Để bước vào ngôi đền lòng dân

Chủ Nhật, 03/02/2019, 18:46
Giống như bức hoành phi trong đền thờ Nguyễn Công Trứ: “Làm ruộng dưỡng đức”, chỉ có bức tượng đài tạc trong lòng dân mới trường tồn cùng năm tháng. Các ông vua đến rồi đi, vương triều thịnh rồi suy, tướng quân thành rồi bại, tể tướng thăng rồi giáng, chỉ có nhân dân là còn mãi.

Khi các cư dân dọc theo vùng duyên hải đông nam châu thổ sông Hồng xây dựng đền thờ, họ đã không hướng đến những nhân vật quyền uy quân sự từng cai trị Bắc thành như Nguyễn Văn Thành (1802-1810), Lê Chất (1769-1826), những người mà quyền lực quân sự khét tiếng đã định hình nên không gian chính trị của vùng như một phần của nước Việt Nam hiện đại sau năm 1802.

Cuộc chiến đẫm máu thống nhất nước Việt Nam đã qua đi ba thập kỷ. Niềm tin và sự sùng kính của dân chúng đã không còn đặt trên yên ngựa hay thanh gươm mà dành cho những người nỗ lực không mệt mỏi cho cuộc sống bình yên, lẽ công bằng và ấm no dành cho dân chúng. 

Họ tin tưởng những vị quan tốt như Nguyễn Văn Hiếu, đưa vào đền thờ những người như Nguyễn Công Trứ vì chính các nỗ lực không mệt mỏi chăm lo cho cuộc sống của dân. Trong khi triều đình vinh danh ông với dẹp yên Phan Bá Vành, bình định Nông Văn Vân, dân đưa ông vào đền thờ với tư cách là một viên quan doanh điền, làm việc với bản đồ, với đồng chua nước mặn, với dân lưu tán, với trâu cày và với đê quai.

Dân biết rõ họ tin ai, thờ ai và vinh danh giá trị nào.

Hoành phi tại nhà thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình: "Phục diễn thực đức" (Làm ruộng dưỡng đức).

Lòng dân, Nguyễn Công Trứ, Minh Mệnh, và thử nghiệm chính sách

Đó là nước Việt Nam của năm 1820. Vị hoàng đế ở Huế, Minh Mệnh đang tìm cách xây dựng một nhà nước tập trung mạnh để kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn từ Lạng Sơn đến Hà Tiên. Không chỉ đối mặt với phân tán chính trị và các viên tướng lĩnh nhiều quyền uy, thách thức lớn nhất của Gia Long, Minh Mệnh là khôi phục và xác lập niềm tin của dân chúng đối với vương triều.

Nếu có một khảo sát về chỉ số niềm tin của dân vào các nhà nước từ 1400 đến 1850 thì con số này chắc chắn đã “chạm đáy” vào các “phiên giao dịch” cuối thế kỷ XVIII. Hệ quả của nó là sự sụp đổ của hai nhà nước: chính quyền Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài và chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, và sự bùng nổ phong trào Tây Sơn. 

1771-1802 là một trong những giai đoạn bạo lực nhất trong lịch sử Việt Nam mà nguyên nhân chính là sự thất bại của nhà nước dẫn đến mất niềm tin từ dân chúng và hệ quả bùng nổ bạo lực xã hội.

Việc vua Gia Long lên ngôi năm 1802 cũng chỉ phần nào lấy lại niềm tin cho “các nhà đầu tư’, đặc biệt là dân chúng ở miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên các sửa soạn chính trị, quân sự, kinh tế, chính sách tôn giáo, dân tộc sau đó của Minh Mệnh lại một lần nữa gây ra xáo trộn trên phạm vi cả nước.

Minh Mệnh muốn tạo ra một nhà nước mạnh. Tập trung quyền lực, lãnh thổ là một cách. Mua những loại thuốc súng mới nhất của nước Anh là cách thứ hai, như ông tuyên bố. Nhưng việc có những súng ống tân tiến không đồng nghĩa có niềm tin của dân. Ông có trong tay những vị tướng giỏi như Tạ Quang Cự, Phạm Văn Điển, Lê Văn Đức… để đánh dẹp, và ông đã làm được, dẹp loạn từ nam chí bắc vào năm 1836. 

