Cội nguồn những thành công của nước Mỹ

Thứ Tư, 14/09/2016, 15:21
Lịch sử Hoa Kỳ là một hiện tượng độc đáo, gợi nhiều cảm hứng, đến mức nhiều khi nó được thần thánh hóa. Không ai có thể thống kê được hết các tác phẩm viết về quốc gia đặc biệt này.

Thái độ của dân chúng đối với Hoa Kỳ cũng đầy mâu thuẫn. Những thành công sáng chói của Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực khiến cả loài người không chỉ ngưỡng mộ mà còn được hưởng lợi. Một số người coi xã hội Mỹ là hình mẫu để noi theo.

Và trên thực tế, hàng triệu người khắp thế giới đang vay mượn không chỉ kỹ thuật mà cả lối sống, cách ăn mặc, giải trí và quan niệm thẩm mỹ của họ. Nhưng mặt khác, mối ác cảm đối với Hoa Kỳ cũng chưa bao giờ thuyên giảm. Đôi khi, mối ác cảm thậm chí biến thành bạo lực, như những gì chúng ta chứng kiến vào buổi sáng ngày 11-9-2001. Đi xa hơn, có những nhà nghiên cứu, như Emmanuel Todd, lại khẳng định Hoa Kỳ đang tiến đến sự suy vong.

Thực ra, đã nhiều người dự báo sự suy tàn của Hoa Kỳ. Vào những thập niên 70-80 của thế kỷ XX, người ta còn khẳng định như đinh đóng cột rằng Nhật Bản sẽ vượt, sẽ "mua dần" cả Hoa Kỳ. Liên Xô, trước khi sụp đổ, đã từng đặt ra tham vọng "chôn vùi" Hoa Kỳ với khẩu hiệu "Ai thắng ai". 

Ngày nay, Trung Quốc lại đang khởi đầu cho một giả thuyết mới. Nhưng sau mỗi lần chao đảo, Hoa Kỳ lại vươn lên mạnh mẽ. Hoa Kỳ là nước duy nhất trên thế giới đã đi lên không ngừng trong suốt lịch sử của mình.

Đâu là nguồn gốc của sự năng động và nguồn năng lượng khổng lồ kia? Cho đến nay, ít nhất có bốn lý thuyết với tham vọng trả lời câu hỏi đó.

Thứ nhất là lý giải của Alexis de Tocqueville, trong Nền dân chủ Mỹ. Theo De Tocqueville, những người châu Âu di cư đến lục địa mới còn "hoang vu" đã xây dựng một xã hội mới, xã hội dân chủ, trong đó mọi công dân được bình đẳng về cơ hội và chính tinh thần dân chủ đó làm nên sức mạnh của nước Mỹ. 

De Tocqueville không tuyệt đối hóa nền dân chủ, nhưng ông coi đó là hình mẫu tất yếu của thời đại. Ông tin rằng những khiếm khuyết của nền dân chủ Mỹ có thể được sửa chữa dễ dàng bởi quyền lực tối cao của nhân dân.

Thứ hai là thuyết Nồi hầm (Melting Pot) do J. Hector St. John de Crevecoeur đưa ra và trở nên nổi tiếng nhờ vở kịch The Melting Pot của Zangwill. "Nồi hầm" là ẩn dụ về một xã hội có thể tiếp nhận những người nhập cư với quá khứ, truyền thống khác nhau, hòa trộn và chuyển hóa họ thành những "người Mỹ" bình đẳng và tự do sáng tạo vì mục đích chung.

Thứ ba là lý giải của Max Weber trong Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản. Theo Weber, bản chất của chủ nghĩa tư bản, không phải là sự tìm kiếm lợi nhuận một cách cơ hội, mà là xu hướng tích lũy thuần lý, không ngừng, dựa trên sự tổ chức xã hội thuần lý, trong đó hệ thống luật pháp và sự tồn tại của lao động tự do đóng vai trò quan trọng. 

Tinh thần của nghĩa tư bản, theo Weber, tương hợp với đạo đức Tin lành của những người di cư châu Âu. Coi sự hoàn thành chức phận trong đời sống thế tục như là sự hoàn thành thiên chức, đồng thời cũng không khuyến khích lối sống không hạnh, đạo đức Tin lành thúc đẩy tín đồ làm việc, kiếm nhiều, nhưng không hoang phí mà tái đầu tư để sinh lợi.

