫn tâm. Giả sử ở đời mà có công lý và nhân đạo, tất nhiên họ sẽ được tiền bồi thường xứng đáng với sự thiệt hại. Những việc bồi thường như thế, với chính phủ cũng không lạ gì. Bởi vì chính phủ thực hành đã quen, nhất là người Pháp, thí dụ như việc vừa rồi bồi thường một vạn đồng cho nhà thầu khoán Soyez-Lucien về sự thiệt hại trong khi làm cầu cho đường xe lửa ở Song Long Song”.

Nghĩa là ở thời điểm mấy mươi năm trước, cụ Ngô Tất Tố với tư cách là một nhà báo đã biết truy vấn sở Lục lộ bồi hoàn cho tổn thất vì lụt lội, khô hạn vì người dân đã “nuôi sở Lục lộ bao nhiêu thuế bách phân và các thuế khác, chỉ nhờ sở ấy trông nom đê điều cầu cống cho mình”.

Ngay thời điểm này, khi mà nước ngập vẫn ngập mỗi lúc mưa, hạn hán thì dân gồng mình chịu, vẫn chưa thấy bài báo nào quy trách nhiệm cho cơ quan nào cả. Thật đáng suy ngẫm, không biết hiện tại tư duy nhà báo thụt lùi hay tư duy của cụ Ngô Tất Tố đã cấp tiến từ lâu quá.

Thể loại cực hay nữa, có lẽ là thế mạnh của nhà văn Ngô Tất Tố chính là châm biếm trào phúng. Tôi nhiều năm viết trào phúng cũng có chút tựu thành được một số bạn đọc ghi nhận, nhưng nếu cụ là trăng rằm thì chỉ mong mình là ánh đom đóm mà thôi.

Cụ viết trào phúng đỉnh cao, thượng thặng có lẽ là do thuộc quá nhiều điển tích điển cố, sách sử. Như khi cụ viết Bãi nước bọt  kể về chuyện hai ông Nguyễn Doãn T. tuần phủ hưu trí và ông Nguyễn Phương Đ. nguyên thông phán Phủ Toàn quyền. Hai ông này cùng họ, họ lại là họ lớn có chức vị ở làng. 

Nhân có lệnh của ông công sứ Bắc Ninh bắt phải chia lại số ruộng công ấy, ông Nguyễn Phương Đ.  không thế, cứ muốn theo đúng địa bạ Gia Long, móc hết những số ruộng công đã bị hóa làm ruộng tư mà chia luôn thể. Cái khó chịu của ông T. là ở chỗ đó. Ông T. giận lắm vì bị xâm phạm quyền lợi bèn xúi người cùng họ kiện ông Nguyễn Phương Đ.

“Một hôm, giữa đám cỗ của người trưởng họ, ông Đ.  hỏi thẳng ông T., “Có phải anh đã sai lũ tộc biểu đi kiện tôi không?”. Lẽ tự nhiên là ông T. phải chối. Ông Đ. chỉ mặt ông T. nói tiếp, “Thế thì anh là kẻ hèn nhát, không có can đảm tự nhận cái việc mà mình đã làm, tôi phải nhổ vào cái mặt hèn nhát của anh”, rồi một bãi nước bọt từ miệng ông Đ. nhẩy luôn sang mặt ông T.”.

Để chốt câu chuyện bãi nước bọt này, cụ Ngô Tất Tố dẫn điển tích về Lâu Sư Đức không thể khéo hơn, không thể hay hơn, không thể chính xác hơn: “Không biết lúc ấy ông T. có rửa mặt không?”. Chắc không, vì cụ lớn là một viên quan thâm nho, mà trong sách nho đã chép một chuyện rất hợp với chuyện của cụ. Ấy là chuyện Lâu Sư Đức. Lâu Sư Đức nhà Đường có người em được cử làm thái thú châu Đại, khi hắn sắp sửa tới nhậm, ông ta có dặn cần phải tốt nhịn. Hắn nói:

“Từ nay nếu ai nhổ vào mặt tôi, tôi cũng chùi đi mà thôi”. Sư Đức chưa cho là phải, và bảo thêm rằng: “Người ta nhổ vào mặt mày là giận mày đó. Nếu mày chùi đi càng khích cho họ giận thêm. Phải để cho nó tự nhiên khô đi”. Thiên quan châm ấy có ghi trong bộ Đường thư. Ông T. khi mới xuất chính ắt đã đọc rồi. Thế thì trong lúc làm quan, ông T. chắc biết trước mình sẽ có ngày phải thực hành câu nói của Lâu Sư Đức. Bây giờ hưu rồi, việc mới xảy ra, đó cũng là may mắn lắm. Rửa chi cho tốn nước và hại xà phòng!”.

2. Trong hồi ký Bốn mươi năm nói láo của bậc tài hoa Vũ Bằng, có chi tiết cụ Ngô Tất Tố học tiếng Tây rất cảm động. Tôi hậu sinh, thật quá khó để có thể tưởng tượng một Nho sinh như cụ Ngô Tất Tố học tiếng Tây ra sao.