Nhưng ông cần các viên chức khác nữa để tiếp quản các làng mạc bị tàn phá, diệt trừ quan lại nhũng nhiễu, khôi phục lại cuộc sống của dân. Ở đó, nhà vua tìm thấy những người như Nguyễn Công Trứ.

“Luân chuyển cán bộ” chắc chắn không phải là một thực hành chính trị riêng có của thời hiện đại. Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị là những bậc thầy lão luyện của “luân chuyển cán bộ”. 

Và năm 1826, ‘cán bộ’ được luân chuyển là Nguyễn Công Trứ: từ điểm nóng Thanh Hóa ra Bắc thành, phụ trách Hình tào: cơ quan hình án của toàn Bắc thành, cũng là một bộ máy tham nhũng, hình án tệ đọng làm dân chúng phẫn nộ. Ông sẽ ở lại vùng đất này hơn một thập kỷ sau đó với sứ mệnh như một cánh tay nối dài của nhà vua nhằm ổn định tình hình trên vùng châu thổ bắc Kỳ.

Ở đó, Nguyễn Công Trứ không chỉ phô diễn sức mạnh của lưỡi gươm mà quan trọng hơn là vai trò tiên phong trong tìm kiếm lẽ công bình, xác lập trật tự, và khôi phục đời sống nhân dân. Chỉ có mang lại cuộc sống bình yên, ấm no cho dân chúng mới là hàn thử biểu cho chỉ số niềm tin của dân chúng vào nhà nước, và chính điều đó, chứ không phải quyền lực chính trị hay súng đạn, là cách thức nhà nước chinh phục “khối óc và con tim” của dân chúng.

“Ai dám đến đùa chơi ở ổ giặc”

Đó là câu nói đầu thế kỷ XIX mô tả vùng duyên hải từ Quất Lâm đến Đồ Sơn: từ phía bắc cửa sông Đáy, sông Trà Lý, sông Hồng đến cửa sông Thái Bình.

Khi Lê Chất (1769-1826), viên tổng trấn và vị tướng khét tiếng ở Bắc Thành qua đời, vùng đất này ngay lập tức chìm đắm trong bạo lực xã hội. Trận dịch năm 1820 và các trận lụt liên tiếp từ 1824 đã đẩy hàng nghìn cư dân ra khỏi vùng trũng Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình xuống duyên hải đông và đông nam. Đó là thế giới của “thổ phỉ”, cướp biển, buôn lậu, và đông đảo nhất là dân lưu tán. 

Họ bị đẩy ra khỏi ruộng đất, làng quê không chỉ bởi thiên tai mà còn do cường hào, quan lại tham ô, và chiến tranh tàn phá. Hình tào Bắc thành là một ví dụ. Sau cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, cơ quan này bị thanh tra, một người bị chém, mười người bị luận tội, trong khi số làm được việc chỉ “vài ba người” (DNTL, q. 49).

Để trấn an dân chúng và ổn định lại trật tự, Minh Mệnh cử Nguyễn Văn Hiếu, một quan chức có tiếng thanh liêm, từng cai quản vùng Nam Định, đi qua từng làng để phủ dụ, trừng trị quan lại tham nhũng. Theo chính sử nhà Nguyễn, “Bọn Hiếu đến đâu, xử kiện tụng, xét gian tang, quan lại ai cũng sợ hãi nín hơi”. Đây là bản tấu của ông:

“Dân hai trấn Sơn Nam, Nam Định trước bị giặc tàn phá, trong đó có 35 xã thôn trang trại thuộc các huyện Thiên Thi, Phù Dung, Hoài An, Chương Đức, Giao Thuỷ, Vũ Tiên, Thư Trì, Thụy Anh, Phụ Dực, Quỳnh Côi và Diên Hà tàn hại rất dữ, dẫu ruộng chưa bỏ hoang hết, dân chưa xiêu tán hết, mà túng đói quẫn bách, không thể chịu nổi” (DNTL, q. 46).

Đáp lại lời tấu, Minh Mệnh sai tha thuế năm 1827, những binh dao tạp dịch bỏ thiếu từ năm trước đều cho hoãn lại, đồng thời cấp tiền gạo cho dân. Theo đó, nếu nhà dân bị đốt thì cấp 2 quan tiền 1 hộc thóc, mất hết của cải thì được cấp 1 hộc thóc; đánh nhau với giặc bị giết chết thì cấp tiền tuất.