Thứ tư là Biên cương luận được Frederick Jackson Turner. Trong luận văn Ý nghĩa của đường biên trong lịch sử nước Mỹ (1893), Turner lập luận rằng đối với những người châu Âu mới di cư đến Mỹ, luôn có một đường biên giới phía tây, ngăn cách vùng đất đã được khai hóa với vùng đất "hoang vu" - nơi cả cơ hội lẫn hiểm nguy đang chờ đợi họ. 

Theo Turner, công cuộc vượt biên tây tiến không ngừng làm tính cách Mỹ: thực dụng, quả cảm, nhiệt huyết và dân chủ. Nhưng người ủng hộ ý tưởng này thậm chí đi xa hơn, cho rằng lịch sử nước Mỹ chính là những cuộc vượt biên, đầu tiên là các biên giới địa lý, sau đó là biên giới chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, và thậm chí là giới tính.

Cả bốn lý thuyết nói trên đều có nhiều người ủng hộ và phản bác. Dưới đây, chúng tôi sẽ cố gắng tìm một cách lý giải khác, bắt đầu bằng những phân tích ít nhiều mang màu sắc kinh tế, nhưng xin khẳng định ngay rằng sẽ không đầy đủ nếu xem xét Hoa Kỳ chỉ đơn thuần như là đối tượng của kinh tế học.

Theo chúng tôi, cần phải phân biệt Hoa Kỳ ở hai tư cách: tư cách một quốc gia và tư cách một thử nghiệm của nhân loại. Nếu chỉ với tư cách thứ nhất thì Hoa Kỳ, dù là một đế quốc siêu cường, cũng sẽ có ngày suy tàn. Sức sống của Hoa Kỳ là nhờ tư cách thứ hai mà chúng ta sẽ khảo sát kỹ hơn dưới đây. Theo chúng tôi, về bản chất, Hoa Kỳ là một đặc khu kinh tế tự do khổng lồ mà nhân loại đã xây dựng nên một cách tự nhiên.

Đặc khu kinh tế tự do (ĐKKTTD) là một thuật ngữ không thật rõ ràng. Có hai quan niệm chủ yếu. Quan niệm thứ nhất, cho rằng đó là những khu công nghiệp chuyên môn hóa, sản xuất hàng xuất khẩu, tách rời khỏi chế độ thương mại và thuế quan của một nước và áp dụng chế độ thương mại tự do. 

Quan niệm thứ hai, cho rằng ĐKKTTD không chỉ bao gồm khu vực chuyên môn hóa sản xuất hàng xuất khẩu mà còn bao gồm cả những khu vực được chính phủ cho phép như khu cảng tự do, khu tự do thuế quan, khu mậu dịch tự do, kho qua cảng... 

Trong cả hai trường hợp, nó giống như một ốc đảo trong lòng một quốc gia, trong đó, các quan hệ kinh tế và văn hóa, như thương mại, hải quan, luật pháp..., được tự do hóa, cho phép nó trở thành cửa ngõ để tiếp nhận vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đồng thời khai thác một cách hiệu quả mọi tiềm năng tự nhiên và con người để phát triển. 

Ngoài hiệu quả về kinh tế, các ĐKKTTD còn cho phép tiến hành những thử nghiệm tự do hóa mà không ảnh hưởng đến chế độ chính trị của quốc gia. Nếu thành công, những thử nghiệm này có thể được xem xét để nhân rộng ra toàn quốc.

ĐKKTTD hiện đại đầu tiên được xây dựng tại Đài Loan vào năm 1966, sau đó lan sang Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam. Thực ra, từ đầu thế kỷ XIX, các hải cảng ở Singapore, Penang, Hong Kong và Philippines đã có thể coi là những ĐKKTTD.

Hoa Kỳ mới là ĐKKTTD không chỉ sớm nhất, rộng lớn nhất, mà còn thành công nhất. Giống như các ĐKKTTD hiện đại, cách đây hơn hai thế kỷ, Hoa Kỳ là một ốc đảo tự do cấy vào trái đất đang chìm đắm dưới sự thống trị của nhà thờ và vua chúa. 

