Những tiền nhân trầm khuất

Doãn Uẩn: Công bằng, trung trực, thanh liêm

Thứ Tư, 21/11/2018, 10:41
Trong kỳ trước, chúng ta đã biết về hành trình quan lộ của Doãn Uẩn, vị quan tài năng và liêm khiết dưới thời ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. 

Chúng ta đã thấy được những việc làm của ông khi ở Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bình Định. Trong kỳ cuối này chúng ta sẽ gặp Doãn Uẩn trong công tích quan trọng nhất cuộc đời ông: đánh quân Xiêm, bảo vệ bờ cõi phương Nam.

Xin hãy quay lại một chút sự kiện ở kỳ 1, đó là khi vụ Lê Văn Khôi xảy ra, có một vị kiện tướng hàng đầu của vua Minh Mạng là Trương Minh Giảng đã được điều vào dẹp loạn. Ông đã cùng với Thảo nghịch Tả tướng quân là Tống Phước Lương dẹp yên được cuộc nổi loạn. 

Thời điểm này, do Lê Văn Khôi đã cầu viện quân Xiêm, cho nên quân Xiêm nhân Đại Nam có loạn cũng đưa quân vào chiếm lấy các hạt Hà Tiên, Nam Vang. 

Trương Minh Giảng chuyển quân đánh dẹp, rồi theo đà đuổi quân Xiêm, mà tiến lấy luôn được Cao Miên (Chân Lạp). Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), sau khi vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân chết, vua Minh Mạng phong cho con gái của Nặc Ông Chân là Ngọc Vân làm Cao Miên Quận chúa, đổi Nam Vang thành Trấn Tây. 

Trương Minh Giảng được làm Đông các đại học sĩ, phong là Bình Thành bá, lĩnh ấn Trấn Tây Tướng quân. Tuy nhiên, “cây cao gió lớn”, dù cho Minh Mạng đã đem đến cho Việt Nam một cương thổ rộng lớn nhất lịch sử, thì việc giữ được vùng đất này trong tình cảnh Xiêm La cũng muốn áp đặt quyền lực lên Chân Lạp đã trở thành một “bài toán khó” đối với Đại Nam thời điểm đó. 

Áp lực đẩy lên Trương Minh Giảng vì thế càng lúc càng lớn. Doãn Uẩn được điều vào trong nam để hỗ trợ Trương Minh Giảng chính là vào thời điểm này. 

Năm Minh Mạng thứ 21, vua sai Doãn Uẩn làm phó cho khâm sai đại thần Lê Văn Đức kinh lý Trấn Tây. Ông đã gặp Trương Minh Giảng để cùng bàn việc sửa đổi cải cách hành chính, định rõ ngạch thuế, đo lại ruộng đất. 

Mùa đông năm ấy, khi thổ phỉ ở Trấn Tây nổi lên làm loạn, Doãn Uẩn quyền sung Trấn Tây Bang biện, hội đồng với các tướng quân đi bắt giặc. 

Sau khi Minh Mạng mất vào tháng 1-1841, Thiệu Trị lên ngôi, đánh giá bài toán Trấn Tây không có lời giải, nên đã quyết định rút quân khỏi Trấn Tây. Rất nhanh, quân Xiêm lập tức tràn vào, đưa Nặc Ông Đôn lên làm vua Chân Lạp.

Lúc này, Doãn Uẩn đã về kinh giữ chức Tả tham tri bộ hộ. Đại Nam liệt truyện kể lại: “Năm thứ 3 Thiệu Trị, mùa xuân có khí trắng khắp trời, Vua xuống chiếu cầu lời nói thẳng, Doãn Uẩn đã dâng sớ nói: "Nhân đinh ở Nam Kỳ còn ít, mà binh đao hơi nặng nên đông tây trốn tránh tản cư, xin hoãn lại một lần tuyển duyệt, cùng bỏ thuế quan tân để khỏi lo cho dân”. 