“Riêng Ngô Tất Tố thì có khi bị Phùng Bảo Thạch và tôi chọc uất quá, tưởng như có thể thổ ra máu như Chu Công Cẩn. Thực tâm lúc nào tôi cũng kính phục Ngô Tất Tố về đức độ, về văn tài, học lực, như một bực đàn anh. Thành thực hơn nữa, tôi lại phải nói thêm rằng tôi rất bất bình khi thấy báo “Duy Tân” của Nguyễn Đình Thấu kêu đầu xứ Tố là Đồ Tố và cứ nhắc đi nhắc lại câu vè:

Anh Đồ ơi, đôi mắt anh không sáng, cũng không nhèm.

Suốt đời anh không biết ăn kem Bờ Hồ.

Nhưng không hiểu duyên nợ gì cứ buộc tôi phải chọc Ngô Tất Tố. Điển hình là vụ Ngô Tất Tố dạy tôi học chữ nho, và tôi dạy lại Ngô Tất Tố học chữ Tây.

Sau một mật ước với anh em, tôi làm ra bộ rất đứng đắn, một hôm, trịnh trọng bảo Ngô Tất Tố, “Bác Tố ạ, chúng ta làm báo đã lâu, nhưng thực ra chưa làm báo”. Tố quắc mắt, hỏi tôi, “Bác nói gì? Tại sao ta lại chưa làm báo”.

Chân dung và bút tích của  nhà văn Ngô Tất Tố.

“Là ý tôi muốn nói thế này, bác ạ. Bác viết báo vào hạng cừ, anh em đều nhận thế; nhưng dù sao bác cũng phải nhận rằng bác còn thiếu chữ Tây, mà tôi vào cái hạng đàn em, nhưng viết cũng gọi là khơ khớ, tôi lại thiếu hẳn cái chữ nho”, thế rồi tôi bỏ lửng không nói nữa.

Lát sau, Phùng Bảo Thạch mới bàn:

“Thì có khó gì đâu. Bác Tố và anh Bằng bổ túc lẫn cho nhau thì chu hết, cần gì phải băn khoăn”.

Ngô Tất Tố hỏi bổ túc thế nào. Phùng Bảo Thạch đề nghị mỗi ngày hai người nên dành ra nửa tiếng đồng hồ để dạy lẫn nhau: Tố dạy Bằng chữ nho, còn Bằng dạy Tố tiếng Pháp. Anh em cho là phải.

Ngay hôm sau, tôi bắt đầu chương trình dạy tiếng Pháp và được bác Tố chăm chú học hỏi một cách thành kính. Tôi bắt đầu bằng một tràng lý luận, “Tôi không hiểu chữ nho ra sao chứ cách cấu tạo chữ Pháp của họ tinh vi và thiết thực hết sức. Đại khái cây mía. Nó nói gì? Thoạt đầu, nó giống cây tre, cây tre tiếng Pháp là [bambou]. Hít cây mía, có nước. Nước là eau. Vì thế cây mía tiếng Tây gọi là bambou hít ra lô”

Nghe được lắm. Bác Tố lẩm nhẩm đọc “bambou hít ra lô” là cây mía, cây mía là “bambou hít ra lô”... Mặt tôi vẫn nghiêm. Vẫn lý luận như trên, tôi dạy thêm: lanh nhanh là cái tàu điện, đanh đông là cái đỉnh đồng, lơ sơ vơ là anh sợ vợ, laboratoire là Lã Bố ra tòa.

Đến hai danh từ sau cùng, anh em và chính tôi thấy mặt bác Tố bơ vơ, không thể nín cười được nữa, bật ra một tràng cười khổng lồ làm rung động cả cửa kính và sàn gác. Tố biết mình bị lỡm, cầm cái gối ném vào mặt tôi và ngay lúc đó đứng dậy mặc cái áo the, chụp cái khăn vào đầu, lê đôi giầy Gia Định một cách thiểu não đến nhà Mai Lĩnh nằm nhai khối hận.

Từ hôm đó, Ngô Tất Tố kêu tôi là “đồ vô lại” và “gạt tôi sang hàng ngũ thành tích bất hảo”, không thèm nhìn mà cũng không thèm nói một câu. Phần tôi, tôi hối hận không để đâu cho hết và tự nguyền rủa mình sao lại có thể “đem một linh hồn ra đùa giỡn” một cách vô học, vô liêm sỉ đến như thế được.

Cả tòa soạn phải họp lại, cử một phái đoàn đưa tôi đến nhà xuất bản Mai Lĩnh để xin lỗi Ngô Tất Tố. Anh em bao giờ lại nỡ bỏ nhau: Ngô Tất Tố, rút cục, bằng lòng tha lỗi cho tôi. Vì thế, trong tờ “Tương Lai”, ba chữ Ngô Tất Tố và bút hiệu Ngô Công lại chịu cùng đứng chung với bút hiệu của chúng tôi để làm cho tờ “Tương Lai” thành một tờ tuần báo tranh đấu được người ta lưu ý”.

Bài viết dài quá dung lượng của chuyên mục này rồi, trong số báo ANTG Giữa tháng Bảy tới tôi lại tiếp tục xin phép được hầu chuyện bạn đọc về tiên sinh Ngô Tất Tố.

Ngô Kinh Luân
.
.