Cũng giống người dân nghèo Trung Quốc ngày nay đổ xô đến Thâm Quyến, người dân châu Âu của những thế kỷ trước cũng đổ xô đến Tân thế giới với khát vọng làm giàu và tự do.           

Sự hình thành ĐKKTTD tự do khổng lồ này vừa ngẫu nhiên vừa tất nhiên. Về địa lý, châu Mỹ nằm tách biệt khỏi Cựu lục địa, vì thế tính chất tự do của nó được thể hiện tối đa. Về kinh tế, sự lưu thông tự do của hàng hóa, tiền vốn và lao động cho phép tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa sản xuất, đồng thời khai thác một cách hiệu quả những thế mạnh tại chỗ về tài nguyên, thị trường, đất đai, nhân công và văn hóa. 

Về chính trị - xã hội, cùng với quy luật thị trường, sự thoát khỏi các thiết chế châu Âu hà khắc là điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự hình thành một xã hội dân chủ và giải phóng năng lực sáng tạo của mọi tầng lớp người dân, biến Hoa Kỳ thành một thứ siêu dân tộc luôn đứng ở tuyến đầu của sự phát triển.

Nhưng Hoa Kỳ không đơn thuần là một ĐKKTTD, mà còn là nơi thử nghiệm chủ nghĩa tự do về văn hóa, chính trị, xã hội và nghệ thuật. Ngày nay, trung tâm của nghệ thuật thế giới không phải là London hay Paris, mà là New York, nơi thử thách đối với hầu hết các nghệ sĩ để đạt được tầm vóc quốc tế, đồng thời, phim ảnh Hoa Kỳ thống trị thế giới cùng công nghệ cao và đồ ăn nhanh. 

Thay vì phê phán nặng nề và dễ dãi, chúng ta cần nhìn thấy ở đây sự hòa trộn những giá trị văn hóa của mọi quốc gia, đồng thời là một quá trình lựa chọn và lan tỏa của chúng. 

Hoa Kỳ không phải là một xứ sở hoàn hảo, nhưng có xu hướng và khả năng tự điều tiết. Mọi cơ chế đã định hình đều có nguy cơ sụp đổ khi không còn phù hợp. Nhưng Hoa Kỳ không phải là một cơ chế đã định hình. Là một quốc gia, nó đồng thời cũng là một quá trình thử nghiệm, trong đó sự lựa chọn và đào thải diễn ra không ngừng, mọi sai lầm sẽ được cuộc sống sửa chữa. Về điểm này chúng ta có thể so sánh Hoa Kỳ với Liên Xô. 

Khi mới xuất hiện, Liên Xô cũng từng là một cộng đồng tiên phong, nơi loài người thử nghiệm những ý tưởng phát triển mới mẻ. Tính chất tiên phong của nó đã có sức lôi cuốn mãnh liệt không chỉ đối với nhân dân lao động mà cả với toàn thế giới. 

Sự giải phóng năng lực sáng tạo của nhân dân cùng với niềm tin vô bờ bến vào lý tưởng cao đẹp của chế độ mới chính là nguồn gốc những tiến bộ vượt bậc của Liên Xô. Nhưng sau đó, Liên Xô dần tự khép kín vào những nguyên tắc giáo điều, triệt tiêu khả năng tự đổi mới. Nó không còn là một cộng đồng tiên phong nữa và đã bị lịch sử bỏ qua.

Những phân tích trên đây cho phép rút ra những nhận thức rất quan trọng và cần thiết không chỉ với chúng ta, những người đang tiếp nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ, mà còn cả với người dân Hoa Kỳ, đặc biệt là những người ở trong bộ máy chính quyền. Người ta cần phải nhận thức vai trò đầu tàu của Hoa Kỳ, không phải với tư cách một siêu cường, cái không hề chắc chắn và không hề vĩnh cửu, mà với tư cách kẻ tiên phong cho những thử nghiệm tiến bộ. 

Dĩ nhiên là không tưởng, nhưng nếu có một thể chế như vậy, cuộc đối thoại giữa Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với Liên Hiệp Quốc sẽ có cơ hội trở thành cuộc đối thoại giữa hai tổ chức quốc tế, một tổ chức đại diện cho các thử nghiệm phát triển, còn tổ chức kia, cho các khuôn khổ hợp tác và an ninh.

Ngô Tự Lập
.
.