Dự án chính trị của Nguyễn Công Trứ

Chín tháng sau phái đoàn của Nguyễn Văn Hiếu; Nguyễn Công Trứ đệ trình một trong những dự án chính trị táo bạo và có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm lập lại trật tự ở vùng châu thổ sông Hồng bằng cách tập hợp dân lưu tán và xác lập làng mạc tại các điểm nóng bạo lực. Ông đã nhắm đến vùng duyên hải nằm giữa cửa sông Đáy và sông Trà Lý, biến ngập mặn sình lầy thành nhà cửa, đồng lúa.

Trước tiên là hỗ trợ dân chúng khai hoang lập làng (xem bảng 1).

Sau đó là tổ chức đời sống xã hội, xác lập trật tự mới. Các ý tưởng cải cách táo bạo của  ông bao gồm việc thúc đẩy một bàn tay mạnh trấn áp cường hào, quan lại tham nhũng. Để khuyến khích quan lại tốt, ông đề ra giải pháp “cải cách hành chính” đột phá: giảm một nửa quan chức yếu kém và tăng lương để giữ thanh liêm. 

Cuối cùng, trọng tâm là việc chiêu mộ dân nghèo, lưu tán và những người tham gia các cuộc nổi dậy vào các làng xóm mới được xác lập. Chính ông xin Minh Mệnh ân xá cho những người nổi dậy đi khai hoang (DNTL, q. 51).

Dự án khai hoang, lấn biển, lập làng của Nguyễn Công Trứ (1828-1829) (xem bảng 2)

Kết quả của dự án này không chỉ là sự xác lập của hàng vạn người trên đất mới được khai mở hay các con số về đồng ruộng, lương thực, đơn vị hành chính mà còn là một ngôi đền của lòng dân. Vương triều Nguyễn và Nguyễn Công trứ đã không để lại một tượng đài nào ở vùng duyên hải này mà chính dân chúng đã xây dựng đền thờ. Đó phải chăng là  khi lòng dân lên tiếng.

Dân biết rõ ai là người đáng thờ và đâu là nơi trao gửi niềm tin.

Niềm tin đó, như câu chuyện về Nguyễn Công Trứ gợi ý, không đến từ sức mạnh quân sự, từ sự phô diễn của những ngôn từ chính trị lớn lao hay các thủ thuật mang tính Machiavelli, mà là sự chuyển hóa những ý tưởng cai trị thiết thực ra thực tế, biến thành hành động, và tạo ra hiệu quả. Niềm tin được thắp lên từ chính sình lầy, đồng ruộng chứ không phải các đài phun nước hay cổng chào tráng lệ.

Giống như bức hoành phi trong đền thờ Nguyễn Công Trứ: “Làm ruộng dưỡng đức”, chỉ có bức tượng đài tạc trong lòng dân mới trường tồn cùng năm tháng. Các ông vua đến rồi đi, vương triều thịnh rồi suy, tướng quân thành rồi bại, tể tướng thăng rồi giáng, chỉ có nhân dân là còn mãi. Một khi đã bước vào ngôi đền nhân dân thì dù là thời quân chủ, thời thuộc địa hay thời hiện đại… niềm tin và sự ngưỡng vọng sẽ vẫn nguyên giá trị.

Đáng tiếc đây chỉ là một trong số các thể nghiệm chính trị ít ỏi ở đầu thế kỷ XIX, trong bối cảnh của hệ thống chính trị quan liêu ngày càng thắng thế ở Huế và đã không được nhân rộng. Người Việt đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ để thoát khỏi khủng hoảng và phát triển kinh tế xã hội. Vẫn còn đó bài học của tiền nhân hôm qua cho hôm nay và ngày mai.

Tham khảo:

Vũ Đức Liêm. “Chơi với vua như đùa với hổ”: Nguyễn Công Trứ trong trật tự quyền lực của Minh Mệnh, trong Nguyễn Công Trứ và Sự nghiệp lập thân kiến quốc, biên tập: Nguyễn Công Lý, Đoàn Lê Giang, Lê Quang Trường, Nguyễn Ái Học (Hà Nội: KHXH, 2018): 157-187.

Vũ Đức Liêm
.
.