Chúng ta đang “sống thật” trên “hệ sinh thái ảo”

Thứ Hai, 28/12/2020, 17:34
Cách đây khoảng chục năm, khi thấy bạn bè mình tham gia mạng xã hội và gặp một chuyện thị phi nào đó trên mạng, chúng ta thường nói một câu cửa miệng: “Mạng ảo ấy mà!”. Thời điểm ấy, khi số lượng người tham gia Facebook chưa nhiều, quả nhiên trong chúng ta có sự phân biệt giữa “mạng ảo” và “đời sống thực”. Chúng ta hiểu khoảng cách và sự khác nhau giữa hai thế giới ấy. Chúng ta nhận thức rằng: mạng ảo chỉ kiến tạo giá trị ảo, đời sống thực mới kiến tạo giá trị thực.


Nhưng, hiện tại câu chuyện không như vậy nữa. Chúng ta sẽ không bất ngờ nếu chứng kiến một người bạn/hoặc một nhóm bạn nào đó gắng sức đi tìm một quán cà phê thật đẹp. Họ sẽ đến đó, không phải để nói chuyện với nhau, không phải để tận hưởng những cảm giác đặc biệt nào đó mà không gian cà phê có thể mang lại. Họ đến đó với mục đích cao nhất là để chụp những bức ảnh thật đẹp. 

Và, sau khi đã có những bức ảnh thật đẹp, họ sẽ thực hiện một mục đích cao hơn nữa: post những tấm ảnh lên Facebook. Họ sẽ chờ đợi những cái like, những dòng comment. Họ sẽ thích thú với những dòng comment khen ngợi và cau mày với những dòng comment chỉ trích. Họ sẽ âm thầm xóa những dòng comment mỉa mai và đốp chát với những dòng comment thóa mạ. 

Chưa hết, khi phải tạm đóng điện thoại hoặc máy tính để làm những công việc khác, trong họ luôn thấp thỏm một câu hỏi: liệu có người nào mới like hoặc mới comment không nhỉ? Và thế là đang làm công việc chuyên môn của mình, thi thoảng họ lại giở điện thoại hoặc máy tính ra, vào Facebook, nhìn lên biểu tượng quả chuông ở trên cùng, bên phải cửa sổ Facebook xem có một màu đỏ kỳ diệu nào hiện ra không. Nếu có, họ sẽ hào hứng. Nếu không, một thoáng thất vọng sẽ chạy qua đầu óc họ.

Ảnh: L.G

Toàn bộ quá trình đó là quá trình tìm kiếm cảm xúc thật. Tức là chúng ta đang ở một giai đoạn tìm kiến cảm xúc thật không phải chỉ nhờ những tương tác thật trong đời sống, mà là trên một nền tảng ảo. Đấy chỉ là một ví dụ giản dị nhất và gần gũi nhất cho cả ti tỉ những ví dụ cho thấy: mạng ảo đã mang tới những giá trị thật như thế nào. 

Nếu là một KOLs (người có tầm ảnh hưởng) trên mạng, bạn sẽ thấy mạng ảo đem đến cho mình những sự tung hô thật, những sự ngưỡng mộ thật và từ đó đương nhiên tạo ra những trường suy nghĩ, cảm xúc có thật trong con người mình. Nếu là một người buôn bán online, bạn sẽ thấy mạng ảo đem đến cho mình những đồng tiền thật. 

Nếu là những nhà quảng cáo, bạn sẽ thấy mạng ảo đem đến cho mình những tệp khách hàng thật và nếu có một chiến thuật khôn ngoan, đánh trúng tâm lý của từng tệp khách hàng, bạn sẽ đạt được một hiệu quả quảng cáo lớn hơn mọi loại hình quảng cáo truyền thống ở trong đời sống thật. 

Nếu là Mac Zuckerberg (ông chủ của Facebook) thì khỏi nói, bạn sẽ hiểu công cụ mà mình đang nắm giữ trong tay sẽ tạo ra những tác động thật - những xu hướng thật - những giá trị thật, khủng khiếp tới nhường nào.