Chi tiết tuy nhỏ, nhưng cho thấy được tấm lòng vì dân của ông sau chuyến công cán ở đất nam. Năm sau, ông được bổ làm Tuần phủ An Giang. Đến nơi, với kinh nghiệm quản trị của mình, Doãn Uẩn đã đề xuất các sửa đổi và di dời các đồn có địa thế không tốt. 

Đại Nam thực lục cũng chép lại, ông cùng với tổng đốc An – Hà là Nguyễn Tri Phương đưa ra ba điểm giảm gánh nặng cho dân, bao gồm: “1 - Xin liệu giảm bớt khóa lệ thanh tra ; 2 - Xin rút bỏ hư ngạch ở sổ các dân ; 3 - Xin tha cho thuế lệ còn đọng thiếu”. 

Tây An cổ tự.

Thật đáng tiếc nếu ngày nay hậu thế chỉ nhắc tên Nguyễn Tri Phương mà lại không biết có một người như Doãn Uẩn.

Bây giờ, một góc lịch sử đã bị phủ bụi quá lâu sẽ được phủi đi để hiện ra hoàn cảnh của Việt Nam trong những năm 1841-1845. Phi Nhã Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) là chỉ huy quân Xiêm La có nhiệm vụ ngăn cản Đại Nam và áp đặt ảnh hưởng lên Chân Lạp. 

Còn nhiệm vụ của Doãn Uẩn với Nguyễn Tri Phương là giữ được thế quân bình với Xiêm La, có được quyền lợi từ phía Chân Lạp, và bảo vệ bờ cõi yên bình, tạo nên diện mạo chữ S hôm nay của dân tộc. 

Đứng trước sự gây hấn của Xiêm La, Doãn Uẩn đã cùng với Lãnh binh Định Tường là Nguyễn Sáng đem quân từ đồn Thông Bình tiến ra, gặp giặc đánh nhau ồ ạt, hạ được hai đồn Thị Đam, Vịnh Bích ở biên giới. 

Sau đó đi đến nơi sẽ lưu danh tên tuổi của Doãn Uẩn, trở thành trận đánh có tính chất quyết định cho bản đồ địa chính trị Đông Nam Á thế kỷ 19: Sách Sô. Đồn Sách Sô là một đồn quan trọng của quân Xiêm La, nơi đây giặc làm nhiều dây thừng, bè mảng, hầm hố để chống giữ. Doãn Uẩn tiến quân đến ngã ba sông Trà Mạt, cho đi báo Nguyễn Văn Hoàng đến hội quân. 

Nguyễn Văn Hoàng cho Hồ Đức Tú, Lê Đình Lý và 1.000 binh theo Doãn Uẩn xử trí, còn mình về chống giữ ở Ba Nam. Ngày hôm sau, Doãn Uẩn chia quân làm hai đạo tiến đến Sách Sô. Quân Xiêm La giữ thành, bắn tên ra. 

Doãn Uẩn cùng với Nguyễn Sáng đánh phía bên hữu còn Hồ Đức Tú, Lê Đình Lý đánh phía bên tả. Lúc này, tướng Hồ Đức Tú thúc quân lên bờ đánh vào thành giặc, còn Doãn Uẩn thúc quân lội qua sông lên trước phá cửa thành, bắn giết được tướng Xiêm cùng hơn trăm người. 

Sau khi phá được Sách Sô, Doãn Uẩn đắp đồn đóng giữ, sai Hồ Đức Tú đem quân lại về Ba Nam để ngăn chặn, đồng thời đưa thư cho Nguyễn Tri Phương. Phi Nhã Chất Tri nghe tin mất Sách Sô, liền đưa hơn 5.000 quân đến lấy lại thành. 

Nhưng Doãn Uẩn liệu binh như thần, đã chia quân mai phục các nơi đợi quân Xiêm đến, ập ra tấn công phủ đầu. Phục binh do Hồ Đức Tú, Nguyễn Sáng đốc thúc giết được tướng giặc cứu viện. Bây giờ, sau khi đồn Sách Sô bị hạ, giặc Xiêm chỉ còn cố chết giữ lấy đồn Thiết Thằng. Quân Đại Nam do Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Nghị đem 3.000 quân, Doãn Uẩn và Nguyễn Văn Hoàng đem 2.000 quân chỉ huy chia hai đường kéo tới. 

