Ngô Tất Tố - Sáng ngời một nhân cách

Thứ Năm, 13/06/2013, 15:41
Sáng 7/4, tại Thư viện gia đình phục vụ cộng đồng Phạm Thế Cường đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề tháng 4 của CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng với chủ đề “Ngô Tất Tố - nhà văn, nhà báo hiện thực xã hội xuất sắc”.

Sau phần giới thiệu về nhà văn Ngô Tất Tố của em Hồ Thị Thủy Tiên, các thành viên CLB đã có buổi tranh luận sôi nổi về những câu chuyện xoay quanh cha đẻ của “Tắt đèn” và “Lều chõng”. Có thể nói nhà văn Ngô Tất Tố đã trở nên quá quen thuộc với bạn đọc bởi ai cũng trải qua thời cấp 2 với những đoạn trích tiêu biểu trong tác phẩm “Tắt đèn” của ông. Các thành viên CLB cũng vậy.

Với họ, chị Dậu - anh Dậu, hình ảnh người nông dân cơ cực, bần hàn bị áp bức đến đường cùng trong xã hội thuộc địa - nửa phong kiến luôn là một hình ảnh mang sức ám ảnh to lớn. Trong bùn lầy của đêm đen nô lệ không lối thoát, họ vẫn vươn lên, ngời sáng tâm hồn. Rất nhiều người trong CLB hôm ấy thuộc lòng từng đoạn trích trong tác phẩm bất hủ “Tắt đèn”. Hình ảnh chị Dậu bán con nộp sưu, cái Tý phải ăn cơm của chó khiến nhiều người rơi nước mắt.

Cô giáo Kim Khiết chia sẻ rằng, đọc những tác phẩm viết về người nông dân của cụ Tố, cô tủi hổ khi chợt nhận ra rằng những năm tháng mình ăn sắn, bo bo độn cơm vẫn còn quá “quý tộc” so với người nông dân cùng khổ phải ăn đất. Những cơ cực, những tục lệ hà khắc chèn ép người nông dân đến chết khiến cô luôn đau đáu.

Riêng một thành viên trẻ tuổi của CLB cho rằng, các tác phẩm của Ngô Tất Tố, đặc biệt là “Tắt đèn”, văn phong của ông cường điệu quá. Người đọc có cảm giác cường hào, địa chủ đều là lũ ngu si, tham lam và ác độc. Còn người nông dân thì bị bóc lột đến thậm tệ, sống không bằng chết. Thành viên này cho biết người bà của anh cũng sống trong thời kỳ này. Nhưng bà anh bảo rằng cuộc sống của người nông dân thời đó không đến nỗi bi đát như chị Dậu. Tuy không giàu sang, nhưng họ vẫn có cuộc sống êm đềm. Trường hợp bần cùng, nghèo khổ đến độ bán con, bán chó để nộp sưu như gia đình chị Dậu rất hiếm.

Đáp lại ý kiến này, thành viên khác cho rằng đó chỉ là sự điển hình hóa của văn học. Người nông dân ở đây được đặc tả. Bởi hiện thực như thế nào thì nhà văn phản ánh như thế ấy chứ không có ý đồ chính trị gì. Sự hiểu sai, đôi khi sẽ bóp méo giá trị tác phẩm và tài năng, tấm lòng của nhà văn. Đồng tình với quan điểm ấy, bà Giáng Vân tâm sự rằng: công tác trong lĩnh vực nông nghiệp, từng gắn bó với người nông dân nên hơn ai hết bà hiểu nỗi khổ cực, lầm than của họ. “Người ta ví von: Chiếc váy đụp của người nông dân vứt xuống sông không chìm. Tại sao vậy? Tôi đã thấy chiếc váy đó, tại nó vá chằng vá đụp nhiều quá. Tôi từng đi qua vùng Thanh Hóa, Nam Định trong những năm kháng chiến mới thấy rằng cuộc sống của nông dân ta ngày ấy còn nghèo lắm. Vì thế tôi tin nhà văn Ngô Tất Tố đã tả những điển hình của nông dân miền Bắc trong các tác phẩm bất hủ của ông” - bà Giáng Vân nói.

Cám cảnh cho thân phận người nông dân, bà Giáng Vân trào phúng bằng hai câu thơ cười ra nước mắt: “Nghề nghiệp chúng ta lắm đoạn trường/ Lỗ nhiều, lời ít, lắm tai ương”.

Hai giờ đồng hồ trôi qua, nhưng những ý kiến bàn luận sôi nổi vẫn chưa có hồi kết thúc. Trong tác phẩm nguyên gốc, bàn tay nhơ nhớp của cụ cố đặt lên vồng ngực của chị Dậu. Cũng đoạn trích đó, ông Phạm Thế Cường chỉ ra trong nhiều cuốn sách tái bản lại hiện nay có sự dị biệt: bàn tay cụ cố không chỉ dừng lại ở ngực mà còn lần sâu xuống rốn chị Dậu.

Đọc đến đoạn này, nhiều người đặt câu hỏi: Ngô Tất Tố là một nhà nho, sao lại có những câu từ mô tả táo bạo, suồng sã như thế? Rõ ràng, có người đã biên tập, chỉnh sửa, làm mất đi tinh thần, cốt cách của cụ Tố. Bởi cụ Tố là nhà nho, cụ dùng từ rất cẩn thận, chuẩn mực và rất bóng bẩy.

Cụ Tố có biết tiếng Pháp hay không? Đây cũng là một câu hỏi được CLB đưa  ra để thảo luận vì nhà sử học Lê Vinh Quốc cho biết: anh ruột của cụ Tố từng bảo rằng cụ Tố không học tiếng Pháp nhưng nhiều nhà văn khác lại khẳng định rằng cụ Tố học tiếng Pháp rất giỏi.

Có ý kiến cho rằng, để tìm câu trả lời chỉ cần khảo sát qua bản dịch “Suối thép” của Ngô Tất Tố (bản Pháp văn của NXB Mát-xcơ-va). Nhà văn Kim Lân, một người khá thân thiết với nhà văn Ngô Tất Tố từng cho biết, bản gốc cuốn Pháp văn này được mua từ bên Pháp về. Vậy là quá rõ, nếu nhà văn Ngô Tất Tố không giỏi tiếng Pháp thì làm sao ông có thể dịch được sách tiếng Pháp chuẩn mực như thế.

Và thật bỏ sót khi nhắc đến Ngô Tất Tố mà không nhắc đến tác phẩm “Lều chõng”. Đây được xem là một tác phẩm xuất sắc, phản ánh chân thực những bi hài, khổ cực của việc thi cử trong đêm tàn Nho học. Đọc tác phẩm, có thành viên CLB cho rằng, việc chọn nhân tài ngày xưa quá cực đoan và cảm tính. Sĩ tử đi thi gian nan, vất vả khôn cùng. Qua ngòi bút sắc sảo của Ngô Tất Tố, nhiều người làm giáo dục bây giờ chợt giật mình ngẫm lại thời cuộc. Điều đó càng khẳng định, những tác phẩm của Ngô Tất Tố luôn có giá trị vượt qua thời gian

Quỳnh Nga
.
.