Nó khủng khiếp tới mức có thể góp phần quan trọng để tạo ra cả một đặc tính chưa từng có trong lịch sử loài người: đặc tính hậu sự thật - nơi mà ai biết thiết kế những chương trình đánh vào cảm xúc của công chúng, chứ không phải là trí tuệ của công chúng, người đó sẽ chiến thắng. Nó khủng khiếp tới mức hoàn toàn có thể làm thay đổi kết quả một cuộc bầu cử ở ngay cả những quốc gia văn minh, hiện đại nhất thế giới. Nó khủng khiếp tới mức có thể tạo ra những thứ đạo, những thứ sùng bái, những thứ tín ngưỡng mà hàng loạt những vị giáo chủ trước đây có nằm mơ cũng không từng nghĩ đến.

Vậy thì lúc này ai dám bảo mạng ảo chỉ là ảo?

Mạng ảo đã làm thay đổi thói quen của chúng ta.

Mạng ảo đã làm thay đổi hành vi của chúng ta.

Mạng ảo đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta.

Mạng ảo đã làm thay đổi các phương pháp thiết kế đời sống của chúng ta.

Đến lúc này, dù muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận rằng: mạng ảo đang hiện hữu thật - trở thành một hệ sinh thái có thật - trở thành một dạng thức tồn tại có thật trong đời sống của chúng ta.

Tôi quen một nhà nghiên cứu văn học trước đây vốn dị ứng với “cái chợ Facebook” - lời của anh, nên anh kiên quyết không tham gia Facebook. Nhưng, khi chúng ta thực hiện đợt cách ly xã hội để phòng chống COVID-19, khi mà mọi giao tiếp đời thường bị hạn chế tối thiểu và mọi giao tiếp online được phát huy tối đa thì anh bắt buộc phải vào “cái chợ Facebook” ấy. Anh bảo: “Bắt buộc phải vào để giao tiếp với đồng nghiệp. Thậm chí, những nhà nghiên cứu chúng tôi khi đó còn lập những nhóm chat để thảo luận các vấn đề học thuật”. 

Nhưng, anh cũng cho biết: “Khi xã hội bình thường trở lại, không cách ly nữa, tôi sẽ bỏ Facebook liền”. Bạn thử đoán xem, anh bạn tôi có thực hiện lời mình nói hay không? Nếu là người đã từng tham gia Facebook, bạn có thể dễ dàng từ bỏ nó không?

Ảnh: L.G

Câu trả lời là: anh bạn tôi đã thực hiện đúng lời cam kết của mình. Anh đã đóng Facebook lại. Nhưng rồi đúng một tuần sau, tôi đột nhiên thấy trên Facebook của anh xuất hiện một status mới. Hỏi ra mới biết: “Facebook tiện ích hơn mình tưởng. Không dùng không sao, chứ dùng nó quen rồi. Một tuần không có nó cứ thấy ngứa ngáy thế nào...”. 

Xin nói thêm, anh bạn tôi vốn nghiên cứu văn học cổ điển, chuyên làm việc với những văn bản xưa cũ và sống lạc thời tới độ chúng tôi thường nhận xét: “Cậu là người của thế kỷ 19, chứ không phải thế kỷ 21”. Ấy thế nhưng khi đã chớm vào Facebook, chớm làm quen với những thứ giá trị (có lẽ là cả giá trị tích cực lẫn tiêu cực mà nó đem lại) thì “người của thế kỷ 19” cũng không dễ gì rời xa nó.

Những tác động nhiều chiều của mạng ảo lên đời sống, việc chúng ta âm thầm bị thu thập dữ liệu cá nhân khi tham gia mạng ảo, dẫn đến việc phải chịu một tác động thật nào đó trong đời sống là đề tài đã được nói đến rất nhiều. Trong khuôn khổ bài viết này, xin không nói lại. Ở đây xin nhấn mạnh tới một cách thức tồn tại rất đáng chú ý của con người ở thế kỷ 21: Tồn tại thật trong đời sống thật và tồn tại thật trong hệ sinh thái ảo.