Từ trên cao, giặc bắn tên như mưa, nhưng quan quân đóng quân, không tấn công, chỉ đến khi hai đạo quân hợp lại, mới trước sau giáp đánh, thế công thành như vũ bão. 

Đại Nam thực lục chép lại “Bắt tại trận được 3 tên, giết 1 tên đại đầu mục nước Xiêm; người thổ nước Xiêm, nước Lào, nước Thanh bị chết đến 500 - 600 tên. Quan quân thu được thuyền bè, súng ống, khí giới không biết bao nhiêu mà kể”. Theo đà tiến, quân Đại Nam lại lấy luôn được… thành Nam Vang. 

Lúc này, tướng giặc Xiêm là Phi Nhã Chất Tri cố giữ thành Ô Đông. Bốn bên thành đều rừng rậm um tùm, ba bề cách sông, bên trong làm hai lần thành, hai lần lũy, thế rất bền vững. Doãn Uẩn và Nguyễn Tri Phương đưa đại bác tới bắn phá, đêm ngày vây rát. 

Bản đồ chiến tranh Việt – Xiêm giai đoạn 1841-1845.

Tình thế khiến cho Phi Nhã Chất Tri buộc phải đưa thư giảng hòa. Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đồng ý.  Năm 1845, Xiêm La – Đại Nam lấy lại tình hiếu cũ, cùng nhau bảo hộ Chân Lạp, cùng nhận triều cống của Nặc Ông Đôn. Bờ cõi Việt Nam vì thế được bình yên. Doãn Uẩn được phong cho tước Tuy Tĩnh tử, làm Tổng đốc An - Hà. Vua sắc cho 1 cái bài vàng có khắc chữ “An tây mưu lược tướng”. Sau này, ông đã cho xây dựng tại chân núi Sam, An Giang một ngôi chùa Phật. Ngôi chùa ấy được gọi là “Tây An cổ tự”.

Thiệu Trị năm thứ 7 (1847), vua phong thưởng. Lúc này có đúc 12 cỗ súng quý, gồm nhóm 3 cỗ và nhóm 9 cỗ. Trong nhóm 9 cỗ súng, thì Doãn Uẩn được ghi công đầu ở cỗ súng thứ nhất với lời đề “Thần uy phục viễn Đại tướng quân. 

Ba lần thắng trận, được công đầu, mưu lược của văn thần, tấn công to sớm, đem uy trời để vỗ yên, phục phương xa, khắc công vào bảo vật, truyền ức muôn năm rất trọng. 

Sắc cho An tây Mưu lược tướng, Tuy Tĩnh tử Doãn Uẩn”. Cũng trong năm đó, Thiệu Trị mất, Tự Đức lên nối ngôi. Doãn Uẩn tiếp tục làm quan dưới triều vua Tự Đức. Tháng 11 năm Kỷ Dậu, ông bệnh mất tại An Giang, thọ 56 tuổi. 

Một chi tiết rất cảm động được chép lại ở Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ, đó là trong đám tang của ông, Tổng đốc Cao Hữu Bằng tâu với vua Tự Đức: “Doãn Uẩn là người công bằng, trung thực, thanh liêm, cẩn thận, sau khi chết không có một chút tài sản gì, xin đặc cách ra ơn cho”. 

Vua bèn cho thêm 500 quan tiền, 100 phương gạo để chi dùng về việc đưa đám và cho vợ con no đủ hằng ngày để khuyến khích người làm quan thanh liêm, nêu lên người làm tôi tài năng.

170 năm đã trôi qua từ ngày Doãn Uẩn tạ thế. Hậu thế đời sau không thể quên đi một tấm gương đẹp như ông!

Dũng Phan
.
.