Từ chỗ sống ảo trên hệ sinh thái ảo tới chỗ sống thật trên hệ sinh thái ảo là một bước phát triển âm thầm nhưng mãnh liệt và tất yếu. Nếu như 20 thế kỷ trước, tổ tiên của chúng ta chỉ có duy nhất một hệ sinh thái để sống thật thì lúc này chúng ta có ít nhất 2 hệ sinh thái để sống thật. Nó sẽ đặt ra ít nhất 2 câu hỏi mang tính triết học:

1. Chúng ta hạnh phúc hơn hay đau khổ hơn so với tổ tiên mình?

2. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), trong tương lai liệu chúng ta sẽ có (hay “bị có”?) thêm những hệ sinh thái nào để sống thật nữa không? Liệu sau cái “ảo” có phải là cái “siêu ảo” hay không?

Trước những câu hỏi này, cá nhân tôi nghĩ nhiều tới kết cấu sinh học thuần túy của con người. Kết cấu sinh học ấy giúp chúng ta đủ tự tin để sống thật trong hệ sinh thái thật. Nhưng, kết cấu sinh học ấy có giúp chúng ta đủ tự tin để sống thật ở thêm một hệ sinh thái nữa - hệ sinh thái ảo, hay không? Ví dụ: Hệ sinh thái ảo thả chúng ta vào một đại dương thông tin mênh mông, hỗn loạn và bộ não sinh học của chúng ta không thể xử lý tích cực (nếu không muốn nói là bất lực) với biển cả mênh mông ấy. Một số công cụ hỗ trợ như những trang web chống tin giả (vốn nằm ngoài bộ não) chỉ có thể giúp chúng ta giải quyết ít nhiều.

Và, trong tương lai, với sự lên ngôi của AI và Big data (dữ liệu lớn) thì kết cấu sinh học hiện tại rồi sẽ còn tụt hậu, lỗi thời, trơ khấc đến nhường nào? Trong trường hợp đó, liệu chúng ta có bắt buộc phải biến đổi kết cấu sinh học vốn có bằng cách cài vào đó một bộ nhớ/một thiết bị/một sáng chế công nghệ nào đó không? Nếu có thì điều này liệu có xâm phạm gì tới quyền tự do cơ bản của loài người hay không? Rõ ràng, đấy là những vấn đề về công nghệ, về sinh học, về tinh thần bắt buộc phải đặt ra cho tương lai loài người.

Có thể bạn nghĩ đây là một vấn đề viển vông  thì xin bạn hãy nghĩ lại, bởi chỉ khoảng 80 năm về trước, nếu ai đó hình dung tới cảnh sẽ có một ngày loài người có thể ngồi trước một cái máy (mà bây giờ chúng ta gọi là “máy tính”), vào một cái mạng (mà bây giờ chúng ta gọi là “mạng Internet”), rồi lên một hệ sinh thái (mà bây giờ chúng ta gọi là “Facebook”) để lên kế hoạch tấn công một quốc gia thì chắc chắn người ấy sẽ bị qui kết là phi thực tế. Vậy mà sau 80 năm, cái điều “phi thực tế” ấy đang trở thành sự thực.

Rõ ràng, loài người làm ra công nghệ nhưng sự phát triển của công nghệ đến một lúc nào đó sẽ đặt ra hàng loạt bài toán mới về cách thức sinh tồn của loài người.

Một đứa bé khi sinh ra bắt buộc phải được cài đặt vào não một con chíp hoặc một thiết bị công nghệ đủ tinh vi để có thể sinh tồn trong những hệ sinh thái mới. 100 năm nữa, nếu câu chuyện này xảy ra thì cũng chẳng nên bất ngờ!

Phan Mỹ Chí
.
.